Ngành Công Thương qua các thời kỳ lịch sử

Ngày mai, diễn ra Lễ Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Công Thương (14 tháng 5 năm 1951 – 14 tháng 5 năm 2009) và khánh thành Di tích lịch sử Bộ Công Thương tại ATK – Tân Trào.

Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Quyết định số 1418/QĐ-TTg ngày 20/10/2008  lấy ngày 14 - 5 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam".

                Cây đa Tân Trào (Tuyên Quang) ảnh TL

Ngày mai, diễn ra Lễ Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Công Thương (14 tháng 5 năm 1951 – 14 tháng 5 năm 2009) và khánh thành Di tích lịch sử Bộ Công Thương tại ATK – Tân Trào.

Dưới đây là các thời điểm thành lập các tổ chức của Ngành trong lịch sử đất nước từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945:

Sắc lệnh số 29 - B/SL ngày 16-3-1947 đặt trong Bộ Kinh tế một cơ quan Trung ương điều khiển ngoại thương gọi là "Ngoại thương cục". Ngoại thương cục có một Hội đồng quản trị gồm bốn đại biểu chính thức và bốn đại biểu dự khuyết của bốn bộ Kinh tế, Tài chính, Quốc phòng, Nội vụ.

 

Sắc lệnh số 53-SL ngày 1-6-1947 cải tổ Ngoại thương cục.

 

Sắc lệnh số 54 ngày 11-6-1947 bãi bỏ Hội đồng Quản trị Ngoại thương và đặt Ngoại giao cục dưới quyền điều khiển trực tiếp của Bộ Kinh tế. Đặt trong Ngoại thương cục một: "Hội đồng cố vấn ngoại thương" gồm đại biểu của Bộ Quốc phòng, Tài chính, Canh nông, nếu cần thiết, đại biểu các Bộ khác; đại biểu các Bộ sẽ do các Bộ trưởng cơ quan đề cử.

 

Sắc lệnh số 168 - SL ngày 17-11-1950 thành lập Sở Nội thương.

Sắc lệnh số 21 - SL ngày 14 - 5 -1951 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương.

Sắc lệnh số 22 - SL ngày 14 -5-1951  thành lập trong Bộ Công Thương một một cơ quan kinh doanh lấy tên là Sở Mậu dịch; bãi bỏ Cục Ngoại thương và Sở Nội thương.

 

Lệnh của Chủ tịch nước số 18-LCT ngày 26-7-1960 về danh sách các Bộ và cơ quan ngang Bộ, trong đó có: Bộ Thuỷ lợi và Điện lực, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương. Các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, trong đó có: Tổng cục Địa chất, Tổng cục Vật tư.

 

Quyết nghị số 786/NQ/TVQHK6 ngày 11-8-1969 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chia Bộ Công nghiệp nặng thành hai Bộ và một Tổng cục thuộc Hội đồng Chính phủ: Bộ Điện và Than, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Hoá chất; Thành lập Bộ Lương thực và Thực phẩm trên cơ sở hợp nhất Tổng cục Lương thực với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tách từ Bộ Công nghiệp nhẹ ra; Thành lập Bộ Vật tư trên cơ sở bộ máy của Tổng cục Vật tư .

 

Nghị định số 170/CP ngày 3-9-1975 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam.

 

Quyết nghị số 1236NQ/TVQHK6 ngày 22- 11 -1981 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chia Bộ Điện và Than thành hai bộ: Bộ Điện lực, Bộ Mỏ và Than; Chia Bộ Lương thực và Thực phẩm thành hai bộ: Bộ Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lương thực.

 

Nghị định số 62-HĐBT ngày 21-6-1983 thành lập Ban Cơ khí của Chính phủ; Nghị định số 105-HĐBT ngày 26-9-1983 thành lập Ban Năng lượng của Chính phủ.

 

Quyết định số 481-NQ/HĐNN7 ngày 16 - 12 -1983 của Hội đồng Nhà nước phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật tin học.

 

Quyết định số 782NQ/HĐNN7 ngày 16-12-1987 của Hội đồng Nhà nước: Thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở hợp nhất ba Bộ: Bộ Nông nghiệp, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực; Thành lập Bộ Năng lượng trên cơ sở hợp nhất hai Bộ: Bộ Điện lực và Bộ Mỏ và Than; Đổi tên Tổng cục Địa chất thành Tổng cục Mỏ và địa chất.

 

Nghị quyết của Quốc hội ngày 28-6-1988 thành lập Bộ Kinh tế đối ngoại trên cơ sở sáp nhập Bộ Ngoại thương và Uỷ ban Kinh tế đối ngoại; Sáp nhập Tổng cục điện tử và Kỹ thuật tin học vào Bộ Cơ khí và Luyện kim.

 

Nghị quyết của Quốc hội ngày 30-6-1990 thành lập Bộ Thương nghiệp trên cơ sở Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư để thống nhất quản lý nhà nước các hoạt động thương nghiệp và dịch vụ;  Đổi tên Bộ Cơ khí và Luyện kim thành Bộ Công nghiệp nặng để thống nhất quản lý Nhà nước đối với các ngành cơ khí luyện kim, điện tử, mỏ, địa chất, dầu khí và hóa chất. Phê chuẩn việc giải thể Tổng cục mỏ và địa chất, Tổng cục hóa chất và Tổng cục dầu khí.

 

Nghị quyết của Quốc hội ngày 12-8-1991 đổi tên Bộ Thương nghiệp thành Bộ Thương mại và du lịch.

 

Nghị quyết của Quốc hội ngày 30-9 -1992 quyết nghị danh sách các Bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó có: Bộ Thương mại;  Bộ Công nghiệp nặng;  Bộ Công nghiệp nhẹ;  Bộ Năng lượng;  Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.

 

Nghị quyết của Quốc hội ngày 21-10-1995 thành lập Bộ Công nghiệp trên cơ sở hợp nhất ba Bộ: Công nghiệp nặng, Năng lượng, Công nghiệp nhẹ.

 

Nghị quyết của Quốc hội ngày 29-9-1997 quyết nghị danh sách các Bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó có:  Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp.

 

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI, ngày 08-8-2002 phê chuẩn các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thương mại: Ông Trương Đình Tuyển; Bộ trưởng Bộ Công nghiệp: Ông Hoàng Trung Hải.

 

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XII, ngày 31-7-2007 hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công thương: ông Vũ Huy Hoàng.

 

 

                          Trụ sở Bộ Công Thương -Ảnh NMH

Việc biên soạn tài liệu, sưu tầm hiện vật, hình ảnh phục vụ công tác nghiên cứu phát triển ngành Công Thương là cần thiết, nhằm giáo dục truyền thống và đóng góp vào kho tàng lý luận cách mạng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

 

Bộ trưởng các Bộ thuộc Ngành Công Thương trong Chính phủ

nhiệm kỳ Quốc hội Khóa I đến Khóa XII (1946 đến nay)

------------

 

 

Chính phủ liên hiệp kháng chiến, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, thông qua ngày 3/11/1946 và được bổ sung cho đến năm 1955

 

Bộ trưởng: Bộ Kinh tế (từ 5-1951 đổi tên là Bộ Công thương):

Ông Ngô Tấn Nhơn

Ông Phan Anh (từ 1947)

 

  Chính phủ mở rộng được Quốc hội khoá I, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/9/1955 và được tiếp tục bổ sung cho đến Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa I, ngày 27-5-1959

 

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp:

Ông Lê Thanh Nghị (từ 9-1955)

 

Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp:

Ông Phan Anh (từ 9-1955 đến 4-1958)

 

Bộ trưởng Bộ Nội thương:

Ông Đỗ Mười (từ 4-1958)

 

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương:

Ông Phan Anh (từ 4-1958)

 

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa II  (1960-1964)

 

Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp (Hội đồng Chính phủ):

Ông Lê Thanh Nghị

 

Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính-Thương nghiệp (Hội đồng Chính phủ):

Ông Hoàng Anh  (đến tháng 1-1963)

Ông Phạm Hùng (từ tháng 1-1963)

 

Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực:

Ông Dương Quốc Chính (đến 1-1963)
Ông  Hà Kế Tấn (từ 1-1963)

 

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng:

Ông Nguyễn Văn Trân

 

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ:

Ông Kha Vạng Cân

 

Bộ trưởng Bộ Nội thương:

Ông Đỗ Mười (đến 1-1961)

Ông Nguyễn Thanh Bình (từ 2-1961 là Quyền Bộ trưởng.Từ 1-1963 là Bộ trưởng)

 

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương:

Ông Phan Anh

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa III  (1964-1971)

Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp (Văn phòng Phủ Thủ tướng):

Ông Lê Thanh Nghị (đến 2-1967)         
Ông Trần Danh Tuyên (từ 1967 đến 12-1969)

Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính-Thương nghiệp (Văn phòng Phủ Thủ tướng):

Ông Phạm Hùng (Phó Thủ tướng kiêm chức đến 4-1966)
Ông Nguyễn Thanh Bình (từ 4-1966 đến 12-1969)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng:

Ông Nguyễn Văn Trân (đến 2-1967)

Ông Lê Thanh Nghị (Phó Thủ tướng kiêm chức từ 2-1967 đến 11-1967)  

Ông Nguyễn Hữu Mai (từ 11-1967 đến 12-1969)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ:

Ông Kha Vạng Cân

Bộ trưởng Bộ Nội thương:

Ông Nguyễn Thanh Bình (đến 10-1966)

Ông Hoàng Quốc Thịnh (Quyền Bộ trưởng
từ 10-1966 đến 11-1967 là Bộ trưởng)

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương:

Ông Phan Anh

Bộ trưởng Bộ Điện và Than:

Ông Nguyễn Hữu Mai (từ 12-1969, sau khi thành lập Bộ)

Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim:

Ông Đinh Đức Thiện (từ 12-1969, sau khi thành lập Bộ)

Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm:

Ông Ngô Minh Loan (từ 12-1969, sau khi thành lập Bộ)

Bộ trưởng Bộ Vật tư:

Ông Trần Danh Tuyên (từ 12-1969, sau khi thành lập Bộ)

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV  (1971-1975)

Bộ trưởng Bộ Điện và Than:

Ông Nguyễn Hữu Mai (đến 4-1974)

Quyền Bộ trưởng Bộ Điện và Than:

Ông Nguyễn Chấn (từ 4-1974)

Bộ trưởng Bộ Cơ khí và  Luyện kim:

Ông Đinh Đức Thiện (đến 3-1974)
Ông Nguyễn Côn (từ 3-1974)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ:

Ông Kha Vạng Cân

Bộ trưởng Bộ Lương thực Thực phẩm:

Ông Ngô Minh Loan

Bộ trưởng Bộ Vật tư:

Ông Trần Danh Tuyên

Bộ trưởng Bộ Nội thương:

Ông Hoàng Quốc Thịnh

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương:

Ông Phan Anh

Bộ trưởng phụ trách Công trình Sông Đà:

Ông Hà Kế Tấn (từ 6-1973)

Chính phủ nhiệm kỳ  Quốc hội khoá V  (1975- 1976)

Bộ trưởng Bộ Điện và Than:

Ông Nguyễn Chấn

Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim:

Ông Nguyễn Côn (Phó Thủ tướng kiêm chức)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ:

Ông Vũ Tuân 

Bộ trưởng Bộ Nội thương:

Ông Hoàng Quốc Thịnh

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương:

Ông Phan Anh

Bộ trưởng Bộ Vật tư:

Ông Trần Danh Tuyên

Bộ trưởng chuyên trách công trình sông Đà:

Ông Hà Kế Tấn

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI
(1976-1981)

Bộ trưởng Bộ Cơ khí Luyện kim:

Ông Nguyễn Côn (đến 11-1977)
Ông Nguyễn Văn Kha (từ 11-1977)

Bộ trưởng Bộ Điện và Than:

Ông Nguyễn Chấn (đến 1-1981, khi chia tách Bộ)

Bộ trưởng Bộ Điện lực:

Ông Phạm Khai (từ 1-1981, khi thành lập Bộ)

Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than:

Ông Nguyễn Chân (từ 1-1981, khi thành lập Bộ)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ:

Ông Vũ Tuân (đến 2-1977)
Ông Trần Hữu Dư (từ 2-1977)

Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm:

Ông Ngô Minh Loan (đến 4-1979)
Ông Hồ Viết Thắng (từ 4-1979 đến 1-1981)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thực phẩm:

Ông Vũ Tuân (từ 1-1981, khi thành lập Bộ)

Bộ trưởng Bộ Nội thương:

Ông Hoàng Quốc Thịnh (đến 11-1977)
Ông Trần Văn Hiển (từ 11-1977 đến 1-1981)
Ông Trần Phương (từ 1-1981)

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương:

Ông Đặng Việt Châu (đến 2-1980)
Ông Lê Khắc (từ 2-1980)

Bộ trưởng Bộ Vật tư:

Ông Trần Sâm

Bộ trưởng, Phụ trách công trình Sông Đà:

Ông Hà Kế Tấn (đến 5-1978)

Bộ trưởng Phụ trách Công tác Dầu khí:

Ông Đinh Đức Thiện

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII  (1981-1987)

Bộ trưởng Bộ Vật tư:

Ông Trần Sâm (đến 4-1982)

Ông Hoàng Đức Nghi (từ 4-1982)

Bộ trưởng Bộ Cơ khí Luyện kim:

Ông Nguyễn Văn Kha (đến 2-1987)

Ông Phan Thanh Liêm (từ 2-1987)

Bộ trưởng Mỏ và Than

Ông Nguyễn Trân (đến 6-1986)

Bộ trưởng Bộ Điện lực:

Ông Phạm Khai (từ 2-1987)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ:

Ông Trần Hữu Dư (đến 4-1982)
Ông Nguyễn Chí Vu (từ 4-1982 đến 2-1987)

Ông Vũ Tuân (từ 2-1987)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm:

Ông Vũ Tuân (đến 6-1982)

Bộ trưởng Bộ Nội thương:

Ông Trần Phương (đến 4-1982)

Ông Lê Đức Thịnh (từ 4-1982 đến 6-1986)

Ông Hoàng Minh Thắng (từ 6-1986)

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương

Ông Lê Khắc (đến 6-1986)

Ông Đoàn Duy Thành (từ 6-1986)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm

Ông Nguyễn Công Tạn (từ 2-1987, khi sáp nhập 3 Bộ Nông nghiệp, Công nghiệp thực phẩm và Lương thực, thành lập Bộ mới)

Bộ trưởng Bộ Năng Lượng

Ông Vũ Ngọc Hải (từ 2-1987, khi sáp nhập 2 Bộ: Bộ Điện lực, Mỏ Than, thành lập Bộ mới)

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII  (1987-1992)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đối ngoại:

Ông Võ Đông Giang (đến 3-1988, khi sáp nhập Bộ Ngoại  thương và Ủy ban Kinh tế Đối ngoại)

Bộ trưởng Bộ Vật tư(đến 3-1990, khi Bộ Vật tư sáp nhập vào Bộ Thương nghiệp):

Ông Hoàng Đức Nghi

Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim (từ 3-1990 đổi là Bộ Công nghiệp nặng):

Ông Phan Thanh Liêm (đến 2-1990)   

Ông Trần Lum (từ 2-1990)

Bộ trưởng Bộ Năng lượng:

Ông Vũ Ngọc Hải

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ:

Ông Vũ Tuân (đến 2-1990)
Ông Đặng Vũ Chư (từ 2-1990)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm:

Ông Nguyễn Công Tạn

Bộ trưởng Bộ Nội thương:

Ông Hoàng Minh Thắng (đến 3-1987)

Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp (3-1990 thành lập Bộ Thương nghiệp trên cơ sở Bộ Kinh tế đối ngoại, Bộ Nội thương, Bộ Vật tư)

Ông Hoàng Minh Thắng (từ 3-1987 đến 8-1991)

Ông Lê Văn Triết (từ 8-1991)

Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch (thành lập từ 8-1991 sau khi sáp nhập Bộ Thương nghiệp và Tổng cục Du lịch)

Ông Lê Văn Triết

Bộ trưởng Bộ Ngoại thương:

Ông Đoàn Duy Thành (đến 3-1988)

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đối ngoại (từ 3-1988 đến 3-1990, khi Bộ Ngoại thương sáp nhập với Ủy ban Kinh tế Đối ngoại):

Ông Đoàn Duy Thành

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX (1992-1997)

Bộ trưởng Bộ Thương mại:

Ông Lê Văn Triết

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ:      

Ông Đặng Vũ Chư (đến 10-1995 khi thành lập Bộ Công nghiệp)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng:   

Ông Trần Lum (đến 10-1995 khi thành lập Bộ Công nghiệp) 

Bộ trưởng Bộ Năng lượng:   

Ông Vũ Ngọc Hải (đến 9-1992)  
Ông Thái Phụng Nê (từ 10-1993 đến 10-1995 khi thành lập Bộ Công nghiệp)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp:  

Ông Đặng Vũ Chư (từ 10-1995 khi sáp nhập các Bộ thành Bộ Công nghiệp)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm:  

Ông Nguyễn Công Tạn (đến 10-1995 khi thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (1997-2002)

Bộ trưởng Bộ Thương mại:

 

Ông Trương Đình Tuyển (đến 28-1-2000)
Ông Vũ Khoan (từ 28-1-2000)

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp:

                                    

Ông Đặng Vũ Chư

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI (2002-2007)

Bộ trưởng Bộ Thương  mại:

Ông Trương Đình Tuyển

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp:

Ông Hoàng Trung Hải

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011)

Bộ trưởng Bộ Công Thương:

Ông Vũ Huy Hoàng

Nguyễn Mạnh Hùng, tổng hợp từ Website của Chính phủ và Công báo.