Tài trợ cho cơ sở hạ tầng địa phương bền vững: Không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và vốn ODA

Đó là nhận xét chung của các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra tại Hội thảo Phương hướng cho tài chính cơ sở hạ tầng đô thị ở Việt Nam được tổ chức ngày 11/3 vừa qua. Hội thảo do WB và Bộ Tài

Việt Nam cần 30 tỷ USD mỗi năm phát triển hạ tầng

Theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo “Đánh giá khung tài trợ cho cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam” được công bố tại Hội thảo, hiện Việt Nam đang thiếu nguồn tài trợ để phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi, những nguồn tài trợ truyền thống như ngân sách nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trái phiếu Chính phủ… thường chỉ đáp ứng được khoảng 50% - 60% nhu cầu tài trợ cho giai đoạn 2005-2010.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2011-2020, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 8%, với mục tiêu GDP đến năm 2020 đạt 300 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng dự kiến chiếm 10-11%, tương đương mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Nguồn vốn chiếm nhiều nhất là cho hạ tầng giao thông, điện lực, thủy lợi, giáo dục, y tế..., các chuyên gia của WB nhận định.

Theo dự đoán của nhóm chuyên gia, để đảm bảo mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 8% cho tới năm 2020, kinh nghiệm cho thấy vốn từ các nguồn khác nhau từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, vốn ODA và trái phiếu Chính phủ ít có khả năng sẽ tăng trong 10 năm tới, và chỉ có thể đáp ứng 50% nhu cầu trên. Trong khi, những nguồn vốn này thường bị hạn chế bởi mức trần thâm hụt ngân sách và giới hạn nợ công quốc gia.

Về phía các địa phương của Việt Nam, theo kết quả khảo sát ngẫu nhiên cho thấy, nguồn tài trợ cho cơ sở hạ tầng cũng đang thiếu trầm trọng do nguồn thu của các địa phương này chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước, số còn lại phải dựa vào những nhiệm vụ không cốt lõi như bất động sản, xây dựng...

Tại TP. HCM, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2011-2015 dự kiến gần 315.000 tỉ đồng, với thiếu hụt khoảng gần 185.000 tỉ đồng (59%). Nhu cầu thực cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở Quảng Ninh là hơn 49.000 tỉ đồng, và 842 triệu USD, với mức thiếu hụt khoảng 88% cho phần nhu cầu bằng tiền đồng, và 100% cho phần nhu cầu bằng USD. Tỉnh Quảng Nam có nhu cầu thực tế đầu tư cơ sở hạ tầng là gần 7.000 tỉ đồng, mức thiếu hụt tài trợ khoảng 34%.

Bà Jennifer Sara - Giám đốc Ban Phát triển Bền vững, WB tại Việt Nam

Cần sử dụng các cơ chế thị trường mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả mà còn nhằm thu hút đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân nhiều hơn nữa. Một cơ chế cấp vốn bền vững cho phát triển hạ tầng địa phương tại Việt Nam không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và vốn ODA mà đòi hỏi sự tham gia sâu rộng hơn nữa của thị trường vốn và khu vực tư nhân.


Do vậy, việc thu hút vốn từ khu vực tư nhân và thị trường bên ngoài gần đây đã được Chính phủ tính đến, như việc thu 700.000 tỷ đồng từ người sử dụng cơ sở hạ tầng (phí giao thông, phí sử dụng nước...); 1,7 triệu tỷ đồng từ đối tác tư nhân trong nước và quốc tế, theo đánh giá của các chuyên gia WB. Song, lượng vốn này chưa đủ để giải quyết những thách thức Việt Nam đang gặp phải. Thách thức cơ bản đối với Việt Nam hiện nay là làm sao tăng cường được khả năng cấp vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng.

Cần sự góp sức của thị trường vốn và khu vực tư nhân

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả ở Việt Nam là do sự phân tán trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang lại sự trùng lắp là lãng phí. Bà cho rằng, do phân cấp mạnh mẽ, các tỉnh đã thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng riêng và cạnh tranh với nhau bởi các quyết định hành chính.

Theo các chuyên gia, tài trợ bền vững cho cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam sẽ đòi hỏi có sự tham gia nhiều hơn của các thị trường vốn và khu vực tư nhân, và không thể chỉ phụ thuộc vào nguồn lực ngân sách nhà nước hay ODA. Các nguồn ngân sách, hiện phần lớn được phân bổ cho chính quyền địa phương theo hình thức viện trợ không hoàn lại, sẽ phải được sử dụng có chiến lược hơn trong tương lai, với mục tiêu hiệu quả đầu tư tốt hơn, và tận dụng được cả các nguồn tài trợ khác. Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị cho giai đoạn quá độ để chuyển sang nhận ít tài trợ hơn cho cơ sở hạ tầng địa phương. Mặc dù thị trường vốn có thể cung cấp nguồn lực nhất định, nhiều khả năng phần lớn vốn đầu tư vẫn phải phụ thuộc vào thị trường nợ, thông qua nhiều loại trái phiếu hoặc khoản vay.

Nhóm nghiên cứu chung của WB và Bộ Tài chính đưa ra một số cách thức cải thiện hiệu quả thông qua hợp tác với khu vực kinh tế tư nhân và các cơ chế thị trường tăng cường tài chính cho phát triển hạ tầng để Chính phủ xem xét, trong đó bao gồm hình thành một Quỹ Phát triển Địa phương (MDF) cho các đô thị hạng hai. Quỹ này sẽ đóng vai trò như là chủ thể cho vay thứ cấp dựa trên kinh nghiệm thành công các quỹ tương tự ở các nước khác và cải thiện môi trường huy động vốn qua trái phiếu đô thị.

Theo đánh giá, mô hình MDF rất phù hợp với Việt Nam, đem lại lợi thế trên nhiều mặt. Mô hình này đề cập đến những nhu cầu và thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng địa phương, việc xây dựng thể chế và củng cố các cấp chính quyền địa phương, chương trình cải cách chính sách và quá độ chung của Việt Nam. Lợi ích trực tiếp quan trọng nhất là mở rộng và xây dựng thị trường cho các khoản vay của ngân hàng thương mại cấp cho chính quyền địa phương, như một kênh và công cụ lâu dài để tài trợ cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng địa phương. Khi tìm cách để có được những khoản vay này, chính quyền địa phương cũng đồng thời cải thiện khả năng lập kế hoạch và chuẩn bị các dự án cơ sở hạ tầng… Với việc chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm trả nợ vay, mô hình MDF sẽ giúp cải thiện năng lực quản lý nợ của chính quyền địa phương, đem lại hiệu quả cao hơn… Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này cần được tiến hành một cách chậm rãi, có kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn...