Thực phẩm Sao Ta: Lãi ròng giảm 21% nhưng xuất khẩu tôm đã xuất hiện “ánh sáng”

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận lãi ròng giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cho biết sản lượng xuất khẩu tôm đã phục hồi mạnh trong tháng 6 và sẽ tăng tốc kể từ quý 3.

Lãi ròng giảm 21% nhưng xuất khẩu tôm bắt đầu phục hồi

Xuất khẩu tôm Thực phẩm Sao Ta
 Lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết hoạt động xuất khẩu tôm đã được cải thiện đáng kể trong tháng 6 vừa qua và dự báo sẽ tăng tốc kể từ quý 3 này.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC – sàn HoSE) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 và tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, trong quý 2 vừa qua, doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản này ghi nhận doanh thu thuần 1.032 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Kéo theo đó là lợi nhuận gộp giảm 47%, xuống chỉ còn hơn 87 tỷ đồng. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của Thực phẩm Sao Ta chỉ đạt 8,4%, so với mức 11,8% của quý 2/2022.

Trong quý 2/2023, công ty ghi nhận chi phí tài chính giảm 30% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 3%. Đặc biệt, chi phí bán hàng trong quý 2/2023 là âm 9,5 tỷ đồng, chủ yếu nhờ được hoàn phí thuế chống bán phá giá và chi phí thuế chống bán phá giá giảm mạnh.

Kết thúc quý 2/2023, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận lãi ròng 76 tỷ đồng, giảm 35% so với quý 2/2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu thuần 2.041 tỷ đồng và lãi ròng 128 tỷ đồng, lần lượt giảm 25,5% và giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022.  

Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do doanh thu sụt giảm. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh số tiêu thụ tôm đông lạnh đạt 9.402 tấn và  nông sản đông lạnh đạt 968 tấn, lần lượt giảm 14% và giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022.

So với kế hoạch kinh doanh đã được giao tại Đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2023 thì Thực phẩm Sao Ta mới hoàn thành 34% mục tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tuy nhiên, Thực phẩm Sao Ta cho biết hoạt động kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu tích cực khi sự suy giảm doanh thu so với mức nền cao của năm ngoái đang dần được thu hẹp. Nếu ở 5 tháng đầu năm nay, tổng doanh số tiêu thụ giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái thì hoạt động tiêu thụ trong tháng 6 đã tăng mạnh, giúp tổng doanh số tiêu thụ chỉ còn giảm khoảng 20% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2022.

“Đây là điểm sáng của tháng 6, và cũng là khởi đầu giai đoạn tăng tốc về sau”, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta nhận định. Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Giá tôm thương phẩm đã chạm đáy

Theo TS.Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta, giá tôm thương phẩm trong nước đã giảm xuống mức quá thấp với mức giảm cao hơn nhiều dự tính và có thể đã chạm đáy. Đồng thời, giá tôm trên thế giới cũng đã xuống thấp đến mức ngoài sức chịu đựng của các hộ nuôi ở tất cả các quốc gia sản xuất tôm lớn, cho thấy giá không thể giảm sâu hơn nữa. Đây được xem là một yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu tôm phục hồi thời gian tới, TS.Hồ Quốc Lực nhấn mạnh.

Chia sẻ về tình hình nguồn cung tôm thế giới, TS. Hồ Quốc Lực cho biết, sản lượng tôm của Ecuador hiện tương đối khả quan nhưng có khoảng 10% hộ nuôi nhỏ đã treo ao vì giá bán thấp, thua lỗ. Hộ nuôi tôm nhỏ của Ecuador tương đương hộ nuôi trung bình, khá của Việt Nam.

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Giá gạo xuất khẩu liên tục phá kỷ lục, cổ phiếu ngành gạo nào sẽ “đón sóng”?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tình hình tương tự cũng ghi nhận tại Ấn Độ, dự kiến sản lượng tôm nuôi năm nay của Ấn Độ sẽ giảm 20-30% do người nuôi giảm thả giống. Đầu quý 3 hàng năm thường là cao điểm thu hoạch tôm của Việt Nam và Ấn Độ; riêng Indonesia và Ecuador đã thu hoạch chính vụ sớm hơn. Nhưng theo tình hình thực tế, nguồn cung tôm thương phẩm tại các nước sẽ đều giảm mạnh, vì giảm thả nuôi vừa qua và hiện nay hoặc cuối vụ, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta cho biết.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tôm được dự báo sẽ tăng lên khi thị trường thế giới bước vào mùa lễ hội, nhất là dịp Noel và mừng năm mới cuối năm. Theo quy luật cung -  cầu, nguồn cung giảm nhưng nhu cầu tăng thì giá tôm sẽ phục hồi trở lại, TS.Hồ Quốc Lực nhận định.

Vị lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết mùa lễ hội là thời điểm người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm tôm tinh chế thay vì tiêu thụ các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến cấp thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có năng lực cạnh tranh vượt trội về sản phẩm tôm tinh chế.

"Quý 3 sẽ là quý tăng tốc của ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. Các doanh nghiệp tôm chắc đều cảm nhận được tình hình và có sự chuẩn bị thấu đáo. Sự tăng tốc này hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ cho các doanh nghiệp", TS.Hồ Quốc Lực nhấn mạnh.
Quỳnh Trang