Tăng cường hợp tác lĩnh vực công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Sáng 2/10, Với chủ đề: “Hội nhập quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, công nghiệp và thương mại, dịch vụ giai đoạn 2023-2025”, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 5 Thành phố trực thuộc Trung ương Lần thứ VI - năm 2023.
Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, phát biểu tại Hội nghị

Mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng 5 thành phố này luôn duy trì được mức tăng trưởng trong hai lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Cần Thơ tăng 3,27%; Hà Nội tăng 2,4%; Hải Phòng tăng 11,55%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,8%; chỉ Đà Nẵng giảm 1,99%.

Hoạt động thương mại trên địa bàn các thành phố cũng được duy trì ở mức tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 5 thành phố chiếm tỷ trọng 38,33% của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố 8 tháng qua chiếm tỷ trọng 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Có 3/5 thành phố là Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tốp 10 địa phương có kim ngạch thương mại và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có kim ngạch thương mại lớn nhất với 63,4 tỷ USD (xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD); tiếp theo là Hà Nội với tổng kim ngạch thương mại đạt 34,33 tỷ USD (xuất khẩu đạt 10,95 tỷ USD) và Hải Phòng đạt 29,13 tỷ USD (xuất khẩu đạt 15,59 tỷ USD).

Kết quả này khẳng định sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của 5 thành phố tiếp tục duy trì và phát huy vai trò chủ lực trong phát triển ngành công thương các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước cũng như phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, năm 2023 của ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc trung ường nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, bất ổn, kinh tế toàn cầu suy giảm, chuỗi ung ứng bị đứt gẫy, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

Trước tình hình đó, ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc trung ương nói tiêng và ngành Công Thương cả nước nói chung đã tập trung chỉ đạo, triển khai, quyết liệt các nhiệm vụ được giao, tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản hoá thủ tục hành chính, kết nối thương mại, kích cầu tiêu dùng. 

Nhờ đó, góp phần quan trọng để kinh tế các địa phương tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nhiệm vụ của ngành công thương vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Đó là tình hình thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, biến động, rất khó đoán định, kinh tế dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia. 

Thị trường xăng dầu vẫn tiềm ẩn nhiều biến động do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới; chi phí đầu vào nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp trong nước nói chung còn hạn chế; tính liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh còn yếu. 

Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI
Tại Hội nghị, Sở Công Thương 5 thành phố đã ký kết biên bản hợp tác trong giai đoạn tới

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, thảo luận những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tiễn quản lý nhà nước, cùng đồng thuận quan điểm để đề xuất kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho 5 thành phố phát huy lợi thế; đồng thời xây dựng, định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển ngành công thương giữa các địa phương trong tương lai.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh năm 2024 là năm bứt phá trong thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của các địa phương đề ra. 

Bộ Công thương đề nghị Sở Công Thương của 5 thành phố trực thuộc Trung ương nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung tập trung tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Tập trung phát triển hạ tầng của ngành công thương, bao gồm: công nghiệp, thương mại, năng lượng và liên kết với các địa phương trong khu vực để khi triển khai các dự án hạ tầng thương mại, logistics, năng lượng thì phải hình thành được chuỗi giá trị sản phẩm. 

Từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hoá chất, xây dựng và công nghiệp hỗ trợ,… 

Chú trọng các ngành có lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường; duy trì chuyển dịch nhanh những ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng gia tăng sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường và có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước cũng như đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh các phương thức xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số trên môi trường thương mại điện tử.

Tăng cường hợp tác giữa 5 thành phố trực thuộc Trung ương với các địa phương trong vùng nói riêng, trên cả nước nói chung.

Song song với việc tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu tại các thị trường lớn, 5 thành phố cũng cần đẩy mạnh khai thác các thị trường ngách còn nhiều dư địa tiềm năng như châu Phi, Nam Á,…

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP hay EVFTA để khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định này. Tổ chức kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước; thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những vấn đề mới phát sinh từ nhu cầu phát triển và thực tiễn quản lý nhà nước, đề xuất kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, đề xuất cơ chế, giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho 5 thành phố phát huy lợi thế. 

Đồng thời, Sở Công Thương 5 thành phố đã ký kết biên bản hợp tác trong giai đoạn tới. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh: "Năm Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển, triển khai có hiệu quả các chương trình đã ký kết; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; mở rộng hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực.

Các bên sẽ tiếp tục tăng cường thông tin, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng tham gia đề xuất xây dựng chính sách, chiến lược phát triển chung.

Diệu Hân