Nghiên cứu và xây dựng quy trình phòng chống bệnh chết gân mạng lưới (Potato Virus Y) gây hại cây thuốc lá ở các tỉnh phía Bắc, Việt Nam

Phòng chống bệnh chết gân mạng lưới có hiệu quả trong việc quản lý bệnh PVY gây hại thuốc lá, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho nông dân trồng thuốc lá ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
cây thuốc lá
Phòng chống bệnh chết gân mạng lưới có hiệu quả

Thông tin chung đề tài

Lĩnh vực: Công nghiệp Tiêu dùng

Mã đề tài:

Tác giả: Nguyễn Văn Chín, Đỗ Thị Thúy và Nguyễn Hồng Thái

Đơn vị: Viện Thuốc lá, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam

Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu

- Điều tra tình hình bệnh PVY gây hại thuốc lá ở các tỉnh phía Bắc.

- Chẩn đoán chủng PVY gây hại trên cây thuốc lá tại các tỉnh phía Bắc.

- Ảnh hưởng của thời gian nhiễm PVY đến năng suất và thành phần hóa học của cây thuốc lá.

- Ảnh hưởng của thời vụ trồng đến bệnh PVY gây hại thuốc lá.

- Đánh giá tính kháng bệnh các dòng, giống thuốc lá tại Bắc Giang.

- Kiểm soát côn trùng môi giới đến PVY gây hại thuốc lá.

- Vệ sinh đồng ruộng kết hợp phun thuốc đến PVY.

- Xây dựng mô hình phòng chống tổng hợp bệnh PVY gây hại thuốc lá.

Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu

Quy trình phòng chống bệnh chết gân mạng lưới có hiệu quả trong việc quản lý bệnh PVY gây hại thuốc lá, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho nông dân trồng thuốc lá ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Kết quả nghiên cứu/giải pháp

Kết quả điều tra năm 2016 - 2017 cho thấy, PVY gây hại phổ biến ở các tỉnh trồng thuốc lá phía Bắc. Kết quả chẩn đoán 60 mẫu bệnh thu thập tại các tỉnh phía Bắc có triệu chứng chết gân lá bằng RT-PCR, kết quả xác định được 4 chủng PVY gây hại thuốc lá, bao gồm: PVY0, PVYC, PVYNTN và PVYmới.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu năm 2016 và 2017, đề tài tiến hành xây dựng mô hình quản lý bệnh PVY trong năm 2018, qua đó làm cơ sở xây dựng quy trình phòng chống bệnh chết gân mạng lưới. Một số biện pháp phòng chống chính như sử dụng cây giống sạch bệnh, thời vụ phù hợp, tiêu hủy cây bệnh sớm, phun thuốc trừ rệp có cánh và rệp non từ giai đoạn trồng (3 - 4 lá/cây) đến 12 - 16 lá/cây.

Sau đó, tiếp tục ứng dụng Quy trình phòng chống PVY trong sản xuất nguyên liệu thuốc lá.

Giá trị ứng dụng

Quy trình phòng chống bệnh PVY đã được Viện Thuốc lá ban hành theo Quyết định số 141/QĐ-VTL, ngày 27 tháng 11 năm 2018 và áp dụng vào quản lý bệnh PVY từ năm 2019 đến nay đã đem lại hiệu quả kiểm soát bệnh PVY gây hại thuốc lá ở các tỉnh phía Bắc. Quy trình phòng chống đã được Công ty Cổ phần Ngân Sơn và Chi nhánh Viện Thuốc lá tại Cao Bằng đánh giá cao, góp phần giảm chi phí phòng chống và tăng thu nhập cho nông dân trồng thuốc lá ở các tỉnh miền núi phía Bắc.