Tác động của rủi ro và hiệu quả hoạt động đến hệ số an toàn vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam

Nghiên cứu "Tác động của rủi ro và hiệu quả hoạt động đến hệ số an toàn vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam" do ThS. Đặng Thị Phương Thảo (Trường Đại học Tài chính Marketing) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đo lường tác động của rủi ro và hiệu quả hoạt động đến sự an toàn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Nghiên cứu thực hiện chọn mẫu nghiên cứu gồm 22 ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) Việt Nam, dữ liệu nghiên cứu được thu thập trong giai đoạn 2015 - 2022. Tổng cộng có 176 quan sát trong mẫu nghiên cứu. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy tác động ngẫu nhiên (Random Effects models, REM) để ước lượng mô hình hồi quy. Kết quả cho thấy, các yếu tố rủi ro thanh khoản, rủi ro vốn chủ sở hữu có tác động ngược chiều với hệ số an toàn vốn, còn tỷ số hoạt động hiệu quả và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên tác động cùng chiều với hệ số an toàn vốn.

Từ khóa: hiệu quả hoạt động, ngân hàng, Random Effects models, REM, hệ số an toàn vốn.

1. Đặt vấn đề

Hệ thống ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng trong nước ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ lớn tác động trực tiếp đến sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng thương mại, đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Mục tiêu gia tăng lợi nhuận bằng cách tăng trưởng tín dụng đã tạo áp lực lên tính thanh khoản của các ngân hàng, các ngân hàng đồng loạt gia tăng chạy đua về lãi suất huy động, gia tăng chi phí sử dụng vốn. Để ngăn chặn sự đổ vỡ của ngân hàng và bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, các nhà quản lý ngành Ngân hàng phải duy trì và nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ số an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng theo tiêu chuẩn Basel. Các rủi ro chủ yếu gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và các rủi ro khác tác động đến an toàn vốn của ngân hàng. Vấn đề những yếu tố ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại đã được nghiên cứu rất nhiều trên thế giới. Nghiên cứu tác động của rủi ro và hiệu quả hoạt động ngân hàng đến sự an toàn vốn của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay là cần thiết, cập nhật rõ hơn tình hình thực hiện tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2012 vừa qua, từ đó đề xuất những khuyến nghị đối với các chính sách, quy định về sự an toàn vốn của các ngân hàng.

2. Tác động của rủi ro và hiệu quả hoạt động đến hệ số an toàn vốn

Hệ số an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio - CAR) là thước đo về độ an toàn vốn của một ngân hàng. Hệ số này được dùng để bảo vệ những người gửi tiền trước rủi ro của ngân hàng. Với hệ số CAR, có thể xác định được khả năng của ngân hàng thanh toán các khoản nợ có thời hạn và đối mặt với các rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành. Có nhiều nghiên cứu trên thế giới và trong nước đã được thực hiện để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng. Tác giả xin trình bày một số nghiên cứu tiêu biểu được thực hiện:

Ahmad và các tác giả (2009) phân tích ảnh hưởng của các nhân tố đến CAR trong thời gian 1995 - 2002 của 42 định chế tài chính Malaysia. Tỷ lệ nợ quá hạn, chỉ số rủi ro, quy định nâng cao chuẩn mực vốn, thanh khoản, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/nợ tác động tích cực lên CAR, trong khi quy mô tác động tiêu cực, còn NIM chưa tìm thấy ý nghĩa thống kê ảnh hưởng lên CAR.

Mohamed Romdhane (2012) nghiên cứu các yếu tố quyết định tỷ lệ an toàn vốn, bằng chứng thực nghiệm từ Tusinia. Với dữ liệu mẫu là 18 ngân hàng trong giai đoạn từ 2002 đến năm 2008, nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lãi suất biên (NIM) và rủi ro tác động mạnh đến tỷ lệ an toàn vốn, trong khi chi phí vốn cổ phần và tỷ lệ tiền gửi có tác động tiêu cực đến tỷ lệ an toàn vốn.

Büyükşalvarcı và Abdioğli (2011) đã phân tích 9 nhân tố ảnh hưởng đến CAR của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2006 - 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ cho vay/tổng tài sản, ROE và đòn bẩy có quan hệ nghịch với CAR, trong khi dự phòng rủi ro khoản vay và ROA có quan hệ thuận với CAR. Mặt khác quy mô tiền gửi, thanh khoản và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên không có ý nghĩa thống kê khi xét quan hệ ảnh hưởng với CAR.

Binh và Thomas (2014) phân tích tác động của rủi ro và khả năng sinh lợi lên CAR của các NHTM Việt Nam trong thời gian 2008 - 2013. Kết quả thể hiện tỷ lệ vốn đầu tư/tài sản theo trọng số rủi ro, vốn chủ sở hữu/tài sản rủi ro và ROA tác động thuận chiều lên CAR, còn ROE tác động nghịch chiều lên CAR, các yếu tố khác gồm rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản và hiệu suất sử dụng tài sản tác động lên CAR chưa đủ ý nghĩa thống kê.

Võ Hồng Đức, Nguyễn Minh Vương và Đỗ Thành Trung (2014) nghiên cứu yếu tố quyết định tỷ lệ an toàn vốn và bằng chứng thực nghiệm từ hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Nghiên cứu dựa trên kỹ thuật hồi quy bảng (Panel Regression) và mẫu dữ liệu nghiên cứu là 28 NHTM Việt nam giai đoạn 2007 - 2012. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ tài sản có khả năng thanh khoản và tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng có tác động tích cực đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Trong khi đó, quy mô Ngân hàng (SIZE) và tỷ lệ huy động vốn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có tác động tiêu cực đến tỷ lệ an toàn vốn và chưa tìm thấy được bằng chứng định lượng từ tác động của hệ số đòn bẩy và tỷ lệ cho vay đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

3. Dữ liệu và mô hình nghiên cứu

3.1. Dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành dựa trên các ngân hàng thương mại Việt Nam, dữ liệu thu thập trong giai đoạn 2015-2022 để phục vụ đầy đủ cho việc tính toán các biến có liên quan đến các chỉ tiêu bình quân. Các dữ liệu về đặc tính ngân hàng trong nghiên cứu này được xây dựng từ các báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Dữ liệu mẫu quan sát: tại 22 NHTM Việt Nam, do một số ngân hàng không công bố đầy đủ thông tin về hệ số CAR. (Bảng 1)

Bảng 1. Thống kê mô tả các biến

Biến quan sát

Số quan sát

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

CAR

176

0,1353

0,0361

0,0900

0,2453

CR

176

0,5611

0,1231

0,1982

0,8164

LR

176

0,9065

0,0507

0,7407

0,9749

ER

176

0,1032

0,0415

0,0292

0,2262

OER

176

0,5223

0,1535

0,1913

1,2314

ROA

176

0,0098

0,0089

0,0001

0,0704

NIM

176

0,0306

0,0118

0,0037

0,0728

SIZE

176

7,9000

0,4931

6,8738

9,0028

                                                                        Nguồn: Tính toán của tác giả trên Stata

3.2. Mô hình nghiên cứu

Căn cứ vào các nghiên cứu của Thân Thị Thu Thủy và Nguyễn Kim Chi (2015), nghiên cứu đưa ra các nhân tố tác động đến tỷ lệ an toàn vốn theo mô hình cụ thể như sau:

CARit = α + β1CRit + β2LRit + β3ERit + β4OERit + β5NIMit + β6ROAit + β7SIZEit + eit

Trong đó: Biến phụ thuộc: Tỷ lệ an toàn vốn (CAR), Rủi ro tín dụng (CR), Rủi ro thanh khoản (LR), Rủi ro vốn chủ sở hữu (ER), Tỷ số hiệu quả hoạt động (OER), Tỷ lệ thu nhập lãi cân biên (NIM), Tỷ suất sinh lợi trên tài sản (ROA), Quy mô ngân hàng (SIZE), eit: sai số tổng thể.

4. Kết quả và thảo luận 

Bảng 2. Kết quả khắc phục bằng phương pháp hồi quy GLS

Tên biến

Hệ số hồi quy

Sai số chuẩn

Giá trị thống kê t

P-value

CR

0,020478

0,024426

0,84

0,402

LR

-0,13276**

0,053854

-2,47

0,014

ER

-0,28348***

0,084254

-3,36

0,001

OER

0,027767*

0,015974

1,74

0,082

ROA

0,290215

0,276313

1,05

0,294

NIM

0,378029*

0,22474

1,68

0,093

SIZE

-0,00886

0,008377

-1,06

0,29

_cons

0,314896

0,075975

4,14

0

Số quan sát

176

R-squared

0,3627

Giá trị P

0,0000

Wald chi2

62,67

                                                            Nguồn: Tính toán của tác giả trên Stata

Từ kết quả trên, phương trình hồi quy được viết như sau:

CAR = 0,314 - 0,13276*LR - 0,28348*ER + 0,027767*OER + 0,378029*NIM

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: rủi ro thanh khoản (LR), rủi ro vốn chủ sở hữu (ER) và tỷ số hoạt động hiệu quả (OER) và tỷ lệ lãi cận biên (NIM) là có ý nghĩa thống kê. Việc giải thích ý nghĩa của từng biến số sẽ được phân tích cụ thể dưới đây:

Biến số rủi ro thanh khoản

Trong nghiên cứu này, rủi ro thanh khoản lại có tương quan nghịch chiều với CAR. Trái ngược với kỳ vọng ban đầu khi tỷ trọng tài sản thanh khoản trong tổng tài sản tăng sẽ làm cho CAR tăng. Kết quả này hoàn toàn ngược lại, khi LR tăng làm cho CAR giảm và khi LR giảm làm cho CAR tăng lên với mức ý nghĩa 1%. Cụ thể, nếu các yếu tố khác giữ nguyên, khi LR giảm 1% khiến cho CAR tăng lên 0,13%. Kết quả trên không giống với kết luận trong nghiên cứu thực nghiệm của Ahmad và ctg (2009) tại Malaysia, Wen (2009) tại khu vực Đông Á, Al - Tamimi và Obeidat (2013) tại Jordan, Aspal và Nazneen (2014) tại Ấn Độ.

Biến số rủi ro vốn chủ sở hữu                   

Yếu tố rủi ro kế tiếp tác động đến CAR đó là rủi ro vốn chủ sở hữu ER. ER có tác động ngược chiều đến CAR tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, đúng như kỳ vọng ban đầu với mức ý nghĩa thống kê 1%. Theo đó khi ER giảm 1% trong khi các yếu tố khác không đổi thì CAR tăng 0,28%. ER thấp phản ánh quy mô vốn chủ sở hữu lớn, vì vậy làm cho CAR tăng.

Biến số tỷ suất hoạt động hiệu quả

Tỷ suất hoạt động hiệu quả OER có ảnh hưởng tích cực tới tỷ lệ an toàn vốn, khi tỷ suất này tăng lên 1% thì tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 0,027% trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi.

Biến số tỷ lệ thu nhập lãi cận biên

NIM - Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên là yếu tố cuối cùng tác động tích cực vào CAR với mức ý nghĩa 10%, khi NIM tăng 1% thì CAR tăng 0.37%. Kết luận này phù hợp với nhận định những ngân hàng kinh doanh có lợi nhuận đều chọn lựa nâng cao mức vốn chủ sở hữu của Berger và Di Patti (2003) và NIM có ảnh hưởng tích cực lên vốn ngân hàng do thu nhập cao tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng gia tăng thêm vốn từ lợi nhuận giữ lại của Rime (2001).

5. Kết luận và hàm ý quản trị

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả gợi mở hàm ý quản trị dành cho nhà quản trị ngân hàng để duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức phù hợp, tuân thủ quy định pháp luật, an toàn cho người gửi tiền, đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

Thứ nhất, trên thực tế thu nhập của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động cho vay. Dựa trên kết quả hồi quy cho thấy, thu nhập lãi cận biên tác động khá mạnh đến vốn an toàn của ngân hàng. Vốn sẽ gia tăng nếu ngân hàng có nguồn thu từ lãi lớn của hoạt động cho vay bổ sung vào lợi nhuận. Do đó, để tăng được thu nhập từ lãi cũng như đảm bảo ổn định cho nguồn thu nhập này, các ngân hàng phải xây dựng một chính sách lãi suất tiền gửi và cho vay hợp lý, quan tâm đến chất lượng khoản vay, hạn chế cho vay những khoản vay có mức độ rủi ro cao, cơ cấu lại danh mục cho vay một cách có chọn lọc. Tăng thu nhập bằng cách mở rộng tín dụng là hợp lý, nhưng gia tăng thu nhập từ lãi phải đi đôi với phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.

Thứ hai, khi tỷ số hiệu quả hoạt động tăng lên thì hệ số an toàn vốn cũng tăng, có nghĩa là ngân hàng tăng thêm các chi phí tập trung cho việc tăng vốn thì cũng gia tăng tỷ lệ an toàn vốn. Tuy nhiên, khi gia tăng chi phí hoạt động, sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng, bộ máy thêm cồng kềnh, vì vậy ngân hàng nên tập trung tăng chi phí hoạt động vào mục đích chính như tăng vốn.

Thứ ba, khi rủi ro thanh khoản giảm đi cũng làm ảnh hưởng tích cực đến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng, nên ngân hàng cần tập trung vào các biện pháp làm giảm đi rủi ro thanh khoản, như: Quản lý tốt các tài sản thanh khoản - tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt với chi phí thấp nhất. Định kỳ, các ngân hàng cần phải đánh giá lại các nỗ lực thiết lập và duy trì các mối quan hệ với các chủ sở hữu, duy trì tính đa dạng của các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ cổ đông và huy động. Xử lý tốt nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, từ đó, từng bước xử lý nợ xấu một cách bền vững, hạn chế nợ xấu gia tăng, nhằm khơi thông dòng vốn, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ vốn tích cực cho nền kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng việt

  1. Binh Thanh Dao & Thomas, A. (2014). Capital Adequacy and Banking Risk - An Empirical Study on Vietnamese Banks. Available at: http://ssrn.com/abstract=2524233
  2. Võ Hồng Đức, Nguyễn Minh Vương và Đỗ Thành Trung (2014). Yếu tố quyết định tỷ lệ an toàn vốn: Bằng chứng thực nghiệm từ hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí khoa học Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 4(37), 37 - 50.
  3. Thân Thị Thu Thủy và Nguyễn Kim Chi (2015). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, 11, 12 - 18.
  4. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2014). Báo cáo Đánh giá khu vực tài chính Việt Nam. Truy cập tại: http://cefr.uel.edu.vn

Tài liệu tiếng Anh

  1. Ahmad, R., Arift, A. & Michael, J. S. (2009). The Determinants of Bank Capital Ratios in a Developing Economy. Asia - Pacific Financial Markets, 15 (3-4), 255 - 272.
  2. Büyükşalvarcı, A. & Abdioğli, H. (2011). Determinants of Capital Adequacy Ratio in Turkish Banks: A Panel Data Analysis. African Journal of Business Management, 5 (27), 11199 - 11209.
  3. De Bondt, G. J., & Prast, H. M. (2000). Bank capital ratios in the 1990s: Cross - country evidence. BNL The Quarterly Review, 212, 72 - 97.
  4. Dowd, K. (1999). Does Asymmetric Information Justify Bank Capital Adequacy Regulation?. Cato Journal, 19 (1), 39 - 47.

THE IMPACT OF RISK AND OPERATIONAL EFFICIENCY ON THE CAPITAL ADEQUACY OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS

Master. Dang Thi Phuong Thao

University of Finance - Marketing

ABSTRACT:

This study  is to measure the impact of risk and operational efficiency on the capital adequacy of Vietnamese commercial banks. In this study, samples from 22 Vietnamese joint stock commercial banks were selected over the period from 2015 to 2022. A toal of 176 observations were analyzed. The study used the random effects models (REM) to estimate the regression model. The study finds out that the factors of liquidity risk and equity risk have a negative impact on the capital adequacy ratio, while the effective ratio and the ratio of profit margin have a positive effect on the capital adequacy ratio of joint stock commercial banks.

Keywords: Operational efficiency, bank, Random Effects models, REM, Capital Adequacy Ratio.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương