Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch cộng đồng tại Huế

Đề tài Nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển du lịch cộng đồng tại Huế do Hoàng Thị Lan Quyên - Nguyễn Đoàn Hạnh Dung (Trường Du lịch - Đại học Huế) thực hiện.

TÓM TẮT:

Vai trò của phụ nữ trong ngành Du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đang được quan tâm như một vấn đề trọng yếu trong phát triển bền vững, nhất là tại các điểm đến du lịch địa phương. Kết quả từ phỏng vấn sâu 25 đáp viên tại 2 cộng đồng tiêu biểu ở tỉnh Thừa Thiên Huế là Thủy Thanh và Thủy Biều cho thấy, phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội và tích cực thể hiện vai trò trong phát triển du lịch cộng đồng. Điều này được thể hiện qua các mức độ tham gia khác nhau ở 3 khía cạnh, bao gồm: tham gia thực hiện, tham gia ra quyết định và tham gia chia sẻ lợi ích từ du lịch. Qua đó, nghiên cứu đã đúc rút một số kiến nghị nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy trao quyền cho nữ giới trong phát triển du lịch cộng đồng.

Từ khóa: du lịch cộng đồng, phụ nữ, vai trò, sự tham gia, sự trao quyền.

1. Đặt vấn đề

Du lịch được xem là ngành mang lại nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ, đóng góp có ý nghĩa trong công cuộc cải thiện bình đẳng giới (Bùi Thị Tám & Nguyễn Hoàng Thụy Vy, 2019) và trao quyền cho phụ nữ để không ai bị bỏ lại phía sau (World Tourism Organisation - UNTWO, 2019). Theo thống kê của UNWTO (2019), hiện trung bình phụ nữ chiếm tới 54% toàn bộ nhân lực du lịch. Đặc biệt, con số này lên đến 70% đối với các dịch vụ phục vụ du lịch trong cộng đồng, trong khi tỷ lệ này ở các ngành kinh tế khác chỉ là 39%.

Mặc dù hiện có đa dạng các nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của du lịch cộng đồng (DLCĐ), song, vấn đề về vai trò hay sự tham gia của phụ nữ trong phát triển loại hình du lịch này dường như còn vắng bóng trong các nghiên cứu tại Việt Nam nói chung và ở tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) nói riêng. Vì vậy, nghiên cứu này tập trung phân tích hình thức và mức độ tham gia để làm rõ vai trò của phụ nữ trong phát triển DLCĐ tại 2 trường hợp cộng đồng điển hình của Huế. Từ đó, đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao vai trò và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ khi tham gia phát triển DLCĐ tại các điểm đến du lịch địa phương.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Phụ nữ với phát triển du lịch

Theo tổng hợp của Su và cộng sự (2023), Bùi Thị Tám & Nguyễn Hoàng Thụy Vy (2019) qua nhiều nghiên cứu, tiếp cận về giới trong đánh giá sự tham gia vào phát triển du lịch (PTDL) đã phản ánh sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong một loạt các vấn đề, như: địa vị, vị trí việc làm, quyền ra quyết định và cả cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho rằng, phụ nữ đang dẫn đầu các nỗ lực trong du lịch cộng đồng và du lịch có trách nhiệm. Họ ngày càng trở nên độc lập khi có thể sở hữu và vận hành các mô hình kinh doanh riêng, thách thức định kiến xã hội về giới (Su và cộng sự, 2023; Trupp & Sunanta, 2017).

Đối với các cộng đồng vùng ven đô thị, phụ nữ thường là những người thực hành di sản văn hóa phi vật thể, nhưng lại thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội nông thôn với khả năng tiếp cận nguồn lực sinh kế thấp hơn, ít lựa chọn sinh kế hơn, khả năng tiếp cận giáo dục thấp hơn và địa vị xã hội thấp hơn nhiều so với phụ nữ và nam giới thành thị (Su và cộng sự, 2023). Vì vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng (PTDLCĐ) được xem là cần thiết để hỗ trợ phát triển sinh kế, nâng cao vị thế và trao quyền cho họ. Hơn nữa, sự tham gia của phụ nữ trong PTDL còn được xem như một chiến lược để bảo tồn và thậm chí làm sống lại giá trị văn hóa truyền thống của địa phương (Nam, 2020; Su và cộng sự, 2023; Tran & Walter, 2014).

2.2. Sự tham gia và trao quyền cho phụ nữ trong phát triển du lịch

Thông qua việc mở rộng vòng tròn kết nối xã hội của phụ nữ và thể hiện khả năng của họ ngoài công việc gia đình, việc tham gia vào du lịch có tiềm năng nâng cao lòng tự trọng của phụ nữ, củng cố bản sắc và tính độc lập của họ, thúc đẩy các sáng kiến của phụ nữ nhằm phát triển bản thân tốt hơn (Su và cộng sự, 2023). Từ những chuyển hóa nhận thức trong quá trình tham gia vào du lịch, họ có thể tìm cách thay đổi chính trị để cho phép bản thân tham gia vào việc ra quyết định trong cộng đồng của họ và trong xã hội rộng lớn hơn. Đó cũng chính là vấn đề cốt lõi để hướng đến trao quyền cho phụ nữ trong PTDL (Nam, 2020; Su và cộng sự, 2023; Tran & Walter, 2014).

Theo tổng hợp của Nguyễn Đoàn Hạnh Dung & Trương Thị Thu Hà (2019), có 3 hình thức tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển DLCĐ, bao gồm: (1) quy hoạch; (2) thực hiện (kinh doanh, phục vụ và quảng bá du lịch); và (3) hưởng lợi từ du lịch. Đây cũng là những hình thức tham gia phổ biến của phụ nữ, phản ánh vai trò của họ trong phát triển DLCĐ tại Việt Nam hiện nay (Nam, 2020; Tran Linh & Walter, 2014). Trong đó, việc tham gia quy hoạch - tức được trao quyền ra quyết định - được đề cập như một cấp độ tham gia lý tưởng để cộng đồng nói chung và phụ nữ nói riêng đạt được sự tích cực và chủ động cao nhất khi được nâng cao vai trò và hướng đến trao quyền cho họ (Nguyễn Đoàn Hạnh Dung & Trương Thị Thu Hà, 2019).

3. Phương pháp nghiên cứu

Lựa chọn hai cộng đồng tiêu biểu trong phát triển DLCĐ tại tỉnh TTH là phường Thủy Biều (thành phố Huế) và xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), nghiên cứu tiến hành phân tích theo trường hợp nghiên cứu (case study) để làm rõ vai trò của phụ nữ qua hình thức và mức độ tham gia của họ trong phát triển DLCĐ tại TTH. Số liệu sơ cấp được thu thập qua 2 lần quan sát thực địa (vào giữa tháng 12 năm 2022) và phỏng vấn sâu cá nhân từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023, thực hiện với 25 đáp viên là người dân đang sinh sống và có tham gia phục vụ du lịch ở 2 cộng đồng. Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu có chủ đích bằng cách tiếp cận từ danh sách hộ gia đình có tham gia phục vụ du lịch tại địa phương, sau đó lựa chọn đáp viên phỏng vấn theo các tiêu chí: (1) số lượng cân bằng giữa hai cộng đồng và giữa hai nhóm đáp viên nam và nữ để khai thác các quan điểm khác biệt về giới; (2) đa dạng về loại hình dịch vụ và thời gian tham gia phục vụ du lịch. Các thông tin được thu thập qua quan sát và bảng câu hỏi ở dạng bán cấu trúc, sau đó được tiến hành chọn lọc và phân nhóm theo các chủ đề đã thiết kế (theme analysis) để mã hóa phục vụ cho tổng hợp và phân tích tương quan, làm rõ các nội dung nghiên cứu.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Tình hình phát triển du lịch cộng đồng tại Huế

Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế phát triển DLCĐ khi bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô, vùng nông thôn ven thành phố và vùng cao của các đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy gần như khá nguyên vẹn. Sở Du lịch tỉnh đã cùng với các tổ chức nước ngoài như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức phi chính phủ Hà Lan phát triển tại Việt Nam (SNV), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và UNESCO… để khởi xướng và xây dựng nhiều mô hình DLCĐ. Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 6 điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng được công nhận, bao gồm: Lương Quán - Nguyệt Biều (thành phố Huế), Cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy), Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên - Tranh dân gian Làng Sình (huyện Phú Vang), điểm du lịch sinh thái Đầm Chuồn (huyện Phú Vang), làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) và khu du lịch sinh thái A Nor (huyện A Lưới). Ngoài ra, một số điểm du lịch cũng đã được hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ chức để quản lý như: Ngư Mỹ Thạnh - huyện Quảng Điền, Gành Lăng - huyện Phú Lộc, xã A Roàng và xã Quảng Nhâm - huyện A Lưới, thôn Dỗi - huyện Nam Đông. Các dự án phát triển DLCĐ này đã mang lại những tác động tích cực cho các địa phương. Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch tỉnh, trung bình hàng năm TTH đón được khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình DLCĐ và mang đến doanh thu từ dịch vụ ước đạt 100 tỷ đồng/năm; từ đó, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động, chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho PTDL.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh TTH vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là về năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực và việc kết nối các nguồn lực. Hầu hết sự kết nối giữa các đơn vị lữ hành và cộng đồng địa phương chưa được chú trọng. Điều này dẫn đến những bất cập trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và dịch vụ chuyên nghiệp cho từng địa phương để thu hút và giữ chân du khách, cũng vì vậy, doanh thu và thu nhập đem lại cho cộng đồng còn ở mức khiêm tốn.

4.2. Sự tham gia của phụ nữ trong DLCĐ tại phường Thủy Biều và xã Thủy Thanh

Qua nắm bắt tình hình phát triển DLCĐ tại TTH, nghiên cứu đã lựa chọn 2 điểm DLCĐ tiêu biểu nhất của tỉnh. Một là, điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Lương Quán - Nguyệt Biều gắn với cộng đồng phường Thủy Biều (thành phố Huế), đại diện cho điểm DLCĐ phát triển theo hướng xanh hóa trong nội vùng đô thị. Hai là, điểm du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn gắn với cộng đồng xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), được vinh danh Giải thưởng Asean đối với Khu du lịch cộng đồng tiêu biểu trong Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam diễn ra vào năm 2017 tại Hà Nội; đại diện cho các cộng đồng ở vùng ven đô thị, PTDL dựa vào văn hóa nông nghiệp đặc trưng của làng quê Việt Nam. Với những đặc trưng nêu trên của 2 cộng đồng, nơi đây đang có đa dạng các hoạt động du lịch được chính quyền, người dân và các đơn vị hỗ trợ phối hợp triển khai, như các phiên chợ quê ngày hội, lễ hội về ẩm thực và đặc sản địa phương, homestay và trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống và đời sống văn hóa địa phương… Đây cũng là môi trường thuận lợi để nghiên cứu tiếp cận đa diện hơn về sự tham gia của phụ nữ trong phát triển DLCĐ tại khu vực đô thị và khu vực ven đô của tỉnh TTH.

4.2.1. Cơ cấu mẫu phỏng vấn

Với phương pháp chọn mẫu đã nêu trên, nghiên cứu tiến hành thực hiện phỏng vấn tại nhà các đáp viên hoặc các gian hàng giải khát gần các chợ địa phương, qua đó, tiếp cận được 25 đáp viên là người dân, bao gồm 12 đáp viên ở cộng đồng xã Thủy Biều và 13 đáp viên ở cộng đồng phường Thủy Thanh. Trong đó, có 19 đáp viên - 9 nam và 10 nữ - là chủ hộ kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc đã tham gia phục vụ trực tiếp vào du lịch địa phương và 6 đáp viên - 3 nam và 3 nữ - có phụ nữ trong gia đình hiện đang tham gia vào du lịch (bản thân họ không tham gia). Về tỷ lệ độ tuổi, 18/25 đáp viên có độ tuổi từ trung niên trở lên, trong khi đó đối với đối tượng trẻ dưới 25 tuổi chỉ có 1/15 đáp viên và độ tuổi thanh niên là 6/25 đáp viên.

4.2.2. Tính chất và mức độ tham gia của phụ nữ trong phát triển du lịch

Tiếp cận qua quan sát thực địa và phỏng vấn sâu với 25 đáp viên đến từ hai địa phương, nghiên cứu đã ghi nhận đặc điểm chung của phụ nữ Thủy Biều và Thủy Thanh khi tham gia vào phục vụ và PTDL. Họ đều hiện diện trong những vị trí công việc phổ biến nhưng mang cốt cách riêng có của cộng đồng, từ các hàng nước, quán ăn cho đến các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ trải nghiệm văn hóa địa phương như nghề truyền thống (làm bánh, chằm nón, làm hương, chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược…), biểu diễn thơ ca và hò vè, trồng hoa và rau màu theo mùa, đi chợ và chế biến các bữa cơm dân dã của gia đình... Kết quả từ phỏng vấn sâu cho thấy, có đến 11/25 đáp viên cho rằng, dù còn phụ thuộc lớn vào tính mùa vụ của DLCĐ nhưng vào khoảng 6-8 tháng mỗi năm, phụ nữ trong gia đình họ gần như tham gia toàn thời gian và có thu nhập chính từ du lịch.

phụ nữ

Hình 1 thể hiện các nhóm vị trí công việc liên quan đến du lịch của phụ nữ trong các hộ gia đình được chọn phỏng vấn. Dựa trên thang phân loại mức độ tham gia của cộng đồng vào PTDL của Tosun (1999) đề xuất (trích từ Dung & Hà, 2019), nghiên cứu đã lập bảng mô tả về 3 mức độ tham gia của phụ nữ trong DLCĐ để đáp viên xếp loại. Thông tin thu nhận phản ánh sự tham gia khá tích cực của phụ nữ trong phát triển DLCĐ tại địa phương tại Thủy Biều và Thủy Thanh: có đến 10/25 đáp viên nhận định là họ đang tham gia chủ động (spontaneous participation), 12/25 đáp viên cho là ở mức thụ động có khích lệ (induced participation) và chỉ có 3/25 đáp viên nhìn nhận phụ nữ trong gia đình họ đang tham gia du lịch một cách hình thức (coercive participation) - chỉ hỗ trợ thêm vào mùa cao điểm hoặc tham gia gián tiếp qua việc cung cấp nhu yếu phẩm sinh hoạt phục vụ du khách.

4.2.3. Vai trò của phụ nữ trong phát triển DLCĐ tại địa phương

Dựa trên tổng quan nghiên cứu đã nêu ở mục 2.2 trên đây, nghiên cứu đã phân nhóm kết quả phỏng vấn về vai trò của phụ nữ trong phát triển DLCĐ tại Thủy Biều và Thủy Thanh qua ba hình thức tham gia, gồm: thực hiện, ra quyết định và chia sẻ lợi ích từ du lịch.

Bảng 1. Nhận định về vai trò của phụ nữ trong phát triển DLCĐ địa phương

Vai trò của phụ nữ trong phát triển DLCĐ

Tần suất đề cập của đáp viên

Thủy Biều (N1 = 12)

Thủy Thanh

(N2 = 13)

Thực hiện cung cấp dịch vụ

+ Phục vụ các dịch vụ du lịch địa phương (theo yêu cầu từ trên xuống)

8

7

+ Điều phối và kiểm soát việc cung cấp dịch vụ

6

5

+ Đề xuất sáng kiến mới về phát triển du lịch

6

7

+ Quảng bá cho du lịch địa phương

8

6

(-) Đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò hơn so với nam giới

7

5

Ra quyết định

+ Họp bàn về PTDL địa phương

7

3

+ Ra quyết định về phát triển kinh doanh của hộ

5

2

+ Ý kiến thường được lắng nghe để áp dụng

8

5

(-) Không có cơ hội đóng góp ý kiến

2

4

(-) Ý kiến đóng góp không được ghi nhận

3

5

Chia sẻ lợi ích từ du lịch

+ Cải thiện thu nhập

7

5

+ Chia sẻ các lợi ích chung

3

2

+ Chia sẻ cơ hội phát triển kỹ năng và kiến thức

3

4

+ Thực hiện các trách nhiệm xã hội

4

5

(-) Chưa được chia sẻ lợi ích xứng đáng hay công bằng so với nam giới

5

7

Ghi chú: + ưu điểm; (-): hạn chế; N1, N2: tổng số mẫu phỏng vấn ở hai cộng đồng

                                                          Nguồn: Tổng hợp từ phỏng vấn sâu, tháng 3/2023

Bảng 1 thể hiện rõ nhận định của các đáp viên, được mã hóa đồng bộ về từ khóa dựa trên thông tin họ đã cung cấp trong phỏng vấn. Qua đó, điểm tương đồng giữa 2 cộng đồng phản ánh rằng, phụ nữ đã tích cực thể hiện vai trò khi tham gia phát triển DLCĐ. Đã có một số phụ nữ chủ động đề xuất các sáng kiến mới khi thực hiện, tham gia tích cực trong việc ra quyết định liên quan đến quy hoạch PTDL địa phương hay phát triển hoạt động kinh doanh của hộ gia đình và chủ động chia sẻ các lợi ích và cơ hội từ du lịch. Họ sẽ là nhân tố tiên phong trong cộng đồng để lan tỏa đến các phụ nữ khác tinh thần phấn đấu cho bình đẳng giới trong du lịch, bắt kịp sự tiến bộ của nữ giới toàn cầu trong việc xây dựng giá trị và khẳng định vị thế của bản thân.

Tuy nhiên, Bảng 1 cũng phản ánh nhiều điểm tồn tại khiến vai trò của phụ nữ trong phát triển DLCĐ hiện vẫn còn bị hạn chế, khi vai trò ra quyết định chưa được đề cập bởi đa số các đáp viên; đồng thời, họ vẫn còn chịu thiệt thòi khi ghi nhận nhiều nhận định rằng họ chưa nhận được chia sẻ lợi ích xứng đáng hay công bằng so với nam giới tại cộng đồng. Cùng với đó, dữ liệu này cũng cho thấy sự khác biệt khá rõ ràng giữa hai cộng đồng được nghiên cứu, trong khi phụ nữ ở cộng đồng Thủy Biều được cho là có tiếng nói hơn trong các cuộc họp bàn chung hay tự ra quyết định, thì phụ nữ ở cộng đồng Thủy Thanh lại tỏ ra hạn chế ở vai trò ra quyết định này. Đây cũng là những tồn tại cần lưu ý để chính quyền các cấp, ban quản lý du lịch và các bên liên quan đến DLCĐ tại TTH kịp thời xây dựng các giải pháp cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho nữ giới phát huy vai trò của mình trong phát triển DLCĐ.

5. Kết luận và kiến nghị

DLCĐ đã được công nhận như một cách tiếp cận đầy hứa hẹn nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển du lịch, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống phục vụ PTDL (Su và cộng sự, 2023; Trupp & Sunanta, 2017). Từ hai trường hợp nghiên cứu điển hình là cộng đồng Thủy Biều và Thủy Thanh, nghiên cứu ghi nhận xu hướng dần tích cực và chủ động của phụ nữ tỉnh TTH trong các vai trò thực hiện, ra quyết định và chia sẻ lợi ích từ du lịch. Bên cạnh đó, những tồn tại liên quan đến định kiến giới cũng đang đặt ra nhiều rào cản cho phụ nữ TTH trong tham gia ra quyết định và nhận lại lợi ích từ PTDL. Vì vậy, để DLCĐ ở tỉnh TTH thật sự góp phần cải thiện sinh kế, phát triển kỹ năng và kiến thức, nâng cao vị thế và trao quyền cho phụ nữ, cần có các cơ chế và giải pháp kịp thời để: (1) tạo điều kiện thúc đẩy phụ nữ tham gia tích cực vào việc họp bàn/đối thoại, lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các hoạt động du lịch; (2) nâng cao năng lực phục vụ và quản lý trong du lịch cho phụ nữ; (3) hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, bao gồm về tài chính, tri thức và mối quan hệ xã hội; (4) hoàn thiện chính sách quản lý các hoạt động DLCĐ, trong đó lưu ý các vấn đề nhạy cảm liên quan đến công bằng giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Thị Tám, Nguyễn Hoàng Thụy Vy (2019). Các nhân tố ảnh hưởng đến thăng tiến nghề nghiệp của nữ giới trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn ở thành phố Huế. Hue University Journal of Science: Social Sciences and Humanities, 128(6D). https://doi.org/10.26459/hueuni-jssh.v128i6D.5461
  2. Nam, N. T. (2020). Gender in community tourism development (case of community tourism Village Quynh Son, Bac Son District, Lang Son Province, Vietnam). Edukacja Humanistyczna(1), 89-99.
  3. Nguyễn Đoàn Hạnh Dung, Trương Thị Thu Hà (2019). Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh, Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học xã hội và Nhân văn, 128(6D), 101-119.
  4. Su, M. M., Wall, G., Ma, J., Notarianni, M., & Wang, S. (2023). Empowerment of women through cultural tourism: Perspectives of Hui minority embroiderers in Ningxia, China. Journal of Sustainable Tourism, 31(2), 307-328. https://doi.org/10.1080/09669582.2020.1841217
  5. Tran, L., & Walter, P. (2014). Ecotourism, gender and development in northern Vietnam. Annals of Tourism Research, 44, 116-130. https://doi.org/10.1016/j.annals.2013.09.005
  6. Trupp, A., & Sunanta, S. (2017). Gendered practices in urban ethnic tourism in Thailand. Annals of Tourism Research, 64, 76-86.
  7. World Tourism Organization - UNWTO. (2019).Global Report on Women in Tourism – Second Edition. UNWTO, Madrid. DOI: https://doi.org/10.18111/9789284420384.

Strengthening the role of women in community-based tourism development in Thua Thien Hue province

Hoang Thi Lan Quyen1

Nguyen Doan Hanh Dung1

1School of Hospitality and Tourism, Hue University

ABSTRACT:

The role of women in developing community-based tourism is receiving attention as a critical issue in the sustainable development of local tourism destinations. Results from in-depth interviews with 25 respondents in two typical communities of Thua Thien Hue province, namely Thanh Toan and Thuy Bieu, show that women increasingly have more opportunities and actively express their roles in tourism development. It is reflected in their different levels of participation in three aspects: implementation, decision-making, and benefit-sharing from tourism activities. The study made several recommendations to improve women's competencies and promote their empowerment while participating in local community-based tourism.

Keywords: community-based tourism, women, role, participation, empowerment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]

Tạp chí Công Thương