Sóc Trăng: Tăng năng lực cho sản xuất bánh pía - lạp xưởng qua đề án nhóm khuyến công quốc gia

Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sóc Trăng đầu tư nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 1,5 tỷ đồng cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn.

Nhằm góp đưa ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến của các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề sản xuất chế biến bánh pía - lạp xưởng là một trong những ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng, năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sóc Trăng đầu tư nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 1,5 tỷ đồng cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn.

Sóc Trăng được biết tới là địa phương giàu tiềm năng, lợi thế, trong phát triển sản phẩm từ nông nghiệp. Hiện nay, Sóc Trăng có một số mặt hàng nông sản, thực phẩm nổi tiếng, tạo thương hiệu cho địa phương như hành tím Vĩnh Châu, gạo đặc sản ST, gạo Tài nguyên Thạnh Trị, bánh pía, lạp xưởng, tôm nước lợ… Những mặt hàng này của Sóc Trăng có giá trị kinh tế cao, là mặt hàng xuất khẩu được nhiều thị trường ưa chuộng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mỗi năm trên vài trăm triệu USD.

Thời gian qua, để duy trì, phát triển sản xuất, nhiều doanh nghiệp của Sóc Trăng không ngừng nâng cao nội lực, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến để đổi mới, nâng cao phẩm cấp sản phẩm. Điều này cũng giúp sản phẩm đặc sản Sóc Trăng tiếp cận, đáp ứng phù hợp hơn các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn Sóc Trăng đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, tiềm lực tài chính còn hạn chế, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện các hạng mục đầu tư lớn. Điều đó phần nào hạn chế đáp ứng tốt năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu khách hàng. Đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến hơn của các cơ sở công nghiệp nông thôn tại Sóc Trăng nhằm đáp ứng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, giảm chi phí nhân công là nhu cầu thiết thực.

Ông Chung Chí Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sóc Trăng cho biết, từ thực tế thẩm tra khảo sát, đơn vị đã lập và trình Đề án nhóm Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm với Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương và đã được Cục chấp thuận, phê duyệt kế hoạch năm 2023.

nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia
Nghiệm thu đối với đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm tại Hộ kinh doanh Thái Thị Mỹ Nhung

Cụ thể, tổng mức đầu tư của đề án nhóm hơn 3,9 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 1,5 tỷ đồng. 5 đơn vị là Doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm bánh pía lạp xưởng Từ Gia Kiệt, Hộ kinh doanh Công Thành Tâm, Cơ sở Hiệp Phong, Hộ kinh doanh Thái Thị Mỹ Nhung và Hộ kinh doanh Hùng Xuân được đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm.

Đối với doanh nghiệp tư nhân chế biến thực phẩm bánh pía lạp xưởng Từ Gia Kiệt, đề án nhóm hỗ trợ đầu tư ứng dụng 01 máy nhồi thịt chân không công suất 2.000 kg/giờ phục vụ cho việc sản xuất lạp xưởng với công suất 192 tấn/năm. Đây là máy móc thiết bị mới, tiên tiến nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được sức lao động.

Hộ kinh doanh Công Thành Tâm là đầu tư ứng dụng 01 cụm máy gói bao nhân tự động (Gồm 3 máy: Máy chủ + Bơm nhân 3 đầu + Đầu cắt) với công suất 30-150 cái/phút; 01 máy đóng gói nằm công suất 40-150 cái/phút phục vụ cho việc sản xuất bánh pía với công suất 80 tấn/năm.

Cơ sở Hiệp Phong đầu tư ứng dụng 1 cụm máy gói bao nhân tự động (Gồm 3 máy: Máy chủ + Bơm nhân 3 đầu + Đầu cắt) với công suất 30-150 cái/phút; 01 máy cán bột Soven 2 chiều công suất 500 kg/giờ phục vụ cho việc sản xuất bánh pía với công suất 240 tấn/năm.

Đối với hộ kinh doanh Hùng Xuân, đầu tư ứng dụng bồn nấu đường mía với công suất 200 kg/mẻ; 2 bộ bồn khuấy đường mía công suất 200 kg/mẻ, 02 cái bàn cắt đường mía công suất 100 kg/mẻ, 1 bộ máy nghiền phân loại đường công suất 2000 kg/giờ phục vụ cho việc sản xuất đường với công suất 200 tấn/năm.

Việc đầu tư bồn nấu đường mía theo nguyên lý bơm nhiệt chân không từ lò hơi nên nhiệt độ sôi giảm, thiết bị trao đổi nhiệt lồng ống hiệu suất làm việc cao, liên tục nên năng suất tăng gấp 2 đến 3 lần so với nấu đường bằng thủ công sử dụng củi hoặc nấu bằng gaz đun gia nhiệt truyền thống để tách nước và cô đặc dung dịch đường.

Cũng theo ông Chung Chí Trường, việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến nhằm đáp ứng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, giảm chi phí nhân công đối với cơ sở. Việc này cũng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề sản xuất chế biến bánh pía - lạp xưởng là một trong những ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng. Tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương nhất là lao động người dân tộc Khmer.

Ngày 2/8/2023, đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Sóc Trăng các đơn vị liên quan đã tổ chức nghiệm thu đối với đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm tại Hộ kinh doanh Thái Thị Mỹ Nhung, số 74 ấp Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi nghiệm thu đề án, bà Thái Thị Mỹ Nhung, Chủ hộ kinh doanh cho biết, cơ sở được nhà nước hỗ trợ đầu tư thiết bị là máy đóng gói, chảo xào tự động D800 đã giúp cơ sở giúp hộ kinh doanh tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm đáp ứng theo yêu cầu khách hàng.

Việc này cũng giúp cơ sở tạo thu nhập ổn định cho 30 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Đồng thời, việc hỗ trợ máy móc thiết bị cho cơ sở công nghiệp nông thôn góp phần hướng đến việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến của các cơ sở sản xuất bánh Pía trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, tăng giá trị sản xuất công nghiệp tại địa phương.

Thăng Long