Thực phẩm Sao Ta (FMC): Xuất khẩu phục hồi rõ rệt, dự kiến lợi nhuận tăng mạnh nửa cuối năm

Kim ngạch xuất khẩu tôm của Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt trong những tháng gần đây. Dự kiến, lợi nhuận nửa cuối năm nay của doanh nghiệp này có thể tăng tới 39% so với nửa đầu năm 2023.

Hoạt động kinh doanh của Thực phẩm Sao Ta đã qua đáy

Theo đánh giá mới nhất SSI Research, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC – sàn HoSE) có thể đã qua đáy và dự báo lợi nhuận nửa cuối năm nay của doanh nghiệp này có thể tăng tới 39% so với nửa đầu năm. Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Giá tôm nguyên liệu Thực phẩm Sao Ta
Giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam đã có xu hướng giảm. (Nguồn: VASEP, SSI Research)

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận gộp của Thực phẩm Sao Ta kỳ vọng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2023 do chi phí đầu vào giảm nhờ doanh nghiệp này đưa vào vận hành vùng nuôi mới có chi phí sản xuất tôm nguyên liệu thấp; đồng thời giá tôm nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm xuống. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), giá tôm nguyên liệu trong quý 2/2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 4% so với quý 1/2023.

Tính đến tháng 7/2023, Thực phẩm Sao Ta đang vận hành một vùng nuôi thương mại với diện tích 525 ha, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Vùng nuôi này sẽ cung cấp khoảng 40% tổng nguyên liệu tôm đầu vào cho sản xuất của Thực phẩm Sao Ta trong nửa cuối năm 2023. Tỷ lệ tự cung này cao hơn so với mức 30% ghi nhận trong năm 2022.

Do thiếu nguồn tôm giống chất lượng và khỏe mạnh, khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận (203 ha) của Thực phẩm Sao Ta mới bắt đầu đưa vào khai thác toàn bộ trong tháng 7/2023, muộn hơn một tháng so với kế hoạch.

Thực phẩm Sao Ta cho biết, công ty đã vận hành thương mại với 2 nhà máy chế biến mới, với các sản phẩm mới dành cho thị trường riêng. Các nhà máy mới nâng tổng công suất chế biến của doanh nghiệp này lên 45.000 tấn/năm, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm nay, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta dự kiến nhà máy Tam An sẽ đạt 20% công suất hoạt động và nhà máy Sao Ta sẽ đạt 40% công suất hoạt động.

Doanh thu thuần Thực phẩm Sao Ta
Doanh thu thuần theo tháng của Thực phẩm Sao Ta (triệu USD). (Nguồn: Thực phẩm Sao Ta, SSI Research)
Sản lượng Thực phẩm Sao Ta
Sản lượng tiêu thụ theo tháng của Thực phẩm Sao Ta (nghìn tấn). (Nguồn: Thực phẩm Sao Ta, SSI Research)

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Thực phẩm Sao Ta đã bắt đầu có tín hiệu phục hồi rõ rệt kể từ tháng 6/2023. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 19 triệu USD trong tháng 6/2023, đi ngang so với hồi tháng 6/2022 nhưng tăng tới 37% so với mức bình quân tháng của 5 tháng đầu năm 2023.  Sang tháng 7/2023, doanh thu thuần đã đạt 21 triệu USD, tiếp tục đi ngang so với tháng 7/2022 nhưng sản lượng tiêu thụ đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, và tăng tới 53% so với mức bình quân tháng trong quý 2/2023, chủ yếu nhờ nhu cầu từ thị trường Nhật Bản tăng lên.

Xem thêm: "Trung Quốc cấm nhập thủy sản từ Nhật Bản, Việt Nam liệu có hưởng lợi?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Động lực tăng trưởng đến từ thị trường Nhật Bản

SSI Research hiện ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp của Thực phẩm Sao Ta trong cả năm nay sẽ ở mức 10,8%, so với mức 11% trong năm 2022, và dự kiến sẽ nâng lên mức 11,2% trong năm 2024. Đặc biệt, việc Thực phẩm Sao Ta đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật Bản đang đem lại lợi thế cho doanh nghiệp này.

Thị trường Nhật Bản thường có giá bán tôm bình quân cao hơn các thị trường xuất khẩu tôm khác của Việt Nam. Thị trường này cũng có mức độ cạnh tranh hạn chế và rào cản gia nhập cao do người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu - vốn là thế mạnh của ngành tôm Việt Nam nói chung, Thực phẩm Sao Ta nói riêng. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm giá trị gia tăng so với các nước chủ yếu xuất khẩu sản phẩm tôm nguyên liệu như Ấn Độ và Ecuador.

Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam
Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam theo các thị trường chính qua các quý. (Nguồn: VASEP, SSI Research)

Thị trường Nhật Bản chiếm 40% tổng thị phần xuất khẩu của Thực phẩm Sao Ta trong nửa đầu năm nay và thị trường này duy trì ổn định so với các thị trường khác trong nửa đầu năm 2023. Trong những tháng vừa qua, doanh nghiệp này đã chủ động giảm giá bán bình quân để chia sẻ áp lực với các nhà phân phối tại Nhật Bản do nhu cầu yếu cũng như tỷ giá USD/JPY suy giảm.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm của Thực phẩm Sao Ta nói riêng, ngành tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ và châu Âu vẫn đang chịu sức ép cạnh tranh mạnh từ Ecuador và Ấn Độ - những nước có giá tôm thấp hơn Việt Nam.

Dự kiến giá bán tôm bình quân và sản lượng tiêu thụ của năm nay của Thực phẩm Sao Ta sẽ lần lượt giảm 9% và giảm 20% so với năm 2022, chủ yếu do nhu cầu tại các thị trường Mỹ và châu Âu yếu.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 31/8, cổ phiếu FMC đạt 47.400 đồng/cổ phiếu; tăng khoảng 55% so với thời điểm đầu năm nay.  

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước trong nửa đầu năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ở hầu hết các thị trường đều giảm.

Trong đó mức giảm đáng kể nhất phải kể đến Mỹ và Châu Âu, với giá trị xuất khẩu lần lượt là 299 triệu USD (giảm 38% so với cùng kỳ ngoái) và 193 triệu USD (giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái). Do nhu cầu thấp và áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ, Ecuador, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và Châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Tại thị trường Trung Quốc, mặc dù nước này đã mở cửa trở lại nhưng do nhu cầu yếu hơn dự kiến nên giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này nửa đầu năm nay chỉ đạt 281 triệu USD, giam 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt tổng cộng 236 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam vẫn là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Nhật Bản (chiếm khoảng 24% thị phần nhập khẩu) do thị trường này ưa chuộng sản phẩm tôm chế biến sâu.

Quỳnh Trang