Huyện Thạnh Hóa: Diện mạo đô thị và nông thôn nhiều khởi sắc

Sau 34 năm thành lập, diện mạo nông thôn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạnh Hóa tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức xây dựng Thạnh Hóa ngày càng phát triển nhanh và bền vững

Kinh tế phát triển đúng định hướng

Cơ cấu kinh tế huyện Thạnh Hóa dần có sự chuyển dịch đúng định hướng khi tăng dần tỷ trọng Công nghiệp-xây dựng và dịch vụ với cơ cấu ngành Nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 46,31%, công nghiệp-dịch vụ chiếm 33,48%, và xây dựng chiếm 20,21%. Dự báo từ nay đến cuối năm 2025, giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) của Thạnh Hóa ước đạt từ 6.700 tỷ đến 7.000 tỷ đồng.

huyện Thạnh Hóa
Ông Phạm Tùng Chinh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa

Ông Phạm Tùng Chinh – Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa cho biết: Xác định nông nghiệp là trụ cột chính trong phát triển kinh tế, Thạnh Hóa đã thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tổng diện tích gieo sạ lúa hàng năm của huyện trên 41.000 ha, tổng sản lượng đạt trên 230.000 tấn/ năm. Huyện đang triển khai thực hiện Chương trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết tại 09/11 xã, thị trấn của huyện với diện tích triển khai đến nay lũy kế đạt 3.225,3/3.550 đạt 90,85% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; giá thu mua ở các mô hình điểm bình quân cao hơn ngoài cánh đồng từ 200 đ/kg, đầu ra ổn định, lợi nhuận mang lại khá cao. Các loại cây trồng khác như: khoai mỡ, dưa hấu tăng về diện tích, sản xuất có lợi nhuận cao, từ đó dần hình thành các vùng sản xuất tập trung có triển vọng phát triển lâu dài.

Toàn huyện có 15 HTX nông nghiệp, huyện đang tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, rà soát kiện toàn và nâng cao chất lượng các HTX để thực hiện các chuỗi liên kế sản xuất, nâng lên chất lượng sản phẩm nông nghiệp, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm, qua đó đã xây dựng được 06 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao được tỉnh công nhận.

Song song với đó, nhằm tạo sự đột phá về tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, những năm vừa qua huyện Thạnh Hóa tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm mới cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.

Toàn huyện có 195 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, chủ yếu ở lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, bao bì, may mặc...đặt biệt là nhà máy điện từ năng lượng mặt trời tại xã Thạnh An, công suất khoảng 200 triệu KWh/năm, tổng giá trị dự án trên 3.500 tỷ đồng; nhà máy kết cấu thép GB STEEL tại xã Tân Tây đã giải quyết việc làm cho trên 300 lao động tại địa phương.

Công tác thu ngân sách được tập trung quản lý, khai thác tốt, tổng thu ngân sách hàng năm trung bình tăng 84% chỉ tiêu tỉnh giao. Để đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, từ nay đến cuối năm, huyện Thạnh Hóa tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tăng cường đầu tư phát triển các lĩnh vực, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhằm tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt thi công hoàn thành các công trình đã khởi công, dự án giao thông nông thôn và các công trình xây dựng cơ bản đúng theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án lớn của huyện. Đồng thời duy tu, sửa chữa các tuyến lộ, cầu hư hỏng, gia cố chống sạt lở, nhất là lộ ngõ xóm, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.

Bên cạnh đó, huyện triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới. Để thu hút các nhà đầu tư, huyện Thạnh Hóa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư theo chiều sâu, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tăng cường liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung vào ngành, lĩnh vực mà huyện có tiềm năng.

Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới giai đoạn 2026-2030

Huyện Thạnh Hóa có 11 xã và thị trấn. Hiện nay, huyện Thạnh Hóa có 05 xã đạt NTM, trong đó có xã Tân Tây đạt NTM nâng cao. Giai đoạn 2026-2030, Huyện Thạnh Hóa phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới, xây dựng NTM đảm bảo “hiệu quả toàn diện và bền vững”, cụ thể là: Hiệu quả về sử dụng các nguồn lực; toàn diện ở các lĩnh vực, các cấp; bền vững về môi trường.

huyện Thạnh Hóa
Thạnh Hóa tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng

Để đạt được mục tiêu đó, huyện tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã; cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và đảm bảo mỹ quan; tiếp tục hoàn chỉnh các công trình cấp xã, cấp huyện, đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học.

Thạnh Hóa tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã; chợ đầu mối, hệ thống cung ứng nông sản... Đồng thời chú trọng phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Huyện đẩy mạnh chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc dẩy qua trình chuyển đổi số trong NTM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.

Thạnh Hóa quyết tâm thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn.., góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương theo hướng bền vững.

Long An tăng cường thúc đẩy hợp tác toàn diện với các địa phương, doanh nghiệp Hoa Kỳ

Chung Thắng