Thủ tướng: Phấn đấu năm 2023 tăng trưởng GDP trên 5%, lạm phát 3,5 - 4%

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức chồng chất, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV diễn ra sáng 23/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Công tác điều hành trong nước chịu áp lực lớn

Trình bày báo cáo tại Phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội 77 hồ sơ tài liệu, báo cáo, tờ trình, trong đó có Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Nêu bối cảnh, Thủ tướng cho biết nước ta bước vào thực hiện kế hoạch năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức chồng chất. Tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cạnh tranh, xung đột ngày càng gay gắt hơn; tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại; lạm phát vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt; tiêu dùng, thương mại, đầu tư suy yếu…

Công tác điều hành trong nước chịu áp lực lớn; vừa phải tập trung chống chịu, thích ứng với các diễn biến bất lợi, tranh thủ cơ hội, thời cơ từ bên ngoài; vừa phải xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn đọng, tích tụ của doanh nghiệp, dự án đầu tư, những bất cập, vướng mắc của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm thuốc, vật tư y tế, hệ thống đăng kiểm…, cũng như ứng phó các vấn đề phát sinh về hỗ trợ người lao động, phòng chống thiên tai, bão lũ, hạn hán; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong trung và dài hạn của nền kinh tế.

Trong bối cảnh nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ; khó khăn, thách thức nhiều hơn đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Trung ương mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng: Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới
Thủ tướng: Nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, tuy chưa đạt được mục tiêu nhưng vẫn thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới

Nhờ đó, nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, tuy chưa đạt được mục tiêu nhưng vẫn thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật được chú trọng, dành nhiều thời gian, đổi mới cách chỉ đạo, cách làm. Đầu tư công và các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, có kết quả và sản phẩm cụ thể; nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ trong khó khăn.

Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng. Độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.

Công tác đối ngoại là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Điểm sáng kinh tế trong bức tranh toàn cầu

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.

Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%. Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, tăng 6,3% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Các đại biểu tham dự Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh, phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch trong năm 2023.

Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2023 tiếp tục hoàn thành thêm 78 km.

Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, quyết liệt triển khai Đề án 06 về cơ sở dữ liệu dân cư. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kém hiệu quả. Tiếp tục xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là 5 ngân hàng yếu kém. Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tiếp tục xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng sau thời gian dài gián đoạn.

Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1%, còn 2,93%. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên Hợp Quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29.000 tỷ đồng/năm… Đẩy mạnh triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Đến hết tháng 9/2023, cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô khoảng 20.210 căn; đang triển khai 419 dự án, với quy mô khoảng 392.635 căn.

Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm là 2,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%).

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (hạng 5) và Malaysia (hạng 36), Thái Lan (hạng 43). Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 bậc.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20; góp phần duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Cập nhật thông tin về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trên Tạp chí Công Thương tại đây.

5 bài học kinh nghiệm

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ những hạn chế bất cập nguyên nhân tồn tại, hạn chế và 5 bài học kinh nghiệm.

Đó là, cần quán triệt, nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, quyết tâm cao, đổi mới sáng tạo; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài.

Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Trong đó, kinh nghiệm quan trọng là phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, Tết; tất cả các bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tích cực phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả; nắm chắc tình hình, làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, Nhân dân, nhất là trong dịp Tết.

Bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.

Về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Những tháng cuối năm 2023, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)
Những tháng cuối năm 2023, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)

Tích cực phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả.

Thể chế hóa, thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và Quốc hội; tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN.

Tăng cường liên kết vùng; rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng; quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách; chú trọng thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm quý từ thực tiễn để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề “nóng”, bức xúc xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Chính phủ trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ, kề vai sát cánh và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân, toàn thể đồng bào, cử tri cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra của năm 2023 và năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc; xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.

Phương Thảo