Thực trạng quy định pháp luật Việt Nam trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công

Bài báo "Thực trạng quy định pháp luật Việt Nam trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công" do ThS. Ngô Hữu Phúc - ThS. Phạm Diệu Linh - ThS. Nguyễn Giang Trường (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.

Tóm tắt:

Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có các văn bản quy định về đấu thầu mua sắm công như là: Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2014, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu… Một số vấn đề liên quan đến thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động đấu thầu, mua sắm công là: lựa chọn hình thức đấu thầu, quy trình đấu thầu, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu công. Bài viết phân tích thực trạng quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm công ở Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều vấn đề và đề xuất khuyến nghị giúp hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu, mua sắm.

Từ khóa: Luật Đấu thầu, đấu thầu, quy trình đấu thầu, mua sắm công, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

          Sau khi chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường thì hoạt động đấu thầu, mua sắm công ở nước ta dần được hình thành. Qua quá trình nhiều năm hình thành và phát triển, để duy trì và phát triển được hoạt động đấu thầu, mua sắm công phải có hệ thống quy định pháp luật ra đời nhằm điều chỉnh hoạt động này. Trong đó pháp luật đầu tiên điều chỉnh lĩnh vực này là Nghị định số 43 - CP ngày 16 tháng 7 năm 1996, sau đó là sự ra đời của Luật Đấu thầu năm 2005 và hiện nay là Luật Đấu thầu năm 2013.

          Qua quá trình hình thành phát triển pháp luật Đấu thầu, mua sắm công, nước ta đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Song với sự thay đổi bối cảnh nền kinh tế xã hội nước ta hiện nay, cùng với sự hội nhập quốc tế, thực tiễn áp dụng pháp luật đấu thầu, mua sắm công đã phát sinh, bộc lộ nhiều vấn đề pháp lý cần được giải quyết để hoàn thiện hơn pháp luật đấu thầu, mua sắm công ở Việt Nam. Một số vấn đề liên quan đến thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động đấu thầu, mua sắm công là: lựa chọn hình thức đấu thầu, quy trình đấu thầu, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Trong bài viết này. tác giả phân tích những thực trạng quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm công và đề xuất khuyến nghị giúp hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu, mua sắm công.

2. Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về đấu thầu

Thứ nhất, về hình thức lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu. Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, quy định cụ thể các hình thức lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu vật tư y tế. Các hình thức lựa chọn nhà thầu cũng đã thể hiện được những vai trò, những mặt tích cực đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch, ví dụ như hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp,... Nhưng vẫn còn một hình thức lựa chọn nhà thầu đã bộc lộ một số hạn chế nhất định dẫn đến các sai phạm liên tục trong thời gian qua đó là hình thức chỉ định thầu. Do quy định về việc chỉ định thầu vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa có những hướng dẫn cụ thể đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng nên dễ bị chủ đầu tư, bên mời thầu và các nhà thầu lợi dụng để thực hiện, phối hợp, thông đồng với nhau gây thiệt hại nguồn ngân sách nhà nước.

Thứ hai, hạn chế về quy trình đấu thầu. Hiện nay, đấu thầu qua mạng là một trong những công cụ hiệu quả để tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin trong đấu thầu, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công. Tuy nhiên những quy định về đấu thầu qua mạng chưa được quy định chặt chẽ cụ thể. Như việc đăng tải thông tin của chủ đầu tư, bên mời thầu cũng còn tồn tại, bất cập. Vẫn còn nhiều đơn vị chậm đăng tải hoặc đăng tải sai các thông tin về đấu thầu theo quy định như: đăng tải báo cáo đánh giá, kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu khác, đăng tải chắp vá, sai lệch báo cáo đánh giá. Một số bên mời thầu cố tình đăng tải chưa đúng loại gói thầu theo danh mục phân loại, đăng tải không đầy đủ, thiếu thông tin trong hồ sơ mời thầu, gây khó khăn cho nhà thầu. Một số chủ đầu tư, bên mời thầu không đăng tải hoặc đăng tải không đầy đủ nội dung thông báo mời thầu bằng tiếng Anh đối với gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế.[1]

Thứ ba, vấn đề về tính cạnh tranh, lành mạnh, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công ở Việt Nam. Đảm bảo cạnh tranh, lành mạnh, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công là nguyên tắc quan trọng để duy trì hiệu quả của phương thức này. Hoạt động đấu thầu chỉ có ý nghĩa và đạt kết quả như mong đợi khi có sự cạnh tranh, lành mạnh, công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các bên dự thầu. Chỉ khi cơ chế cạnh tranh trong đấu thầu, mua sắm được đảm bảo, nhà đầu tư bên mời thầu mới có cơ hội và mới có thể chọn lựa được nhà cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, hạn chế tham nhũng.

          Vì sự quan trọng và cần được đảm bảo của nguyên tắc cạnh tranh, lành mạnh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Luật Đấu thầu năm 2013 đã dành ra một điều quy định việc bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu. Theo tác giả, nguyên tắc cạnh tranh, lành mạnh, công bằng, minh bạch là vô cùng quan trọng. Vậy nên muốn duy trì và đảm bảo được nguyên tắc cạnh tranh, lành mạnh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu thì cần hoàn thiện tất cả các quy định của pháp luật trong hoạt động đấu thầu. Hiện nay, theo tác giả có một số quy định trong Luật Đấu thầu năm 2013 vẫn chưa đảm bảo được tính cạnh tranh, lành mạnh, minh bạch, dẫn đến thực tiễn thực hiện thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm, làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, tình trạng tham nhũng có chiều hướng tăng lên. Một trong những quy định được cho là chưa đảm bảo được tính cạnh tranh, lành mạnh, minh bạch là quy định về phương pháp “chỉ định thầu” trong lựa chọn nhà thầu. Theo Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013, phương thức chỉ định thầu được áp dụng trong một số trường hợp. Như đã quy định Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 có thể thấy hình thức chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 chỉ cho phép một nhà thầu hoặc (và) một nhà đầu tư tham gia gói thầu là không đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, vì nếu chỉ có một nhà thầu được tham gia thì đương nhiên sẽ trúng thầu và được cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho bên mời thầu mặc dù chất lượng hàng hóa và dịch vụ cung cấp chưa chắc đã tốt nhất và giá cả chưa chắc là hợp lý nhất. Việc quy định như vậy sẽ làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công. Đối chiếu với quy định về chỉ định thầu của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) so với cách quy định theo Luật Đấu thầu năm 2013 có sự khác biệt lớn. Cụ thể như sau Hiệp định EVFTA quy định chỉ định thầu là một hình thức mua sắm theo đó chỉ có các nhà cung cấp đủ năng lực được tổ chức mời thầu mời nộp hồ sơ dự thầu[2], trong khi đó pháp luật Việt Nam quy định, chỉ định thầu là hình thức lựa chọn nhà thầu, theo đó chủ đầu tư xác định nhà thầu có tư cách hợp lệ, có đủ năng lực và kinh nghiệm đến nhận hồ sơ yêu cầu. Như vậy, về mặt số lượng, nhà thầu tham dự trong chỉ định thầu của hai văn bản đã có sự không tương thích. Pháp luật đấu thầu Việt Nam lựa chọn một nhà thầu tham gia trong hình thức chỉ định thầu[3], trong khi đó Hiệp định EVFTA sử dụng thuật ngữ các nhà thầu. Rõ ràng có thể thấy mặc dù là chỉ định thầu nhưng đây vẫn là phương thức lựa chọn nhà thầu mà ở đó tính cạnh tranh vẫn phải được duy trì. Tuy sự khác biệt chỉ nằm ở số lượng nhà thầu tham dự, nhưng theo tác giả đây là sự khác biệt lớn làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh hạn chế được tình trạng tư lợi, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công.

Ngoài việc bảo đảm tính cạnh trạnh, lành mạnh, việc bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm công là một điều kiện rất quan trọng góp phần vào nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu, mua sắm công tại Việt Nam. Hiện nay, pháp luật về đấu thầu đã có những quy định nhằm đảm bảo được tính công khai trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công nhưng mức độ công khai đã đảm bảo được đầy đủ công bằng cho các bên tham gia chưa thì cần phải có những so sánh nghiên cứu kĩ lưỡng về vấn đề này. Để đảm bảo tính công bằng trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công, yếu tố quan trọng nhất có thể nhắc đến là việc công bố thông tin. Theo đó, công bố thông tin phải rõ ràng, chính xác, kịp thời và việc công bố phải được xem là một nghĩa vụ để góp phần quan trọng vào hiệu quả của hoạt động đấu thầu, mua sắm công đặc biệt, còn liên quan đến thông tin về kết quả trúng thầu. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và được các nhà thầu quan tâm nhất là các nhà thầu không trúng gói thầu. Vì vậy, pháp luật Việt Nam về đấu thầu đã quy định vấn đề công khai này tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Các quy định tại trên cho thấy các nhà lập pháp đã cố gắng để tăng cường yếu tố công khai thông tin của quy trình đấu thầu, mua sắm công. Nhưng đối chiếu với Hiệp định EVFTA quy định nếu có yêu cầu, tổ chức mời thầu sẽ phải gửi giải thích về ưu thế tương đối của hồ sơ dự thầu được lựa chọn, có thể thấy pháp luật hiện hành nước ta vẫn chưa quy định về vấn đề này. Qua đó, thấy được tính công khai theo thông lệ quốc tế chặt chẽ hơn những quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam.

Thứ tư, trong xử lý vi phạm, điều được coi trọng và đặc biệt quan tâm đó chính là chế tài xử phạt. Đấu thầu vật, mua sắm công là hoạt động liên quan đến việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để mua sắm hàng hóa và dịch vụ nhằm duy trì hoạt động của cơ quan nhà nước. Vậy nên tăng cường giám sát phải có chế tài xử phạt thật cụ thể và chặt chẽ, từ đó quy rõ trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức đấu thầu đến hình thức xử phạt, phải có các văn bản hướng dẫn một cách chi tiết. Chỉ phạt hành chính thôi là chưa đủ, phải xét từ hậu quả. Nếu hoạt động đấu thầu, mua sắm công để xảy ra vi phạm có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Cần có thêm quy định xử phạt hình sự mang tính răn đe hơn đối với hành vi vi phạm phát luật về đấu thầu.

Thứ năm, về vấn đề giải quyết kiến nghị, tranh chấp đấu thầu, mua sắm công, Luật Đấu thầu năm 2013 đã dành ra một chương riêng quy định. Tại Điều 91 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, theo tác giả cơ chế giải quyết kiến nghị này còn tồn đọng một bất cập liên quan đến vấn đề bảo đảm nguyên tắc công bằng, minh bạch, khách quan. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tại cơ quan tiếp nhận, giải quyết kiến nghị lại chính là các bên mời thầu, chủ đầu tư và người có thẩm quyền phê duyệt. Vì thế, tình trạng các kiến nghị của nhà thầu gửi lên sau khi được tiếp nhận nhưng không được giải quyết một cách triệt để, “làm ngơ”, bao che, bảo vệ nội bộ, việc quy định như vậy không khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi” làm giảm tính công bằng, minh bạch và khách quan trong việc giải quyết kiến nghị. Cần giao cho một cơ quan chuyên ngành độc lập để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đấu thầu.

3. Một số các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong hoạt động đấu thầu mua sắm công

Thứ nhất, về hình thức lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu, mua sắm công. Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013, quy định cụ thể các hình thức lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu và các hình thức lựa chọn nhà thầu cũng đã thể hiện được những vai trò, những mặt tích cực đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch, ví dụ như hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp,... Song vẫn còn một hình thức lựa chọn nhà thầu đã bộc lộ một số hạn chế nhất định dẫn đến các sai phạm liên tục trong thời gian qua đó là hình thức chỉ định thầu. Do quy định về việc chỉ định thầu vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa có những hướng dẫn cụ thể đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng nên dễ bị chủ đầu tư, bên mời thầu và các nhà thầu lợi dụng để thực hiện, phối hợp, thông đồng với nhau gây thiệt hại nguồn ngân sách nhà nước. Trong Hiệp định EVFTA quy định rõ về chỉ định thầu như sau: chỉ định thầu là một hình thức mua sắm, theo đó chỉ có các nhà cung cấp đủ năng lực được tổ chức mời thầu mời nộp hồ sơ dự thầu.

Theo tác giả, để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng và cũng nhằm tương thích với Hiệp định EVFTA, cần sửa đổi, bổ sung quy định về chỉ định thầu, nâng từ lựa chọn một nhà thầu tham gia hình thức chỉ định thầu lên thành các nhà thầu có tư cách hợp lệ, có đủ năng lực và kinh nghiệm được tham gia chỉ định thầu.

Thứ hai, để thực hiện tốt quy trình đấu thầu qua mạng, pháp luật Việt Nam cần có những quy định đồng bộ và chế tài mạnh mẽ hơn về việc bắt buộc áp dụng đấu thầu, mua sắm công như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu qua mạng ban hành các quy định nhằm cụ thể hóa các Luật liên quan như Luật An ninh mạng, Luật Thương mại điện tử,... nhằm tạo ra một hệ thống về an toàn, an ninh thông tin tạo cơ sở triển khai hạ tầng công khai thông tin trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm công. Tạo ra một khuôn khổ pháp lý rõ ràng bằng cách hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn chi tiết, để giúp cho việc triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng được thuận lợi dễ dàng.

          Thứ ba, nhằm nâng cao và đảm bảo hơn tính cạnh tranh, lành mạnh, minh bạch trong hoạt đấu thầu, mua sắm công hiện nay cần sửa đổi quy định về chỉ định thầu hiện nay. Theo tác giả như quy định về hình thức chỉ định thầu hiện hành là một lỗ hổng để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng nhằm tư lợi, tham nhũng và các tiêu cực khác, làm giảm thiểu tính cạnh tranh, lành mạnh, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công. Theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ định thầu là hình thức chỉ có một nhà thầu tham gia vào hoạt động đấu thầu. Như đã phân thích tại Hiệp định EVFTA, quy định hình thức chỉ định thầu thừa nhận sự tham gia của các nhà thầu. Việc quy định như Hiệp định EVFTA sẽ đảm bảo tính cạnh tranh hơn so với chỉ một nhà thầu được tham gia như quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay.

Theo tác giả, để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng và cũng nhằm tương thích với Hiệp định EVFTA, cần sửa đổi, bổ sung quy định về chỉ định thầu, nâng từ lựa chọn một nhà thầu tham gia hình thức chỉ định thầu lên thành các nhà thầu có tư cách hợp lệ, có đủ năng lực và kinh nghiệm được tham gia chỉ định thầu.

          Thứ tư, để tạo ra một môi trường đấu thầu vật, mua sắm công luôn bình đẳng, trong sạch, hiệu quả. Một quy trình đấu thầu, mua sắm công, công khai, minh bạch là một quy trình đấu thầu không có sự giấu diếm che đậy các thông tin trong tất cả các giai đoạn từ việc công bố thông báo mời thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ yêu cầu, phản hồi cho đến giai đoạn công bố kết quả đấu thầu. Mặc dù quy định pháp luật của nước ta về việc đảm bảo công khai trong hoạt đầu thầu, mua sắm công khá là hoàn thiện, nhưng so với quy định trong Hiệp định EVFTA việc đảm bảo công khai vẫn chưa ở mức độ cao, chưa chặt chẽ. Vậy, để đảm bảo công khai trong hoạt động đấu thầu, mua sắm công cần phải quy định thêm, nếu có yêu cầu, tổ chức mời thầu sẽ phải giải thích về ưu thế tương đối của hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu.

          Thứ năm, cần quy định theo hướng tăng mức chế tài xử lý các quy định về đấu thầu, mua sắm công và hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp trong  hoạt động đấu thầu, mua sắm công đa phần là sử dụng ngân sách nhà nước nên vấn đề tham nhũng, lợi dụng các chức vụ để tư lợi cá nhân gây thất thoát, lãng phí vốn và tài sản của nhà nước diễn ra khá nhiều trong thời gian qua. Để ngăn chặn những hành vi này, cần hoàn thiện quy định của pháp luật tạo ra một chế tài đủ mạnh để răn đe, trừng phạt những đối tượng có liên quan, đồng thời phải bao quát hết tất cả các lĩnh vực nhảy cảm, dễ vi phạm trong lúc xử lý. Để cơ chế giải quyết kiến nghị, tranh chấp thật sự mang lại hiệu quả, khách quan và giảm thiểu các hành vi tiêu cực, cần phải xây dựng một cơ chế giải quyết kiến nghị độc lập, để chuyên giải quyết các kiến nghị liên quan đến hoạt động đấu thầu và mua sắm công.

 

 TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nguyễn Giang (2023). Đấu thầu trực tuyến bất cập vì sao?. Truy cập tại: https://diendandoanhnghiep.vn/dau-thau-truc-tuyen-bat-cap-vi-sao-240391.html.

[2] Selective tendering means a procurement method whereby only qualified suppliers are invited by the procuring entity to submit a tender, Article I, EVFTA. Available at: https://goo.gl/EPSFVJ.

[3] Chính phủ (2014). Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội nước Cộng hòa chủ nghĩa Việt Nam (2013). Luật Đấu thầu.
  2. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).
  3. Trần Thị Nhật Anh (2017). Pháp luật đấu thầu mua sắm công đáp ứng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

 

Current regulations on bidding and public procurement in Vietnam

Pham Dieu Linh - Ngo Huu Phuc - Nguyen Giang Truong

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

Vietnamese law has documents regulating public procurement, such as: the 2013 Law on Bidding that took effect on July 1, 2014, Decree 63/2014/ND-CP detailing the implementation of several provisions of the Law on Bidding regarding the selection of contractors, etc. Some issues relating to the current Vietnamese regulations on bidding and public procurement activities are: selection of bidding form, bidding process, fair competition, and publicity and transparency in the bidding process. This paper analyzes the current regulations on bidding and public procurement, and makes some recommendations to improve these regulations.

Keywords: the Law on Bidding, bidding, bidding process, public procurement, law.