Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống kế toán Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

THS. NGUYỄN THỊ THU (Giảng viên Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Hải Phòng)

TÓM TẮT:

Hiện nay, hệ thống kế toán (HTKT) Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Việc ứng dụng thành tựu công nghệ số dẫn đến nhiều thay đổi trong hệ thống quy định về kế toán, hệ thống chuẩn mực kế toán, công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán, chất lượng nguồn nhân lực và thị trường dịch vụ kế toán, các tổ chức nghề nghiệp về kế toán... Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở khái quát thực trạng HTKT Việt Nam hiện nay, phân tích tác động của CMCN 4.0, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện HTKT Việt Nam trong bối cảnh CMCN 40.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, kế toán, hệ thống kế toán, chuẩn mực kế toán.

1. Đặt vấn đề

Qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, HTKT Việt Nam có bước phát triển đáng ghi nhận, kịp thời đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn tác dụng to lớn của kế toán, không đơn thuần chỉ là ghi chép, tổng hợp số liệu để báo cáo, mà còn là công cụ giúp nhà quản lý điều hành hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị. Những năm gần đây, CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với HTKT Việt Nam. Chủ động, tích cực hoàn thiện HTKT Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách vừa lâu dài hiện nay.

2. Thực trạng hệ thống kế toán Việt Nam

Về cơ sở pháp lý cho hoạt động kế toán

Luật Kế toán 2015 được ban hành trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Kế toán 2003 nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế, xã hội. Luật Kế toán 2015 đã chỉ rõ nguyên tắc “giá trị hợp lý” để tạo cơ sở cho việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế trong doanh nghiệp. Để triển khai Luật Kế toán, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới và tổ chức nghề nghiệp về kế toán; Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán độc lập quy định về hành vi vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán độc lập. Đây là cơ sở để HTKT phát triển, thể hiện vai trò là công cụ quản lý kinh tế quan trọng phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.

Về hệ thống chuẩn mực kế toán

Chuẩn mực kế toán doanh nghiệp. Giai đoạn 2000 - 2005, Bộ Tài chính đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 - 2020, các chuẩn mực này đã bộc lộ nhiều bất cập. Ngày 16/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Theo đề án này Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được áp dụng tại Việt Nam nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với người sử dụng báo cáo tài chính. Đồng thời, ban hành mới và tổ chức thực hiện hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. Về chuẩn mực kế toán công, ngày 31/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-BTC phê duyệt Đề án xây dựng và công bố chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam. Thực hiện đề án này, hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam (VPSAS) được xây dựng trên cơ sở Chuẩn mực kế toán công quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công phải đảm bảo các yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam.

Về tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán. Các đơn vị kế toán bao gồm: Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước; tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước; doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán. Việc tổ chức bộ máy, bố trí người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán, kế toán trưởng thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Về hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp. Hiện nay có 2 tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán là Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Tổ chức nghề nghiệp là cầu nối quan trọng giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và xã hội; thực hiện chức năng phản biện xã hội, tham gia xây dựng văn bản pháp luật phản ánh các bất cập, vướng mắc trong thực thi pháp luật. Qua hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, chức năng, nhiệm vụ của quản lý nhà nước và hoạt động quản lý nghề nghiệp cũng đã hình thành và phân biệt rõ nét hơn.

Về nguồn nhân lực kế toán. Đã đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ người làm kế toán trong các lĩnh vực kế toán nhà nước, kế toán doanh nghiệp; đội ngũ kế toán viên hành nghề có trình độ chuyên môn, có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp tốt. Số lượng người có chứng chỉ kế toán viên cho đến thời điểm tháng 12/2021 là 1.091 người, trong đó có 419 người đang làm việc trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán (chiếm 38% số người có chứng chỉ kế toán viên). Tất cả các kế toán viên đều có trình độ cử nhân về tài chính, kế toán - kiểm toán, ngân hàng,… trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm thực tế và được trải qua kỳ thi cấp quốc gia để được cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên [1].

Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kế toán. Việt Nam đã có những quan hệ, hợp tác với các tổ chức kế toán quốc tế và các nước thông qua các hoạt động ký thỏa thuận trong các Hiệp định WTO, Hiệp định với khối ASEAN; tham gia Ủy ban Điều phối về kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN; tham gia làm thành viên của Liên đoàn Kế toán ASEAN (AFA), châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), thế giới (IFAC). Bộ Tài chính, các tổ chức nghề nghiệp thường xuyên duy trì các hoạt động đẩy mạnh phối hợp hoạt động với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt Nam như: ACCA, CPA Úc, ICAEW; Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động kế toán phát triển. Tham gia hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi (EEG).

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kế toán. Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý và tổ chức thực hiện công tác kế toán, phù với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0. Các đơn vị thu, chi ngân sách nhà nước đã triển khai và đưa vào áp dụng các dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực kế toán ở cấp độ cao nhất phù hợp với điều kiện cho phép; xây dựng và tổng hợp các thông tin dữ liệu để công khai thông tin về hành nghề kế toán phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Các đơn vị, tổ chức, cơ sở đào tạo và tổ chức nghề nghiệp, thực hiện ứng dụng công nghệ trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo; đẩy mạnh quá trình số hóa hướng tới hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán phù hợp, hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, HTKT Việt Nam còn bộc lộ nhiều bất cập. Các chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ, thậm chí còn bị chia cắt manh mún, cần được sửa đổi bổ sung kịp thời. Trong tổ chức triển khai và kiểm tra thực hiện các văn bản pháp luật về kế toán, cũng như việc phát triển hoạt động nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nghề nghiệp chưa thực hiện đồng bộ và thường xuyên. Việc đánh giá, kiểm soát chất lượng công việc của người làm kế toán, người hành nghề kế toán chưa được coi trọng đúng mức.

3. Thách thức của hệ thống kế toán Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Theo James Evangelidis (2018), trong bối cảnh CMCN 4.0, các ứng dụng blockchain có thể giúp kế toán viên giảm bớt gánh nặng nghiệp vụ tuân thủ dù không thể thay thế được vai trò của kế toán viên. Công nghệ chuỗi khối sẽ loại bỏ một số nghiệp vụ, đồng thời tạo ra những công việc mới, hoặc nghiệp vụ mới. Alan FitzGerald (2018) cho rằng, quy trình tự động hóa (RPA) và AI là những yếu tố tác động sớm hơn tới lĩnh vực kế toán nói chung và nghề nghiệp kế toán nói riêng [5]. Theo tác giả Lương Thị Ánh Tuyết (2018), CMCN 4.0 tác động đến lĩnh vực kế toán Việt Nam trên 5 khía cạnh: 1) Phân tích dữ liệu: Bên canh Excel thường được sử dụng, sự phát triển của công nghệ sẽ cung cấp nhiều công cụ, phần mềm hiện đại hơn. 2) Công nghệ đám mây: Lưu trữ thông tin một cách realtime, khối lượng lớn và không bị giới hạn nhiều về bộ nhớ như trước đây. 3) Quy trình tự động hóa: Đa phần công việc của kế toán là những ghi chép đã chuẩn hóa, do vậy công nghệ tự động hóa có thể thay thế bộ phận tài chính - kế toán nhiều trong các công việc này. 4) Trí thông minh nhân tạo: Bên cạnh công tác ghi chép đơn giản, trí thông minh nhân tạo có thể thay thế con người cả với những nghiệp vụ kế toán phức tạp như định giá, lập dự phòng. Qua đó, giúp giảm thiểu tối đa nhân sự. 5) Công nghệ blockchain: Liên kết tất cả các dữ liệu của bộ phận tài chính - kế toán lại với nhau [4].

Xét trên góc độ HTKT, CMCN 4.0 đặt ra một số thách thức:

Một là, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn các quy trình và phương pháp kế toán, phương thức trình bày các báo cáo tài chính, cung cấp thông tin, phương thức tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ kế toán và kiểm tra đánh giá độ tin cậy của các thông tin kế toán. Bên cạnh đó, sự phát triển của các loại tiền kỹ thuật số, cũng như các loại tiền điện tử khác trong nền kinh tế sẽ buộc các tố chức kinh tế phải thay đổi các phương thức thanh toán, thay đổi chức năng tiền tệ và cách thức điều hành hoạt động kế toán. Điều này đòi hỏi HTKT Việt Nam phải thường xuyên đổi mới, cập nhật cho phù hợp với xu thế chung. Đây là thách thức lớn cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và những người làm kế toán.

Hai là, CMCN 4.0 cùng với yêu cầu của quá trình số hóa, nhất là quá trình chuyển đổi số, dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế. Các đơn vị phản ánh vướng mắc trong việc thực hiện ký chứng từ, luân chuyển xử lý chứng từ, lưu trữ tài liệu kế toán,... Mặc dù các giao dịch kinh tế trên phương tiện điện tử hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các pháp luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, trong phạm vi Luật Kế toán, cũng cần có những quy định để làm rõ hơn, đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan và phù hợp với quá trình chuyển đổi số.

Ba là, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam. Sự cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các công ty đang cung cấp dịch vụ kế toán truyền thống, mà còn với cả các doanh nghiệp phi truyền thống và các doanh nghiệp công nghệ. CMCN 4.0 đặt ra nguy cơ thu hẹp dịch vụ kiểm toán truyền thống, đặc biệt khi công nghệ Blockchain được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài chính. Ngay tại thời điểm này, các công ty công nghệ như Google và Alibaba cũng đã cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính và tư vấn thuế. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ kế toán Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.

Bốn là, sự phát triển của hạ tầng viễn thông trong bối cảnh CMCN 4.0 đã và đang đặt ra những thách thức mới về bảo mật thông tin kế toán quản trị, trong nghiệp vụ thanh toán, trong các hoạt động đầu tư, đảm bảo an toàn về chữ ký điện tử, về các giao dịch kinh tế, giao dịch thanh toán.

4. Một số giải pháp cần thực hiện

Thứ nhất, kiện toàn hệ thống chuẩn mực kế toán. Cần tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế hiện đang được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Việc giảm thiểu sự khác biệt không cần thiết giữa các quy định của Việt Nam và các thông lệ quốc tế cần được xem xét một cách toàn diện và cần được triển khai sớm hơn. Triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam theo lộ trình do Bộ Tài chính xác định đối với các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng. Công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách quản lý tài chính công và ngân sách nhà nước của Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật về kế toán. Đổi mới và triển khai hiệu quả nội dung, phương thức và điều kiện thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính và việc chấp hành pháp luật kế toán. Phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp, cơ sở đào tạo và đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thực tế về hành nghề kế toán để tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ kế toán, ngoại ngữ, kỹ năng kiểm tra, giám sát báo cáo tài chính, việc tuân thủ pháp luật kế toán.

Thứ ba, phát triển thị trường dịch vụ kế toán. Xây dựng các tiêu chí, định hướng về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp dịch vụ kế toán phù hợp với yêu cầu của thực tế, thông qua việc hoàn thiện cơ chế và điều kiện hành nghề; tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ kế toán viên; thực hiện hiệu quả các giải pháp đối với nguồn cung dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán. Hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy định pháp lý, tạo cơ sở và điều kiện cho việc đàm phán, tham gia các thỏa thuận quốc tế và công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kế toán với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, phát triển các hội nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả việc tham gia xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực quản lý, giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp, các chuẩn mực và quy định về đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên; kiểm tra chất lượng dịch vụ và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kế toán. Nghiên cứu để chuyển giao các hoạt động nghề nghiệp phù hợp với pháp luật và năng lực của hội nghề nghiệp theo lộ trình phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ổn định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực về kế toán. Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán, kết hợp lý luận và thực tiễn, gắn liền với quy trình số hóa và chuyển đổi số về kế toán. Quan tâm đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao về kế toán, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và các tổ chức khác trong toàn bộ nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Nâng cao ý thức kỷ luật, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên thông qua việc đổi mới quy định về nội dung, hình thức đào tạo, cập nhật kiến thức; quan tâm, khuyến khích các chương trình đào tạo chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, nhằm tiếp cận kiến thức và kỹ năng hành nghề theo thông lệ quốc tế.

Thứ sáu, tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế. Tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán và các tổ chức phi Chính phủ trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về kế toán; hỗ trợ kỹ thuật đổi mới mô hình quản lý nghề nghiệp kế toán cũng như các kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ khác về kế toán. Nghiên cứu mô hình của các nước phát triển để vận dụng vào Việt Nam trong việc tổ chức, quản lý hoạt động kiểm tra, giám sát BCTC; hoạt động xây dựng, áp dụng chuẩn mực BCTC; xây dựng kỹ thuật nghiệp vụ kế toán; phát triển dịch vụ kế toán; hoàn thiện mô hình đào tạo, thi, cấp chứng chỉ kế toán viên.

Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động kế toàn. Trong đó nhiệm vụ xuyên suốt là nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại trong các giao dịch tài chính, trong hoạt động thanh toán, trong việc thu thập, xử lý thông tin, lập và cung cấp BCTC, trong tiếp cận các sản phẩm kế toán, thúc đẩy tài chính xanh, tài chính toàn diện. Chú trọng và tăng cường quản lý an ninh mạng. Các tổ chức tài chính, các tổ chức ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (Disaster Recovery); nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.

5. Kết luận

Trong giai đoạn hiện nay, HTKT Việt Nam đã và đang chịu tác động mạnh mẽ, toàn diện từ CMCN 4.0. Bên cạnh những cơ hội phát triển, CMCN 4.0 đặt ra những thách thức lớn cho HTKT Việt Nam. Do đó, cần có sự nhận thức đầy đủ và có những biện pháp chủ động để HTKT vận hành có hiệu quả, hội tụ và hài hòa giữa các quốc gia, tranh thủ các lợi ích và hạn chế những tác động bất lợi từ CMCN 4.0. Sự thành công của kế toán Việt Nam đang phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm và trí tuệ của các chủ thể để đón bắt thời cơ, chủ động vượt qua thách thức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2022). Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Kế toán 2015 (từ năm 2017 đến nay), tháng 7/2022.
  2. Nguyễn Ngọc Mỹ (2018). Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Những vấn đề đặt ra với kinh tế Việt Nam và kế toán kiểm toán. Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Trường Đại học Quy nhơn.
  3. Đặng Văn Thanh (2018). Hệ thống tài chính Việt Nam trong công nghệ kỹ thuật sổ và sự hòa nhập, hội tụ quốc tế. Kỷ yếu hội thảo, Bộ Tài chính.
  4. Lương Thị Ánh Tuyết (2018). Cách mạng công nghiệp 4.0 - Nghề nghiệp kế toán - kiểm toán. Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ hai về phát triển kinh tế bền vững và quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa (SEDBM 2019), Tập 1, Học viện Tài chính.
  5. Lê Thị Oanh (2019). Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến nghề kế toán viên. Tạp chí Tài chính, số tháng 3, 51-53.

Some solutions to improve the Vietnamese accounting system in the context of Industry 4.0

Master. Nguyen Thi Thu

Lecturer, Faculty of Accounting - Finance, Hai Phong University

Abstract:

The Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) has affected the Vietnamese accounting system. The application of digital technology has lead to many changes in the accounting regulation system, accounting standard system, management and supervision of accounting activities, quality of accountants and also accounting service industry. This paper is to provide an overview on the current Vietnamese accounting system and analyze the impact of Industry 4.0 on the Vietnamese accounting system. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the Vietnamese accounting system in the context of Industry 4.0.

Keywords: the Industry 4.0, accounting, accounting system, accounting standards.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương