Thái Bình quy hoạch cảng biển ngoài khơi cửa Trà Lý phục vụ dự án 2 tỷ USD

Bến cảng ngoài khơi cửa Trà Lý được tỉnh Thái Bình đề xuất có khả năng tiếp nhận tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn nhằm phục vụ Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Trong đó, tỉnh Thái Bình đã đề xuất quy hoạch bến cảng tiếp nhận tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn ngoài khơi cửa Trà Lý trong quy hoạch hệ thống cảng biển. Khu bến Trà Lý được quy hoạch có bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí cho tàu đến 150.000 tấn phục vụ Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình phù hợp với quy hoạch tổng thể về năng lượng và quy hoạch phát triển điện lực.

Thái Bình quy hoạch cảng biển ngoài khơi cửa Trà Lý phục vụ dự án 2 tỷ USD
Bến cảng ngoài khơi cửa Trà Lý được tỉnh Thái Bình đề xuất có khả năng tiếp nhận tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn nhằm phục vụ Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình (Ảnh minh hoạ)

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 đầu tư bến cảng, kho nổi hàng lỏng/khí tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn phía ngoài khơi cửa Trà Lý phục vụ Trung tâm Điện khí LNG Thái Bình, năng lực thông quan đến 1,5 triệu tấn.

Cuối tháng 1/2023, các nhà đầu tư bao gồm CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Kyunden của Nhật Bản đã tổ chức lễ ra mắt CTCP Điện khí LNG Thái Bình để trực tiếp triển khai thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Thái Bình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII). Nhà máy có công suất 1.500 MW thuộc danh mục dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện trong giai đoạn 2021-2030. Nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Địa điểm dự án đặt tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy.

Đây là dự án sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường, không gây phát thải khí SO2 và hiệu ứng nhà kính. Khi đi vào vận hành, Dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 10 tỷ kWh mỗi năm, góp phần tăng cường bảo đảm an ninh cung cấp điện cho miền Bắc.

Tổng giá trị thuế nộp ngân sách Nhà nước trong giai đoạn xây dựng ước khoảng 3.600 tỷ đồng và khi đi vào vận hành trung bình nộp thuế trên 4.000 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động trong giai đoạn xây dựng. Dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý III/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030.

Trước đó, tháng 9/2022, CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group) và Công ty Tokyo Gas của Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với 2 đối tác Nhật Bản là Tokyo Gas và Tập đoàn Kyuden về hợp tác nghiên cứu, đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Tại buổi làm việc vào tháng 9/2023, đại diện tỉnh Thái Bình cho biết, dự án LNG Thái Bình đã được cập nhật vào quy hoạch tỉnh, điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng Khu kinh tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự án đã hoàn thành công tác khảo sát và đã lựa chọn đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu liên hợp và đơn vị tư vấn đang khẩn trương lập đồ án quy hoạch.

Đến ngày 16/12/2023, tại Diễn đàn kinh tế doanh nghiệp đầu tư ASEAN - Nhật Bản, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư trên.

Huyền My