Thông tin về sự cố thủy điện Ia Krel 2

Dự án thủy điện Ia Krel 2, công suất 5,5MW, địa điểm xây dựng huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai do Công ty CP Công nghiệp & Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ cuối năm 2009

Một số thông số kỹ thuật chính của công trình:

- Diện tích lưu vực: 236 km2.

- Mực nước dâng bình thường: 203 m.

- Mực nước chết: 202 m.

- Loại đập dâng: đất (đồng chất).

- Chiều cao lớn nhất: 27 m.

- Đập tràn: tự do, nối tiếp hạ lưu dốc nước mũi phun.

- Cao độ ngưỡng tràn: 203 m.

- Công suất lắp máy: 5,5 MW, 02 tổ máy.

Đập chính hoàn thành và bắt đầu tích nước từ đầu tháng 5/2013. Tuy nhiên, trong quá trình tích nước, một đoạn đập thủy điện Ia Krel 2 đã bị vỡ vào ngày 12/6/2013. Sau sự cố vỡ đập chính, thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư đã hoàn thành các thủ tục và được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đồng ý cho phép tổ chức thi công lại để sửa chữa, khắc phục sự cố vỡ đập.

Quá trình sửa chữa, khắc phục và thi công lại:

- Tư vấn khảo sát, thiết kế sửa chữa: Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 1; Hồ sơ thiết kế đã được Sở Công Thương tổ chức thẩm tra theo quy định.

- Quản lý dự án: Đã hợp đồng với Công ty CP Tư vấn xây dựng Trí Việt để giúp chủ đầu tư quản lý dự án thủy điện Ia Krel 2.

- Nhà thầu thi công: Công ty CP Đầu tư xây dựng Btranco-5 để làm đơn vị thi công xây dựng công trình.

- Nhà thầu giám sát thi công xây dựng: Công ty CP Tư vấn xây dựng Trí Việt để giám sát thi công xây dựng.

- Giấy phép xây dựng: Đã được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng tại văn bản số: 29/SXD-GP ngày 28/5/2014.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đồng ý cho phép tổ chức thi công lại để sửa chữa, khắc phục sự cố đập tại văn bản số: 2094/UBND-CNXD ngày 10/6/2014.

Diễn biến sự cố vỡ đê quai thượng lưu đập:

Diễn biến và nguyên nhân ban đầu của sự cố:

- Trong thời điểm đang thi công, do mưa trên diện rộng và kéo dài tại lưu vực hồ chứa thủy điện Ia Krel 2 làm cho lưu lượng lũ về hồ lớn, mực nước hồ chứa dâng nhanh đến cao trình đỉnh đê quai thượng lưu đập tại thời điểm xảy ra lũ (cao trình 204,8m).

- Đến 7 giờ 30 phút, ngày 01/8/2014, nhận thấy mực nước hồ chứa có khả năng vượt qua cao trình đỉnh đê quai thượng lưu đập (cao trình 204,8m) và uy hiếp an toàn công trình cũng như vùng hạ du sau đập, nên chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã thông báo khẩn cấp và tổ chức sơ tán nhân dân vùng hạ du sau đập.

- Đến 8 giờ 30 phút, ngày 01/8/2014, mực nước hồ chứa đã vượt qua cao trình đỉnh đê quai thượng lưu đập (cao trình 204,8m) gây xói lở và làm vỡ hoàn toàn đê quai thượng lưu. Trong quá trình mực nước hồ chứa gia tăng, mặc dù chủ đầu tư đã chủ động nổ mìn phá bỏ khoảng 7m đập tràn (đã xây dựng) để tăng khả năng thoát lũ của hồ chứa. Tuy nhiên, sự cố vỡ đê quai thượng lưu đập vẫn xảy ra.

- Đến khoảng 10 giờ 00 phút, ngày 01/8/2014, toàn bộ dung tích hồ chứa đã thoát hoàn toàn về hạ du, dòng chảy đến đập trở về trạng thái tự nhiên.

- Nguyên nhân sơ bộ ban đầu do tình hình mưa trên diện rộng và kéo dài tại lưu vực hồ chứa, lưu lượng lũ về hồ lớn, mực nước hồ chứa tăng nhanh, vượt qua đỉnh gây vỡ đê quây. Các nguyên nhân khác đang được xem xét, đánh giá và làm rõ.

Ảnh hưởng ban đầu:

Theo báo cáo của UBND huyện Đức Cơ tính đến 10h ngày 02/8/2014, số liệu ban đầu như sau:

- Về người: Không có thiệt hại về người.

- Ảnh hưởng về tài sản:

+ 27 chòi rẫy;

+ Tổng diện tích cây trồng các loại: 439,8 ha. Trong đó: diện tích bị ảnh hưởng của 170 hộ dân 344,8 ha (gồm: 241,3 ha mỳ, 51,3 ha điều, 32,5 ha lúa rẫy, 9,8 ha cao su, 6,8 ha ngô, 1,6 ha cà phê, 1,5 ha rau, 690 trụ tiêu) diện tích bị ảnh hưởng của Đội 20 - Công ty TNHH MTV 72 là 95 ha cao su.

+ Một số tài sản khác phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân đang được thống kê.

Công tác chỉ đạo xử lý, khắc phục sự cố:

Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đê quai thượng lưu đập thủy điện Ia Krel 2, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương để xử lý, khắc phục sự cố. Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Công Thương, Xây dựng, lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ cùng với các lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng, hải quan trên địa bàn đã thực hiện cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng hạ du và tiến hành tiến hành kiểm tra hiện trường.

Sáng ngày 02/8/2014, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai để phối hợp chỉ đạo triển khai các biện pháp xử lý, giải quyết khắc phục sự cố:

- Khẩn trương kiểm tra đánh giá và thống kê các thiệt hại để có giải pháp khắc phục hậu quả và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

- Kiểm tra, đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố, trên cơ sở đó làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình triển khai thi công thực hiện dự án để xảy ra sự cố.

- Đánh giá về việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến việc cho phép thi công lại dự án để khắc phục sự cố lần 1.

- Đây là sự cố nghiêm trọng đã xảy ra lần thứ 2 trong quá trình thi công dự án này, yêu cầu kiểm tra đánh giá nguyên nhân và trách nhiệm của Chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân có liên quan, đưa ra biện pháp xử lý thích hợp các sai phạm theo quy định của pháp luật, trường hợp sai phạm nghiêm trọng chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.

Trong ngày 02 và 03/8/2014, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Dương Quang làm Trưởng đoàn cùng với lãnh đạo các đơn vị chức năng: Tổng cục Năng lượng, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp ... đến tỉnh Gia Lai, trực tiếp đến hiện trường để tiến hành kiểm tra tại công trình và làm việc với lãnh đạo tỉnh để giải quyết khắc phục sự cố, hỗ trợ kịp thời đối với người dân bị ảnh hưởng. Đoàn công tác đã chỉ đạo dừng ngay mọi công tác thi công tại công trình và trao đổi, chỉ đạo tiến hành các công tác cụ thể để triển khai các biện pháp nêu trên; đề nghị UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Công Thương cùng các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,.. khẩn trương kiểm tra, rà soát, làm rõ các nguyên nhân của sự cố và trách nhiệm của chủ đầu tư, các đơn vị, cá nhân có liên quan./.