Nhân tố ảnh hưởng đến hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số

Đề tài Nhân tố ảnh hưởng đến hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số do TS. Hà Văn Sỹ (Trường Đại học Công đoàn) thực hiện.

TÓM TẮT:

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đào tạo. Sự hợp tác này có tác động tích cực tới hoạt động đào tạo và khai thác tối ưu nguồn lực của các bên. Nghiên cứu này nhằm xác định và phân tích mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Bài báo đã xác định được mối quan hệ và mức độ tác động của các nhân tố thúc đẩy và nhân tố cản trở, từ đó đề xuất tháo gỡ các rào cản nhằm thúc đẩy hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường đại học ở Việt Nam, cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế số.

Từ khóa: chuyển đổi số, doanh nghiệp, hợp tác, nhân tố ảnh hưởng, trường đại học.

1. Đặt vấn đề

Tại trường đại học, ngoài truyền đạt kiến thức, phương pháp học tập, học thuật còn cần tính thực tiễn, tính ứng dụng và tương tác với xã hội thông qua doanh nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu đào tạo theo nội dung sang đào tạo theo tiếp cận năng lực với định hướng ứng dụng nghề nghiệp, cần thiết phải đẩy mạnh việc hợp tác, hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để khai thác các tác động tích cực tới hoạt động đào tạo và khai thác tối ưu nguồn lực của các bên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thích ứng với sự biến đổi của nền kinh tế số. Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan, xuất phát từ lợi ích của cả hai bên và từ yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta. Nếu thực hiện tốt sẽ giúp đáp ứng tốt nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thay đổi nhanh về công nghệ hiện nay, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp càng trở nên cần thiết xuất phát từ yêu cầu cấp thiết phải có nguồn nhân lực đáp ứng được sự thay đổi nhanh của công nghệ, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Mặt khác, sự hợp tác này đem lại lợi ích cho các bên, từ đó mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp để từ đó có giải pháp tăng cường thúc đẩy động cơ hợp tác của các bên, hạn chế những rào cản, thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác.

2. Tổng quan cơ sở lý thuyết

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo là sự phối hợp giữa trường đại học và doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo vì lợi ích của cả hai bên và của toàn xã hội, trong đó trường đại học giữ vai trò chính trong tổ chức, quản lý đào tạo. Nội dung hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp bao gồm: Xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo; hoạt động tham quan, thực hành và thực tập của người học; trao đổi chuyên môn, thực tiễn và nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi về công nghệ và tổ chức của trường đại học, chủ yếu dựa trên sự phát triển của công nghệ số, thay đổi cách vận hành của hoạt động đào tạo dựa trên môi trường số. Trong quá trình chuyển đổi số hiện nay, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp xuất phát từ yêu cầu cấp thiết phải có nguồn nhân lực đáp ứng được sự thay đổi nhanh của công nghệ, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Xu hướng tất yếu của thời đại kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu khách quan cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp xuất phát từ lợi ích của các bên, từ đó mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Vận dụng quan hệ lợi ích để nghiên cứu mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo cho thấy hoạt động này vừa mang tính chiến lược, tính cạnh tranh, vừa là nhu cầu nội tại của chính bản thân trường đại học và doanh nghiệp, là mối quan hệ mật thiết, tương hỗ cho nhau vì lợi ích của cả hai bên và lợi ích chung của toàn xã hội.

Để tăng cường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, cần xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác này. Các nhân tố ảnh hưởng bao gồm nhân tố thúc đẩy và nhân tố cản trở đến sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Nhân tố thúc đẩy thường xuất phát từ những lợi ích mang lại cho các biên tham gia hợp tác. Các trường đại học và các doanh nghiệp thường xây dựng các mối quan hệ hợp tác vì nhận thức được những lợi ích mang lại từ việc hợp tác này. Tổng hợp từ các nghiên cứu trước đây, các nhân tố thúc đẩy hợp tác bao gồm: 1) Tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận với thực tiễn nghề nghiệp thông qua các chương trình thực tập, nghiên cứu tại doanh nghiệp; 2) Tạo cơ hội cho giảng viên của trường tích lũy kinh nghiệm thực tế và thực hiện công tác giảng dạy hiệu quả hơn; 3) Tạo động lực để nhà trường đưa lý thuyết vào thực tế, nâng cao kiến thức cán bộ giảng dạy; 4) Tăng thêm các nguồn lực hỗ trợ công tác giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ sinh viên thông qua các khoản tài trợ, học bổng từ doanh nghiệp; 5) Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu tại trường đại học từ các nguồn tài trợ của doanh nghiệp; 6) Hỗ trợ thông tin đảm bảo chương trình giảng dạy của nhà trường phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; 7) Có thêm thông tin từ doanh nghiệp cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng thực tế, rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu cơ bản tại phòng thí nghiệm trường đại học và nghiên cứu ứng dụng tại doanh nghiệp. Các nhân tố rào cản đến sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, bao gồm: 1) Kinh nghiệm thực tế của trường đại học còn hạn chế do mục tiêu của trường đại học tập trung về đào tạo, nghiên cứu cơ bản; 2) Giảng viên trường đại học cảm thấy không đủ tự tin để thực hiện các nghiên cứu theo yêu cầu doanh nghiệp; 3) Văn hóa, ý thức hợp tác với doanh nghiệp từ phía giảng viên trường đại học chưa đầy đủ; 4) Chính sách khuyến khích các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp của trường đại học chưa hấp dẫn ; 5) Năng lực nghiên cứu của giảng viên trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp; 6) Hợp tác với doanh nghiệp không phải là nhiệm vụ của giảng viên; 7) Doanh nghiệp không quan tâm đến hợp tác với các trường đại học.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Các nghiên cứu định tính được sử dụng bằng phương pháp phỏng vấn sâu các chuyên gia bao gồm 50 cán bộ, giảng viên của trường đại học và 10 nhà quản lý doanh nghiệp. Những câu hỏi được xây dựng liên quan đến hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Nghiên cứu định tính với mục đích khám phá nhân tố ảnh hưởng, định hình cho mô hình nghiên cứu liên quan đến hoạt động hợp tác. Tiếp theo, phương pháp định lượng được thực hiện để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố thúc đẩy, cản trở trên dữ liệu khảo sát bằng bảng câu hỏi với các đối tượng thuộc trường đại học và doanh nghiệp. Phiếu khảo sát được thiết kế dựa trên kết quả của phương pháp phỏng vấn sâu và gửi tới các đối tượng khảo sát là 100 nhà quản lý doanh nghiệp và 500 cán bộ, giảng viên trường đại học. Phiếu khảo sát được xây dựng bằng thang đo Likert 5 mức độ. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố trong mô hình, tác giả sử dụng điểm đánh giá trung bình, độ lệch chuẩn và khoảng tin cậy 95% của giá trị trung bình đánh giá. Giá trị trung bình và độ lệch chuẩn cho biết thông tin về khoảng phân bố của dữ liệu khảo sát, khoảng tin cậy 95% cho thông tin suy đoán về khoảng giá trị thực tế của điểm trung bình khi lặp lại mẫu khác tương tự sử dụng cho suy đoán điểm trung bình tổng thể.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Tác giả xử lý dữ liệu trên cơ sở kết quả số phiếu khảo sát thu về là 489 phiếu đối với đối tượng là cán bộ, giảng viên trường đại học và 95 phiếu đối với đối tượng là nhà quản lý doanh nghiệp. Kết quả xử lý dữ liệu là một trong những bằng chứng khách quan để tác giả sử dụng đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp hiện nay.

4.1. Nhân tố thúc đẩy

hợp tác

Qua kết quả khảo sát, những lợi ích của sự hợp tác giữa trường và doanh nghiệp chính là những nhân tố thúc đẩy sự hợp tác nhanh và khăng khít hơn. Trường và doanh nghiệp đều nhận thấy sự hợp tác sẽ tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận với thực tiễn nghề nghiệp thông qua các chương trình thực tập, nghiên cứu tại doanh nghiệp, tạo động lực để nhà trường đưa lý thuyết vào thực tế, nâng cao kiến thức cán bộ giảng dạy và tạo cơ hội cho giảng viên của trường tích lũy kinh nghiệm thực tế và thực hiện công tác giảng dạy hiệu quả hơn. Đây cũng chính là 3 nhân tố được đánh giá với điểm trung bình cao nhất, lần lượt là 4,4; 4,1 và 3,8 trên thang điểm 5. Sự hợp tác sẽ hỗ trợ thông tin đảm bảo chương trình giảng dạy của nhà trường phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, tăng thêm các nguồn lực hỗ trợ công tác giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ sinh viên thông qua các khoản tài trợ, học bổng từ doanh nghiệp và có thêm thông tin từ doanh nghiệp cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng thực tế, rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu cơ bản tại phòng thí nghiệm trường đại học và nghiên cứu ứng dụng tại doanh nghiệp. Các nhân tố ảnh hưởng trên lần lượt có mức điểm trung bình là 3,7; 3,4 và 3,1. Như vậy, để tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, trường đại học cần có những giải pháp tác động đến những nhân tố này để đẩy nhanh và mở rộng quá trình hợp tác, đem lại lợi ích cho đôi bên.

4.2. Nhân tố cản trở

hợp tác

Kết quả khảo sát cho thấy, nhân tố “Kinh nghiệm thực tế của trường đại học còn hạn chế do mục tiêu của trường đại học tập trung về đào tạo, nghiên cứu cơ bản” (ĐTB=4,1) có ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình hợp tác doanh nghiệp và nhà trường. Tiếp đến là nhân tố về “Chính sách khuyến khích các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp của trường đại học chưa hấp dẫn” (ĐTB = 4,0). Lần lượt các nhân tố xếp theo thứ tự ảnh hưởng giảm dần là “Hợp tác với doanh nghiệp không phải là nhiệm vụ của giảng viên” (ĐTB = 3,8); “Doanh nghiệp không quan tâm đến hợp tác với các trường đại học” (ĐTB = 3,7); “Giảng viên trường đại học cảm thấy không đủ tự tin để thực hiện các nghiên cứu theo yêu cầu doanh nghiệp” (ĐTB = 3,6); “Văn hóa, ý thức hợp tác với doanh nghiệp từ phía giảng viên trường đại học chưa đầy đủ”; Cuối cùng nhân tố “Năng lực nghiên cứu của giảng viên trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp” có mức ảnh hưởng thấp nhất (ĐTB = 2,4). Kết quả trên cho thấy:

Về phía doanh nghiệp:

Từ sự khác biệt về đặc điểm hoạt động đã làm giảm hợp tác giữa doanh nghiệp và trường do doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng. Nhận thức của doanh nghiệp về trường đại học đã dẫn đến hai bên doanh nghiệp và trường chưa tích cực tìm đến liên kết với nhau, doanh nghiệp chưa biết nhiều về các hoạt động của nhà trường do các thông tin về hoạt động của trường chưa được quảng bá rộng rãi, kiến thức của sinh viên được đào tạo hiện nay chưa đáp ứng với nhu cầu sử dụng lao động tại doanh nghiệp, doanh nghiệp chưa thấy được những lợi ích khi liên kết với nhà trường. Phần lớn doanh nghiệp đồng ý với những lợi ích mà sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại. Có sự ủng hộ và đánh giá cao lợi ích của sự hợp tác, trong khi các doanh nghiệp chưa hợp tác đào tạo với trường, tuy vẫn đánh giá cao những lợi ích mà sự hợp tác mang lại và cũng bày tỏ sự ủng hộ hợp tác, nhưng với mức độ thấp hơn so với các doanh nghiệp đã hợp tác.

Về phía trường đại học:

Kinh nghiệm thực tế trong nhà trường còn hạn chế do mục tiêu của trường thiên nhiều về đào tạo và mục tiêu nghiên cứu của trường khác nhu cầu, quan điểm của doanh nghiệp sẽ làm giảm hợp tác của trường với doanh nghiệp. Mục tiêu nghiên cứu của trường đại học và doanh nghiệp có sự khác biệt vì doanh nghiệp hướng tới mục tiêu lợi nhuận từ thị trường còn trường đại học hướng đến các mục tiêu khoa học khác. Vì vậy, cần làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và tổ chức lại hoạt động của trường cho phù hợp hơn.

5. Một số giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Từ kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác với doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, đối với trường đại học.

Trường đại học tạo lập và phát triển mạng lưới doanh nghiệp có hợp tác đào tạo với trường trên cơ sở hai bên cùng có lợi; xây dựng và ban hành các quy định và cơ chế hợp tác đào tạo với doanh nghiệp. Cần xây dựng cơ chế và giao nhiệm vụ cho các câu lạc bộ chuyên ngành của sinh viên trong việc tổ chức sự hợp tác đào tạo. Sự hợp tác này cần có sự hỗ trợ từ phía khoa và các giảng viên. Cần tiếp tục nâng cao vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc tổ chức sự hợp tác và kết nối nhà trường - doanh nghiệp. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho sinh viên về việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn từ doanh nghiệp, trang bị cho sinh viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc với doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tính hiệu quả của việc hợp tác và tạo thiện cảm với doanh nghiệp thông qua sự hợp tác. Xây dựng cơ chế thích hợp thúc đẩy đội ngũ giảng viên tham gia phát triển mạng lưới hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đẩy mạnh các biện pháp phát triển thương hiệu của trường nhằm tăng sức hút của nhà trường trong hoạt động hợp tác đào tạo. Phối hợp với các tổ chức của người sử dụng lao động tổ chức các diễn đàn về sự hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa nhà trường với doanh nghiệp. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sự hợp tác. Trong việc phát triển mạng lưới hợp tác, trường nên dành sự chú trọng đặc biệt đến các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu cao và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh hàng hóa.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp.

Lãnh đạo doanh nghiệp nên có sự tìm hiểu sâu hơn về lợi ích do hợp tác đào tạo với trường mang lại như khi nhận sinh viên thực hành, thực tập và giao cho sinh viên thực hiện một số hạng mục công việc mang lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp. Cần nhận thức sâu hơn về việc hợp tác với trường, sự hợp tác này có thể giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài, chuyển giao tri thức mới, cải tiến hệ thống quản lý và công nghệ, tăng thêm khách hàng. Nghiên cứu kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã có sự thành công trong hợp tác đào tạo, từ đó xây dựng và tổ chức các biện pháp hợp tác hiệu quả.

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay chính là sự gắn kết giữa khoa học với hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn, đánh giá thực trạng các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác, tác giả đã đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Những giải pháp được đề xuất cần được vận dụng linh hoạt trong thực tiễn để hoạt động hợp tác giữa trường và doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp và xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Thanh Hà (2022). Các nhân tố ảnh hưởng đến hợp tác đào tạo giữa trường đại học với doanh nghiệp. Tạp chí Nguồn nhân lực và an sinh xã hội, 2, 11-20.
  2. Trần Sỹ Nguyên (2020). Hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam: Một số vấn đề đặt ra và giải pháp. Tạp chí Công Thương, https://tapchicongthuong. vn/bai-viet/hop-tac-giua-dai-hoc-voi-doanh-nghiep-tren-the-gioi-va-viet-nam- mot-so-van-de-dat-ra-va-giai-phap-75315.htm
  3. Phạm Thị Thu Phương (2016). Các phương thức hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên ngành du lịch đáp ứng nhu cầu hội nhập. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 5, 120-126.
  4. Đinh Văn Toàn (2016). Hợp tác đại học - doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế và Kinh doanh, 4, 69-80.
  5. Levesque, C., Mecedo, M. & Deschamps, I. (2013). University-SME collaboration and open innovation: Intellectual-property management tools and the roles of intermediaries. Technology Innovation Management Review, 52, 31-41.
  6. Prism, A. (2019). Forming a win-win university and company collaboration. Journal of Business Economics, 8, 38-41.
  7. Salleh, M.S. & Omar, M.Z. (2016). University-industry collaboration models in Malaysia. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 102, 654-664.

Factors impacting the cooperation between universities and businesses in the context of the current digital transformation

Ph.D Ha Van Sy

Trade Union University

ABSTRACT:

Cooperation between universities and businesses plays an important role in training activities. This cooperation has a positive impact on training activities and optimally exploits the resources of the involved parties. This study identifies and analyzes the impact of factors on the cooperation between universities and businesses in the context of the current digital transformation. This study identifies the relationship and assesses the impact of both motivating factors and hindering factors. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to remove barriers to cooperation between universities and businesses to enhance the performance of universities in Vietnam and provide human resources with professional skills to meet the requirements of the digital economy.

Keywords: digital conversion, enterprise, cooperation, influencing factor, university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]

Tạp chí Công Thương