Lãnh đạo Bộ Công Thương gặp mặt Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Sáng ngày 13/3/2012, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Về phía lãnh đạo Bộ có Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các Thứ trưởng và lãnh đạo các Vụ
Sau 5 năm thực hiện Đề án phát triển thương mại trong nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 27/2007/QĐ- TTg ngày 15/2/2007 và gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngành bán lẻ Việt Nam đã phát triển nhanh hơn, bước đầu tạo được vị thế trên thị trường, góp phần xây dựng nền thương mại tiên tiến, văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, đến cuối năm 2011 cả nước có 638 siêu thị tại 59/63 tỉnh thành và 117 trung tâm thương mại tại 32/63 tỉnh, thành phố. Số lượng siêu thị thành lập mới sau 5 năm Việt Nam khi gia nhập WTO (2007 - 2011) so với giai đoạn 5 năm trước (2002 - 2006) tăng hơn 20% (303/251 siêu thị), số lượng trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72% (62/36 trung tâm). Ngoài ra, còn có hàng nghìn các cửa hàng chuyên doanh và các cửa hàng tiện lợi phân bố rộng khắp cả nước. Bên cạnh sự ra đời của nhiều cơ sở bán lẻ hiện đại mới, một số cơ sở xây dựng từ những năm trước đã và đang được cải tạo, mở rộng mặt bằng kinh doanh, nâng cấp, hiện đại hoá trang thiết bị đã làm thay đổi diện mạo thương mại bán lẻ trong nước, làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam theo hướng văn minh, hiện đại và đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Ước tính chung, thị phần các loại hình bán lẻ hiện đại trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm khoảng 20% (gấp đôi thời điểm trước khi gia nhập WTO ) và đang có xu hướng tăng. Nhờ đó đã đóng góp từ 13 – 15% vào GDP của cả nước, tạo công ăn việc làm cho 5,5 triệu lao động.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam đang gặp phải không ít những khó khăn trong thời buổi hiện nay, nhất là sự cạnh tranh với các công ty bán lẻ nước ngoài đang vào Việt Nam và về cơ chế quy hoạch. Lãnh đạo Bộ Công Thương hứa sẽ có những biện pháp, hành động giúp đỡ những nhà bán lẻ Việt Nam như: Trước hết là có những cơ chế chính sách phù hợp với các dự án đầu tư nước ngoài; Có các biện pháp ưu đãi về thuế, chi phí, marketing; Tiếp tục hoàn thiện các chính sách luật pháp về thị trường phân phối bán lẻ, tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành với các địa phương, tăng cường hoạt động kết nối giữa khâu phân phối bán lẻ với nhà sản xuất và nhà quản lý; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và tiếp tục phát động cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...