Nghiên cứu về nhu cầu đào tạo kỹ năng số từ sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội

Phạm Thị Mỹ Dung (Giảng viên, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương) - Lương Đoàn Nguyệt Hà - Nguyễn Thúy Hường - Phạm Thị Uyển Nhi (Sinh viên K59 Quản trị kinh doanh quốc tế, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương) - Phí Cẩm Thy (Sinh viên K60 CLC Quản trị kinh doanh quốc tế, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu tập trung tìm hiểu và đánh giá về nhu cầu đào tạo kỹ năng số của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT). Khung kỹ năng số đầu tiên dành cho sinh viên Đại học Ngoại thương được xây dựng gồm 6 nhóm kỹ năng chính: (1) Sử dụng công nghệ, (2) Thông tin và dữ liệu số, (3) Giao tiếp và cộng tác số, (4) Sáng tạo nội dung số, (5) An toàn và an sinh số, và (6) Giải quyết vấn đề số. Từ kết quả nghiên cứu, có những phân tích, so sánh và kết luận về tình hình nhu cầu đào tạo kỹ năng số để hỗ trợ Trường ĐHNT đưa ra những giải pháp cải thiện thực tế này.

Từ khóa: kỹ năng số, nhu cầu đào tạo, sinh viên, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Sự phát triển của công nghệ đòi hỏi con người và môi trường phải thay đổi liên tục nhằm thích nghi với thời đại. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã tạo một lực đẩy với gia tốc lớn cho quá trình chuyển đổi số không chỉ đối với các doanh nghiệp, tổ chức mà còn cả đối với các cá nhân. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đặt ra vô số thách thức, bắt buộc các lĩnh vực, các ngành nghề phải chuyển mình để theo kịp sự biến thiên của công nghệ. Lao động giản đơn dần dần sẽ được trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý và những công việc phức tạp sẽ được đơn giản hóa bởi việc ứng dụng công nghệ. Trước những thay đổi lớn từ môi trường bên ngoài đặt ra cho giáo dục đại học tại Việt Nam nhiệm vụ cấp thiết về đào tạo kỹ năng số nhằm tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ cho sinh viên.

Trường ĐHNT là một trong số những trường đại học điển hình cho việc đổi mới sáng tạo trong khối ngành kinh tế, kinh doanh tại Việt Nam. Qua việc tiến hành nghiên cứu nhu cầu đào tạo kỹ năng số của sinh viên, nghiên cứu sẽ góp phần hỗ trợ nhà trường trong việc xem xét cải thiện chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu

Các tài liệu tham khảo được tìm kiếm, lựa chọn và đánh giá từ cả tài liệu chính thống và phi chính thống. Sau đó, được đọc hiểu và phân tích về tính chất, chất lượng, cấu trúc và quy mô tài liệu. Các thông tin quan trọng sẽ được tổng hợp và phân loại. Sau khi phân loại tài liệu, hệ thống cơ sở lý thuyết dần được hình thành. Qua đó, xây dựng khung kỹ năng số là căn cứ cốt lõi để định hướng và đánh giá nghiên cứu.

2.2. Thiết kế thang đo

Nhóm nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 mức độ nhằm đo lường về 3 yếu tố: đánh giá KNS theo từng nhóm kỹ năng; đánh giá về nhu cầu đào tạo kỹ năng số; đánh giá về chương trình đào tạo và hỗ trợ từ nhà trường trên khía cạnh kỹ năng số. (1 = Hoàn toàn không đồng ý; 2 = Không đồng ý; 3 = Trung lập; 4 = Đồng ý; 5 = Hoàn toàn đồng ý).

2.3. Phương pháp thu thập dữ liệu

Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu qua phiếu khảo sát theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Google Form.

Nhóm nghiên cứu xác định cỡ mẫu khảo sát là 425 sinh viên. Ngoài ra, nhằm mục đích so sánh và đối chiếu, nhóm nghiên cứu khảo sát thêm đối tượng cựu sinh viên trường ĐHNT. Tuy nhiên, đối tượng cựu sinh viên không được xác định số lượng mẫu cụ thể, vì một số hạn chế khi tiến hành khảo sát trên nhóm đối tượng này. Vì thế, nghiên cứu bao gồm 2 phiếu khảo sát dành cho 2 nhóm đối tượng khác nhau.

2.4. Phương pháp phân tích và tổng hợp

Khảo sát dành cho sinh viên thu được 425 mẫu và khảo sát dành cho cựu sinh viên thu được 52 mẫu. Trong đó, 100% mẫu hợp lệ, không có mẫu nào không hợp lệ hay bị loại bỏ.

Các phương pháp phân tích được sử dụng để xử lý dữ liệu gồm: (1) Thống kê mô tả; (2) Đánh giá độ tin cậy của thang đo Cronbachs Alpha; (3) Kiểm định sai khác trung bình cho hai tổng thể độc lập Independent Samples T-Test; (4) Phân tích khác biệt trung bình One-way ANOVA.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Mô tả mẫu nghiên cứu

Nghiên cứu hướng đến đối tượng chính là sinh viên đang theo học tại trường ĐHNT, từ K58 đến K61. Kết quả khảo sát thu được như sau:

Về giới tính, nam giới có 103 người (chiếm 24,2%) và nữ giới có 322 người (chiếm 75,8%).

Về khóa học, K58 có 82 người (chiếm 19,3%), K59 có 126 người (chiếm 29,6%), K60 có 112 người (chiếm 26,4%) và K61 có 105 người (chiếm 24,7%).

Về chương trình đào tạo, hệ tiêu chuẩn có 302 người (chiếm 71,1%), hệ chất lượng cao có 74 người (chiếm 17,4%), hệ tiên tiến có 24 người (chiếm 5,6%) và hệ định hướng nghề nghiệp quốc tế có 25 người (chiếm 5,9%).

Về ngành học, ngành Kế toán - Kiểm toán có 35 người (chiếm 8,2%), ngành Kinh doanh quốc tế có 36 người (chiếm 8,5%), ngành Kinh tế có 40 người (chiếm 9,4%), ngành Kinh tế quốc tế có 36 người (chiếm 8,5%), ngành Luật có 34 người (chiếm 8%), ngành Marketing có 17 người (chiếm 4%), ngành Ngôn ngữ Anh có 30 người (chiếm 7,1%), ngành Ngôn ngữ Nhật có 25 người (chiếm 5,9%), ngành Ngôn ngữ Pháp có 28 người (chiếm 6,6%), ngành Ngôn ngữ Trung có 29 người (chiếm 6,8%), ngành Quản trị khách sạn có 24 người (chiếm 5,6%), ngành Quản trị kinh doanh có 50 người (chiếm 11,8%), ngành Tài chính - Ngân hàng có 41 người (chiếm 9,6%).

Về “nhận thức về mức độ quan trọng của kỹ năng số), 100% đối tượng khảo sát đều có nhận thức về mức độ quan trọng của kỹ năng số.

Thêm nữa, số lượng cựu sinh viên tham gia khảo sát, tính đến thời điểm kết thúc khảo sát là 52 mẫu. Kết quả như sau:

Về giới tính, nam giới có 19 người (chiếm 36,5%), nữ giới có 33 người (chiếm 63,5%).

Về ngành học, ngành Kế toán - Kiểm toán có 9 người (chiếm 17,3%), ngành Kinh doanh quốc tế có 8 người (chiếm 15,4%), ngành Kinh tế có 7 người (chiếm 13,5%), ngành Kinh tế quốc tế có 3 người (chiếm 5,8%), ngành Quản trị kinh doanh có 13 người (chiếm 25%), ngành Tài chính - Ngân hàng có 12 người (chiếm 23,1%).

Về ngành/nghề hiện tại, bất động sản có 2 người (chiếm 3,8%), công nghệ thông tin - Data Analytics và nhân sự đều có 3 người (chiếm 5,8%), giáo dục và R&D có 5 người (chiếm 9,6%), kinh doanh tự do có 6 người (chiếm 11,5%), logistic và ngân hàng có 1 người (chiếm 1,9%), marketing có 11 người (chiếm 21,2%), sản xuất có 8 người (chiếm 15,4%) và tài chính có 4 người (chiếm 7,7%).

3.2. Kết quả đánh giá về nhóm kỹ năng

Kết quả phân tích bằng phần mềm SPSS từ số liệu của khảo sát cho thấy: (1) Hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát trong thang đo đều lớn hơn 0.3; (2) Hệ số Cronbach’s Alpha của các biến đều lớn hơn 0.6. Cronbachs Alpha của các biến quan sát không lớn hơn Cronbach’s Alpha của nhóm biến. Độ tin cậy Cronbach’s Alpha đủ điều kiện đo lường từ đáp ứng được điều kiện thang đo đến thang đo hoạt động tốt hoặc hoạt động rất tốt. Vì vậy, không có biến nào vi phạm nên tất cả các biến quan sát được chấp nhận.

3.3. Thực trạng về nhu cầu đào tạo kỹ năng số

Theo đánh giá từ 425 sinh viên thực hiện khảo sát, nhóm kỹ năng Sử dụng công nghệ được sinh viên mong muốn đào tạo và đầu tư nhiều nhất với tỷ lệ 30.35%. Do đây là nhóm kỹ năng cơ bản nhất, đồng thời là nền tảng giúp các nhóm kỹ năng khác phát triển. Việc trang bị nhóm kỹ năng này sẽ đem lại khả năng thích nghi về công nghệ cho sinh viên khi bước chân vào thị trường lao động.

Biểu đồ 1: Nhóm kỹ năng số sinh viên mong muốn được đào tạo và đầu tư nhiều hơn

kỹ năng số

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm tác giả, 2023

Khi được hỏi về tự đánh giá nhu cầu đào tạo kỹ năng số của bản thân, có 199 sinh viên đánh giá ở mức 5 (rất cao) và 188 sinh viên đánh giá ở mức 4 (cao). Tổng điểm trung bình tự đánh giá nhu cầu đào tạo kỹ năng số của sinh viên ở mức cao với 4.36.

Biểu đồ 2: Điểm trung bình đánh giá nhu cầu đào tạo kỹ năng số của cựu sinh viên

Đơn vị: sinh viên

kỹ năng số

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm tác giả, 2023

Có thể nói, đa số sinh viên đều nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng số trong cuộc sống nói chung và công việc nói riêng, từ đó hình thành và thúc đẩy nhu cầu được đào tạo về kỹ năng số.

Mặc dù có mong muốn được đào tạo kỹ năng số cao, nhưng sinh viên vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Một số khó khăn, rào cản được đưa ra trong bảng 6 chính là những nguyên nhân tiêu biểu, ảnh hưởng đến quá trình học hỏi và tích lũy kỹ năng số của sinh viên.

Bảng 1. Khó khăn, rào cản ảnh hưởng đến quá trình học hỏi và tích lũy kỹ năng số

kỹ năng số

Nguồn: Số liệu khảo sát của nhóm tác giả, 2023

3.4. So sánh sự khác biệt về nhu cầu đào tạo kỹ năng số giữa sinh viên và cựu sinh viên

Dựa trên kết quả phân tích bằng kiểm định sai khác trung bình cho hai tổng thể độc lập (Independent Samples T-Test), kết quả so sánh cho thấy, giữa sinh viên và cựu sinh viên đều có sự khác biệt ở từng kỹ năng số và từng nhóm kỹ năng số. Tuy nhiên, kết quả phân tích tại kỹ năng Khả năng hiểu về các mối đe dọa an toàn thông tin và bảo vệ thông tin cá nhân thuộc nhóm An toàn và an sinh số lại cho thấy giữa sinh viên và cựu sinh viên không có sự khác biệt. Vì điểm trung bình của kỹ năng này giữa sinh viên và cựu sinh viên chỉ chênh lệch 0.05 (giá trị chênh lệch không quá lớn), nên dẫn đến kết quả là không có sự khác biệt.

Nhìn chung, sự khác biệt giữa từng kỹ năng số là minh chứng cho tỷ lệ được thực hành và trải nghiệm của sinh viên còn thấp. Các kỹ năng chỉ ở mức bình thường, chưa đạt được sự thành thạo của từng kỹ năng.

4. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Sinh viên Trường ĐHNT luôn có nhu cầu học hỏi và phát triển, đặc biệt là trên khía cạnh kỹ năng số. Với đặc điểm là luôn năng động, chủ động tìm kiếm thông tin và học hỏi, cởi mở tiếp thu cái mới cùng với sự hỗ trợ của các trang thiết bị công nghệ, sinh viên ĐHNT có các kỹ năng về Giao tiếp, cộng tác số và Sử dụng công nghệ tốt. Bên cạnh những ưu điểm của các nền tảng số, chúng cũng đem lại những mối nguy hại, nhận thức được điều này. Sinh viên ĐHNT chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để phòng tránh các tình huống rủi ro, thể hiện qua nhóm kỹ năng An toàn và an sinh số ở mức trung bình khá. Tuy nhiên, những rủi ro trên nền tảng số ngày một nhiều và diễn biến phức tạp, điều này đòi hỏi Trường ĐHNT cần chủ động mở các lớp đào tạo về an toàn và an sinh số, đồng thời lồng ghép trong các môn học như Tin học Đại cương, Phát triển kỹ năng nhằm trang bị những kiến thức cho sinh viên. Ngoài ra, nhóm kỹ năng Giải quyết vấn đề số và Thông tin và dữ liệu số đều được sinh viên tự đánh giá ở mức trung bình khá, đáp ứng các nhu cầu căn bản về học tập và làm việc. Nhóm kỹ năng được sinh viên đánh giá ở mức trung bình thấp là Sáng tạo nội dung số, nhóm kỹ năng này không chỉ là đòi hỏi của thực tế cuộc sống mà còn trong công việc. Với chuyển dịch hoạt động bán hàng, trao đổi sang nền tảng số như hiện nay, kỹ năng Sáng tạo nội dung là vô cùng cần thiết và cần được chú trọng đào tạo và giảng dạy tại Trường ĐHNT.

Nghiên cứu đã xác định những kỹ năng số cơ bản mà sinh viên cần phải trang bị, học tập và rèn luyện để có thể thích nghi và phát triển trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay. Điểm mới của nghiên cứu là xây dựng được bộ KNS dành cho sinh viên Trường ĐHNT và mang tính tham khảo cho sinh viên các trường đại học khối kinh tế khác. Khung KNS phần nào giúp sinh viên có định hướng để bắt đầu học tập và phát triển kỹ năng số của mình trong quá trình tự học tập và rèn luyện. Nghiên cứu cũng góp phần vào việc giúp Nhà trường và giảng viên nhận thức được những mong muốn của sinh viên trong việc đào tạo kỹ năng số, để từ đó có những giải pháp nhằm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của sinh viên và mang tính cập nhật với thời đại.

5. Một số đề xuất nghiên cứu

5.1. Đề xuất liên quan đến phương pháp và nội dung đào tạo kỹ năng số

Về nội dung đào tạo kỹ năng số:

 Để cải thiện được một cách hiệu quả vấn đề đào tạo kỹ năng số, thay đổi về nội dung trong đào tạo chính là bước bắt buộc đầu tiên, tạo cơ sở và tiền đề cho các giai đoạn sau. Cụ thể:

(1) Cần xây dựng khung kỹ năng số chuẩn cho sinh viên, từ đó tiến hành cải tiến theo từng nhóm kỹ năng với lộ trình cụ thể.

(2) Cần cập nhật nội dung giảng dạy và giáo trình môn học liên quan nhiều đến kỹ năng số nhất có thể. Ngoài việc cung cấp lý thuyết và liên hệ tới những phương pháp thủ công, bài giảng có thể cung cấp thêm các cách tận dụng kỹ thuật số cho các phương pháp đó nhằm tối ưu hóa hiệu quả.

(3) Chương trình đào tạo cần được cập nhật và cho ra mắt thêm nhiều môn, ngành học liên quan tới đào tạo kỹ năng số, theo kịp nhanh hơn xã hội ngày càng được số hoá.

(4) Cung cấp và tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi liên quan tới kỹ năng số.

Về phương pháp đào tạo kỹ năng số:

(1) Đào tạo kỹ năng số dành cho đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên Nhà trường. Nhà trường cần tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện, các chương trình nâng cao kỹ năng số ở mức độ chuyên sâu được giảng dạy bởi các chuyên gia trong lĩnh vực này. Tổ chức thử nghiệm các buổi giảng dạy lồng ghép kỹ năng số kết hợp thực hành trong lớp học, nhằm đánh giá mức độ hiệu quả đào tạo, cách thức truyền tải và chất lượng được cảm nhận bởi sinh viên để đưa ra phương pháp giảng dạy tối ưu.

(2) Đào tạo kỹ năng số dành cho sinh viên. Chương trình đào tạo cần kết hợp lý thuyết và thực hành trong giảng dạy. Số lượng các tiết thực hành và lý thuyết cần được phân bổ hợp lý để sinh viên tiếp nhận vừa đủ lượng kiến thức và áp dụng vận hành ngay trong môn học. Bên cạnh đó, Nhà trường cùng các tổ chức sinh viên, trung tâm hỗ trợ sinh viên thực hiện các chương trình, hội thảo về kỹ năng số với sự tham gia của các chuyên gia để cập nhật những thông tin mới nhất trong thời đại số và đưa ra lời khuyên về định hướng phát triển kỹ năng số phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Để kiểm chứng quá trình đào tạo kỹ năng số cho sinh viên có hiệu quả hay chưa, Nhà trường cần có một nền tảng đánh giá kỹ năng số. Ngoài ra, Nhà trường cũng cần hỗ trợ liên kết giảng viên và sinh viên, mở các khóa học giảng dạy kỹ năng số cho sinh viên dựa trên nhu cầu và đề xuất của người học.

5.2. Đề xuất cho sinh viên trong quá trình tự học kỹ năng số

(1) Sinh viên cần chủ động tiếp cận nguồn tài nguyên về kỹ năng số thông qua sách, báo, bài viết trên các trang web; các diễn đàn; các hình ảnh, video hướng dẫn;...

(2) Tham khảo khung kỹ năng số dành cho sinh viên ĐHNT, giúp sinh viên tối ưu hóa được quá trình học hỏi, xác định được những kỹ năng quan trọng để tích cực trau dồi hơn nữa.

(3) Sinh viên cần chủ động tìm kiếm và tham gia các dự án thực tế, các bài toán thực tế và giải quyết chúng bằng cách sử dụng kỹ năng số, tham gia các buổi hội thảo và các hoạt động có liên quan đến kỹ năng số để kết nối với các chuyên gia và những người có nhu cầu về kỹ năng số.

(4) Sử dụng các công cụ tự kiểm tra và đánh giá năng lực số như Công cụ kiểm tra Ikanos (2020), Bánh xe năng lực số (2016),...

6. Hạn chế của nghiên cứu

Nghiên cứu đã gặp phải một số khó khăn, như: thời gian thực hiện ngắn; khung kỹ năng số chưa hoàn thiện, quy mô mẫu khảo sát và kích thước mẫu còn hạn chế; thiếu sự hỗ trợ và kết hợp từ các Khoa/Viện và Nhà trường; và khung kỹ năng số có thể chưa phù hợp với các trường đại học hoặc cao đẳng khác. Để hoàn thiện nghiên cứu, cần đầu tư nhiều nguồn lực về thời gian, nhân lực và chi phí. Hơn nữa, cần phải có sự hỗ trợ và kết hợp từ các bên liên quan.

Nhóm tác giả gợi mở thêm một số hướng nghiên cứu tiếp theo cho những nghiên cứu có chủ đề tương đương như sau: (1) có thể nghiên cứu thêm về các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng số của sinh viên; (2) nghiên cứu có thể mở rộng thêm về quy mô nghiên cứu, so sánh với sinh viên ở các trường đại học hoặc cao đẳng khác; (3) có thể xây dựng được khung kỹ năng số/khung năng lực số dành cho sinh viên của các trường đại học hoặc cao đẳng khác.

Ghi chú: Bài nghiên cứu là sản phẩm của đề tài NTCS2021-84.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Henning, J., & Jordaan, H. (2016). Determinants of Financial Sustainability for Farm Credit Applications - A Delphi Study. Sustainability, 8(1), 01-15.
  2. Hoàng, T., & Chu, N. M. N. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Tập 2. Hà Nội: NXB Hồng Đức.
  3. Intaratat, K. (2022). Digital Literacy & Digital Skills Scenario of ASEAN Marginal Workers Under & Post Covid-19 Pandemic. Open Journal of Business and Management, 10, 118-133.
  4. Mai, A. T., & Đỗ, V. H. (2023). Đánh giá năng lực số sinh viên: Phương pháp tiếp cận, tiêu chí và công cụ đánh giá. Tạp chí Thông tin và Tư liệu, 1, 03-12.
  5. Mai, A. T., Huỳnh, N. T., & Ngô, A. T. (2021). Khung năng lực số cho sinh viên đại học: từ các công bố gợi mở hướng tiếp cận cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Giáo dục Kỹ thuật, 6, 101-111.
  6. PwC Việt Nam. (2020). Báo cáo mức độ sẵn sàng về kỹ năng số Việt Nam.
  7. SHRM. (2021). Training Needs Analysis. [Online] Availabile at https://www.shrm.org/resourcesandtools/tools-and-samples/hr-glossary/pages/training-needs-analysis.aspx
  8. Trần, T. T. H., & Nguyễn, K. Q. (2022). Năng lực kĩ thuật số của nhà giáo dục: Khái niệm liên quan và các bộ công cụ đánh giá. Tạp chí Giáo dục, 22(16), 24-28.
  9. World Bank. (2021). Digital Skills: The Why, the What and the How.

A STUDY ON THE NEEDS OF FOREIGN TRADE UNIVERSITY’S

STUDENTS FOR DIGITAL SKILL TRAINING

• PHAM THI MY DUNG1

• LUONG DOAN NGUYET HA2

• NGUYEN THUY HUONG2

• PHAM THI UYEN NHI2

• PHI CAM THY2

1Lecturer, Faculty of Business Administration, Foreign Trade University

2Student, Faculty of Business Administration, Foreign Trade University 

ABSTRACT:

This study is to explore and assess the needs of Foreign Trade University’s students for digital skill training. The first digital skill framework for Foreign Trade University’s students has 06 main skills groups, including: (1) Technology usage, (2) Digital information and data, (3) Digital communication and collaboration, (4) Digital content creation, (5) Digital safety and wellbeing, and (6) Digital solving problem. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help Foreign Trade University better conduct digital skill training for students.

Keywords: digital skills, training needs, students, Foreign Trade University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9 tháng 4 năm 2023]