Pháp luật về hòa giải thương mại từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp

THS. LÊ THANH HẢI (Công ty Cổ phần Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế)

TÓM TẮT:

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô nền kinh tế lớn nhất Việt Nam. Các hoạt động giao dịch, kinh doanh thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh luôn phát triển mạnh mẽ và rất sôi động. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thương mại, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi phát sinh nhiều tranh chấp trong kinh doanh thương mại, nơi tập trung nhiều các trung tâm trọng tài cũng như trung tâm hòa giải thương mại, nơi hành nghề của nhiều hòa giải viên, nơi có hoạt động hòa giải thương mại phát triển nhất trong cả nước. Trong bài viết này, tác giả trình bày và phân tích một cách có hệ thống các quy định pháp luật về hòa giải thương mại, đề xuất hướng hoàn thiện quy định pháp luật về các vấn đề này, qua đó góp phần vào việc nâng cao hiệu quả của hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Từ khóa: hòa giải thương mại, pháp luật về hòa giải thương mại.

1. Đặt vấn đề

Nghị định số 22/2017/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến hòa giải thương mại. Về cơ bản, nội dung của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP đã làm rõ được nhiều vấn đề, như: bản chất của hòa giải thương mại, các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại; xác định địa vị pháp lý của hòa giải viên cũng như tổ chức hòa giải thương mại; làm rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên tham gia vào quan hệ hòa giải thương mại, vấn đề quản lý nhà nước trong hoạt động hoà giải. Những quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải.

Mặc dù đã có sự nỗ lực trong việc thể chế hóa các quy định pháp luật, pháp luật về hoà giải thương mại tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn những bất cập tồn tại. Nhà nước dường như vẫn tập trung vào việc quy định các vấn đề về quản lý hành chính đối với tổ chức hòa giải, hòa giải viên mà chưa thực sự quan tâm tới các chính sách đảm bảo chất lượng, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động hòa giải phát triển. Do đó, để đảm bảo đúng chủ trương là tạo điều kiện và khuyến khích hòa giải thương mại phát triển, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hòa giải thương mại dưới cả hai góc độ xây dựng hình thức pháp luật và hoàn thiện nội dung pháp luật.

2. Nội dung cơ bản

2.1. Khái quát hoạt động hòa giải thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh từ thời điểm Nghị định số 22/2017/NĐ-CP có hiệu lực

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố năng động và thân thiện, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ quan trọng của phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều năm liền, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có đóng góp nhiều nhất vào tổng sản phẩm (GDP) và tổng thu ngân sách của cả nước. Sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế cũng kéo theo sự gia tăng các tranh chấp kinh doanh thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh các tranh chấp kinh tế, thương mại phát sinh với số lượng ngày càng nhiều và phát triển mạnh mẽ hơn, phức tạp hơn, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, đánh dấu bước tiến mới, luật hóa hoạt động hòa giải thương mại. Với thủ tục đơn giản, linh hoạt, gọn nhẹ, khẩn trương, tiết kiệm được thời gian, chi phí, hoà giải thương mại mang lại lợi thế cho các bên khi có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh những thủ tục pháp lý phức tạp. Các bên cũng biết trước kết quả và được quyết định phương án hòa giải - đây là khác biệt quan trọng với việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án hay Trọng tài.

Tính đến cuối năm 2021, có 4 Trung tâm hòa giải thương mại đã được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh; cùng với đó, một số Trung tâm trọng tài cũng đã đăng ký bổ sung hoạt động hòa giải thương mại và thành lập chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, điển hình như: Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), trụ sở chính tại Hà Nội và có chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2022, cả nước có 343 hòa giải viên thương mại (trong đó có 139 hòa giải viên của Trung tâm hòa giải thương mại; 204 hòa giải viên của Trung tâm trọng tài có đăng ký hoạt động hòa giải thương mại)[1], trong số này, có 226 hòa giải viên thương mại đăng ký hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm hơn 65% số hòa giải viên thương mại trong cả nước). 

Kể từ thời điểm Nghị định số 22/2017/NĐ-CP có hiệu lực, hơn 5 năm qua, hòa giải thương mại bắt đầu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhiều vụ tranh chấp có giá trị lớn đã được giải quyết thông qua hòa giải. Riêng Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã nhận 7 đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, với tổng trị giá tranh chấp hơn 1.000 tỷ đồng. Các vụ việc tranh chấp tập trung trong lĩnh vực xây dựng (trên 900 tỷ đồng), hàng hải và sở hữu trí tuệ[2]. Theo báo cáo tổng kết hoạt động hòa giải thương mại năm 2020 của Bộ Tư pháp, trong số 73 vụ việc được giải quyết bằng phương thức hòa giải thương mại thì có 70 vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2021, do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hoạt động hòa giải thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, của cả nước nói chung trầm lắng hơn khi chỉ có 3/27 vụ việc được giải quyết tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2.2. Những vấn đề còn tồn tại trong pháp luật hòa giải thương mại từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh

Thông qua thực tiễn hoạt động hòa giải tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, pháp luật về tổ chức hòa giải thương mại vẫn còn những bất cập cần phải khắc phục.

Thứ nhất, dù Nghị định số 22/2017/NĐ-CP có hiệu lực đã hơn 5 năm, nhưng số lượng hòa giải viên cũng như các trung tâm hòa giải thương mại là hạn chế; nguyên nhân có thể xuất phát từ việc Nghị định số 22/2017/NĐ-CP giới hạn các đối tượng được phép thành lập trung tâm hòa giải thương mại. Hiện nay, ngoài các Trung tâm trọng tài được phép đăng ký thêm hoạt động hòa giải thương mại, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định chỉ công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này muốn thành lập Trung tâm Hòa giải thương mại gửi 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp.

Quy định hiện hành về tiêu chuẩn hòa giải viên đưa ra cả 2 tiêu chí, bao gồm tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính. Trong tương quan so sánh với tiêu chuẩn trọng tài viên, thì tiêu chuẩn hòa giải viên cao hơn và khắt khe hơn. Cụ thể, Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định tiêu chuẩn trọng tài viên chỉ có các yếu tố định lượng, bao gồm: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 05 năm trở lên; trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm tuy không đáp ứng được yêu cầu trên cũng có thể được chọn làm trọng tài viên. Đây đều là các tiêu chí định lượng.

Thực tế cho thấy, quá trình xét duyệt hồ sơ đăng ký Hòa giải viên vụ việc, rất nhiều Sở Tư pháp (trong đó có Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh) đã phải có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp về việc xác định thế nào là “có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan”. Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản trả lời hướng dẫn đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc cho các Sở Tư pháp[3]. Theo đó, tiêu chuẩn “có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan” như sau:

+ Phải có văn bản xác nhận đã tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng về hòa giải thương mại do cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức.

+ Phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức, nơi cá nhân làm việc là có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải tranh chấp thương mại, ví dụ, xác nhận là đã tiến hành hòa giải các tranh chấp kinh tế, thương mại tư vấn cho các bên giải pháp giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải của tòa án, tổ chức trọng tài, tổ chức luật sư,...

Như vậy, những hướng dẫn này vẫn còn mang tính định tính và trong một số trường hợp đã gây khó khăn cho Sở Tư pháp trong việc xét duyệt hồ sơ đăng ký Hòa giải viên.

Thứ hai, các quy định pháp luật về thỏa thuận hòa giải hiện nay vẫn còn những điểm bất cập. Về bản chất, có thể coi thỏa thuận hòa giải là một hợp đồng giữa các bên. Để vụ tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại thì thỏa thuận hòa giải phải đáp ứng các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Đó là các điều kiện về năng lực chủ thể ký kết, về ý chí tự nguyện của bên khi ký kết, nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội, điều kiện về mặt hình thức. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP hiện nay không có quy định về điều kiện để thỏa thuận hòa giải có hiệu lực hoặc các trường hợp thỏa thuận hòa giải bị vô hiệu. Điều này sẽ gây khó khăn cho các bên trong thực tiễn thi hành. 

Thứ ba, về mối quan hệ giữa hoà giải thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Pháp luật về hòa giải hiện nay cũng không quy định giá trị pháp lý của thỏa thuận hòa giải là có ràng buộc các bên tranh chấp trong việc giải quyết bằng phương thức này không? Hay nói cách khác, một vụ tranh chấp nếu trước đó trong hợp đồng các bên đã có điều khoản hòa giải (thỏa thuận hòa giải) hoặc các bên đã ký kết một thỏa thuận hòa giải riêng nằm ngoài hợp đồng nhưng khi tranh chấp phát sinh, một trong các bên lại đổi ý, không muốn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải thương mại mà muốn khởi kiện trực tiếp đến tòa án hoặc trọng tài thì có được hay không? Các bên sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý gì nếu không tuân thủ thỏa thuận hòa giải họ đã ký? Các cơ quan tài phán như Trọng tài hay Tòa án có được thụ lý giải quyết nếu các bên có thỏa thuận hòa giải mà không thực hiện thỏa thuận hòa giải đó?. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP hiện nay không trả lời được những câu hỏi nêu trên.

Thứ tư, pháp luật hòa giải thương mại hiện hành về cơ bản mới chỉ dừng lại ở mức độ làm rõ được bản chất của hòa giải thương mại, xác định tư cách pháp lý cho chủ thể hoà giải, quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên tham gia vào quan hệ hòa giải thương mại, vấn đề quản lý nhà nước trong hoạt động hòa giải; pháp luật chưa cho thấy vai trò thúc đẩy sự phát triển của hòa giải thương mại thông qua các quy định khuyến khích mô hình này. Trên cơ sở nhận thức về lợi ích của phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, thông qua pháp luật cũng như các giải pháp khác, Nhà nước cần có một chính sách nhất quán về việc khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp của họ bằng con đường hòa giải thương mại. Cùng với đó, công tác tuyên truyền của Nhà nước cho các doanh nghiệp về hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập bên cạnh thương lượng, trọng tài, tòa án gần như vắng bóng.

2.3. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hòa giải thương mại

(i) Hoàn thiện quy định pháp luật về nguyên tắc hòa giải thương mại.

Thứ nhất, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP chưa quy định chặt chẽ về nguyên tắc đảm bảo bí mật thông tin đối với hòa giải viên mà chỉ có là yêu cầu đối với các bên tham gia. Vì vậy, cần làm rõ hơn quy định về trách nhiệm bảo mật thông tin của hòa giải viên trong nguyên tắc hòa giải. Ngoài ra, pháp luật hòa giải thương mại Việt Nam cũng nên học hỏi quy định của Luật mẫu của Ủy ban Pháp luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) năm 2002 về hoà giải thương mại, bổ sung thêm một trường hợp ngoại lệ thứ ba mà các bên được tiết lộ thông tin, đó là cung cấp thông nhằm bảo đảm cho kết quả hòa giải được thực hiện; điều này sẽ giúp kết quả hòa giải được thực thi nhanh chóng và đạt hiệu quả hơn.

Thứ hai, pháp luật về hoà giải thương mại cần thiết phải bổ sung quy định về các thông tin, tài liệu, chứng cứ, trao đổi giữa các bên, biên bản làm việc… có được trong quá trình hòa giải phải được bảo mật và các bên tranh chấp không được cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ, biên bản làm việc… có được trong quá trình hòa giải thương mại làm chứng cứ chống lại phía bên kia tại cơ quan tài phán như tòa án hoặc trọng tài. Như vậy, các bên tranh chấp mới cởi mở cung cấp các thông tin hoặc chia sẻ thông tin của mình, tạo niềm tin với nhau và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp. 

Thứ ba, cần sửa đổi điều 4.3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về việc quy định “nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật” thành “nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của luật”. Việc sửa đổi như vậy sẽ giúp quy định của pháp luật hòa giải thương mại tương thích với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, có như thế các bên tranh chấp mới có thể dễ dàng chọn lựa cũng như thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, hạn chế rủi ro trong việc thỏa thuận hòa giải bị tuyên vô hiệu, không thể thực thi.

Thứ tư, cần bổ sung thêm nguyên tắc tự quyết trong giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Đây là nguyên tắc phản ánh rõ nhất khác biệt giữa hòa giải thương mại với trọng tài thương mại. Pháp luật cần có quy định rõ ràng hơn các nguyên tắc này để dự phòng trường hợp các quy định pháp luật và thỏa thuận không thực sự chi tiết, đầy đủ thì cũng có cơ sở pháp lý để điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong hoạt động hòa giải.

(ii) Hoàn thiện quy định pháp luật về hòa giải viên thương mại

Thứ nhất, về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại.

Pháp luật về hòa giải thương mại cần quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại rõ ràng hơn. Cụ thể, nên đưa ra những quy định mang tính định lượng, quy định rõ hơn, minh thị hơn về tiêu chuẩn hòa giải viên để những cá nhân có dự định, có nguyện vọng xác định được những tiêu chí mình cần đảm bảo và cơ quan có thẩm quyền cũng dễ dàng đánh giá hồ sơ của người đăng ký làm hòa giải viên trên cơ sở hồ sơ, giấy tờ họ cung cấp.

Thứ hai, về năng lực của hòa giải viên thương mại.

Năng lực của người làm hòa giải viên là yếu tố hết sức quan trọng, cần được ghi nhận rõ trong các quy định pháp luật. Cho nên, thay vì quy định hòa giải viên phải “có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh thương mại và các lĩnh vực liên quan” một cách chung chung như hiện nay thì việc đưa ra tiêu chuẩn hòa giải viên phải là người đã qua khóa bồi dưỡng hoặc đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ/kỹ năng hòa giải một cách rõ ràng là rất cần thiết. Cơ sở được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động bồi dưỡng/đào tạo hoà giải viên thương mại sẽ căn cứ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của hòa giải viên và các yêu cầu về năng lực mà hòa giải viên cần đáp ứng để xây dựng chương trình bồi dưỡng/đào tạo phù hợp, đảm bảo người được bồi dưỡng/đào tạo sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Thứ ba, về quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại.

Nghị định số 22/2017/NĐ-CP dường như quy định hạn chế về quyền của hòa giải viên. Thiết nghĩ, pháp luật cần trao cho hòa giải viên thương mại những quyền năng hợp lý để họ có thể hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả, đảm bảo cho sự thành công của phương thức này. Pháp luật có thể cân nhắc bổ sung một số quyền sau cho hòa giải viên: quyền được yêu cầu các bên cung cấp các thông tin và tài liệu liên quan đến vụ việc để đảm bảo việc xem xét một cách toàn diện vụ việc tranh chấp; quyền được đưa ra các đề xuất, ý kiến trong quá trình giải quyết tranh chấp để các bên tham khảo; quyền được hưởng các chi phí hợp lý khác phát sinh trong quá trình hòa giải vụ việc.

(iii) Hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hòa giải thương mại

Nên mở rộng các đối tượng được phép thành lập trung tâm hòa giải thương mại, ví dụ như Liên đoàn Luật sư Việt Nam; hay các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (các hiệp hội ngành nghề...), các tổ chức này thường hiểu rất rõ thành viên của mình và do đó hiểu được nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, việc các tổ chức này được phép cung cấp dịch vụ hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp sẽ khiến cho hoà giải thương mại trở nên hiệu quả hơn. Có thể tham khảo mô hình của Bộ phận Hòa giải khách hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Singapore (ABS), CASE (Consumers Association of Singapore - Trung tâm thuộc hiệp hội người tiêu dùng Singapore),…

Việc các cơ quan nhà nước thành lập một số trung tâm hòa giải lớn có quy mô toàn quốc cũng là một mô hình đáng để nghiên cứu. Các trung tâm hòa giải này được hưởng một phần trợ giúp từ ngân sách nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn mới thành lập, sau đó hoạt động trên cơ sở lấy thu bù chi để tránh xung đột lợi ích khi đóng vai trò hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Có thể lấy ví dụ như ở Singapore, có nhiều trung tâm hòa giải thương mại như SIMC (Singapore International Mediation Center - do Tòa án tối cao Singapore thành lập, tập trung giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế), CMC (Community Mediation Center - do Bộ Pháp luật Singapore thành lập - chuyên giải quyết các tranh chấp trong cộng đồng như giữa hàng xóm, các thành viên trong gia đình hoặc trong cộng đồng, tranh chấp đất đai).

(iv) Hoàn thiện các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục hòa giải

Thứ nhất, về thỏa thuận hòa giải.

Với tư cách là thỏa thuận nền tảng cho việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, pháp luật về hòa giải thương mại cần thiết phải bổ sung những quy định rõ ràng về hiệu lực của thỏa thuận hòa giải hoặc bổ sung thêm điều khoản về những trường hợp thỏa thuận hòa giải vô hiệu. Pháp luật về hòa giải có thể bổ sung quy định như sau: Những trường hợp thỏa thuận hòa giải vô hiệu: (i) Phạm vi tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của hòa giải; (ii) Chủ thể ký kết thỏa thuận hòa giải không có năng lực pháp luật dân sự hoặc không có thẩm quyền ký kết; (iii) Nội dung thỏa thuận hòa giải vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; (iv) Hình thức của thỏa thuận hòa giải không bằng văn bản; (v) Các bên bị đe dọa, cưỡng ép ký kết thỏa thuận hòa giải.

Thứ hai, về tạm ngừng tính thời hiệu khởi kiện trong thủ tục hòa giải thương mại.

Pháp luật về hòa giải thương mại nên bổ sung thêm quy định về việc tạm ngừng tính thời hiệu khởi kiện như sau: thời hiệu khởi kiện đối với vụ việc được đưa ra hòa giải được tạm ngừng kể từ khi bắt đầu thủ tục hòa giải. Nếu thủ tục hòa giải chấm dứt mà các bên không đạt được thỏa thuận hòa giải thành thì thời hiệu khởi kiện tiếp tục được tính kể từ thời điểm kết thúc thủ tục hòa giải đó.

3. Kết luận

Chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển, ngược lại đó cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ phát sinh các tranh chấp thương mại. Các tranh chấp thương mại ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp đòi hỏi phải có các phương thức giải quyết tranh chấp đáp ứng yêu cầu của các thương nhân, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh. Thông qua thực trạng pháp luật hòa giải thương mại nói chung cũng như thực tiễn áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, có thể thấy Nghị định số 22/2017/NĐ-CP vẫn tồn tại những bất cập. Một số vấn đề cần tiếp tục được rà soát và xem xét để hoàn thiện bao gồm các quy định pháp luật về nguyên tắc hòa giải, hoà giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, trình tự thủ tục hòa giải, thỏa thuận hòa giải thương mại, công nhận kết quả hòa giải thương mại,… Nhà nước cần có những đánh giá, tổng kết hiệu quả của hoạt động hòa giải trong thời gian qua để có cái nhìn tổng quan về những vấn đề còn tồn tại; từ đó đưa ra những sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành nhằm hoàn thiện khung pháp lý về hòa giải thương mại, với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng của hoạt động hòa giải thương mại và khuyến khích phương thức này phát triển.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Hoàng Yến (2022). Hòa giải thương mại, phương thức tối ưu trong giải quyết tranh chấp. Truy cập tại: https://baocantho.com.vn/hoa-giai-thuong-mai-phuong-thuc-toi-uu-trong-giai-quyet-tranh-chap-a147318.html.

[2] Di Lâm, Như Quỳnh (2020). Để hòa giải thương mại phát huy lợi thế. Truy cập tại: https://www.sggp.org.vn/de-hoa-giai-thuong-mai-phat-huy-loi-the-680100.html.

[3] Bộ Tư pháp (2018). Công văn số 4001/BTP-BTTP ngày 18/10/2018 v/v hướng dẫn đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2017). Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại ngày 24/2/2017.
  2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2003). Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003.
  3. Chính phủ (2018). Thông tư số 02/2018/TT-BTP ban hành và hướng dẫn sử dụng một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại.
  4. Bộ Tư pháp (2018). Công văn số 4001/BTP-BTTP về việc hướng dẫn đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc.

Provisions on commercial mediation from the practice in Ho Chi Minh City - Current situation and solutions

Le Thanh Hai

International Investment Valuation and Consulting Joint Stock Company

Abstract:

Ho Chi Minh City is the economic center of Vietnam and business activities in Ho Chi Minh City always grow rapidly. Along with the strong economic development, the number of business disputes in the city is increasing. The city has many arbitration and conciliation centers. This paper systematically analyzes Vietnam’s provisions on commercial mediation, and proposes directions to strengthen these provisions in order to improve the law on commercial mediation, and enhance the efficiency of commercial dispute settlement by mediation in Vietnam in general and Ho Chi Minh City in particular.

Keywords: commercial mediation, the law on commercial mediation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2023]