Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới

Ngày 21/10/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW “Về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới” (viết tắt là Chỉ thị số 17-CT/TW).

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị nêu trên và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch của Ban cán sự Đảng thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đánh giá thực tiễn bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, Bộ Công Thương nhận thấy có 10 khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, cụ thể gồm:

Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở một số địa phương chỉ dừng lại ở văn bản, hành chính là chủ yếu, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác an ninh, an toàn thực phẩm. Thậm chí, có nơi cấp ủy coi công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm là công việc của cơ quan quản lý nhà nước nên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn thiếu chủ động, sâu sát, hiệu quả thấp.

Hai là, số lượng công chức làm công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm ngành Công Thương ở tuyến tỉnh, huyện, xã còn thiếu về số lượng với yêu cầu quản lý. Nguồn nhân lực được đào tạo đúng chuyên ngành làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm còn chiếm tỷ lệ chưa cao; còn hạn chế về kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm nghiệm, áp dụng chỉ tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhiều và thường xuyên biến động nên khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc triển khai thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

Kinh doanh an toàn thực phẩm
Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhiều và thường xuyên biến động.

Ba là, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về an ninh, an toàn thực phẩm được coi trọng nhưng chưa thực sự thường xuyên, việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện còn hạn chế; có lúc, xuất hiện thông tin chưa chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng đối với thực phẩm và công tác quản lý an ninh, an toàn thực phẩm.

Tuyên truyền về các quy định, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm còn ít, chưa cụ thể. Mặt khác, tỷ lệ tin, bài phản ánh, phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và quy định về an ninh, an toàn thực phẩm chưa cân đối với nội dung tuyên truyền quảng bá các thương hiệu uy tín, các mô hình cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, kinh phí, cơ sở vật chất dành cho công tác tuyên truyền còn hạn hẹp, chủ yếu là tuyên truyền miệng nên hiệu quả chưa cao.

Bốn là, công tác truyền thông, tổ chức tập huấn về bảo đảm an toàn thực phẩm trong phân phối; kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép trong các nội dung công tác thường xuyên như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bình ổn thị trường, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tuy đã được chính phủ quan tâm…. nhưng, năm 2023, kinh phí được cấp để thực hiện các nhiệm vụ này quá ít so với nhu cầu tổng hợp từ các địa phương và đơn vị trong Bộ, đặc biệt đối với các hoạt động: Truyền thông, tổ chức tập huấn cho người lao động, công chức trong ngành phân phối thực phẩm.

Đối với việc xây dựng mô hình “chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” (đây là mô hình quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình nông thôn mới nâng cao trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025), Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2015 và Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã hướng dẫn 63 địa phương xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm chiếm 100% số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước (trong đó Bộ Công Thương hỗ trợ 62 địa phương, riêng Hà Nội tự cân đối ngân sách địa phương để triển khai).

Giai đoạn 2021-2025, kinh phí xây dựng mô hình “chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” được cấp từ nguồn Sự nghiệp Y tế - dân số và gia đình. Nguồn kinh phí hỗ trợ triển khai xây dựng mô hình “chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” có hạn nhưng các tỉnh đã cố gắng huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai xây dựng mô hình trên thực tiễn.

Đặc biệt là các tỉnh được hỗ trợ kinh phí giai đoạn này chỉ còn 250 triệu/tỉnh do đó đa số các địa phương chỉ có thể hỗ trợ triển khai mô hình tại một, hai ngành hàng, chưa thể triển khai đồng bộ toàn bộ các ngành hàng. Đây là cơ sở thực tiễn để Bộ ngành, địa phương căn cứ, tham khảo xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý và phát triển chợ an toàn thực phẩm.

Năm là, thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý rất thấp, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đầy đủ; hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đủ năng lực chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn; công tác tiêu huỷ hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm (đặc biệt là các động vật mang dịch bệnh, hàng hoá không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại tới sức khoẻ, môi sinh, môi trường...) còn gặp nhiều khó khăn, dễ gây ô nhiễm môi trường do không có địa điểm để tiêu hủy, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác tiêu hủy hàng hoá; kinh phí hoạt động, đặc biệt là kinh phí cho việc lấy mẫu, gửi kiểm nghiệm và tiêu hủy thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng còn thiếu nên ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đảm bảo An toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần cải thiện sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi; đồng thời còn liên quan đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Sáu là, công tác xã hội hóa ở một số khâu dịch vụ công (xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đào tạo, truyền thông…) phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự tham gia tích cực của các lực lượng trong xã hội, nhất là sự tham gia của các hội, hiệp hội thực phẩm và các doanh nghiệp lớn vào công tác xã hội hóa. Hoạt động quảng bá thương hiệu hàng hóa và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa được coi trọng đúng mức.

Bảy là, Luật An toàn thực phẩm quy định 2 biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (Điều 6) bao gồm: Xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có 2 Điều xử lý về hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm (Điều 193: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và Điều 317: Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm). Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất khó chứng minh ý thức chủ quan của người phạm tội biết rõ là thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Tám là, văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm tập trung nhiều vào hướng dẫn kỹ thuật quản lý an toàn thực phẩm, còn ít văn bản quy định về bảo đảm nguồn lực, để thực hiện các mục tiêu an toàn thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước.

Chín là, hiện nay các hoạt động buôn bán hàng hóa thông qua hoạt động thương mại điện tử và rên nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Tiktok,... ngày càng trở nên phổ biến. Một số đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ xem thương mại điện tử là một kênh buôn bán phụ, nhỏ, không xuyên suốt nên không đăng ký hoạt động hay thông tin cho cơ quan quản lý Nhà nước mà chỉ thực hiện bán hàng dưới dạng những bài đăng trên trang cá nhân qua các mạng xã hội, các mặt hàng được kinh doanh chủ yếu là thực phẩm chức năng, sữa, hoa quả, đồ ăn vặt tự làm, thức ăn chế biến sẵn.

Với đặc thù loại hình hoạt động kinh doanh này rất khó phát hiện địa điểm kinh doanh, nơi cất giấu hàng hóa, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác thu thập thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm, đối tượng vi phạm để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động mua bán hàng hóa nêu trên thì người tiêu dùng không được tiếp cận với sản phẩm thực tế nên rất khó nhận biết được chất lượng hàng hóa; việc đưa thông tin lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả. Đây cũng là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Mười là, về vấn đề kiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, về cơ sở chính trị đã được chỉ ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực cho công tác nghiên cứu, tham mưu kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất như chỉ đạo chưa được quan tâm, bố trí hợp lý.

Để giải quyết khó khăn vướng mắc đặt ra nêu trên nhằm góp phần triển khai có hiệu quả Chỉ thị trong thời gian tới, Bộ Công Thương kiến nghị, đề xuất các giải pháp/nhóm giải pháp như sau:

- Sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm theo hướng đổi mới phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và sản phẩm thực phẩm hài hòa quy định quốc tế, hiệu quả và khả thi nhằm phù hợp, trên cơ sở đó đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm để phù hợp với các Hiệp định, Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và ký kết cũng như đáp ứng được yêu cầu quản lý trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay: Có phương thức quản lý phù hợp với nhóm các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm nhỏ lẻ và sản phẩm thủ công truyền thống; sửa đổi Điều 65 Luật An toàn thực phẩm nhằm qui định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các cấp theo hướng nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn và giao quyền chủ động hơn trong thiết kế tổ chức bộ máy, bố trí nguồn lực… kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối từ trung ương đến địa phương; Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này

- Sửa đổi một số điều của pháp luật khác như Luật Thú y, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm làm cơ sở để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện pháp luật về kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo đảm thực thi Luật An toàn thực phẩm hiệu lực, hiệu quả, chú trọng hơn nữa trong phân định chức năng quản lý, tránh chồng chéo giữa ba bộ: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, và Bộ NN&PTNT.

- Đề nghị Bộ Tài chính bố trí nguồn kinh phí để phục vụ các mặt công tác: xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm, tuyên truyền, lấy mẫu, kiểm nghiệm và tiêu hủy thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, chất phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm

- Sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự để tăng cường tính răn đe và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo hướng quy định rõ hình phạt tù và phạt tiền tương ứng với mức độ vi phạm và hậu quả trong việc sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm sử dụng hoặc sản xuất kinh doanh thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có chứa chất cấm hoặc không đáp ứng quy chuẩn thực phẩm. Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định chế tài xử lý vi phạm tránh chồng chéo; bổ sung chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm như không gửi bản cam kết hoặc một trong các loại giấy chứng nhận theo quy định đến cơ quan có thẩm quyền.

Minh Thủy