Lãi suất tiết kiệm giảm sâu, tại sao dòng tiền vẫn “chảy” về ngân hàng?

Lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng lại ghi nhận tình trạng tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng sau 9 tháng đầu năm bất chấp lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng lớn đã về ngang giai đoạn Covid-19.

Tăng trưởng huy động vượt tín dụng lần đầu tiên sau 3 năm

Lãi suất tiết kiệm
Bất chấp lãi suất tiết kiệm giảm từ đầu tháng 7/2023 đến nay, dòng tiền nhàn rỗi vẫn đang chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng.

Dữ liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%; và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,73% so với cuối năm 2022.

Đồng thời, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (SBV), tính đến cuối tháng 6/2023, tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 4,6% so với đầu năm. Như vậy, bất chấp lãi suất tiết kiệm giảm từ đầu tháng 7/2023 đến nay, dòng tiền nhàn rỗi vẫn đang chảy vào hệ thống ngân hàng.

Đáng chú ý, đây cũng là lần đâu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới ghi nhận lại tình trạng huy động vốn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Trong các năm trước, tăng tưởng tín dụng luôn cao hơn đáng kể so với huy động vốn. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, huy động vốn đạt 4,6% nhưng tăng trưởng tín dụng lên đến 11,05%. Trong 9 tháng đầu năm 2021, huy động vốn đạt 5,2% nhưng tăng trưởng tín dụng là 7,88%. 

Tính từ đầu năm đến nay SBV đã 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, khiến lãi suất tiết kiệm và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng Đồng Việt Nam tại các ngân hàng thương mại hiện đã giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Đặc biệt, về lãi suất tiết kiệm, mức lãi suất huy động cao nhất tại nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) hiện chỉ còn 5,5%/năm, thấp ngang với giai đoạn Covid-19.

Lãi suất tiết kiệm
Tính đến cuối tháng 8/2023, mặt bằng lãi suất tiết kiệm (%) của các ngân hàng đối với kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng đã về tương đương giai đoạn Covid-19. (Nguồn: VNDirect Research)

Mức lãi suất tiết kiệm phổ biến nhất hiện nay là trong khoảng 5,5 - 5,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện không còn ngân hàng nào duy trì lãi suất huy động ở mức 7%/năm.

Theo số liệu của Yuanta Việt Nam, trong quý 4/2022, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng mạnh (tăng 6,4% so với quý trước) đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất vào 10/2022 và phần lớn tiền gửi trong giai đoạn này là tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Do đó, Yuanta Việt Nam ước tính khoản tiền gửi trị giá khoảng 496.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2023.

Bệnh “thừa tiền” tại nhiều ngân hàng

Vậy tại sao lãi suất huy động giảm sâu nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm là điểm đến? Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, nhu cầu gửi tiền tiết kiệm từ cư dân và doanh nghiệp là luôn có bất chấp các lần điều chỉnh giảm lãi suất. Dù lãi suất tiết kiệm đã giảm nhưng với mức gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên lãi suất hiện tại khoảng 5,5%-6,5%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì vẫn đang hưởng mức lãi suất thực dương.

Đồng thời, khẩu vị rủi ro tại mỗi thời điểm và của mỗi chủ thể khác nhau, và vẫn có một phần nhỏ dòng tiền nhàn rỗi đã chuyển từ tiết kiệm sang sản xuất kinh doanh, chứng khoán, bất động sản…

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại mức chênh lệch giữa huy động với tín dụng trở nên cách biệt rõ rệt hơn chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp, gây ra “bệnh thừa tiền” tại nhiều ngân hàng.

Nếu so với các năm trước thì tốc độ tăng trưởng của huy động vốn trong 9 tháng đầu năm nay vẫn ở mức bình thường. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang ở mức yếu hơn thông thường do nhu cầu trong nước yếu, khả năng hấp thụ vốn chưa có sự phục hồi… Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đang còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng 14% của năm nay. Dẫn đến thanh khoản dư thừa lớn trên toàn hệ thống.

Xem thêm: Lãi suất giảm, tỷ lệ hấp thụ căn hộ phục hồi, liệu thị trường bất động sản sắp “ấm lại”? trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngân hàng Nhà nước
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh nhiều biện pháp sẽ được triển khai quyết liệt trong thời gian tới để mở rộng tín dụng.

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội diễn ra vào tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống thấp chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.

"Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt trong thời gian tới để mở rộng tín dụng, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng giá rẻ, góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.  

Hiện một số tổ chức tài chính nhận định, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2023 nhờ sản xuất và xuất khẩu bắt đầu có tín hiệu phục hồi trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Đồng thời, hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm bắt đầu kích hoạt lại nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, theo thông lệ, nhu cầu tín dụng trong những tháng cuối năm luôn cao hơn so với các thời điểm khác trrong năm.

Đáng chú ý, nhiều tổ chức tài chính chung nhận định việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền trở lại trong thời gian gần đây thông qua kênh tín phiếu là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương, và không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt trở lại trong ngắn hạn, mà chủ yếu là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Duy Quang