Mùa xuân trên đất mỏ Apatit

Mỗi năm, khi Tết đến xuân về, ai cũng cảm nhận được sự ấm áp từ mùa xuân, mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc. Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, khi mọi người đều bận rộn sắm sửa, chuẩn bị đón năm mới

Năm nay, Công đoàn TCT Hóa chất Việt Nam tổ chức đi thăm, tặng quà cho tất cả các đơn vị vẫn sản xuất trong dịp Tết nguyên đán, trong đó có Công ty Apatit Việt Nam (VINAAPACO) – đơn vị xa nhất của cuộc hành trình.

Một đêm trên tàu, sáng sớm 26 Tết, khi thành phố Lào Cai vẫn còn chìm trong sương, chúng tôi đã bắt đầu cuộc hành trình lên đất mỏ. Chiếc xe 12 chỗ ngồi bon bon trên những tuyến đường quen thuộc của mỏ. Trên xe, tiếng hát ấm áp của chính những người thợ mỏ vang lên qua một điệp khúc rộn ràng của bài hát “Hãy yêu anh đi chàng trai đất mỏ” do Tổng Giám đốc Công ty Bùi Văn Việt sáng tác. “Tình tính tang tang, tình tang tính tang. Trai đất mỏ sương gió có hề chi, da có sạm cho má em tươi hồng. Trai đất mỏ đã yêu là cho hết, quên lối về em ơi ngần ngại chi. Hãy yêu anh đi chàng trai đất mỏ… Hãy yêu đi em chàng trai đất mỏ…”.

Không khí mùa xuân dường như đã gõ cửa thành phố này sớm hơn các nơi khác. Trước cửa Công ty, chợ Tết họp đông vui với đào, với quất và hoa lan, một loài hoa đặc trưng cho vùng núi xứ lạnh. Cũng dễ hiểu thôi, bởi năm nay, Công ty Apatit Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao, thưởng Tết cho công nhân lao động người thấp nhất cũng được 5 triệu đồng. Hơn 3.000 lao động cùng được thưởng Tết, nên lượng tiền không nhỏ. Thế nên, chợ Tết đông vui tấp nập hân hoan cũng là lẽ thường. Nhưng trong số ấy vẫn có những người hoàn cảnh khó khăn, những người không may gặp tai nạn lao động, hay những đứa trẻ sinh ra đã không có cái may mắn được làm một người bình thường. Nhường cơm sẻ áo, nghĩ đến những người không may trong cái Tết, để họ cảm thấy mùa xuân ấm áp hơn cũng là tình người trong xã hội mới, đặc biệt là những người làm công tác công đoàn.

Ông Vũ Tiến Dũng - Chủ tịch Công đoàn TCT cho biết, nhân dịp Tết Kỷ Sửu, Công đoàn TCT Hóa chất Việt Nam tặng khoảng 550 suất quà cho công nhân lao động nghèo và gia đình công nhân bị tai nạn lao động, mỗi suất trị giá 300.000đ; 155 suất quà cho trẻ em bị chất độc màu da cam, mỗi suất 100.000đ; Tặng 40 triệu đồng cho 4 đơn vị khó khăn nhất trong Ngành; Hỗ trợ xây dựng 73 mái ấm công đoàn và 38 nhà tình thương cho các địa phương. Hỗ trợ 155 triệu mua quà tết cho các gia đình nghèo của một số địa phương bị lũ lụt. Riêng với Công ty Apatit Việt Nam, một trong số những doanh nghiệp có số lượng lao động đông nhất của ngành Hóa chất, Công đoàn TCT đã đi thăm và tặng quà 8 đơn vị sản xuất cả đêm giao thừa, tặng 85 suất cho công nhân lao động nghèo, bị tai nạn lao động và 33 suất cho con công nhân nghèo, bị khuyết tật, chất độc màu da cam. Mỗi suất quà của Công đoàn TCT trị giá 300.000 đồng. Công đoàn Công ty cũng góp thêm 200.000 đồng, để mong lo cái Tết tốt hơn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Từ 8 giờ sáng, rời khỏi Công ty, điểm đến đầu tiên của đoàn là Xí nghiệp Khai thác 2 rồi đến Xí nghiệp Cơ điện, Nhà máy Tuyển Cam Đường, Xí nghiệp Bốc xúc tiêu thụ, Xí nghiệp Vận tải Đường sắt, Nhà máy Tuyển Tằng Loỏng… Ở đâu, Đoàn chúng tôi cũng được chào đón vui vẻ, nồng hậu, lãnh đạo Công đoàn TCT và lãnh đạo công đoàn Công ty trực tiếp trao quà cho từng người, động viên anh em gắng vượt qua khó khăn để đón Tết vui vẻ, ấm cúng bên gia đình. Có người cảm động quá, bắt tay rồi mà cứ rưng rưng, nói không nên lời. Cảm động vì Công đoàn TCT, Công đoàn Công ty đã rất quan tâm đến người lao động, nhất là vào những ngày cuối cùng của năm cũ mà những người lãnh đạo cao nhất của Công đoàn TCT, công đoàn Công ty vẫn đích thân tới tận nơi tặng quà cho anh em, động viên, chia sẻ với họ bằng cả sự chân thành. Tại nhiều nhà máy, xí nghiệp, lãnh đạo còn cho biết, đêm giao thừa sẽ tổ chức đi tặng quà, chúc Tết người lao động tại một số vị trí sản xuất trọng điểm, động viên anh em hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối trong những ngày Tết.

Cuộc gặp buồn nhất và cảm động nhất của chuyến đi này là cuộc gặp gỡ của Đoàn với gia đình công nhân Vũ Mạnh Tiệp - người công nhân xấu số đã bị lũ cuốn trôi trên đường đi làm về trong đợt lũ tại Lào Cai hồi giữa năm 2008. Vừa nhìn thấy Đoàn đến thăm, đôi mắt người mẹ đau khổ đã ầng ậng nước. Thắp lên bàn thờ Tiệp nén nhang, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc cho một số phận quá ngắn ngủi. Là con trai duy nhất trong một gia đình 4 chị em, Tiệp mới tốt nghiệp và vào làm tại Công ty được tròn 10 tháng. Cái ngày oan nghiệt đó đã kết thúc cuộc sống của em ở tuổi 22. Năm nay nhà Tiệp không có Tết. Bố mẹ Tiệp vốn cũng là công nhân của Công ty nay về nghỉ hưu chưa quen được với sự thật phũ phàng này+. Ông bố khô héo, để mặc nước mắt lăn dài trên má, nói mà như khóc: “trước kia, có thằng con trai xốc vác trong nhà, nay thì việc gì cũng đến bàn tay già của tôi”. Đau khổ là điều tất yếu khi người thân mất đi, nhưng cuộc sống vẫn không ngừng vận động. Người còn sống cần vững vàng lên để sống tiếp những ngày có ích cho cuộc đời, để người đã khuất được thanh thản, siêu thoát.

Câu chuyện về anh công nhân Hoàng Xuân Minh của Nhà máy Tuyển Tằng Loỏng lại như huyền thoại về một sức sống diệu kỳ. Trước khi đến thăm, chúng tôi được thông tin là anh bị tai nạn lao động nặng, vẫn đang nằm trên giường bệnh. Nhưng khi chúng tôi đến nơi, nghe tiếng anh chào từ đầu ngõ, Minh đã phục hồi rất nhanh, đi lại dễ dàng và nét mặt đã có thần sắc. Cô vợ trẻ của anh kể lại, 3 tháng trước, lúc xảy ra tai nạn, Công ty đưa Minh vào cấp cứu trong bệnh viện tỉnh Lào Cai, anh bị chấn thương nặng, mất máu nhiều, huyết áp về O. Bên ngoài bệnh viện, hàng trăm công nhân chờ đợi tin tức của Minh và xếp hàng mong được hiến máu trợ sức cho anh. Sau khi ổn định được huyết áp, Công ty quyết định đưa Minh về bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Lúc này Minh tiếp tục hôn mê, dập gan, hỏng một quả thận, nội tạng tổn thương, các bác sĩ lắc đầu, gia đình tưởng đã mất anh.

Trong ca phẫu thuật, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Nhưng cuối cùng, với sự hỗ trợ của Công ty, sự chăm sóc hết lòng của người thân, cộng thêm một chút may mắn và một sức sống mãnh liệt, Minh đã dần hồi phục. Qua cơn nguy kịch, Minh trở về nhà và người vợ từ cô giáo trở thành y tá, hộ lý, hàng ngày thay băng, chăm sóc vết thương cho chồng. Minh tự tin và lạc quan. Có lẽ điều đó đã giúp anh nhanh chóng bình phục. Lúc chúng tôi đến, Minh khoe, chụp phim thấy những vết tổn thương ở gan đã tốt lên rất nhiều, sức khỏe đang hồi phục, chắc sẽ nhanh chóng ổn định để có thể tiếp tục công việc…

 

 Ông Vũ Tiến Dũng trao quà Tết cho công nhân Hoàng  Xuân Minh(Ảnh: HN)

 

 

 

Lại một đêm trên tàu, sáng 27 Tết, tôi có mặt tại Hà Nội, trở về với gia đình thân thương của mình. Những điều tôi đã nghe, đã thấy trong chuyến đi này càng làm cho tôi gắn bó hơn với công tác công đoàn, thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn. Và hơn hết, tôi càng hài lòng và hạnh phúc với những gì mình đang có, lạc quan với tương lai, bởi bên cạnh tôi còn có những người chưa được may mắn, nhưng vẫn biết vươn lên, sống một cuộc sống đầy ý nghĩa cho mình và cho người khác.

 

 

  • Tags: