Quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình do Nguyễn Thị Thắm (Trung tâm Bảo tồn di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) và TS. Hồ Ngọc Ninh* - ThS. Nguyễn Thị Mai Trang (Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện

TÓM TẮT:

Nghiên cứu phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Một số giải pháp được đề xuất nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, bao gồm: Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch  trên địa bàn huyện Hoa Lư; Tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các chủ kinh doanh cơ sở lưu trú; Tăng cường quản lý về cơ sở vật chất, công tác đảm bảo VSMT, vệ sinh ATTP và an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở lưu trú du lịch; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở lưu trú du lịch.

Từ khóa: quản lý nhà nước, cơ sở lưu trú du lịch, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

1. Đặt vấn đề

Quản lý nhà nước đối với du lịch nói chung và với các cơ sở lưu trú du lịch nói riêng đóng vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo phát triển du lịch bền vững (Trương Thị Cẩm Anh & CS., 2022; Hoàng Thị Lan Hương, 2010). Hoa Lư là một huyện nằm ở trung tâm tỉnh Ninh Bình, tập trung rất nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng như Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư,… với những giá trị về thiên nhiên, văn hóa - lịch sử của vùng đất Cố đô, đã thu hút được một lượng lớn du khách đến thăm quan, chiêm bái, tạo tiền đề cho phát triển các dịch vụ như lưu trú, ăn uống… Cùng với sự phát triển của ngành Du lịch ở Hoa Lư, ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cũng chiếm một vị thế rất quan trọng trong sự phát triển của ngành Du lịch. Tính hết năm 2022, toàn huyện có 296 cơ sở lưu trú với 3.001 phòng nghỉ (chiếm gần 40% số cơ sở lưu trú của toàn tỉnh), trong đó có 229 cơ sở lưu trú mang loại hình du lịch homestay (Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư, 2023).

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc quản lý các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình còn bộc lộ nhiều hạn chế như chưa có quy hoạch xây dựng cơ sở lưu trú du lịch; còn nhiều cơ sở xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú chưa đúng với các quy định trong vùng lõi di sản Tràng An; việc quản lý, cấp phép cơ sở lưu trú du lịch còn hạn chế, do số lương cơ sở lớn, nguồn nhân lực quản lý có hạn.

Vì vậy, việc đánh giá thực trạng hoạt động quản lý các cơ sở lưu trú du lịch, đề ra các giải pháp quản lý trong bối cảnh, tình hình mới rất cần thiết và quan trọng trong thời gian tới. Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, tìm ra những hạn chế, bấp cập và thách thức trong công tác quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú du lịch, từ đó gợi ý một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý quản lý nhà nước với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Số liệu thứ cấp được thu thập thông qua các báo cáo, hồ sơ tài liệu liên quan đến quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư. Ngoài ra, nghiên cứu còn thu thập các nguồn tài liệu như bài báo khoa học có liên quan trực tiếp đến vấn đề quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư. Số liệu sơ cấp được thu thập từ khảo sát 45 chủ cơ sở lưu trú du lịch, 30 khách du lịch, 40 cán bộ quản lý nhà nước về du lịch tại huyện Hoa Lư. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp phân tích số liệu như phương pháp thống kê mô tả, thống kê so sánh và phương pháp cho điểm và xếp hạng ưu tiên nhằm làm rõ hiện trạng quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư.

3. Thực trạng quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú tại Hoa Lư, Ninh Bình

3.1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quản lý cơ sở lưu trú du lịch

Thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư đã tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về du lịch và hướng dẫn các quy định của nhà nước; Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch hoàn tất hồ sơ, đăng ký loại hạng cơ sở lưu trú du lịch và tổ chức thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện; tập huấn cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch thực hiện các quy định của nhà nước đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh môi trường (VSMT), vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống cháy nổ, an ninh, an toàn… phục vụ du khách. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh doanh du lịch và cấp chứng chỉ cho 164 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch.

Bảng 1. Kết quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin
về cho các cơ sở lưu trú du lịch trên đìa bàn huyện Hoa Lư, giai đoạn 2020-2022

quản lý nhà nước

Nguồn: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư (2023)

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhiều chủ cơ sở kinh doanh lưu trú cũng như nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch tham gia các khóa đào tạo, tập huấn của huyện tổ chức. Ngoài ra, các chủ cơ sở kinh doanh đánh giá các lớp tập huấn này tổ chức chưa thường xuyên, thời gian tổ chức còn rất ngắn và hình thức chủ yếu là tập huấn về lý thuyết như vậy hiệu quả mang lại chưa cao. Việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật và thông tin cho các chủ cơ sở kinh doanh.

3.2. Quản lý về cơ sở vật chất đối với các cơ sở lưu trú du lịch

UBND huyện Hoa Lư đã ban hành “Phương án quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn huyện năm 2023”, trong đó yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch thực hiện đầy đủ các thủ tục kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, như có biển hiệu rõ ràng; đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng chống cháy nổ; giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP; đề án hoặc xác nhận bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Có phòng nghỉ, phòng ăn, phòng vệ sinh đảm bảo theo tiêu chí “sáng - sạch - đẹp”. Nhân viên phục vụ phải mặc đồng phục, đeo biển tên và có trách nhiệm hướng dẫn khách tham quan, mua sắm, bảo đảm an toàn cho du khách...

Thực tế tại huyện Hoa Lư, các cơ sở lưu trú du lịch thông thường được xây dựng kiên cố, nhiều tầng thường nằm ở vị trí thuận lợi, khu vực dân cư đông đúc, tiếp giáp các tuyến phố, đường giao thông chính trên địa bàn huyện nên rất thuận tiện cho du khách tiếp cận. Trong những năm gần đây, huyện Hoa Lư đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn 3-5 sao. Như khách sạn Ninh Bình Hidden Charm được đánh giá 5 sao tại khu du lịch Tam Cốc Bích Động. Ngoài ra, ngay cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng đã mạnh dạn đầu tư các khách sạn, nhà nghỉ khang trang, đạt tiêu chuẩn cao, thay vì xu hướng đầu tư nhà nghỉ loại nhỏ, khách sạn mini như những năm trước.

Bảng 2. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch phân theo loại hình
tại huyện Hoa Lư  giai đoạn 2020-2022

quản lý nhà nước

Nguồn: Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hoa Lư (2023)

Tuy nhiên, số lượng khách sạn lớn từ 3-5 sao còn rất ít (với 33 cơ sở, tỷ lệ 11,15%), các cơ sở lưu trú khối nhà nghỉ du lịch (với 34 cơ sở, tỷ lệ 11,49%), homestay chưa xếp loại (229 cơ sở, tỷ lệ 77,36%) còn bộc lộ nhiều hạn chế. Theo thống kê, trong 229 homestay có 122 cơ sở homestay chưa được thẩm định (tỷ lệ 53,28%), 54 cơ sở đủ điều kiện (tỷ lệ 23,58%), có 8 cơ sở không đủ điều kiện (tỷ lệ 3,49%), 08 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu (tỷ lệ 3,49%) và 36 cơ sở bị ngừng hoạt động (tỷ lệ 15,72%). Theo đó, nhiều cơ sở lưu trú chưa chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực. Đặc biệt nhiều cơ sở lưu trú hoạt động tự phát, chưa được xếp loại, cơ sở vật chất, nhân lực hạn chế gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, thương hiệu của điểm đến. Các cơ sở lưu trú hiện vẫn chưa hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, chủ yếu là chủ đầu tư vừa là nhà quản lý, vừa là người điều hành. Nhiều chủ cơ sở chưa qua lớp bồi dưỡng quản lý cơ sở lưu trú du lịch, chưa quan tâm đến đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ lao động.

Theo đánh giá của khách du lịch, đa số các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện Hoa Lư đã đáp ứng được các điều kiện tối thiểu của cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú đã có hệ thống đèn điện chiếu sáng đảm bảo, có chất lượng tốt. Đa số du khách đánh giá cơ sở lưu trú đảm bảo được điều kiện có nước sạch sử dụng, phòng vệ sinh và phòng tắm có chất lượng tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số khách hàng đánh giá tại một số homestay nhà tắm, nhà vệ sinh chưa đảm bảo sạch sẽ như quy định, khiến cho nhiều khách du lịch chưa hài lòng.

Bảng 3. Đánh giá của du khách về cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú du lịch
trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình (n=30)

quản lý nhà nước

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra (2023)

3.3. Quản lý về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ

3.3.1. Quản lý lưu trú đối với khách du lịch

Huyện Hoa Lư cũng đã triển khai sử dụng phần mềm ASM trong app VneID để quản lý lưu trú khách du lịch thì thấy rất nhiều tiện ích đối với khách sạn và với du khách, đặc biệt rất thuận tiện trong việc quản lý cư trú của cơ quan Công an. Công an có thể kiểm tra thông tin khách lưu trú tại các cơ sở dịch vụ lưu trú, thông tin tương đối đầy đủ trên hệ thống dữ liệu và nếu có trường hợp khách du lịch xảy ra sự cố thì có thể liên lạc trực tiếp qua số điện thoại đăng ký của cơ sở lưu trú hoặc trực tiếp xuống địa bàn để kiểm tra.

Tuy nhiên, việc áp dụng khai báo lưu trú với phần mềm này vẫn còn tồn tại như kết nối liên thông có thể bị gián đoạn, bị nghẽn mạng do số lượng lớn thông tin gửi lên cùng lúc; chưa đồng bộ dữ liệu du khách ngoại quốc hay nhiều chủ cơ sở kinh doanh chưa chủ động cài đặt phần mềm.

Chủ cơ sở lưu trú du lịch ở Hoa Lư đã tuân thủ tương đối tốt những quy định của pháp luật về lưu trú. Ban Quản lý, các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch phối hợp với các đơn vị chức năng ở địa phương thành lập tổ, đội tự quản về ANTT và tập huấn kiến thức theo quy định của pháp luật. Thành lập và công khai đường dây nóng của Ban Quản lý điểm du lịch để tiếp nhận phản ánh, tố giác vi phạm, góp ý, của khách du lịch. Các cơ sở lưu trú cũng đã thực hiện khá tốt trong việc yêu cầu khách du lịch và người dân xuất trình giấy tờ tùy thân. Điều này sẽ giúp cho chính quyền quản lý tốt số lượng khách đến lưu trú tại các cơ sở lưu trú. 

Theo đánh giá của các du khách về an ninh, an toàn lưu trú của cơ sở lưu trú, huyện Hoa Lư thực hiện rất tốt nhiệm vụ này, tất cả khách du lịch đến đểu được yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân để đăng ký lưu trú (đạt tỷ lệ 100%). Các phòng ở đa phần được khóa cẩn thận (với 26 phiếu, đạt tỷ lệ 80%) và các cơ sở lưu trú đã được trang bị camera tại những điểm cần thiết (với 22 phiếu, đạt tỷ lệ 73,3%), điều này làm tăng sự tin tưởng và an toàn cho du khách. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở lưu trú vẫn chưa công khai số điện thoại đường dây nóng để du khách có thể liên hệ khi có vấn đề xẩy ra (mới chỉ có 20 phiếu bình chọn, đạt tỷ lệ 66,7%).

3.3.2. Quản lý công tác phòng cháy chữa cháy

Huyện Hoa Lư đã tổ chức mô hình “Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy” và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho đại diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn.

Trong đó, mô hình điểm đầu tiên tại xã Ninh Thắng, UBND xã đã thông qua Quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của mô hình, đó là Quy chế "Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy" trên địa bàn xã. Theo đó, mô hình có sự tham gia của 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn; các cơ sở tham gia mô hình sẽ được trang bị và tự trang bị các thiết bị như bình chữa cháy, đèn pin, dụng cụ tháo dỡ… để phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, các cơ sở cũng sẽ được hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, được cài đặt ứng dụng báo cháy 114… và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho công tác PCCC. Hiện nay mô hình đang hoạt động khá tốt và huyện Hoa Lư cũng có kế hoạch để nhân rộng mô hình sang các xã khác.

Theo kết quả khảo sát của khách du lịch về an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã đảm bảo an toàn về nhiều mặt. Hầu hết các cơ sở đã được trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy tối thiểu (với 25 phiếu bầu chọn mức đảm bảo, đạt tỷ lệ 83,3%; và 5 phiếu bình chọn có lắp nhưng không đảm bảo, đạt tỷ lệ 166,7%), có lắp đặt đầy đủ các thiết bị báo cháy và các dụng cụ, vật dụng phòng hộ đảm bảo an toàn khi xảy ra hỏa hoạn (với 25 phiếu bầu chọn mức đảm bảo, đạt tỷ lệ 83,3%; và 5 phiếu bình chọn có lắp nhưng không đảm bảo, đạt tỷ lệ 166,7%). Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở còn thiếu phương tiện bảo hộ chống khói (chỉ có 21 phiếu bầu đảm bảo, chiếm tỷ lệ 70%, 7 phiếu không đảm bảo, chiếm tỷ lệ 23,3% và 2 phiếu không có, chiếm tỷ lệ 6,7%); chưa có thiết kế lối thoát hiểm phù hợp (chỉ có 22 phiếu bầu đảm bảo, chiếm tỷ lệ 73,3%, 1 phiếu không đảm bảo, chiếm tỷ lệ 3,3% và 7 phiếu không có, chiếm tỷ lệ 23,3%); chưa có đầy đủ bảng chỉ dẫn thoát nạn (chỉ có 19 phiếu bầu đảm bảo, chiếm tỷ lệ 63,3%, 7 phiếu không đảm bảo, chiếm tỷ lệ 23,3% và 4 phiếu không có, chiếm tỷ lệ 13,3%); chưa có đầy đủ đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn (chỉ có 23 phiếu bầu đảm bảo, chiếm tỷ lệ 76,6%, 2 phiếu không đảm bảo, chiếm tỷ lệ 6,7% và 5 phiếu không có, chiếm tỷ lệ 16,7%).

3.4. Quản lý công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong năm 2023, UBND huyện thành lập các đoàn thẩm định vệ sinh ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện. Tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh ATTP cho 57 cơ sở kinh doanh dịch vụ có kèm theo dịch vụ ăn uống.

 Tổ chức 5 lớp cập nhật kiến thức VSATTP cho gần 130 người lao động trực tiếp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, những người phục vụ ăn uống ở các khách sạn, nhà nghỉ. Tổ chức thanh tra chuyên ngành về công tác đảm bảo vệ sinh ANTT đối với 9 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch có kèm dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện; Tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP cho các cơ sở thuộc ngành Y tế đã góp phần làm tốt công tác giám sát ngộ độc thực phẩm tại cơ sở, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người, không để xuất hiện các dịch bệnh lây lan rộng, đặc biệt số lượng ngộ độc thực phẩm trong năm được giảm thiểu đáng kể, không có trường hợp tử vong vì ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện.

Cụ thể, theo đánh giá của cán bộ quản lý của huyện Hoa Lư, công tác quản lý nhà nước về đảm bảo VSMT và ATTP của các cơ sở lưu trú du lịch còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể: quy định của pháp luật về đảm bảo VSMT và ATTP cho cơ sở lưu trú còn thiếu và yếu, khó áp dụng (với 87,5% tổng phiếu bình chọn); chủ cơ sở lưu trú không nắm hết được các quy định về công tác đảm bảo VSMT và ATTP (chiếm 90% tổng phiếu bình chọn); chủ cơ sở lưu trú chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của công tác đảm bảo VSMT và ATTP (chiếm 80,0% tổng phiếu bình chọn); nhiều cơ quan cùng quản lý công tác đảm bảo VSMT và ATTP dẫn đến chồng chéo, không thống nhất trong quản lý (chiếm 72,5% tổng phiếu bình chọn).

Qua điều tra thực tế, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã thực hiện các hoạt động về đảm bảo VSMT cho cơ sở mình, thu gom, phân loại và xử lý rác thải đúng cách, đúng nơi quy định, định kỳ phun thuốc diệt côn trùng, muỗi đảm bảo theo yêu cầu của cơ quan y tế, các cơ sở lưu trú đều đã được đánh giá tác động của môi trường theo quy định. Mặc dù đa số du khách đến Hoa Lư đánh giá tốt về công tác VSMT tại các cơ sở lưu trú nhưng vẫn còn tồn tại một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc về xả thải và xử lý rác thải theo quy định. Cụ thể: cơ sở lưu trú có bố trí thùng rác đạt tiêu chuẩn (có 27 phiếu bình chọn ở mức đảm bảo, chiếm tỷ lệ 90%, 3 phiếu bình chọn mức không đảm bảo, chiếm tỷ lệ 10%, và không có phiếu nào bình chọn không có); cơ sở lưu trú có nhà vệ sinh sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn (với 25 phiếu bình chọn ở mức đảm bảo, chiếm tỷ lệ 83,3%, 5 phiếu bình chọn mức không đảm bảo, chiếm tỷ lệ 16,7%, và không có phiếu nào bình chọn không có); cơ sở lưu trú thực hiện đổ rác thải đúng nơi quy định (với 26 phiếu bình chọn ở mức đảm bảo, chiếm tỷ lệ 86,7%, 3 phiếu bình chọn mức không đảm bảo, chiếm tỷ lệ 10,0%, và 1 phiếu bình chọn không có, chiếm tỷ lệ 3,3%); cơ sở lưu trú có nhân viên vệ sinh (với 24 phiếu bình chọn ở mức đảm bảo, chiếm tỷ lệ 80,0%, 4 phiếu bình chọn mức không đảm bảo, chiếm tỷ lệ 13,3% và 2 phiếu bình chọn không có, chiếm tỷ lệ 6,7%).

3.5. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh lưu trú du lịch

Nhìn chung, hoạt động thanh tra của Sở Du lịch Ninh Bình tại huyện Hoa Lư được thực hiện chặt chẽ, bài bản. Công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ được Sở Du lịch chủ trì xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Về công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch tại huyện Hoa Lư cơ bản đã được các cơ sở lưu trú du lịch đánh giá tốt. Công tác thanh tra đã được tổ chức thường xuyên, tiến hành đúng quy định và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật.

Bảng 4. Tổng kết hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở lưu trú du lịch
ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2020-2022

quản lý nhà nước

Nguồn: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư (2023)

4. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư

Huyện Hoa Lư cần tập trung vào một số giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý như sau:

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch  trên địa bàn huyện Hoa Lư: tiến hành rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức ngành du lịch từ huyện tới cấp xã/thị trấn đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về du lịch theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

- Tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các chủ kinh doanh cơ sở lưu trú: thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về du lịch, hướng dẫn các quy định của nhà nước về kinh doanh lưu trú du lịch. Tập trung hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch làm thủ tục đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

- Tăng cường quản lý về cơ sở vật chất, công tác đảm bảo VSMT, vệ sinh ATTP và an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở lưu trú du lịch. Tiêu chuẩn hóa và kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các điều kiện, tiện nghi phục vụ du lịch, bảo đảm an toàn, an ninh, VSMT và phát triển bền vững. Ứng dụng các nền tảng số vào công tác tiếp nhận thông tin, quản lý hoạt động lưu trú tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở lưu trú du lịch: Định kỳ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về kinh doanh lưu trú du lịch. Xử lý nghiêm các cơ sở lưu trú du lịch cố tình không chấp hành các quy định của nhà nước về kinh doanh lưu trú du lịch.

5. Kết luận

Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập cần khắc phục như: công tác quản lý cơ sở vật chất và khách lưu trú vẫn còn lỏng lẻo nên hiệu lực quản lý chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế nên xảy ra nhiều các sai phạm đối với các cơ sở lưu trú du lịch, nhận thức, năng lực của các chủ cơ sở còn hạn chế, nên việc chấp hành các quy định về kinh doanh cơ sở lưu trú còn chưa cao. Từ nghiên cứu thực trạng và thực tế công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, tác giả để xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, đó là: Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch  trên địa bàn huyện Hoa Lư; Tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các chủ kinh doanh cơ sở lưu trú; Tăng cường quản lý về cơ sở vật chất, công tác đảm bảo VSMT, vệ sinh ATTP và an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở lưu trú du lịch; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở lưu trú du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi cục Thống kê huyện Hoa Lư (2020-2022). Niên giám thống kê huyện Hoa Lư các năm 2020, 2021, 2022.
  2. Hoàng Thị Lan Hương (2010). Bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm phát triển bền vững kinh doanh lưu trú du lịch ở một số nước trên thế giới. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 152, 76-79.
  3. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoa Lư (2023). Báo cáo tình hình phát triển du lịch của huyện Hoa Lư giai đoạn 2020-2022.
  4. Trương Thị Cẩm Anh, Hồ Ngọc Ninh, Nguyễn Tất Thắng, Lại Phương Thảo, & Bùi Thị Tân (2022). Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 20(10), 1394-1403.
  5. UBND tỉnh Ninh Bình (2020). Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  6. UBND tỉnh Ninh Bình (2021). Đề án Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.

IMPROVING THE STATE MANAGEMENT

OF TOURIST ACCOMMODATION ESTABLISHMENTS

IN HOA LU DISTRICT, NINH BINH PROVINCE

• NGUYEN THI THAM1

• Ph.D HO NGOC NINH2

• Master. NGUYEN THI MAI TRANG2

1Hoa Lu Ancient Capital Historical and Cultural Relics Conservation Center,

Ninh Binh province

2Faculty of Tourism and Foreign Languages,

Vietnam National University of Agriculture

ABSTRACT:

This study analyzed the current situation and proposed solutions to improve the state management of tourist accommodation establishments in Hoa Lu district, Ninh Binh province. Some proposed solutions are: completing the organization of the management apparatus and improving state management capacity for tourism in Hoa Lu district; strengthening legal educational and communication activities for owners of tourist accommodation establishments; strengthening tourist accommodation establishment management in terms of facilities, environmental sanitation, food hygiene, security, safety, and fire prevention; and strengthening inspection and supervision of tourist accommodation establishments.

Keywords: state management, tourist accommodation establishments, Hoa Lu district, Ninh Binh province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2023]

Tạp chí Công Thương