Thời kỳ chuyển từ chức năng chủ quản sang tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật

Hoạt động của các Sở Thương mại đã chuyển từ thực hiện chức năng chủ quản doanh nghiệp trực thuộc sang hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách và luật pháp
chức năng chủ quản

Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, Hà Nội đầu năm 1990. (Ảnh: TTXVN)

Những năm 1986-1995, với sự tham gia đông đảo của các loại hình thương nhân thuộc các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và bảo đảm các nhu cầu trong nước.

Mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục được mở rộng trên cả 3 địa bàn: thành thị, nông thôn và miền núi, với sự tham gia của các chủ thể kinh doanh. Tổ chức và phương thức kinh doanh, phương thức mua bán ngày càng đổi mới, phong phú và linh hoạt hơn.

Thương nghiệp quốc doanh đã từng bước vươn lên, thích ứng với cơ chế mới, hiệu quả kinh doanh được nâng cao, giữ được vai trò nòng cốt ở những mặt hàng trọng yếu ở những khâu và lĩnh vực then chốt, chi phối 70 - 75% khâu bán buôn, chiếm từ trên 30% đến gần 60% tổng mức lưu chuyển bán lẻ.

Sau khi bị tan rã hàng loạt, các hợp tác xã thương mại đã từng bước chuyển đổi, củng cố và phát triển, phát huy được vai trò ở nông thôn, miền núi, chiếm trên dưới 1% tổng mức bán lẻ trên thị trường theo những mô hình hợp tác xã kiểu mới, như: gắn dịch vụ nông nghiệp với thương mại, dịch vụ trong trường học, kinh doanh và quản lý chợ,…

Dưới hình thức công ty, cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, thương mại tư nhân phát triển nhanh, nhất là từ khi Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% trong tổng mức bán lẻ trên thị trường nội địa.

Các doanh nghiệp, doanh nhân ngoài khu vực Nhà nước tạo ra khá nhiều việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư, hàng tiêu dùng phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân, góp phần quan trọng giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát từ mức 3 con số trong 3 năm đầu Đổi mới xuống trên dưới 10% từ năm 1992 trở đi.

Trong 3 năm đầu Đổi mới 1986, 1987, 1988, thương nghiệp quốc doanh chiếm tỷ trọng rất cao, từ xấp xỉ 30% đến gần 60% tổng mức bán lẻ toàn xã hội, bắt đầu từ năm 1989, khi cả 3 văn bản Nghị quyết số 113-HĐBT, Quyết định số 231-HĐBT và Quyết định số 193-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng đi vào cuộc sống, thương nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng “bung” ra, cơ cấu bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh giảm dần, trong khi thương nghiệp tư nhân ngày càng có đóng góp nhiều hơn trên thị trường trong nước, từ khoảng 40% năm 1986 vươn lên 74,5% năm 1995.

Tuy nhiên, những vật tư chiến lược quan trọng như xăng dầu, kim khí, thiết bị và phụ tùng, hóa chất vật liệu điện và dụng cụ cơ khí vẫn do thương nghiệp quốc doanh nắm bán buôn chi phối.

Bên cạnh chính sách chung, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích phát triển các hợp tác xã, chính sách phát triển thương nghiệp miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc…

Hoạt động của các sở thương mại đã chuyển từ thực hiện chức năng chủ quản doanh nghiệp trực thuộc sang hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách và luật pháp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển kinh doanh trên thị trường, thiết lập trật tự, kỷ cương trên thị trường, kiềm chế hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác, nâng cao hiệu quả kinh doanh thương mại và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Đào Mạnh Đức