Tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá: Cần xem xét và căn cứ một cách thận trọng

Tại các buổi thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều đại biểu đồng ý với lộ trình tăng thuế đối với thuốc lá

Cần phải có một lộ trình phù hợp và đánh giá đầy đủ tác động đối với nguồn thu ngân sách, đối với kinh tế -xã hội, cũng như phải tăng cường các giải pháp chống buôn lậu có hiệu quả để bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra; bảo đảm sức khỏe, định hướng sản xuất tiêu dùng, thu ngân sách.

Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, qua rà soát, tổng kết, đánh giá và dự báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội cho thấy, chính sách điều tiết của Luật thuế TTĐB hiện hành mức điều tiết đối với 13 nhóm trong tổng số 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiếp tục phù hợp với sự phát triển của kinh tế-xã hội trong những năm tới. Còn đối với 03 nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu, cần điều chỉnh tăng thuế suất để nâng cao tác dụng hạn chế tiêu dùng. Theo đó, đối với mặt hàng thuốc lá, Chính phủ đề xuất phương án lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá như sau: từ ngày 1/1/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1/1/2019 tăng từ 70% lên 75%.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Không thể coi việc tăng thuế là giải pháp hữu hiệu nhất như có đại biểu đã nói.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu: “tác hại của thuốc lá là điều không phải bàn cãi, nhưng để hạn chế tác hại của thuốc lá hay giảm số lượng người hút thuốc, đòi hỏi có những giải pháp đồng bộ, không thể coi việc tăng thuế là giải pháp hữu hiệu nhất như có đại biểu đã nói. Có đại biểu còn muốn tăng thuế thuốc lá lên càng cao càng tốt, thậm chí muốn tăng thuế lên 100% và hơn thế. Có người coi thuốc lá và rượu, bia như tội đồ. Tôi nghĩ không nên phủ nhận sự đóng góp của ngành Công nghiệp thuốc lá và rượu, bia đối với xã hội. Chúng ta biết thuốc lá có hại, nhưng để giảm hút thuốc lá cũng như giảm tác hại của thuốc lá cần có nhiều giải pháp. Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đưa ra nhiều quy định nhưng vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, dường như mới chỉ dừng lại ở sự cố gắng của Chính phủ và một vài hoạt động của Bộ Y tế. Theo tôi, việc tăng thuế không thể là giải pháp thay thế cho quản lý nhà nước và thói quen hút thuốc lá bừa bãi”.

Theo ông Cương, cần phải ghi nhận sự đóng góp của ngành Công nghiệp sản xuất thuốc lá và rượu, bia trong mấy chục năm qua. Chỉ nói về thu nộp ngân sách thì sự đóng góp của thuốc lá, rượu, bia cũng rất lớn, nộp ngân sách 20.000 tỷ đồng của ngành Thuốc lá và 18.000 tỷ của ngành sản xuất Bia mỗi năm không nhỏ. Thuốc lá và bia đang là nguồn thu rất quan trọng của một số địa phương.

“Về tạo công ăn việc làm, con số 23.000 lao động trong các cơ sở sản xuất thuốc lá và 68.000 lao động trong ngành sản xuất rượu, bia có thể chưa phải là lớn. Bởi vì bên cạnh đó còn đến 300.000 người trồng thuốc lá, 1.200 lao động trong các ngành sản xuất phụ liệu, 65.000 lao động tại các đại lý bán buôn và nhiều triệu lao động làm đại lý bán lẻ, chưa kể lao động trong các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ do thuốc lá tạo ra với con số không phải là nhỏ. Với ngành Bia, con số để tạo công ăn việc làm cũng không kém như vậy. Những con số đó khẳng định việc tạo công ăn việc làm của ngành Thuốc lá và sản xuất bia rất lớn, khi chúng ta tăng thuế, chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng chứ không thể coi là ảnh hưởng không đáng kể”.

Đại biểu Cương cho rằng, cần đánh giá chính xác tác động của việc tăng thuế trong tương lai khi bắt đầu tăng thuế trong những năm tới. Ông đồng ý với đề nghị tăng thuế theo lộ trình 3 năm 1 lần và mỗi lần không quá 5%.

“Mặc dù Chính phủ đang rất quyết liệt với nạn buôn lậu nói chung và thuốc lá nói riêng, nhưng buôn lậu thuốc lá, vẫn là vấn nạn không nhỏ. Cũng vì nạn buôn lậu mà năm 2013 đã làm thất thu cho ngân sách 6.500 tỷ và con số thất thu dự tính sẽ tăng lên con số 8.000 tỷ năm 2014. Con số đó là không nhỏ và ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiêu thụ thuốc lá sản xuất trong nước và quan trọng là giảm nguồn thu ngân sách.

Việc tăng thuế thuốc lá và rượu, bia đang thu hút được quan tâm của giới buôn lậu. Nếu thuốc lá và rượu, bia tăng quá mức sẽ là nguồn vui khôn tả của dân buôn lậu và các hãng sản xuất thuốc lá và rượu, bia của nước ngoài. Việt Nam vốn là vùng trũng của buôn lậu thuốc lá và việc tăng thuế khiến Việt Nam càng trũng hơn, tức là thuốc lá lậu dồn về nhiều đại biểu so sánh thuế với các nước trên thế giới, nhưng chỉ cần nhìn sang các nước láng giềng thì thấy ngay tại sao buôn lậu thuốc lá lại phát triển đến thế. Mức thuế TTĐB đối với thuốc lá của Campuchia là 10%, Lào 40%, Trung Quốc 40%. Việc tăng thuế thuốc lá lên càng cao, buôn lậu càng phát triển.

Qua phân tích như vậy, tôi đồng tình với việc tăng thuế thuốc lá lên 70% trong thời gian tới, 75% sau ba năm tiếp theo đề nghị của Bộ Tài chính và phù hợp với đề nghị của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, tôi đề nghị nên đánh giá lại tác động của việc tăng thuế để đề ra lộ trình phù hợp hơn. Việc đánh giá tác động diễn ra trong vài năm tới không phải là dễ. Nhưng có đánh giá đúng tác động mới có thể đề ra những giải pháp đồng bộ, nhất là việc chuyển đổi cây trồng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cụ thể là việc xem xét xác định lộ trình cho phù hợp, cần kéo giãn lộ trình hơn so với đề xuất trong dự thảo luật”.

Đại biểu Cương băn khoăn: “nếu tăng thuế rồi mà không tăng thu cho ngân sách thì trách nhiệm thuộc về ai”.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): Thuế TTĐB có thể tăng trong ngắn hạn hoặc trung hạn, nhưng các sắc thuế khác, gồm 9 sắc thuế mà doanh nghiệp đang thực hiện cũng sẽ giảm, cho nên tổng số tiền nộp ngân sách cũng sẽ giảm chứ không tăng như Tờ trình của Chính phủ

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB trong kỳ họp này. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia trong thời điểm hiện nay cần phải cân nhắc, bởi các lý do sau đây.

Thứ nhất, thuế TTĐB là một sắc thuế đánh vào người tiêu dùng, tuy nhiên được cộng vào giá thành sản phẩm mang đi bán của doanh nghiệp, do vậy nó tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Việc tăng thuế làm tăng giá cả hàng hóa và hạn chế đến tiêu thụ sản phẩm, làm thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm doanh số và ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, công ăn việc làm, đời sống của số đông người lao động, điều có lẽ không ai mong muốn trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, việc giảm số lượng hàng hóa kéo theo giảm một lượng lớn tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và một số nguyên liệu đầu vào khác của việc sản xuất rượu, bia.

Thứ hai, trong những năm vừa qua, tình hình suy giảm kinh tế thế giới cộng với khó khăn nội tại của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có các doanh nghiệp thuốc lá. Thực tế sản xuất của các doanh nghiệp liên tục suy giảm trong 3 năm qua, từ 10% xuống dưới 3%, đặc biệt là suy giảm của năm 2014. Nếu tăng thuế TTĐB vào thời điểm hiện nay sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và không phù hợp với chủ trương của Chính phủ để tiếp tục có những chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như miễn, giãn, hoãn thuế v.v...

Thứ ba, theo Tờ trình của Chính phủ, việc tăng thuế TTĐB để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và hạn chế tiêu dùng có ảnh hưởng đến sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá. Như đã phân tích ở trên, nếu tăng thuế TTĐB, sản xuất bị suy giảm thì doanh thu giảm, số nộp ngân sách cũng giảm theo. Thuế TTĐB có thể tăng trong ngắn hạn hoặc trung hạn, nhưng các sắc thuế khác, gồm 9 sắc thuế mà doanh nghiệp đang thực hiện cũng sẽ giảm, cho nên tổng số tiền nộp ngân sách cũng sẽ giảm chứ không tăng như Tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình): tăng hay giảm thu ngân sách từ việc tăng thuế TTĐB còn là một kết luận phải thận trọng

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng rất khó có thể đánh giá đúng và chính xác là tăng thuế TTĐB sẽ dẫn tới tăng hay giảm thu ngân sách từ việc tăng thuế TTĐB này. Chẳng hạn trong Tờ trình cũng như trong báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cho thấy, nếu tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá thì ước tính năm 2015, thu ngân sách sẽ tăng thêm là 571 tỷ, 2016 tăng thêm 2.773 tỷ đồng. Theo báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá VN, thu ngân sách sẽ giảm chứ không tăng. Cụ thể là năm 2016, nếu tăng thuế từ 65% lên đến 70% trong khi chưa giải quyết được bài toán buôn lậu, thì sản lượng tiêu thụ thuốc lá trên thị trường chính thống sẽ giảm 10-20%, tương đương với thất thu từ 2.000 đến 4.000 tỷ đồng và cao hơn mức thu ngân sách nhờ tăng thuế TTĐB này.

Ông cho biết: Theo đánh giá của một nghiên cứu khoa học về thuế TTĐB thì tại Úc cho thấy: Từ ngày 30/4/2010 Chính phủ Úc thực hiện cho tăng 25% thuế TTĐB đối với thuốc lá, với các mục đích tuyên bố đã giảm tiêu thụ khoảng 6%. Giảm tỷ lệ hút là từ 2 đến 3% và nâng cao tăng thu ngân sách là 5 tỷ USD doanh thu. Tuy nhiên, khi đánh giá sau khi thực hiện việc tăng thuế của Kho bạc Úc năm 2013, thừa nhận trong khi lượng tiêu thụ sản phẩm có nộp thuế sụt giảm do giá tăng thì không có bằng chứng về có bao nhiêu người hút thuốc thực sự bỏ thuốc vĩnh viễn hoặc tạm thời và không có số liệu để xác định liệu số doanh thu ước tính tăng thêm 5 tỷ USD Úc có phải đạt được từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá lên 25% hay không.

Do vậy, theo ông, việc tăng hay giảm thu ngân sách từ việc tăng thuế TTĐB còn là một kết luận phải thận trọng và cần đưa ra các cơ sở tính toán một cách khoa học và thuyết phục các đại biểu Quốc hội hơn nữa.

Thứ hai, liên quan đến mục tiêu chính của việc tăng thuế TTĐB là định hướng sản xuất và định hướng tiêu dùng thì hình như lại chưa được đề cập tới trong Tờ trình cũng như báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ. Chẳng hạn như cần phải đánh giá sau khi chính sách thuế này có hiệu lực thì tỷ lệ người hút sẽ giảm dần xuống là bao nhiêu.

Đại biểu Hải phân tích: Thực tế ta chỉ có thể đánh giá số lượng người sử dụng thuốc lá có nguồn gốc kinh doanh hợp pháp thông qua sản lượng thuốc lá điếu đóng thuế hàng năm. Còn số lượng người sử dụng thuốc lá mà thuốc lá đó được cung cấp trên thị trường không hợp pháp, tức là sử dụng thuốc lá không đóng thuế thông qua các hình thức sử dụng thuốc lá buôn lậu hoặc xách tay v.v... Và việc đo lường mức tiêu thụ thuốc lá bất hợp pháp là một thách thức đối với không phải chỉ riêng Việt Nam ta mà đối với cả các nước trên thế giới. Những ước tính về quy mô thị trường thuốc lá bất hợp pháp ở từng quốc gia hoặc trên toàn cầu phải dựa vào rất nhiều phương pháp tính gián tiếp và có thể thông qua một số thông số như là dữ liệu về bắt hàng lậu của hải quan hoặc khảo sát trực tiếp về người hút thuốc lá hay khảo sát bao gói rỗng, thu thập bao gói rỗng và phân tích số đầu lọc bị vứt bỏ v.v... Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phải bổ sung các tiêu chí đánh giá, đo lường thị trường tiêu thụ bất hợp pháp để đại biểu Quốc hội có thể làm căn cứ để đánh giá mục tiêu, số lượng người hút thuốc lá sẽ giảm nếu thông qua dự án Luật tiêu thụ đặc biệt này và giảm theo đúng như mong muốn của chúng ta.

Ông đề nghị cần phải bổ sung đề xuất nguồn lực cho lực lượng chống buôn lậu này, cụ thể như thế nào và phải có đề án phòng, chống buôn lậu khi ta giảm thuế TTĐB.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): tăng thuế TTĐB, người tiêu dùng sẽ chuyển sang tiêu dùng thuốc lá nhập lậu, rẻ hơn và không in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh. Do đó, sản xuất trong nước bị thu hẹp, tổng thu ngân sách nhà nước giảm chứ không tăng, mặc dù tăng thuế suất.

Theo đại biểu Trương Văn Vở: Bản chất thuế TTĐB là hướng dẫn, điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Không nên quá nặng vào vấn đề tăng ngân sách từ thuế TTĐB. Bởi vì, nếu thuế TTĐB của thuốc lá tăng cao, tăng ngay từ ngày 1/7/2015, trong khi các nước có chung đường biên giới với nước ta thuế suất còn thấp như: Lào, Campuchia, Trung Quốc sẽ gián tiếp tạo điều kiện cho buôn lậu tiếp tục phát triển, triệt tiêu sản xuất trong nước, làm thất thu ngân sách nhà nước, không đạt được mục tiêu giảm người sử dụng thuốc lá. Thuốc lá lậu, trốn thuế, giá rẻ, không phải in cảnh báo sức khỏe, không phải trích Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn chứ không giảm, vì đây là quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Khi tăng thuế TTĐB, người tiêu dùng sẽ chuyển sang tiêu dùng thuốc lá nhập lậu, rẻ hơn và không in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh. Do đó, sản xuất trong nước bị thu hẹp, tổng thu ngân sách nhà nước giảm chứ không tăng, mặc dù tăng thuế suất. Ông đề nghị Quốc hội xem xét và căn cứ một cách thận trọng tình hình hiện nay để có lộ trình 3 năm tăng thuế suất thuế TTĐB 5% đối với mặt hàng thuốc lá.