Thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng, toàn diện giữa Việt Nam - Pháp

Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); mong muốn Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); khuyến khích các doanh nghiệp Pháp tăng cường hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dược phẩm…

Vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Pháp Olivier Brochet nhân dịp bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam và Pháp có quan hệ hữu nghị, truyền thống, gắn kết về mọi mặt, từ lịch sử, quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế đến văn hóa-nghệ thuật, con người; khẳng định Việt Nam luôn coi Pháp là đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình.

Qua Đại sứ, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sang thăm Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm có dịp đón Thủ tướng Pháp Gabriel Attal sang thăm Việt Nam để trao đổi và thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng rằng, với bề dày kinh nghiệm trong ngành ngoại giao, Đại sứ Olivier Brochet sẽ có nhiều đóng góp quan trọng nhằm đưa quan hệ Đối tác Chiến lược lên tầm cao mới; các cơ quan hữu quan Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể để Đại sứ hoàn thành nhiệm vụ và có nhiệm kỳ công tác thành công.

Thủ tướng tiếp Đại sứ Pháp
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Olivier Brochet. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt các chuyến thăm cấp cao; triển khai kết quả điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Emmanuel Macron tháng 10/2023, cũng như các cơ chế hợp tác liên ngành giữa hai nước.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò, tiếng nói và các sáng kiến của Pháp trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên Hợp Quốc, ASEAN-EU, Pháp ngữ...; khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Pháp để ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); mong muốn Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); khuyến khích các doanh nghiệp Pháp tăng cường hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dược phẩm…; tích cực tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác kinh tế mới phù hợp với nhu cầu và lợi ích hai bên, mở cửa với các mặt hàng thế mạnh của nhau; đề nghị Pháp ủng hộ và thúc đẩy EC sớm gỡ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Pháp tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp làm ăn, học tập và sinh sống để phát huy vai trò cầu nối kinh tế, văn hóa giữa hai nước.

Đại sứ Olivier Brochet cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp; cho biết Tổng thống Emmanuel Macron vẫn giữ ấn tượng sâu sắc về chuyến thăm chính thức Pháp năm 2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đại sứ Olivier Brochet khẳng định Pháp mong muốn tiếp tục thúc đây quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam
Đại sứ Olivier Brochet khẳng định Pháp mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược giưa hai nước. Ảnh: VGP/ Việt Bắc

Đại sứ Olivier Brochet bày tỏ coi trọng tình hữu nghị và sự tin cậy giữa Việt Nam và Pháp; khẳng định Pháp đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước phát triển sâu rộng, toàn diện hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt sẽ nỗ lực triển khai hiệu quả 3 lĩnh vực hợp tác trụ cột được nêu trong điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Emmanuel Macron.

Đại sứ Pháp cũng cảm ơn lời mời của phía Việt Nam và cho biết Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu, cùng Quốc Vụ khanh phụ trách cựu chiến binh và ký ức chiến tranh sẽ thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5 tới, trên tinh thần "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" và cùng hợp tác vì sự phát triển của quốc gia và nhân dân hai nước.

Đại sứ Olivier Brochet khẳng định Pháp ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Ngày 01/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 01/02/2016, văn bản hiệp định được công bố. Ngày 26/06/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. 

Tháng 08/2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất. Hai Hiệp định được ký kết ngày 30/06/2019. EVFTA và EVIPA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. 

Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Đối với EVFTA, do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đối với EVIPA, về phía EU, Hiệp định sẽ còn phải được sự phê chuẩn tiếp bởi Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU (sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit) mới có hiệu lực.

Thuỳ Dương