Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh thu quý 3 ước tăng 47%, đơn hàng sẽ ở mức cao cho đến cuối năm

Dữ liệu mới nhất cho thấy doanh thu quý 3/2023 của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) ước tăng tới 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận định đơn hàng sẽ ở mức cao trong ít nhất 2 tháng tới.

Doanh thu quý 3/2023 ước tăng 47% so với quý 2/2023

Với việc ghi nhận doanh thu tháng 9/2023 đạt 20,3 triệu USD, ước tính Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) ghi nhận tổng doanh thu quý 3/2023 đạt 64 triệu USD, tăng 1% so với quý 3/2022 nhưng tăng tới 47% so với quý 2/2023; và sản lượng tiêu thụ ước đạt 5.760 tấn, tăng 17% so với quý 3/2022 và tăng 50% so với quý 2/2023.

Thực phẩm Sao Ta cổ phiếu FMC
Hiện Thực phẩm Sao Ta đang tập trung trả các đơn hàng cao cấp (tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên…) cho các hợp đồng giao quý 4/2023.

Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của Thực phẩm Sao Ta ước đạt 151 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đây được xem là kết quả khả quan hơn nhiều so với mức giảm tới 25% của kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay. Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Thực phẩm Sao Ta hiện nay là Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản. Đây cũng là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành thuỷ sản Việt Nam. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta, hoạt động tiêu thụ khả quan tại thị trường Nhật Bản đã hỗ trợ tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thị trường Nhật Bản thường có giá bán trung bình cao hơn các thị trường khác và có mức độ cạnh tranh hạn chế. Thị trường này cũng có rào cản gia nhập cao do người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng - vốn là lợi thế của Thực phẩm Sao Ta nói riêng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam nói chung.

Việc tập trung khai thác thị trường Nhật Bản cũng là chiến lược trọng tâm của Thực phẩm Sao Ta nhằm hạn chế cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm tôm Ấn Độ và Ecuador - vốn có lợi thế về giá tôm nguyên liệu rẻ nhưng chủ yếu là hàng sơ chế, giá trị gia tăng thấp.

Đơn hàng sẽ tiếp tục ở mức cao trong ít nhất 2 tháng tới

Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta dự báo tình hình đơn hàng ở mức cao như hiện nay sẽ được duy trì trong ít nhất 2 tháng tới nhờ mùa lễ hội - cao điểm tiêu thụ cuối năm, nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm chế biến cao. Hiện Thực phẩm Sao Ta đang tập trung trả các đơn hàng cao cấp (tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên…) cho các hợp đồng giao quý 4/2023.

Về nguồn cung ứng tôm, Thực phẩm Sao Ta cho biết đã thu hoạch khoảng 2.000 tấn tôm nguyên liệu từ vùng nuôi mới, tương đương 10% sản lượng cả năm, giúp giảm giá thành sản phẩm và tăng tỷ lệ cung ứng nội bộ. Sản lượng cung ứng này thấp hơn một chút so với kỳ vọng ban đầu của doanh nghiệp do tỷ lệ nuôi thành công thấp hơn kỳ vọng và thiếu tôm giống chất lượng cao.

Thực phẩm Sao Ta cổ phiếu FMC Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Mía đường Lam Sơn (LSS): Muốn nhập 40.000 tấn đường thô, đặt mục tiêu lãi tăng 167%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Dựa trên các dữ liệu hiện tại, SSI Research dự báo doanh thu thuần của lợi nhuận ròng của Thực phẩm Sao Ta trong cả năm nay lần lượt đạt 5.492 tỷ đồng và 320 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm 2022, mức doanh thu trên thấp hơn khoảng 3,6% nhưng mức lợi nhuận ròng gần như tương đương. Năm 2022 cũng là năm Thực phẩm Sao Ta ghi nhận mức doanh thu cao nhất 26 năm hoạt động.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Thực phẩm Sao Ta đặt mục tiêu doanh thu ở mức 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 400 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện trong năm 2022.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 6/10, cổ phiếu FMC đạt 50.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 55% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang