Tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu các mặt hàng tháng 7/2011 tại thị trường Ấn Độ

Các mặt hàng: Gạo, cà phê, chè,hạt tiêu, điều, cao su, bông, thép.
1. Mặt hàng gạo

Ấn Độ xuất khẩu gạo Basmati tăng 27% do nhu cầu tăng cao trên toàn cầu

Theo số liệu từ Cơ quan hoạch định chính sách về phát triển nông nghiệp và thực phẩm chế biến xuất khẩu (APEDA), tính trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 6/2011, Ấn Độ xuất khẩu gạo Basmati tăng 27,3% từ 550.000 tấn năm tài chính trước lên 700.000 tấn trong năm tài chính này. Việc tăng xuất khẩu được diễn ra bất chấp các vấn đề về thanh toán của Iran, khách hàng gạo Basmati lớn nhất của Ấn Độ. Tính trong năm tài chính trước, Iran và Arập Saudi đã nhập khẩu một nửa số gạo Basmati xuất khẩu của Ấn Độ.

Các nhà xuất khẩu cho biết, việc thanh toán từ Iran diễn ra rất chậm, tuy nhiên nhu cầu gạo Basmati trên thế giới tăng 5% hàng năm làm tăng tổng số lượng xuất khẩu. Theo ông Vijay Setia, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo toàn Ấn (AIREA) cho biết, mức giá xuất khẩu trung bình gạo Basmati tăng từ 1.085 USD/tấn năm trước lên 1.131 USD/tấn trong năm tài chính này.

Năm 2010 – 11, Ấn Độ thu hoạch vượt 4,5 triệu tấn gạo Basmati, 2 triệu tấn trong đó đã xuất khẩu và đạt giá trị 120 tỷ Rupee (1USD tương đương 45 Rupee). Nửa tổng số xuất khẩu này là sang Iran và Arap Saudi.

Chính phủ Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo phi bastmati với giá tối thiểu 400 USD/tấn
Sản lượng ngũ cốc của Ấn Độ đạt mức kỷ lục 241,56 triệu tấn trong niên vụ 2010-2011 ( từ tháng 7/2010 đến tháng 6/2011) trong đó gạo đạt 95,32 triệu tấn và lúa mỳ đạt 85,93 triệu tấn.

Ngày 19/7/2011, Tổng vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ra thông báo cho biết: Chính phủ Ấn Độ đã quyết định cho phép xuất khẩu một triệu tấn gạo phi basmati với giá tối thiểu 400 USD/tấn, lệnh cấm xuất khẩu gạo đã được dỡ bỏ trong ba năm qua kể từ tháng 4 năm 2008 để kiềm chế lạm phát. Các thương nhân xuất khẩu gạo phải đăng ký với Tổng vụ Ngoại thương dựa trên cơ cở lượng gạo sẵn có. Đơn xin phép xuất khẩu của các thương nhân tối đa là 12.500 tấn và phải đi kèm với điều kiện thanh toán bằng thư tín dụng không thể hủy ngang và thư tín dụng được xác nhận. Đơn xin phép xuất khẩu gạo được gửi cho Tổng vụ Ngoại thương nhận qua thư điện tử từ ngày 21/7 và ngày cuối cùng nhận đơn xin phép xuất khẩu là ngày 22/7.

2. Mặt hàng cà phê
Giá cà phê tăng do sản lượng giảm

Tăng tiêu thụ cà phê tại các nước sản xuất cà phê đã làm tăng nhu cầu cà phê trên thị trường quốc tế, do khối lượng sản xuất ra không giữ được khoảng cách với tiêu thụ. Tiêu thụ trong nước tại các nước sản xuất cà phê tăng trong khoảng 8-10 năm qua trong khi sản lượng cà phê không tăng kịp.

Căn cứ số liệu sẵn có của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tiêu thụ cà phê trong nước của Brazil đứng ở mức 39,8% của tổng sản lượng cà phê 48 triệu bao (mỗi bao 60 kg) trong năm 2010. Năm 2002, tiêu thụ cà phê trong nước của Brazil đứng ở mức 28,4% của tổng sản lượng cà phê 48,48 triệu bao.

Tương tự như vậy tiêu thụ cà phê trong nước của Việt Nam đứng ở mức 8,6% của tổng sản lượng 18,5 triệu bao so với mức 4,5% của tổng sản lượng 11,57 triệu bao năm 2002.

Trong cùng thời kỳ, tiêu thụ cà phê trong nước của Colombia tăng lên tới 15,2% của tổng sản lượng 9,2 triệu bao từ mức 11,9% của tổng sản lượng 11,73 triệu bao.

Tại Colombia, sản lượng trong suốt thời kỳ này đã giảm 2,53 triệu bao. Tiêu thụ cà phê trong nước của Inđônêxia tăng lên tới 37,6% của tổng sản lượng 8,85 triệu bao trong năm 2010. Tiêu thụ cà phê trong nước của Êtiopia chiếm 45,4% của tổng sản lượng 7,45 triệu bao trong năm 2010.

Ban Cà phê Ấn Độ đã đưa ra các biện pháp tăng tiêu thụ trong nước để mang lại giá trị cho mặt hàng được sản xuất trong nước. Kết quả là tiêu thụ cà phê tại thị trường Ấn Độ đã tăng 36% của tổng sản lượng 4,98 triệu bao trong năm 2010 so với 23,7% của 4,77 triệu bao trong năm 2002.

Trong một năm qua, giá cả cà phê đã nóng bỏng trên thị trường quốc tế do sự thiếu hụt cà phê có chất lượng. Gía cà phê đã đứng ở mức 128,10 cents/pound trong tháng 5/2010 đã tăng lên đến mức đỉnh điểm 231,24 cents/pound vào tháng 4/2011. Nhưng giá đã bắt đầu dịu đi từ tháng 5/2011. Tuy nhiên giá cà phê sẽ tương đối cao so với năm ngoái do sự chênh lệch cung cầu mở rộng.

3. Mặt hàng chè
Ấn Độ nhập khẩu chè giảm 18% trong tháng 4-5 năm 2011

Theo số liệu gần đây nhất của Ban Chè Ấn Độ cho biết: nhập khẩu chè của Ấn Độ đã giảm gần 18% trong tháng 4-5/2011, đạt 2.310 tấn. Ấn Độ đã nhập khẩu 2.810 tấn trong tháng 4-5 năm 2010. Sản lượng chè từ tháng 1-5/2011 đứng ở mức 243.610 tấn trong khi sản lượng của cùng kỳ năm ngoái đạt 234.930 tấn.

Chè Ấn Độ sẽ thâm hụt 100.000 tấn trong năm tài chính 2010 - 2011
Mặc dù có điều kiện thời tiết tốt và diện tích trồng tăng nhưng ngành công nghiệp chè của Ấn Độ dường như sẽ kết thúc một năm tài chính với mức thâm hụt sản lượng khoảng 100.000 tấn.

Năm ngoái, sản lượng trong giai đoạn từ tháng 10 - 12 đạt 966.000 tấn và ngành công nghiệp chè dự kiến sẽ đạt 990.000 tấn trong năm nay. Sự gia tăng trong sản lượng trong khi tiêu dùng tăng hàng năm. Trung bình mức tiêu thụ trong nước tăng khoảng 30.000 tấn mỗi năm.

Sự thiếu hụt chè trên thế giới hàng năm khoảng 55.000 tấn. Theo số liệu từ Ủy ban chè Ấn Độ, tính cho đến tháng 5/2011, mùa vụ thu hoạch được đã tăng 8.000 tấn lên 243.000 tấn. Sự gia tăng chủ yếu là từ các bang như Assam và Bắc Bengal, trong khi đó lại giảm tại các bang miền Nam.

Xuất khẩu trong tháng 5/2011 có thể sẽ tăng nhưng không quá 1.000 tấn. Đơn giá xuất khẩu tăng mạnh từ 115,84 Rupee/kg lên 141,28 Rupee/kg (tức khoảng 2,58 USD/kg lên 3,15 USD/kg). Tính trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5/2011, Ấn Độ xuất khẩu được 22.000 tấn so với 24.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo từ đại diện ngành công nghiệp chè Ấn Độ, nếu điều kiện thời tiết tiếp tục như hiện tại thì ngành chè sẽ kết thúc năm tài chính này với mức thâm hụt khoảng 155.000 tấn.

4. Mặt hàng hạt tiêu
Giá tiêu vẫn sẽ ổn định trên thị trường quốc tế

Vào thời điểm hiện nay, giá hạt tiêu trên thị trường dường như vẫn ổn định cùng với nhu cầu tăng cao. Hiện chỉ có Việt Nam vẫn đều đặn xuất khẩu ra thị trường thế giới trong khi Indonesia và Braxin xuất khẩu ít hơn. Mặt hàng hạt tiêu trên thị trường Ấn Độ không có sẵn đã tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông P Nandakumar, chuyên gia tư vấn thương mại có trụ sở tại Kochi cho biết: “Thị trường sẽ không đi xuống mà sẽ ổn định trong ngắn hạn và sẽ tăng lên vào nửa cuối năm. Hiện chỉ có Việt Nam là nhà xuất khẩu duy nhất trên thị trường nên họ không vội gì mà bán hàng ra. Nếu Indonesia xuất hàng ra thì thị trường sẽ dễ thở hơn nhưng có vẻ như điều này sẽ không xảy ra”.

Theo báo cáo từ sở giao dịch Angel, viễn cảnh sản lượng mặt hàng hạt tiêu tại Indonesia vẫn chưa rõ ràng. Trong khi các thương nhân dự đoán sản lượng tại Indonesia đạt từ 10 – 15.000 tấn thì các nơi khác lại dự báo từ 30 – 35.000 tấn. Nguồn tin từ Angel cũng cho biết: “ Trong những tuần đầu của tháng 7, giá tiêu Indonesia ở mức 6.650 USD/tấn, trong khi giữa tháng 6 chỉ 6.100 USD/tấn cũng cho thấy rằng sản lượng ở đây đang thấp. Giá tiêu Indonesia đang cao hơn nhiều so với các nhà xuất khẩu khác như Ấn Độ và Việt Nam”.

Theo ý kiến của doanh nghiệp Jojan Malayil Bafna thì thị trường vẫn sẽ duy trì ổn định trong ngắn hạn tuy nhiên sẽ đi lên vào nửa cuối năm “Khối lượng tiêu trong kho của Indonesia đang thấp do họ đã bán ra hầu hết. Còn các nhà nhập khẩu vẫn đang tìm nguồn hàng cho nhu cầu hiện nay của mình”.

Theo Ủy ban Tiêu Quốc tế (IPC) có trụ sở tại Jakarta, ước tính Ấn Độ nhập khẩu khoảng 13.250 tấn hạt tiêu trong khi xuất khẩu gần 19.000 tấn trong năm 2011.

5. Mặt hàng hạt điều
Xuất khẩu điều của Ấn Độ giảm do nhu cầu nội địa tăng


Hiện nay điều của Ấn Độ đang xuất khẩu giảm do thị trường tiêu thụ nội địa tăng cao và nhập khẩu nguyên liệu điều thô đang có giá cao. Sản lượng điều thô tại Ấn Độ hiện đang ở mức thấp cùng với việc nhập điều thô từ Tây Phi với giá tăng cao do một số nước này đang có vấn đề chính trị. Theo số liệu mới nhất của Hội đồng xúc tiến xuất khẩu điều Ấn Độ (CEPC), trong giai đoạn từ tháng 4/2010 – 1/2011, xuất khẩu từ Ấn Độ giảm 25,5% về khối lượng và 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu trong thời gian 10 tháng qua đứng ở mức 76.120 tấn so với 102.177 tấn của cùng kỳ năm 2009-10. Xuất khẩu điều đã qua chế biến trong năm 2009-10 của Ấn Độ đạt 108.120 tấn, trị giá 29,0582 tỷ Rupee (1USD tương đương 45 Rupee) so với 109.522 tấn trị giá 29,884 tỷ Rupee của năm 2008-2009.

Thương mại ngành điều trên thế giới đứng ở mức 513.750 tấn năm 2010. Do thời tiết không thuận lợi trên hầu hết các vùng gieo trồng nên sản lượng điều đã giảm từ 10 – 15% trong năm 2011.

6. Mặt hàng cao su
Ấn Độ nhập khẩu cao su thiên nhiên tăng do nhu cầu cao của ngành công nghiệp lốp ô tô.
Nhập khẩu cao su thiên nhiên của Ấn Độ, nhà sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 4 trên thế giới và là nhà tiêu thụ cao su lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, có thể tăng 13% trong năm nay do doanh số bán xe ô tô tăng cao làm tăng nhu cầu đối với cao su thiên nhiên được sử dụng làm lốp xe và găng tay.

Theo ông Rajiv Budhraja, Tổng Giám đốc Hiệp hội Sản xuất lốp xe Ấn Độ cho biết, lượng mua có thể tăng đến 200.000 tấn trong năm bắt đầu từ ngày 01/04 từ mức 177.482 tấn của năm ngoái. Nhập khẩu trong 3 tháng tính đến tháng 6/2011 tăng 10% đạt 41.929 tấn. Nhập khẩu trong tháng 6/2011tăng 60% đạt 19.118 tấn.

Ông Rajiv cũng cho biết, giá trên thị trường quốc tế đã giảm và hiện đang ngang bằng với giá nội địa làm tăng mua từ Ấn Độ. Hầu hết các công ty sản xuất lốp xe tại Ấn Độ có kế hoạch mua trong nửa đầu năm do đây là thời điểm sản xuất chính.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà Sản xuất ô tô Ấn Độ cho biết, trong năm tài chính này, dự báo doanh số bán xe ô tô của Ấn Độ có thể tăng trưởng từ 10 - 12%, ít hơn so với dự báo trước đây là 16 – 18%. Nhập khẩu cao su thiên nhiên vào Ấn Độ vẫn sẽ tăng ngay cả khi sản lượng cao su thiên nhiên trong nước tăng 5,3% trong giai đoạn từ tháng 3 – 6/2011. Sản lượng của tháng trước tăng 4,1% đạt 59.200 tấn.

7. Mặt hàng bông
Ấn Độ bổ sung hạn ngạch xuất khẩu bông

Mới đây Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã công bố cấp thêm hạn ngạch xuất khẩu bông 0,8 triệu kiện. Ước tính xuất khẩu bông trong mùa vụ 2011/2012 của Ấn Độ vào khoảng 5,6 triệu kiện, tăng so với mùa vụ năm 2010/2011 xuất khẩu 5,1 triệu kiện.

Trong nước, giá bông của Ấn Độ có xu hướng giảm do tiêu dùng giảm, mặt khác cũng nhờ vào diện tích trồng bông tăng cao, diện tích trồng bông năm 2011 vào khoảng 2,17 triệu ha tăng 40% so với năm ngoái, sản xuất bông của Ấn Độ năm 2011/2012 sẽ vào khoảng 27,3 triệu kiện chủ yếu phục vụ ngành dệt may trong nước. Sau khi giá bông tăng mạnh vào đầu tháng 3 năm nay thì bắt đầu giảm tốc mặc dù chính phủ đã bổ sung hạn ngạch xuất khẩu bông, dự kiến tháng 7, 8 giá bông vẫn ở mức thấp do mùa vụ thu hoạch rộ sẽ bắt đầu vào tháng 9.

Việt Nam hàng năm phải nhập khẩu nhiều bông, sợi và nguyên liệu may từ Ấn Độ, tính trong 6 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã nhập khẩu 52.138 tấn bông các loại từ Ấn Độ với trị giá 80,05 triệu USD và xơ, sợi dệt 9.388 tấn với trị giá 33,4 triệu USD (tăng so với cùng kỳ năm 2010, tương ứng là 46.705 tấn bông với trị giá 76,85 triệu USD và xơ, sợi dệt 7.750 tấn với trị giá 24,49 triệu USD). Ngành dệt may của Việt Nam mặc dù kim ngạch xuất khẩu đứng vị trí số 1 đạt trên 11,172 tỷ USD trong năm 2010, nhưng do chưa chủ động được nguyên liệu, thường nhập nguyên liệu từ nước ngoài theo đó là sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và thường trực nỗi lo thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Việc Ấn Độ thay đổi tăng giảm hạn ngạch xuất khẩu bông hay giá cả bông tăng giảm đều có những tác động nhất định đến sản xuất trong nước. Nên việc mở rộng vùng trồng bông ở trong nước và các nước láng giềng gần như Lào, Campuchia, Myanmar …là hết sức cần thiết.

8. Mặt hàng thép
Sản lượng thép của Ấn Độ sẽ vượt 150 triệu tấn vào năm 2020


Ngày 27/7/2011, Bộ trưởng Bộ Thép của Ấn Độ, ông Beni Prasad Verma đã nói: “ Khả năng sản xuất thép của Ấn Độ mong đợi tăng hơn 150 triệu tấn vào năm 2020 từ mức 60 triệu tấn hiện nay ”. Ông cũng cho biết Ấn Độ sẽ trở thành nước sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới vào năm 2013 với sản lượng hàng năm 120 triệu tấn.

Ông Beni Prasad Verma cũng đã nói: “ Hiện tại Ấn Độ có ngành thép đứng thứ 4 thế giới cả về năng suất và sản lượng. Vào năm 2013, Ấn Độ sẽ là nước sản xuất thép đứng thứ 2 thế giới. Dự kiến Ấn Độ sẽ có khả năng sản xuất 120 triệu tấn.” tại Hội nghị Cấp cao về thép do Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (Assocham) tổ chức tại New Delhi. 

Theo Thứ trưởng Bộ Thép - PK Misra vào cuối năm tài chính này, công suất của các nhà máy sản xuất thép Ấn Độ có thể đạt khoảng 90 triệu tấn. Ông PK Misra cũng cho biết thêm trong năm tài chính tới sản lượng thép có thể vượt 110 triệu tấn khi mà các dự án bổ sung của SAIL và các dự án của các khu vực khác đi vào hoạt động”.

9. Tình hình xuất nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2011
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam công bố tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam - Ấn Độ trong tháng 6/2011 đạt: 242.000.000 USD tăng trưởng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt: 99.000.000 USD, tăng trưởng 31,2 % và nhập khẩu 143.000.000 USD tăng 38,9%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam - Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm đạt 1.798.000.000 USD tăng trưởng 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu đạt: 591.000.00 USD, tăng trưởng 50,9 % và nhập khẩu 1.207.000.000 USD tăng 34%.
  • Tags: