Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Một cách thức làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước

TS. Trần Thị Hồng Thúy (Khoa Lý luận Chính trị, Đại học Luật Hà Nội)

Tóm tắt:

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ trọng tâm luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, phòng chống. Bởi tham nhũng, tiêu cực gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước, làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Mặt khác, tham nhũng còn làm cho bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Bài viết đã nêu rõ thực trạng cũng như đề xuất một số giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước.

Từ khóa: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong sạch, Đảng, bộ máy Nhà nước.

1. Đặt vấn đề

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ trọng tâm luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Sinh thời, Bác Hồ đã quan niệm tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân. Người khẳng định: “Tham ô là trộm cắp. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám. Chống tham ô, lãng phí và quan liêu như chống “giặc ở trong lòng”. Tình trạng tham ô, lãng phí, tiêu cực và tham nhũng tại Việt Nam thời gian qua xảy ra trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và ở tất cả các ngành, các cấp, và ngày càng trở nên tinh vi, mức độ, hậu quả ngày các trầm trọng hơn. Đảng và Nhà nước ta xác định tham nhũng, lãng phí ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Nên trong các kỳ đại hội, Đảng ta đều coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn của Đảng và chế độ.

Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, không có nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng. Đặc biệt, 3 Đại hội XI, XII, XIII đều có Nghị quyết Trung ương 4 của các khóa về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các nghị quyết được cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật của Nhà nước theo từng thời kỳ, làm căn cứ pháp lý để các cơ quan nhà nước và nhân dân cùng thực hiện.

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi; tình trạng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội… Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Và như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước”[1].

2. Nhận diện tham nhũng, tiêu cực và thực trạng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”[2]; “Trước đây, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu chỉ tập trung vào các hành vi: tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước. Nay không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, không chỉ phòng chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bởi nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao”[3].

Như vậy, có thể thấy, làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cách thức rất quan trọng để chúng là làm trong sạch Đảng và Nhà nước, và chỉ khi nào chúng ta loại bỏ được “những con sâu làm rầu nồi canh” thì khi đó sự phát triển đất nước mới thực sự bền vững.

Trước hết để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, bên cạnh việc nhận diện được những biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực, thì nhân tố quyết định đó là “sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng”. Cộng với đó là “sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” [4].

Và một trong những điều quan trọng nhất để công tác này đạt hiệu quả đó là phải dựa vào dân, khẳng định vai trò to lớn của nhân dân, “nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công được. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng; “phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công”, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu”[5]. Chính sự đồng tình, ủng hộ cũng như những mong muốn, đòi hỏi của nhân dân là mệnh lệnh, là động lực thôi thúc để người đứng đầu Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư luôn nhắc nhở, chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được mà phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm lớp lang, bài bản để đưa cuộc đấu tranh này đi vào chiều sâu, có bước phát triển mới cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, với mong muốn và quyết tâm tạo bước chuyển biến mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại nhiều dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế” được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường chỉ đạo, chủ động; tập trung kiểm tra, xử lý  các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; xử lý cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, cả trong lực lượng vũ trang; làm một cách bài bản, nghiêm minh từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm; kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật.

“Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật liên quan đến tham nhũng, đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)” [6].

Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, từ sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo phối hợp phát hiện, xử lý các sai phạm qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021), các cơ quan chức năng đã chuyển đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trước khi ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra (tăng hơn 3 lần so với các năm trước).

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong khi năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình, tâm phục khẩu phục, ăn năn, hối lỗi, xin lỗi Đảng, Nhà nước; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đáng chú ý, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" thể hiện qua những “con số biết nói”. Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, đã có 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên…

Một trong những kết quả nổi bật, đó là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cần phải khẳng định rằng, nhờ có sự lãnh đạo sát sao, trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, quyết liệt của Đảng cùng với những bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước, kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện thể chế, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, trách nhiệm, giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập, cải cách hành chính đến xử lý, xây dựng cơ quan, đơn vị và cán bộ chuyên trách phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” mà công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước đã đạt được những thành tựu đáng kể. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh cách sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và luôn luôn phải “chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai để “không dám” tham nhũng, tiêu cực”[7].

3. Một số giải pháp căn bản

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả, giúp Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, trong thời gian tới, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở truyền thống văn hóa của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những hậu quả của tham nhũng, tiêu cực đối với sự tồn vong Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước. Nêu cao tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện tính liêm khiết, trung thực. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; và tư tương này cần phải được quán triệt, phổ biến rộng rãi đến mọi cấp, mọi ngành và toàn thể nhân dân, tạo bước chuyển biến tích cực, thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo cơ sở vững chắc cho sự thống nhất trong hành động.

Thứ hai, gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; trung thực, liêm chính “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén, là những cán bộ “rường cột” của Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan thanh tra của Nhà nước, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra đảng các cấp, các ngành, các đơn vị phải có kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ thường xuyên, đột xuất về tình hình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát đảng viên, cán bộ, công chức, các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò của quyền chúng nhân dân và vai trò giám sát của truyền thông, báo chí đối với các cơ quan, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc thực thi quyền lực nhà nước để ngăn ngừa và kịp thời phát hiện những hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kịp thời khắc phục những bất cập, kẽ hở trong cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cơ quan Nhà nước phải khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt ở những lĩnh vực, ngành nghề dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như quản lý và sử dụng đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản; quản lý các doanh nghiệp nhà nước, sử dụng ngân sách nhà nước.... Cần phải triệt để xóa bỏ cơ chế xin - cho, tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản; phải phân tách rạch ròi chức năng quản lý nhà nước của các bộ với chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, có kết quả hơn cải cách hành chính, xóa bỏ những thủ tục hành chính phiền hà, bất hợp lý; đẩy mạnh phân cấp; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từng vị trí cán bộ, công chức. Như Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng; “một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng;  và một cơ chế bảo đẩm để “không cần tham nhũng”[8].

Như vậy, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một quá trình lâu dài, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần phải có quyết tâm chính trị cao; cần sự đồng lòng, đồng thuận của tất cả các cấp và phải thường xuyên thực hiện đồng bộ các giải pháp, vừa xây, vừa chống, vừa phát huy dân chủ, vừa tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới thực sự đi vào thực chất, và làm cho Đảng, bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Nguyễn Phú Trọng (2023). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

[2] Sđd, tr.16

[3] Sđd, tr.25

[4,5] Sđd, tr.27 

[6] S đ d, tr.92

[7] Sđd, tr.25

[8] Nguyễn Phú Trọng (2022). Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nhìn lại 10 năm qua; định ra phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới. Truy cập tại: https://www.vietnamplus.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc/801297.vnp.

 

Preventing corruption to uphold a strong and clean

Party and Government of Vietnam

PhD. Tran Thi Hong Thuy

Faculty of Political Theories, Hanoi Law University

ABSTRACT:

The fight against corruption and negativity is a key task that has always received great attention from the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. This is because corruption severely impacts the country’s economy and politics, and it degrades the morality and lifestyle of many cadres and civil servants. Corruption also makes the state’s operations less effective and efficien. This paper presents an overview on the current corruption in Vietnam and proposes some solutions to help the Party and the Government effectively fight against corruption.

Keywords: prevention, anti-corruption, negative, cleanness, the Communist Party of Vietnam, the state apparatus.