Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 9/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020.

Theo Quyết định, tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020 trên toàn quốc là 2.961 cơ sở, trong đó có 2.480 cơ sở sản xuất công nghiệp, 13 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 80 đơn vị vận tải, 388 công trình xây dựng.

Bộ Công Thương có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý hoạt động sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc trung ương tổ chức cập nhật và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở trọng điểm để công bố trước ngày 31/3 hằng năm.

Xem chi tiết danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020 tại đây.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương thông báo cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn và tổ chức quản lý, theo dõi thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương kiểm tra, rà soát, lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn; tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước ngày 01/02 hằng năm.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nhiệm vụ yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là thành viên thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ sở đặt trụ sở, đồng thời báo cáo tập đoàn, tổng công ty để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương. Đồng thời, tổ chức rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình; tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước 01/02 hàng năm.

Điện mặt trời áp mái
Thực tế cho thấy ngày càng nhiều đơn vị trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái nhằm tiết giảm chi phí sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Thực tế cho thấy việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đã và đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực ứng dụng công nghệ, cũng như uy tín thương hiệu trong bối cảnh sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đang trở thành tiêu chí trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại về vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực tiêu thụ năng lượng lớn như các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp sản xuất chế tạo… đã chủ động áp dụng các biện pháp khai thác năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu điện năng tại chỗ như điện mặt trời áp mái, điện sinh khối từ phế phẩm trong quá trình sản xuất… Các giải pháp này giúp đáp ứng một phần hoặc toàn bộ nhu cầu điện năng của các đơn vị, giảm dần việc phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống và giảm áp lực lên hệ thống lưới điện quốc gia.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ ngày càng đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo trong thời gian tới trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, chi phí lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo có xu hướng giảm mạnh và nhận thức của cộng đồng ngày càng được nâng cao về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Minh Quân