Sự hài lòng của sinh viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang về chất lượng khi học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19

Bài viết "Sự hài lòng của sinh viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang về chất lượng khi học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19" do ThS. Nguyễn Thị Phương Ý (Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang) và Tống Thị Hòa - Nguyễn Huỳnh Như - Trần Thị Bảo Ngọc - Nguyễn Lâm Cát Phượng (Sinh viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang) thực hiện.

Tóm tắt:

Đề tài tập trung vào việc xác định các nhân tố tác động đến mức độ hài lòng của sinh viên về chất lượng khi tham gia học trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19. Mô hình đề xuất ban đầu gồm 5 nhân tố, qua các bước hồi quy và kiểm định đã xác định mô hình cần tìm gồm 2 nhân tố quan trọng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hài lòng của sinh viên khi học trực tuyến, đó là nội dung và hỗ trợ. Trong hai nhân tố này thì nội dung có tác động mạnh hơn đến sự hài lòng của sinh viên khi học online. Đây cũng là cơ sở để Khoa Tài chính - Ngân hàng và Trường Đại học Văn Lang xây dựng các nội dung liên quan đến các học phần học trực tuyến, là hình thức học đã trở nên phổ biến hơn sau giai đoạn dịch Covid-19.

Từ khóa: học online, chất lượng, sự hài lòng, Covid-19, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 hoành hành đã ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết tất cả các lĩnh vực trong xã hội, trong đó phải kể đến lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Trong giai đoạn trước đây khi chưa có dịch Covid-19, học online chỉ mang tính chất hỗ trợ sinh viên (SV) trau dồi, củng cố kiến thức bằng các bài tập, bài kiểm tra cá nhân và bài nhóm nhằm đánh giá mức độ hiểu bài của SV sau giờ học trên lớp và giúp giảng viên đánh giá được mức độ học và hiệu quả học của SV qua các bài kiểm tra, từ đó đưa ra điều chỉnh phù hợp. Còn trong giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện và phát triển lan rộng, hình thức học online được xem là một hình thức học chính, chiếm toàn bộ thời gian học của SV. Qua thời gian dịch Covid diễn ra, việc học online đòi hỏi giảng viên và SV có sự hợp tác cao trong hơn để việc học hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, sinh viên đến trường học trực tiếp thì các học phần được tổ chức bằng hình thức online lại trở nên phổ biến hơn và có thể được mở song song với các học phần học tập trung. Do đó, việc phân tích và đánh giá được mức độ tác động các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của SV khi tham gia học trực tuyến là việc cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở đề ra các giải pháp góp phần nâng cao sự hài lòng của SV Khoa Tài chính - Ngân hàng nói riêng và Trường Đại học Văn Lang nói chung khi học online.

2. Tổng quan nghiên cứu trước

Để có thể phân tích và đánh giá mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của SV khi tham gia học trực tuyến, bài viết đã dựa trên kết quả nhiều nghiên cứu trước. Về sự hài lòng của người dùng, đề tài dựa trên nghiên cứu của Philip Kotler (2000), sự hài lòng phụ thuộc sự kỳ vọng và kết quả nhận được. Nghiên của của Chen (2007) đã đưa ra định nghĩa về chất lượng đào tạo đại học, liên quan: chương trình, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất, đặc điểm SV, quản lý - hành chính và hệ thống tương tác. Các nghiên cứu về nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng, những rào cản khi học trực tuyến của sinh viên tại một số trường đại học của các tác giả Mahmoud Maqableh và Mohammad Alia (2021), Pei-Chen Sun (2008), Vũ Thúy Hằng và Nguyễn Mạnh Tuân (2013), Đặng Thị Thúy Hiền (2020), Phan Thị Ngọc Thanh (2020), Nguyễn Thị Ngọc Diệp và Đoàn Thị Hồng Nga (2021) là nền tảng đề xuất các nhân tố của mô hình trong đề tài này. Các nhân tố tác động đến sự hài lòng của người học có thể là: công nghệ, quản lý thời gian, thái độ người học, thái độ giảng viên, thiết kế khóa học, giao diện người dùng, cộng đồng học tập, nội dung và cá nhân hóa, Internet, sự đáp ứng, sự tin cậy... Các nhân tố là rào cản, gây khó khăn cho quá trình học trực tuyến có thể là: Internet, kinh tế, tương tác, tâm lý, môi trường, nội dung bài giảng, âm thanh, thiết bị kết nối, phương pháp giảng dạy...

3. Phương pháp nghiên cứu, mô hình và dữ liệu

Dựa trên nền tảng kết quả các nghiên cứu trước, đề tài đã phân tích và đánh giá mức độ tác động 5 nhân tố (làm nhân tố đại diện) đến sự hài lòng của SV Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang (Khoa TCNH) khi học trực tuyến theo phương pháp định lượng và thông qua phần mềm SPSS 26. Năm nhân tố trong mô hình hồi quy gồm: thông tin, nội dung môn học; phương pháp giảng dạy; phương pháp kiểm tra đánh giá; hỗ trợ về công nghệ; hỗ trợ về các vấn đề liên quan trong quá trình học.

Mô hình hồi quy tuyến tính đa bội được đề xuất:

SHL = β0 + β1*X1 + β2*X2 + β3*X3 + β4*X4 + β5*X5 + ei

Trong đó:

  • SHL: sự hài lòng của SV Khoa TCNH khi học online trong giai đoạn Covid-19.
  • βk: hệ số của phương trình hồi quy, ei là phần dư.
  • X1: Nhóm nhân tố thứ 1, bao gồm các biến về thông tin và nội dung môn học.
  • X1: Nhóm nhân tố thứ 2, bao gồm các biến về phương pháp giảng dạy.
  • X1: Nhóm nhân tố thứ 3, bao gồm các biến về phương pháp kiểm tra đánh giá.
  • X1: Nhóm nhân tố thứ 4, bao gồm các biến về việc hỗ trợ công nghệ khi học online.
  • X1: Nhóm nhân tố thứ 5, bao gồm các biến về những hỗ trợ các vấn đề liên quan trong quá trình học online.

Các giả thiết H1, H2, H3, H4, H5 cần kiểm định các nhân tố có tác động đến sự hài lòng về chất lượng dịch vụ của SV Khoa TCNH khi học online trong giai đoạn Covid-19 hay không.

Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua việc khảo sát bằng Google Forms. Bảng câu hỏi khảo sát được thiết kế theo thang đo Likert 5 mức độ, được gửi đến sinh viên K24, K25, K26, K27 Khoa TCNH trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022. Kết quả khảo sát thu về 149 phiếu hợp lệ trong tổng 151 phiếu phát ra, gồm dữ liệu 29 biến quan sát của 5 biến độc lập và 3 biến quan sát của biến phụ thuộc, thỏa mãn cỡ mẫu cần cho phương pháp phân tích.

4. Kết quả và thảo luận

Kết quả thống kê mẫu cho thấy giá trị trung bình các biến quan sát đều từ 4 trở lên (từ 4.00 đến 4.48 trong thang đo 5 mức) và có độ lệch chuẩn từ 0.65 trở lên (từ 0.67 đến 0.94). Trong đó, giá trị trung bình cao nhất ở nhóm các biến quan sát về phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá.

Kiểm định thang đo qua phân tích Cronbach Alpha cho thấy tất cả các biến đều có tương quan biến tổng lớn hơn 0.3, do đó, trong 32 biến quan sát không loại biến nào và tiếp tục phân tích nhân tố khám phá FFA.

Trong phân tích nhân tố khám phá của biến độc lập, kết quả kiểm định KMO và Bartlett's trong phân tích nhân tố cho thấy hệ số KMO là 0.926 và lớn hơn 0.5 và mức ý nghĩa của giá trị Bartlett's Test gần bằng 0 (sig = 0.000), phương sai trích 72.254% nên phân tích nhân tố khám phá rất thích hợp. Tại các mức giá trị Eigenvalues lớn hơn 1, phân tích nhân tố đã trích được 3 nhân tố (25 biến quan sát) từ 29 biến quan sát. Dựa vào kết quả bảng ma trận xoay và căn cứ hệ số tải nhân tố, đề tài đã định nghĩa lại các nhóm nhân tố. Mô hình hiệu chỉnh gồm 3 nhân tố của biến độc lập: nội dung, triển khai, hỗ trợ. Trong đó, nhân tố “nội dung” liên quan đến tài liệu tham khảo; phương pháp giảng dạy; SV học được kỹ năng khi học online; khuyến khích SV học tập và nghiên cứu; nội dung đánh giá phù hợp; cách đánh giá phù hợp; phản hồi kết quả đánh giá phù hợp… Nhân tố “triển khai” liên quan đến SV nhận được thông tin cần thiết; nội dung học phần đáp ứng mục tiêu; phân bổ nội dung lý thuyết, thực hành và bài tập hợp lý; việc kiểm tra đánh giá được thực hiện công khai, công bằng và hợp lý; SV được hướng dẫn và hỗ trợ phần mềm trực tuyến; SV có thể sử dụng nhiều thiết bị khi tham gia học online… Nhân tố “hỗ trợ” liên quan đến SV được giải quyết thỏa đáng các yêu cầu liên quan trong quá trình học online; sinh viên được Khoa và giảng viên sẵn sàng hỗ trợ khi SV có thắc mắc liên quan môn học và điểm số; SV nhận được thông tin một cách nhanh chóng qua nhiều kênh; nền tảng công nghệ của Trường đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập trực tuyến…

Kết quả phân tích nhân tố khám phá của biến độc lập, kết quả kiểm định KMO và Bartlett's trong phân tích nhân tố cho thấy hệ số KMO là 0.747 và lớn hơn 0.5 và mức ý nghĩa của giá trị Bartlett's Test gần bằng 0 (sig = 0.000), phương sai trích 83.173% nên phân tích nhân tố khám phá rất thích hợp. Chỉ có 1 mức giá trị Eigenvalues lớn hơn 1, phân tích nhân tố đã trích được 1 nhân tố. Dựa vào kết quả bảng ma trận xoay của biến phụ thuộc thì cả 3 biến quan sát đều có hệ số tải lớn hơn 0,5. Vậy là 3 biến quan sát sự hài lòng được nhóm thành 1 nhân tố. Hệ số tải nhân tố của 3 biến quan sát đều >0.5 nên không có biến nào bị loại.

Mô hình hiệu chỉnh sau nghiên cứu gồm 3 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc có dạng:

SHL = β0 + β1*Nội dung + β2*Triển khai + β3*Hỗ trợ + ei

Khi tiến hành phân tích hệ số tương quan của các biến để xem xét mối quan hệ giữa biến cho thấy tất cả đều có giá trị Sig=0,000 và đều có độ tin cậy cao (99%), do đó tất cả các biến đều có ý nghĩa thống kê. Kết quả cho thấy hệ số tương quan giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập là tương quan dương và tương quan cao (từ 0,749 đến 0,86). Ngoài ra, tương quan giữa các biến độc lập với nhau cũng là tương quan dương và mức tương quan cao.

Khi tiến hành đánh giá độ phù hợp của mô hình hồi quy sau khi hiệu chỉnh cho thấy với kết quả có được về R2 hiệu chỉnh bằng 75.6%, cho thấy 75.6% sự biến thiên của mức độ hài lòng sinh viên về chất lượng dịch vụ trong giai đoạn học online được giải thích bởi mối liên hệ tuyến tính của các biến độc lập. (Xem Bảng)

Sau đó, đề tài kiểm định độ phù hợp của mô hình với giả thiết β1 = β2 = β3 = 0.

Bảng. Kiểm định mô hình hồi quy

su hai long

Nguồn: Kết quả chạy SPSS

Vậy nội dung học phần và những hỗ trợ liên quan trong quá trình học là 2 yếu tố tác động đến mức độ hài lòng của SV Khoa TCNH đối với chất lượng dịch vụ khi tham gia học online trong giai đoạn dịch Covid-19.

Như vậy, mô hình hồi quy cần tìm có dạng như sau:

SHL = 0,685*Nội dung + 0,173*Hỗ trợ – 0,054

Thông qua hệ số beta trong mô hình hồi quy cho thấy giữa 2 nhân tố ý nghĩa thì nhân tố nội dung phù hợp những quan tâm của sinh viên hơn tác động mạnh đến sự hài lòng của SV Khoa TCNH đối với chất lượng dịch vụ khi tham gia học online trong giai đoại dịch Covid-19.

5. Kết luận

Mô hình nghiên cứu được xây dựng với 5 yếu tố tác động đến sự hài lòng của SV Khoa TCNH khi tham gia học online trong giai đoạn dịch Covid-19. Qua quá trình thực hiện các phân tích và điểm định mô hình hồi quy cho thấy nhóm nhân tố về nội dung và biến hỗ trợ tác động đến sự hài lòng của SV Khoa TCNH về chất lượng đào tạo khi học online. Xét về mức độ tác động, nhân tố nội dung có tác động mạnh hơn đến sự hài lòng của sinh viên so với nhân tố hỗ trợ.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Đặng Thị Thúy Hiền và cộng sự (2020). Các yếu tố rào cản trong việc học online của sinh viên Khoa Du lịch - Đại học Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, Tập 129, Số 5C.
  2. Phan Thị Ngọc Thanh, Nguyễn Ngọc Thông và Nguyễn Thị Phương Thảo (2020). Cảm nhận của sinh viên chính quy khi trải nghiệm học trực tuyến hoàn toàn trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(4), 18-28.
  3. Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Đoàn Thị Hồng Nga (2021). Đánh giá sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo đại học bằng E-learning trong bối cảnh Covid-19 tại Trường Đại học Lạc Hồng. Tạp chí Giáo dục, Số 493, Kì 1.
  4. Vũ Thúy Hằng, Nguyễn Mạnh Tuân (2013). Tích hợp các yếu tố ảnh hưởng đến hài lòng của người học vào hệ thống E-learning: Một tình huống tại Trường Đại học Kinh tế - Luật. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 53, 24-46.
  5. Chen, C., Sok, P.and Sok, K. (2007). Benchmarking potential factors leading to education quality: A study of Cambodian higher education. Quality Assurance in Education, 15(2).
  6. Mahmoud Maqableh, Mohammad Alia (2021). Evaluation online learning of undergraduate students under lockdown amidst Covid-19 Pandemic: The online learning experience and students’ satisfaction. Children and Youth Services Review, 128, 106160.
  7. Pei-Chen Sun, Ray J. Tsai, Glenn Finger, Yueh-Yang Chen, Dowming Yeh (2008). What drives a successful e-Learning? An empirical investigation of the critical factors influencing learner satisfaction. Computers & Education, 50(4), 1183-1202
  8. Philip Kotler (2000). Marketing Management. USA: Prentice Hall.

 

The satisfaction of finance and banking students at Van Lang University

with the quality of online learning during the COVID-19 period

Master. Nguyen Thi Phuong Y 1

Tong Thi Hoa 2

Nguyen Huynh Nhu 2

Tran Thi Bao Ngoc 2

Nguyen Lam Cat Phuong 2

1 Faculty of Finance and Banking, Van Lang University

2 Student, Faculty of Finance and Banking, Van Lang University

ABSTRACT:

This study identifies the factors impacting the satisfaction of students with the quality of online learning during the COVID-19 pandemic. The study’s initial proposed model consists of five factors. After testing and regression analysis, the model has two important factors that strongly affect student satisfaction with the quality of online learning, namely content and support. The constant factor has a stronger impact on the satisfaction of students when they study online. This study is expected to serve as a basis for the Faculty of Finance and Banking at Van Lang University to develop the contents of online learning modules.

Keywords: online learning, quality, Covid-19, student satisfaction, Faculty of Finance and Banking, Van Lang University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2023]