Kỳ họp thứ 9: Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề trọng đại

(Chinhphu.vn) - Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII chính thức khai mạc tại Hội trường Ba Đình. Kéo dài hơn một tháng, nhiều vấn đề trọng đại liên quan đến quốc kế, dân sinh sẽ được các đại bi
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông báo chương trình Kỳ họp thứ 9. Ảnh VGP/Lê Sơn

Dự kiến kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến 15 dự án luật, thông qua 4 nghị quyết chuyên đề và cho ý kiến đối với Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật"; Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8; Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân và nghe Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

Về hoạt động lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua một số dự án luật quan trọng, có tác động sâu rộng tới sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân. Cụ thể, Quốc hội sẽ thông qua Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, Luật kiểm toán nhà nước, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật ban hành văn bản pháp luật...

Theo đó, Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi lần này có 8 chương, 50 điều, trong đó tập trung sửa đổi các nội dung như: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; sự phân cấp của Chính phủ, của các bộ với chính quyền địa phương... Một số nội dung quan trọng được các đại biểu cho ý kiến tại kỳ họp như: Tên gọi, phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo luật; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; cơ cấu của Chính phủ; bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; cơ cấu tổ chức và cấp phó của người đứng đầu cơ quan bộ...

Đối với Luật chính quyền địa phương, một trong những nội dung quan trọng nhất là mô hình tổ chức chính quyền địa phương; phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân trong một số lĩnh vực cụ thể; cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Trong số 15 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp này, đáng chú ý và nhận được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân là Bộ luật dân sự sửa đổi, Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, Bộ luật hình sự sửa đổi và Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật phí và lệ phí, Luật trưng cầu dân ý...

Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, Bộ luật dân sự của nước ta là đạo luật quan trọng, điều chỉnh nhiều mặt quan hệ xã hội liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân, hoạt động hàng ngày của người dân và doanh nghiệp. Sau 9 năm thi hành, Bộ luật hiện hành đã có những tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay nhiều có nhiều quy định không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Đó là yêu cầu về việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; về hội nhập quốc tế trong tình hình mới... Dự thảo luật đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ ngày 5/1/2015 đến ngày 5/4/2015 với tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với bộ luật hiện hành, dự thảo giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều và bãi bỏ 147 điều.

Một trong những đạo luật khác được đông đảo cử tri quan tâm là Luật trưng cầu dân ý. Nhằm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân và mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, việc xây dựng đạo luật này là cần thiết, góp phần tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ XHCN ở Việt Nam bởi từ Hiến pháp 1946 đến nay vấn đề trưng cầu dân ý mới được cụ thể hóa thành luật của Quốc hội.

Về xem xét, thảo luận các vấn đề KT-XH, tại kỳ họp Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, tình hình KT-XH năm 2014 có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại tệ nhà nước tăng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước đến nay; xuất khẩu duy trì tăng trưởng cao, năm thứ 3 liên tục xuất siêu; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép... niềm tin vào nền kinh tế của các doanh nghiệp được phục hồi.

Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội cũng thảo luận Nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Một số nội dung của dự án được Quốc hội xem xét là sự cần thiết của dự án, các phương án đầu tư, tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, diện tích sử dụng đất cho dự án, phương án bồi thường và tái định cư...

Đặc biệt, tại kỳ họp lần đầu tiên Ủy ban thường vụ Quốc hội có báo cáo giám sát chuyên đề về "Tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan". Nội dung của báo cáo giám sát chuyên đề này tập trung vào đánh giá tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nguyên nhân của tình hình oan sai và việc bồi thường cho người bị oan.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Tại Kỳ họp này, các đại biểu cũng sẽ dành thời gian để thảo luận, cho ý đối với các Văn kiện sẽ trình tại Đại hội Đảng lần thứ XII tới đây.

Về công tác phục vụ Kỳ họp, các đại biểu sẽ được sử dụng công nghệ "hỗ trợ tức thì" từ trong nghị trường đang diễn ra cuộc họp liên kết với thư viện của Quốc hội đối với các vấn đề mà đại biểu quan tâm. Theo đó, đại biểu có thể gửi câu hỏi hoặc cần tìm kiếm số liệu về KT-XH, quốc phòng an ninh từ máy tính của mình để kết nối với thư viện Quốc hội và được cung cấp thông tin tức thì phục vụ cho phát biểu, thảo luận, cho ý kiến của đại biểu. "Như vậy, đại biểu sẽ mang máy tính cá nhân vào phòng họp để tra cứu thông tin, chứ không phải để lướt web, đọc báo", ông Nguyễn Sĩ Dũng thông tin.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII chính thức khai mạc vào sáng 20/5, kéo dài đến hết ngày 26/6/2015.