Sữa Việt Nam (Vinamilk): Đối mặt nhiều thách thức khi tiêu thụ nội địa sụt giảm

Vietcombank Securities nhận định hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam trong năm nay tiếp tục đối mặt nhiều thách thức khi tiêu thụ kênh nội địa sụt giảm.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk
Mặc dù Sữa Việt Nam đang tiếp tục dẫn đầu thị trường sữa uống tại Việt Nam, nhưng công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng và có vẻ như đang dần mất thị phần trong năm qua.

Vietcombank Securities (VCBS) vừa đưa ra các nhận định mới về triển vọng hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu: VNM – sàn: HoSE). VCBS nhấn mạnh năm nay tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với Sữa Việt Nam khi tiêu thụ kênh nội địa suy giảm do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu không đủ bù đắp cho thị trường trong nước.

Tuy nhiên, VCBS ước tính biên lợi nhuận gộp của Sữa Việt Nam có thể phục hồi lên mức 41,6% trong bối cảnh giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu đã giảm mạnh so với năm 2022, tỷ lệ tự chủ sữa tươi của công ty được nâng lên, và mức tăng giá bán từ cuối năm 2022 sẽ bù đắp phần nào sự gia tăng của các chi phí đầu vào.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra cuối tháng 4/2023, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Sữa Việt Nam cho biết việc đưa biên lợi nhuận của Sữa Việt Nam trở về mức tích cực như trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra sẽ cần khoảng 1 năm. Được biết, trong giai đoạn 2016 – 2019, biên lợi nhuận gộp trung bình của Sữa Việt Nam là 47,3%.

Sữa được coi là thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam, đặc biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tuy nhiên với thu nhập bị suy giảm do lạm phát và kinh tế suy giảm, người tiêu dùng ngày càng trở nên nhạy cảm về giá hơn. Lạm phát và chi phí tăng cao cũng đang làm tăng áp lực trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Phân khúc phổ thông được nhận định sẽ chịu áp lực giảm doanh số; trong khi đó, phân khúc cao cấp ít bị nhạy cảm về giá hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của dòng sản phẩm cao cấp có thể chậm hơn trước vì số lượng khách hàng ít hơn.

Theo đánh giá của VCBS, mặc dù Sữa Việt Nam đang tiếp tục dẫn đầu thị trường sữa uống tại Việt Nam, nhưng công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng và có vẻ như đang dần mất thị phần trong năm qua. Việc phải đổi mới và cải thiện cũng như mở rộng phạm vi phân phối và nhận diện thương hiệu sẽ làm tăng chi phí marketing và quảng cáo của Sữa Việt Nam.

Trong ngắn hạn, Sữa Việt Nam có thể ghi nhận đà phục hồi yếu và bị mất thị phần so với ngành trong khi biên lợi nhuận biến động phụ thuộc vào giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu nhiều. Về dài hạn đến năm 2025, các mảng đầu tư mới sẽ bắt đầu đóng góp nhiều và được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng cho công ty.

Giá cổ phiếu Vinamilk Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VNM của Sữa Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Đối với mảng sữa chua, với kỳ vọng dư địa tăng trưởng còn nhiều và tốc độ tăng trưởng có thể duy trì ở mức cao nên trong thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp ngành sữa đã tham gia mảng này. Tuy nhiên, Sữa Việt Nam được nhận định vẫn có khả năng giữ vị trí thống trị mảng sữa chua nhờ liên tục đầu tư.

Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor dự báo mức tăng trưởng CAGR trong giai đoạn 2022 – 2027 đối với nhóm sản phẩm sữa chua nguyên chất và nhóm sản phẩm sữa chua uống tại Việt Nam sẽ lần lượt đạt 6,4% và 8,5%.

Đối với mảng sữa nước, các doanh nghiệp trong nước cũng đang tăng cường đầu tư vào mảng này. Trong đó, sữa hoàn nguyên vẫn phổ biến nhất vì mang lại tiện lợi và bảo quản dễ vì không cần giữ mát như sữa tươi. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang thúc đẩy chuyển hướng sang nhu cầu sữa tươi với hình ảnh tốt hơn và ít chế biến hơn.

Ví dụ, Vpmilk đã đầu tư mạnh mẽ vào việc tiếp thị sữa nước và mở rộng danh mục sữa nước sang sữa tươi; NutiFood cũng khẳng định dòng sản phẩm NutiMilk 100 điểm cung cấp hàm lượng dinh dưỡng tương đương với các nhãn hiệu nhập khẩu...

Trong khi đó, hai doanh nghiệp dẫn đầu là Sữa Việt Nam và TH Milk cũng gia tăng đầu phát triển các dòng sản phẩm mới để giữ vững vị thế dẫn đầu ngành hàng của mình. Thị trường sữa nước tại Việt Nam hiện được dự báo có mức tăng trưởng CAGR 6,6% trong giai đoạn 2022 – 2027.

Đối với mảng sữa bột, vị thế của Sữa Việt Nam bị suy giảm phần nào khi các dòng sản phẩm sữa bột trẻ em của công ty ghi nhận đà tăng trưởng thấp, chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong và ngoài nước. Hiện Sữa Việt Nam đang hợp tác với 6 tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu để cải tiến sản phẩm và thay đổi hình cái nhìn của người tiêu dùng về sữa bột công thức cho trẻ em.

Thị trường sữa bột công thức trẻ em tại Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng CAGR 3,8% % trong giai đoạn 2022 – 2027.

VCBS hiện ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của Sữa Việt Nam trong năm nay sẽ lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 1,2% và 10,1%, tương ứng đạt 60.650 tỷ đồng và 9.379 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp phục hồi khi giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào đã giảm mạnh và việc tăng giá bán từ cuối năm 2022 bù đắp phần nào vào việc chi phí tăng lên.

Trong khi đó, ban lãnh đạo Sữa Việt Nam đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu năm nay ở mức 5,5% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ không tăng trưởng.

Quỳnh Trang