Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Đề tài Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do ThS. Trần Trọng Thắng - GV. Vũ Đình Cứu (Trung tâm Cơ khí - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), hay còn gọi là cuộc cách mạng số diễn ra ngay từ đầu của thế kỷ XXI. Đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp này là sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo và máy móc tự động. CMCN 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, cần đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng số. Bài viết đề cập đến những thách thức đối với nguồn nhân lực của ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đề ra các giải pháp cơ bản cho doanh nghiệp ngành Cơ khí để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Từ khóa: ngành Cơ khí, cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực, công nghệ, máy móc.

1. Đặt vấn đề

Cuộc CMCN 4.0 được đánh giá sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ chỉ ở quy mô nhỏ như nhà máy doanh nghiệp, mà còn tác động đến tất cả lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. CMCN 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Bản chất của Công nghiệp 4.0 dựa trên công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình và phương pháp sản xuất. Theo đó, những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy bao gồm hệ thống mạng, internet vạn vật và điện toán đám mây. Trước xu thế máy móc tự động hóa để thay thế con

người, nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp, đặc biệt là kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng mềm, đá

p ứng yêu cầu của sản xuất.

Thực tế cho thấy, khi tự động hóa thay thế con người thì lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng trung bình và thấp sẽ dư thừa nếu không thích ứng được với sự thay đổi của công nghệ sản xuất. Đồng thời, những đổi mới và tiến bộ khoa học của cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra những công nghệ tự động thay thế sức lao động, từ đó tạo ra những công việc đòi hỏi cao về kỹ năng của lao động. Trước sự thay đổi nhu cầu của thị trường lao động, nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra cuộc cách mạng này có thể gây nguy cơ phá vỡ chế độ lao động truyền thống và đây được coi là những thách thức lớn nhất của cuộc cách mạng này cho các quốc gia.

Cuộc CMCN 4.0 cũng đã đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành Cơ khí nước ta. Việt Nam sẽ không còn lợi thế về thu hút đầu tư dựa vào chi phí lao động thấp. Năng lực khoa học và công nghệ còn hạn chế sẽ khiến cho khả năng tiếp cận các thành tựu của CMCN 4.0, đặc biệt là trình độ lao động của ngành chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn của cuộc cách mạng số. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực ngành Cơ khí Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, phân tích những thách thức, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, trình độ nguồn nhân lực cho ngành Cơ khí Việt Nam trong thời gian tới là một việc cấp thiết.

2. Thực trạng nguồn nhân lực ngành Cơ khí Việt Nam hiện nay

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2023), hiện nay, cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, với doanh thu thuần hoạt động sản xuất - kinh doanh là 1,5 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động, số lượng lao động của ngành Cơ khí vẫn tăng trưởng khoảng 10-12%/năm. Đến nay, ngành Cơ khí Việt Nam đã hình thành một số doanh nghiệp lớn có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực, cũng như một số doanh nghiệp có nhiều triển vọng trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô (Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải), cơ khí nông nghiệp (Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ,...). Nhu cầu nhân lực liên quan tới ngành Cơ khí hiện nay chiếm tới 28% tổng nhu cầu lao động cả nước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành Cơ khí luôn phải đối mặt với bài toán thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Đặc điểm của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ. Trong số 30.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí, chỉ có gần 100 DN có quy mô vốn trên 500 tỷ đồng; trong đó 12 DN có trên 5.000 lao động và 116 DN có trên 1.000 lao động. Theo thống kê, dù là một trong 10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực tuyển dụng đều đặn qua các năm, nhưng các doanh nghiệp trong ngành Cơ khí trong nước lúc nào cũng phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực.

Các doanh nghiệp cơ khí lớn trong nước mặc dù đã xây dựng được cơ chế tốt, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng vẫn rất khó tuyển dụng nhân sự. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế sau:

Một là, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài: Hiện nay, tùy thuộc vào kinh nghiệm và năng lực làm việc - chức danh và nhiệm vụ công việc - quy mô doanh nghiệp - khu vực làm việc… mà mức lương dành cho các kỹ sư cơ khí sẽ có sự khác nhau. Cụ thể, đối với kỹ sư cơ khí mới ra trường và người chưa có kinh nghiệm: mức lương dao động trong khoảng từ 8-10 triệu đồng/tháng. Với kỹ sư cơ khí trình độ cao, đã có kinh nghiệm vào khoảng từ 3-5 năm, mức lương dao động trong khoảng từ 8-15 triệu đồng/tháng. Đối với kỹ sư cơ khí trình độ cao, đã có kinh nghiệm trên 5 năm, thành thạo ngoại ngữ, có chứng chỉ hành nghề… mức lương lên đến hàng chục triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, kỹ sư cơ khí làm việc cho các công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ được trả mức lương cao hơn so với các công ty tại Việt Nam - kỹ sư cơ khí là người ngoại quốc được trả lương cao hơn kỹ sư cơ khí trong nước… Với mức lương chênh lệch này, lao động có trình độ có xu hướng chuyển việc sang những công ty lớn hơn, trả mức lương cao hơn, chế độ phúc lợi tốt hơn càng gây ra nhiều khó khăn cho sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khi phải vừa phải tìm kiếm lao động, vừa phải tiếp tục đào tạo lại một nguồn lao động khác để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp mình.

Hai là, chất lượng nguồn nhân lực kém: Nguồn lao động của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vận hành các thiết bị công nghệ cao, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, tay nghề chuyên nghiệp và khả năng sản xuất tập trung, những đặc trưng cơ bản của cuộc CMCN 4.0. Đây được coi là một trong những vấn đề cấp thiết ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả kinh tế của ngành gia công Cơ khí nước ta. Vì vậy, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho người lao động trong lĩnh vực này cũng là một vấn đề cấp thiết, cần được các doanh nghiệp quan tâm.

3. Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực cho ngành Cơ khí Việt Nam

Trong Chiến lược Phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 được Chính phủ phê duyệt vào năm 2018, phát triển nguồn nhân lực cơ khí được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo đó, Chính phủ ưu tiên nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành Cơ khí, đào tạo song song thực hành; hỗ trợ kinh phí để đưa giảng viên và công nhân giỏi đi đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm thực hiện đúng yêu cầu. Cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển liên quan đến tự động hóa, số hóa, nhu cầu về kỹ năng thay đổi nhanh chóng, do đó, nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao cũng phải được quan tâm chuẩn bị sớm hơn, nhanh hơn, cập nhật hơn, tiếp cận thực tế hơn. Trong thời gian tới, để sớm hoàn thành mục tiêu của Đảng và Nhà nước, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 và nằm trong nhóm nước phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, cần xác định rõ vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đề ra những giải pháp sát thực và quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Về phía các doanh nghiệp cơ khí, trong lúc chờ đợi các chính sách dài hạn về phát triển nguồn nhân lực từ Nhà nước, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cần chủ động thay đổi thay vì thụ động chờ đợi. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển dài hạn, doanh nghiệp phải rất coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực. Bước đi đầu tiên và thiết yếu nhất để doanh nghiệp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với cuộc CMCN 4.0 chính là chế độ đào tạo nhân lực tại chỗ, các chính sách về chuyển giao công nghệ và những quy chế sử dụng chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, công tác đào tạo lực lượng tổng công trình sư trưởng cho ngành Cơ khí là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh CMCN 4.0. Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt buộc doanh doanh nghiệp phải có chế độ đãi ngộ tốt đối với nguồn nhân lực này. Xu hướng ứng dụng công nghệ số ngày càng lan tỏa trong các quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư được tuyển dụng phải được đào tạo cơ bản với trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Đội ngũ công nhân phải được qua đào tạo từ các trường công nhân kỹ thuật, trường đại học kỹ thuật công nghệ chuyên ngành.

Doanh nghiệp cơ khí thời CMCN 4.0 cần nâng cao công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số nội bộ và phải xem đây yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Về dài hạn, doanh nghiệp cần đầu tư cho việc cử nhân sự đi học ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý; đồng thời cần mời chuyên gia tư vấn hoặc cố vấn độc lập về huấn luyện trực tiếp cho cán bộ chủ chốt để áp dụng công nghệ số vào hoạt động doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng nên gửi các cán bộ quản lý giỏi, có tiềm năng đi đào tạo theo các dự án ở nước ngoài để xây dựng đội ngũ lao động chất lượng, tăng năng suất và hiệu quả.

Yêu cầu đối với nguồn nhân lực số là phải có chuyên môn cao và doanh nghiệp nào “sở hữu” số đông nguồn nhân lực số thì cơ hội phát triển, thành công cũng lớn. Do vậy, các doanh nghiệp cần có những chính sách đãi ngộ phù hợp để “giữ chân” nguồn nhân lực này, như quan tâm đến lợi ích, chế độ và quyền lợi của người lao động. Do đó, ngoài duy trì các chế độ phúc lợi tốt, về lâu dài, doanh nghiệp có thể hướng đến việc phân chia lợi nhuận và quyền sở hữu cổ phần cho người lao động để gắn kết lợi ích cá nhân với lợi ích của doanh nghiệp.

Đối với các cơ sở đào tạo, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, nhằm giúp học viên có cơ hội thực tập tại doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng và có cơ chế đào tạo phù hợp ngay từ khi học viên đang học trong trường. Trong hợp tác đào tạo, để có hiệu quả nhất, giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo phải xác định rõ được nhu cầu của hai bên, thành lập cơ quan điều phối hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cơ khí, có các cơ chế thiết lập kế hoạch đào tạo năm. Hiện nay, đã có một số trường đại học trong nước đưa mô hình hợp tác với doanh nghiệp vào trong chương trình đào tạo, tiêu biểu như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Đà Nẵng,....

Trên thực tế, khả năng làm chủ công nghệ, khoa học rất quan trọng với một doanh nghiệp cơ khí trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng để làm được điều này, doanh nghiệp không thể thiếu nguồn nhân lực có chất lượng tay nghề cao, tính sáng tạo và nghiên cứu. Do vậy, việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong ngành Cơ khí chế tạo là hết sức quan trọng, nhằm mục tiêu nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thu hẹp và tiến tới thực tiễn “đào tạo theo nhu cầu của xã hội và của doanh nghiệp”.

Chìa khóa quan trọng để ngành Cơ khí Việt Nam bắt kịp CMCN 4.0 chính là đào tạo, do đó cần thành lập các trường đại học lớn về cơ khí chế tạo máy, với cả chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học lý thuyết, kết hợp với ứng dụng, cung ứng cho ngành Cơ khí chế tạo máy nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, cần tập trung đảo bảo cho sinh viên sau khi ra trường có kỹ năng nghề, tập trung vào các lĩnh vực gia công cắt gọt kim loại, bảo trì, bảo dưỡng máy móc cơ khí, thiết kế, vận hành được các máy công nghệ mới CNC và hiểu được cơ cấu vận hành để bảo trì, bảo dưỡng máy móc cơ khí, phục vụ cho ngành Công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

4. Kết luận

Hiện nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí trên cả nước. Các trường đại học, cao đẳng và nhiều trường dạy nghề trong cả nước cũng đang rất chú trọng phát triển ngành Cơ khí nhằm đào tạo ra những kỹ sư, kỹ thuật viên cơ khí có trình độ, tay nghề cao. Lĩnh vực cơ khí đã trở nên rất phổ biến và nhận được sự quan tâm rất lớn của nhiều ban ngành liên quan. Đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao chính là hướng đi lâu dài và bền vững cho sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí.

Kỹ thuật cơ khí là một lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ có lịch sử lâu đời, nền tảng của các ngành công nghiệp. Với bản chất của cuộc cách mạng công nghệ số, khi những việc làm thủ công sẽ được tự động hóa thay thế bằng rô bốt, máy móc tự động, thì việc hình thành, phát triển lực lượng lao động ngành Cơ khí được trang bị kỹ năng, trình độ để khai thác, làm chủ được công nghệ, phương thức vận hành mới cũng đang là một thách thức lớn đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Cơ khí nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ mang đến những cơ hội và lực lượng lao động mới, với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ. Theo đó, các quốc gia cần tạo điều kiện và doanh nghiệp cần tìm ra những phương pháp mới để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2003), Kết luận số 25-KL/TW ngày 17/10/2003 về Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày ngày 15 tháng 03 năm 2018 phê duyệt chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
  3. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê 2022. NXB Thống kê.
  4. TBTCVN (2022). Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành Cơ khí Việt Nam. Thời báo Tài chính Việt Nam. Truy cập tại: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hoan-thien-co-che-chinh-sach-thuc-day-phat-trien-nganh-co-khi-viet-nam-102260.html
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 82 - 83
  6. An Bình (2022). Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành cơ khí nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ. Truy cập: https://moit.gov.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/gia-tang-ty-le-noi-dia-hoa-nganh-co-khi-nho-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe.html

The current situation of the human resources of Vietnam’s mechanical engineering industry in the context of Industry 4.0

Master. Tran Trong Thang1

Lecturer, Vu Dinh Cuu1

1Mechanical Engineering Center, Hanoi University of Industry

Abstract:

The Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0), also known as the digital revolution, took place at the beginning of the 21st century. Industry 4.0 is characterized by artificial intelligence and automated machines. It has strongly impacted many fields and aspects of social life, especially high-quality human resources, meeting the requirements of the digital revolution. This paper points out the challenges facing the human resources of the mechanical engineering industry in Vietnam in the context of Industry 4.0.

Keywords: mechanical engineering, the Fourth Industrial Revolution, human resources, technology, machinery.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2023]

Tạp chí Công Thương