Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Sơn La

QUÀNG VĂN HƯƠNG (Học viên cao học Quản lý Kinh tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam,GS.TS. ĐỖ KIM CHUNG (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:
Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) là chính sách lớn nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, kết quả thực hiện tại tỉnh Sơn La còn một số vướng mắc, bất cập như: Định mức chi phí còn thấp, chưa phù hợp với thực tế địa bàn miền núi, kinh phí chưa kịp thời; nội dung, phương pháp, phương tiện đào tạo còn hạn chế. Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân bất cập, bài viết đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả ĐTN cho LĐNT để người dân có nghề ổn định và có thu nhập cao hơn.
Từ khóa: Chính sách đào tạo nghề, lao động nông thôn, tỉnh Sơn La.

1. Mở đầu
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956), trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã đầu tư gần 120 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nghề và hỗ trợ học nghề cho 13.378 LĐNT. Kết quả thực hiện Đề án đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ các cơ quan nhà nước và người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, đó là: Việc xây dựng kế hoạch đào tạo chưa sát với tình hình thực tế; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau học nghề còn hạn chế; tình trạng thiếu việc làm vẫn ở mức cao, năng suất và hiệu quả lao động còn thấp, thu nhập và đời sống của người lao động (NLĐ) còn khó khăn. Bài viết phân tích thực trạng hoạt động ĐTN cho LĐNT; những vướng mắc, bất cập của chính sách; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để thực hiện chính sách ĐTN cho LĐNT đạt hiệu quả cao nhất.
2. Thực trạng và kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Sơn La
2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội
Sơn La là một tỉnh miền núi biên giới, cách Thủ đô Hà Nội 320 km về phía Tây Bắc. Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh 14.174 km2, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 355.822 ha, đất lâm nghiệp 599.463 ha. Tỉnh có 11 huyện, 01 thành phố với 204 xã, phường, thị trấn; tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là 31,9%. Tỉnh có 12 dân tộc chủ yếu, trong đó: dân tộc Kinh chiếm 17,6%; dân tộc thiểu số chiếm 82,4% chủ yếu bao gồm người Dao, Thái, Mường, HMông và các dân tộc khác.
Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 22.384 tỷ đồng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 9,6%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 là 4.006 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 tăng 25,4 triệu đồng/người (tăng gấp 6 lần so với năm 2005 là 4,3 triệu đồng/người). Gần 75% lao động của tỉnh vẫn trong khu vực kinh tế nông thôn, sinh kế kiếm sống chủ yếu vẫn là nông lâm nghiệp. Hầu hết LĐNT là người dân tộc thiểu số, lao động còn thiếu kỹ năng, năng suất lao động thấp. Thực trạng này đã hạn chế việc tạo nghề mới, nâng cao năng suất lao động và thu nhập của người dân.
2.2. Tình hình triển khai chính sách đào tạo nghề theo Đề án 1956
Năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 36 cơ sở tham gia đào tạo, dạy nghề, tuy nhiên, số cơ sở trực tiếp tham gia ĐTN cho LĐNT theo Đề án 1956 chủ yếu là Trường Cao đẳng Nông lâm tỉnh và trung tâm dạy nghề của các huyện thực hiện. Từ năm 2011, tỉnh Sơn La thành lập 11 trung tâm dạy nghề huyện để thực hiện nhiệm vụ ĐTN cho LĐNT, tuy nhiên, từ năm 2017, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, các trung tâm dạy nghề sáp nhập và đổi tên thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp và Dạy nghề. Một số cơ sở vật chất trung tâm dạy nghề được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác. Kết quả này cho thấy sự đầu tư cho Đề án 1956 còn dàn trải và lãng phí.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Sơn La đã đầu tư gần 120 tỷ đồng để thực hiện Đề án 1956. Trong đó, nguồn kinh phí của Đề án chi cho đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ trực tiếp NLĐ chiếm tới 98% với nguồn kinh phí chủ yếu được cấp từ trung ương (Bảng 1). Điều này cho thấy nguồn kinh phí của Đề án chủ yếu tập trung vào việc đầu tư xây dựng nhiều hơn là việc tuyên truyền đến NLĐ ý nghĩa của Đề án. (Bảng 1) Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Sơn La đào tạo theo các loại hình (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề) đạt 69,8% kế hoạch, trong đó, ĐTN cho LĐNT được 409 lớp với 13.378 người (chiếm 24% số người được đào tạo), so với kế hoạch chỉ đạt 29,7%. Có trên 76% số lao động được đào tạo nghề là nghề nông nghiệp (Bảng 2). Kết quả ĐTN của các cơ sở dạy nghề công lập chiếm gần 73%. Thực tế này cho thấy, việc xã hội hóa hoạt động ĐTN là rất khó khăn, không thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp và các nguồn lực khác trong xã hội. 2.3. Đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án
Đối chiếu với mục tiêu của Đề án 1956, hoạt động ĐTN cho LĐNT chưa đạt các mục tiêu đề ra: Mức kinh phí đáp ứng 30,5%, mục tiêu đạt được 29,7%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo tăng hơn chứng tỏ rằng Sơn La bước đầu bám vào nhu cầu của tỉnh là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp (Bảng 2).
Nếu đối chiếu với mục tiêu của Đề án 1956 của tỉnh, mức đạt của hoạt động ĐTN cho LĐNT rất thấp, ví dụ như số người được đào tạo nghề chỉ đạt khoảng 69,8% so với mục tiêu (Hình 1). Về tỷ lệ NLĐ có việc làm sau ĐTN, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án 1956 ước đạt 80%. Tuy nhiên, số liệu này cũng theo tổng hợp từ các huyện, xã lên và không nêu rõ căn cứ để đánh giá nên kết quả này chưa sát với thực tế. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 30% ý kiến NLĐ cho rằng họ thường xuyên nghề đã học và có 70% ý kiến cho rằng họ sử dụng không thường xuyên hoặc rất ít, do đó có thể đánh giá rằng Đề án 1956 ở tỉnh Sơn La đạt hiệu quả thực tế khoảng 30%. (Hình 1) 2.4. Một số vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, kết quả ĐTN chưa đạt mục tiêu của Đề án 1956: Số lao động được đào tạo chỉ đạt khoảng 30% mục tiêu; tỷ lệ NLĐ tham gia ĐTN nông nghiệp vẫn còn ở mức cao; số NLĐ có việc làm, thu nhập tăng sau ĐTN mới chỉ ước đạt, chưa rõ về số lượng và căn cứ tính toán.
Thứ hai, việc sử dụng các nguồn lực đầu tư trong hoạt động ĐTN cho LĐNT còn một số hạn chế, bất cập: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa tập trung, đồng bộ, còn dàn trải; kinh phí ĐTN cho LĐNT chưa phù hợp thực tế, còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động ĐTN; việc phân bổ chưa hợp lý; định mức kinh phí quá chi tiết nhưng chưa tạo ra sự chủ động, chưa sát với thực tế cơ sở và nhu cầu của NLĐ; việc quản lý kinh phí còn dàn trải, phân tán, thiếu tập trung; mức kinh phí hỗ trợ ĐTN cho NLĐ (15.000 đồng/người/ngày học) còn thấp và không tính theo khu vực khó khăn là chưa thực sự phù hợp; kinh phí của Đề án chủ yếu tập trung vào việc đầu tư xây dựng.
Thứ ba, hoạt động ĐTN cho LĐNT chưa phù hợp với thực tế và nhu cầu học nghề của NLĐ: 1) Người lao động được ĐTN chủ yếu là thực hiện theo chỉ tiêu được giao và chưa thật sự xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu ĐTN của người dân; 2) Nội dung đào tạo chưa thật phù hợp với nhu cầu của NLĐ và nghề đào tạo có nội dung chưa sát với NLĐ cần; phương pháp đào tạo chủ yếu là giảng giải và thuyết trình, mang tính lý thuyết nhiều và có ít thực hành; phương tiện giảng dạy còn ít mô hình, mẫu vật.
Thứ tư, công tác tuyên truyền về hoạt động ĐTN còn nhiều hạn chế, thông tin đến với người dân còn ít, chưa kịp thời; sự tham gia của người dân chưa nhiều.
3. Một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Sơn La vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, 65% nguồn thu ngân sách là do Trung ương hỗ trợ. Trong công tác ĐTN cho LĐNT giai đoạn 2011 - 2016, nguồn kinh phí chỉ đáp ứng 30%, vì vậy trong thời gian tới, để chính sách ĐTN cho LĐNT đạt kết quả, hiệu quả cao nhất, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
- Cần phân cấp mạnh mẽ việc phân cấp thực hiện Đề án theo cơ chế: 1) Chính phủ cấp kinh phí theo nhu cầu đào tạo của từng địa phương (cấp tỉnh) và giao UBND cấp tỉnh quyết định danh mục ngành nghề đào tạo phù hợp với thực tế địa phương và tổ chức thực hiện; các bộ, ngành chủ quản hướng dẫn, thẩm định chính sách và giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách; 2) Trung ương giao HĐND cấp tỉnh có chính sách hỗ trợ thêm cho NLĐ; giao UBND tỉnh quyết định danh mục nghề đào tạo, giao tổng kinh phí và số chỉ tiêu NLĐ cần ĐTN, không quy định chi tiết nghề đào tạo, định mức chi đào tạo và giao UBND cấp huyện thực hiện; 3) Các cơ sở ĐTN quyết định mở lớp theo nhu cầu của người học nghề đăng ký theo chỉ tiêu đào tạo, định mức chi ĐTN được UBND huyện quyết định.
- Về kinh phí của hoạt động ĐTN cho LĐNT: Nghiên cứu sự bất cập của định mức kinh phí của chính sách và có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng miền; việc quản lý, sử dụng các khoản chi ĐTN cần được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định, nhất là chi phí trực tiếp cho NLĐ cần được thông tin đầy đủ, thanh toán kịp thời; chỉ giao cho một cơ quan chủ trì tham mưu chính sách và quản lý nguồn kinh phí ĐTN cho LĐNT (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), các cơ quan, ban, ngành khác là đơn vị phối hợp.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị: Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất các cơ sở dậy nghề theo quy hoạch của Đề án, bổ sung trang thiết bị đủ để đáp ứng nhu cầu ĐTN của NLĐ theo từng địa bàn, trong đó cần ưu tiên các huyện có nhiều xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn.
- Về nội dung, phương pháp, phương tiện đào tạo nghề: Trên cơ sở khảo sát, quy hoạch các nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thực tế, UBND huyện chỉ đạo cơ sở dạy nghề lập kế hoạch ĐTN chi tiết cho từng đối tượng NLĐ theo nghề đăng ký (thời gian thực học không quá 60 ngày nhưng thời gian đào tạo có thể kéo dài hơn 03 tháng). Nội dung, phương pháp, phương tiện ĐTN được thông tin lấy ý kiến của NLĐ để họ nắm được, tham gia ý kiến trước khi tổ chức lớp dạy nghề, trong đó cần quan tâm bố trí thời gian thực hành nhiều hơn ở trên lớp với mô hình, mẫu vật; việc học lý thuyết nên hướng dẫn NLĐ tự nghiên cứu ở nhà.
- Xây dựng cơ chế quản lý, theo dõi kết quả sau ĐTN: UBND huyện chỉ đạo UBND các xã nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của NLĐ sau khi ĐTN; định kỳ (6 tháng, 1 năm) tổ chức gặp NLĐ để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của họ và kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thường xuyên tổng hợp, theo dõi tình hình hoạt động của NLĐ sau khi được ĐTN, nhất là những thay đổi của họ về sản xuất, thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
- Bố trí nguồn lực đủ để thực hiện Đề án theo chính sách đã ban hành: Hằng năm, ngoài nguồn kinh phí của Trung ương cấp cho hoạt động ĐTN, tỉnh bố trí thêm một khoản kinh phí để hỗ trợ thực hiện Đề án 1956. Đồng thời, có cơ chế tăng cường xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác tham gia tích cực hơn vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nói chung và trong hoạt động ĐTN cho LĐNT nói riêng.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp các ngành.
Đối với tỉnh vùng miền núi và dân tộc thiểu số còn nhiều yếu tố khó khăn, ảnh hưởng nhiều và làm hạn chế các hoạt động ĐTN, việc huy động sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các ngành có vai trò rất quan trọng. Sự tham gia và phối hợp của các ngành sẽ giúp cho công việc được triển khai kịp thời, có hiệu quả hơn. Mặt khác, những thay đổi về cơ chế, chính sách được sửa đổi bổ sung trong quá trình thực hiện sẽ được các ngành thông tin, trao đổi giúp cho việc thực hiện có trọng tâm, đạt kết quả tốt hơn.
Thứ ba, mở rộng, thu hút sự tham gia của người dân.
Để người dân được biết và hiểu rõ về chính sách mà họ được hưởng, biết về những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức đối với họ khi tham gia ĐTN, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước, công tác tuyên truyền cần đi trước một bước, các cơ quan, đơn vị, nhất là đối với cấp xã cần thông tin thường xuyên bằng nhiều hình thức để từng bước nâng dần nhận thức của người dân, để họ tham gia tích cực, có hiệu quả hơn hoạt động ĐTN tại địa phương. Cần phát huy vai trò của các tổ chức của dân để người dân có thể tham gia tích cực vào hoạt động ĐTN.
Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Đề án.
Các cơ quan giám sát ở tỉnh Sơn La (Hội đồng nhân dân, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 các cấp) xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, trong đó cần bố trí hợp lý việc giám sát thực hiện chính sách ĐTN cho LĐNT trên địa bàn, bảo đảm tối thiểu trong nhiệm kỳ giám sát được từ 2 - 3 cuộc giám sát chuyên đề này, trong đó chú trọng việc giám sát thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các đối tượng bị giám sát; đồng thời quan tâm kiểm tra việc thực hiện công tác giám sát ở cơ sở để phát huy vai trò của hệ thống giám sát ở cơ sở.4. Kết luận
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là công việc khó khăn. Khi người dân được học xong nghề thì đó mới là sự khởi đầu để họ áp dụng nghề vào sản xuất, kinh doanh, do đó cần có thời gian dài hơn để họ tiếp tục gắn bó với nghề và sống được bằng nghề. Đề án 1956 là một chính sách rất nhân văn của Nhà nước đối với vùng dân tộc, miền núi. Nếu không tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của chính sách này sẽ dẫn đến sự lãng phí rất lớn khi người dân không sử dụng nghề đã học và đồng thời dẫn đến làm mất niềm tin vào chính sách. Với kết quả nguồn lực đầu tư mới đáp ứng 30% kế hoạch và hiệu quả thực sự của đào tạo nghề trong thời gian qua cũng đạt hiệu quả khoảng 30% và những vướng mắc, bất cập đã chỉ ra đòi hỏi các cấp, các ngành và người dân cùng quan tâm, tập trung nhiều hơn nữa đến việc thực thi tốt hơn chính sách này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đỗ Kim Chung (2016). Xóa đói và giảm nghèo ở vùng Tây Bắc: Tác động và định hướng chính sách. Sách tham khảo, NXB Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La (2105). Báo cáo số 20/BC-BCĐ ngày 08/12/2015 về kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2011 - 2015.
3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La (2017). Báo cáo số 01/BC-BCĐ ngày 25/01/2017 về tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia Việc làm - Dạy nghề năm 2016.
4. Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
5. Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
6. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La (2012). Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 04/01/2012 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cán bộ cấp xã tỉnh Sơn La đến năm 2020”.
7. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La (2011; 2014). Quyết định về Quy định mức chi phí ĐTN cho LĐTN theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg.

IMPROVING THE EFFICIENCY OF POLICY IMPLEMENTATION ON VOCATIONAL TRAINING FOR RURAL LABOUR IN SON LA PROVINCE

QUANG VAN HUONG

Post Graduate Student in Economic Management, Vietnam University of Agriculture

Prof. PhD. DO KIM CHUNG

Faculty of Economics and Rural Development, Vietnam National University of Agriculture

ABSTRACT:

Vocational training for rural workers is a major policy to improve the quality of rural labor, create jobs and increase income for the people. However, the implementation results in Son La province has some shortcomings, such as: low cost norms; unsitable with the reality of mountainous areas; insufficient funding; the content and methods of training are still limited. Based on the analysis of these shortcomings, the paper proposes some solutions to improve the efficiency of vocational training for rural workers so that they have stable jobs and higher incomes.

Keywords: Vocational training policy, rural labor, Son La province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây