Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh số tháng 9 tăng 25%, tập trung làm đơn hàng cao cấp

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 9/2023 tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận định kết quả kinh doanh năm nay sẽ tốt hơn mặt bằng thị trường chung.

Doanh số tiêu thụ tăng 25%, tập trung trả các đơn hàng cao cấp 

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC – sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9/2023 với doanh số tiêu thụ đạt 20,3 triệu USD, giảm 9% so với tháng 8/2023 nhưng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Trong tháng 9 vừa qua, mảng tôm của Thực phẩm Sao Ta ghi nhận sự tăng trưởng về cả sản lượng sản xuất lẫn sản lượng tiêu thụ. Cụ thể, doanh nghiệp này sản xuất được 2.339 tấn tôm và tiêu thụ được 1.799 tấn tôm, lần lượt tăng 57% và tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. 

Đối với mảng nông sản, Thực phẩm Sao Ta cho biết sản lượng sản xuất chỉ đạt 85 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng tiêu thụ lại tăng 93%, đạt khoảng 128 tấn.

Thực phẩm Sao Ta
Thực phẩm Sao Ta hiện đang tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp, chế biến sâu cho các hợp đồng giao quý 4/2023.

Những dữ liệu trên đang dần củng cố xu hướng phục hồi trong hoạt động kinh doanh của Thực phẩm Sao Ta. Sau giai đoạn liên tục sụt giảm do nhu cầu trên toàn cầu ở mức yếu, hoạt động tiêu thụ tôm của Thực phẩm Sao Ta đã xuất hiện điểm đảo chiều vào tháng 7/2023 với sản lượng tiêu thụ tăng trưởng dương trở lại so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, Thực phẩm Sao Ta đang tập trung chế biến các đơn hàng cao cấp, chế biến sâu (tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên..) cho các hợp đồng giao quý 4/2023. Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cũng chia sẻ, mặc dù hàng tồn kho của một số quốc gia đối thủ chính của tôm Việt Nam như Ecuador và Ấn Độ còn ở mức khá cao, nhưng chủ yếu là hàng sơ chế, do đó hàng chế biến sâu vốn là lợi thế của ngành tôm Việt Nam nói chung, Thực phẩm Sao Ta nói riêng, có điều kiện thuận lợi để bứt phá trong quý 4/2023. Thông thường, mùa lễ hội là thời điểm người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm tôm tinh chế thay vì tiêu thụ các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến cấp thấp.

Dữ liệu cho thấy, tính đến cuối quý 2/2023, Thực phẩm Sao Ta đã dự trữ hơn 1.285 tỷ đồng tồn kho, tăng 38,3% so với thời điểm đầu năm vào hơn 37,2% so với giá vốn trung bình 02 quý đầu năm. Dữ liệu lịch sử cho thấy Thực phẩm Sao Ta thường có lượng tồn kho ít hơn giá vốn mỗi quý. Do đó, với triển vọng nhu cầu hồi phục, trong điều kiện giá tôm nguyên liệu đầu vào ở mức thấp, có thể Thực phẩm Sao Ta đã tận dụng cơ hội để tăng dự trữ tồn kho chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm nay.

Xem thêm: Tỷ giá neo cao kỷ lục - Doanh nghiệp lại “kẻ cười, người khóc” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Sẽ phục hồi tốt hơn mặt bằng toàn ngành

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta hiện nhận định xu hướng phục hồi doanh số tiêu thụ sẽ tiếp tục được giữ vững trong những tháng cuối năm khi các hệ thống phân phối tăng cường nhập hàng, chuẩn bị cho dịp cao điểm tiêu thụ cuối năm.

Dựa trên lượng hợp đồng đang có (đến đầu tháng 9/2023), ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng doanh số những tháng cuối năm nay sẽ chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi đó, mặt bằng chung toàn ngành xuất khẩu tôm Việt Nam có thể giảm tới 15%.

Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Thực phẩm Sao Ta hiện nay là Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản. Đây cũng là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam.

Về trại tôm, Thực phẩm Sao Ta cho biết đang tiến hành thu hoạch và đã thu được gần 2.000 tấn tôm nguyên liệu. Song, công ty đánh giá kết quả này vẫn không như mong đợi, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nuôi tôm thành công không cao và cỡ tôm thu hoạch chỉ vừa phải.

Thực phẩm Sao Ta dự kiến việc thu hoạch tôm sẽ kéo dài hết tháng 11 và ngay sau đó là thả nuôi vụ mới ngay trong năm, tranh thủ thời tiết không lạnh (do hiện tượng El Nino còn kéo dài) và độ mặn có sớm (năm nay dự báo hạn và xâm nhập mặn đến sớm).

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 2/10, cổ phiếu FMC đã tăng kịch biên độ, đạt 49.500 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu FMC đã tăng gần 60%.

Duy Quang