Tiềm năng và giải pháp phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh An Giang

Tiềm năng và giải pháp phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh An Giang của ThS. NGUYỄN MINH CHÂU (Giảng viên, Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu tìm hiểu về tiềm năng phát triển, thực trạng khai thác, trồng cây dược liệu cũng như thực trạng tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời đánh giá thực trạng khai thác, trồng cây dược liệu, tiềm năng phát triển. Kết quả nghiên cứu cho thấy: (i) người dân tỉnh An Giang chủ yếu khai thác dược liệu tự nhiên trong khi việc trồng cây dược liệu không bổ sung kịp so với nhu cầu khai thác nên nguồn dược liệu đang có xu hướng giảm đi đáng kể; (ii) mô hình sản xuất cây dược liệu của tỉnh với quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: (i) bổ sung nguồn cung dược liệu bằng cách xây dựng vườn thuốc nam gia đình, phát triển mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; (ii) đẩy mạnh liên kết trong sản xuất với tiêu thụ dược liệu nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, đồng thời gia tăng giá trị cây dược liệu trong thời gian tới; (iii) chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen dược liệu quý và hỗ trợ vùng trồng dược liệu.

Từ khóa: cây dược liệu, tỉnh An Giang, phát triển cây dược liệu.

1. Đặt vấn đề

An Giang thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 3.536,7 km², phía Đông và phía Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100 km², phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ. Với vị trí đó, An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27oC, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.130 mm. Độ ẩm trung bình 75-80%, khí hậu cơ bản thuận lợi cho phát triển hệ thực vật rừng phong phú và đa dạng, có nhiều loại gỗ và lâm đặc sản có giá trị cao, trong đó có các loài cây dược liệu.[4].

An Giang là một tỉnh có diện tích đồi núi nhiều nhất so với các tỉnh còn lại khác của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây dược liệu phát triển. Từ lâu, An Giang đã khai thác cây dược liệu tự nhiên để phòng và trị bệnh cho người dân. Đặc biệt, cây dược liệu vùng Bảy Núi An Giang rất phong phú và đa dạng, nhiều công dụng chữa bệnh.[2].

An Giang là tỉnh có rất nhiều cơ sở khám và chữa bệnh từ thiện miễn phí cho người dân bằng cây thuốc nam. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người dân khai thác nguồn tài nguyên dược liệu từ tự nhiên là chủ yếu, chưa quan tâm nhiều tới giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn gen, trồng tái tạo, bổ sung nguồn dược liệu để sử dụng bền vững. Ý thức người dân về việc khai thác phải kết hợp bảo vệ dược liệu chưa cao dẫn đến tài nguyên dược liệu ngày càng giảm. Mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu giữa doanh nghiệp và người dân còn chưa phổ biến.[4]

2. Thực trạng khai thác, trồng và tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn tỉnh An Giang

2.1. Thực trạng khai thác, trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh An Giang

Tỉnh An Giang đặc biệt là vùng Bảy Núi An Giang, thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, có cây dược liệu tự nhiên khá phong phú và đa dạng. Một kết quả nghiên cứu cho thấy, vùng đất này có đến 226 loài, 79 họ, 3 ngành thực vật được sử dụng làm thuốc.[2]

Cây dược liệu ở đây có môi trường sống đa dạng, phân bố khắp nơi trong vùng Bảy Núi, ở các độ cao khác nhau, từ triền đồng bằng đến đỉnh núi (với độ cao gần 700 m so với mực nước biển). Tuy vậy, hầu hết cây thuốc sống hoang trong tự nhiên, bao gồm: rừng cao, đồi và ven suối. Chỉ có khoảng 28 loài cây thuốc (chiếm khoảng hơn 10%) sống ở vườn của người dân. Cây thuốc được người dân trồng trong vườn hầu hết là những cây thuốc thông dụng hoặc đặc trưng của vùng. Bên cạnh đó, vùng Bảy Núi An Giang vẫn còn lưu giữ nhiều loại dược liệu quý, trong đó có 6 loài dược liệu có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) hoặc Nghị định số 32/2006/NĐ-CP bao gồm: Đạt Phước, Giáng Hương, Gõ Mật, Hoàng Đằng, Tắc Kè Đá, Trầm Hương.[2]

Đa số người dân đều nhận thức được rằng với mức độ khai thác như hiện nay, nhiều cây thuốc trong vùng sẽ bị tuyệt chủng. Hiện tại, mức độ quý hiếm của một số loài đã được thể hiện rất rõ tại vùng như: gõ mật, tắc kè đá, giáng hương, hoàng đằng, kim cang, bí kỳ nam… Tuy nhiên, việc khai thác quá mức và tràn lan vẫn diễn ra vì đời sống kinh tế người dân còn khó khăn, nhiều người sống bằng nghề hái thuốc, là nguồn thu nhập chính trong gia đình.[2]

Mô hình sản xuất cây dược liệu trong tỉnh chủ yếu theo hình thức tự phát, với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Người dân chủ yếu trồng cây dược liệu theo kinh nghiệm, chưa ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, thiếu sự liên kết trong quá trình sản xuất của người dân. Vì vậy, sản lượng dược liệu trồng còn rất thấp so với tiềm năng, việc tiêu thụ dược liệu gặp khó khăn, giá trị kinh tế từ cây dược liệu chưa cao.

Từ năm 2011 đến nay, việc phát triển cây dược liệu mới bắt đầu triển khai dưới dạng thí điểm trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Đây là chương trình hợp tác giữa Công ty Domexco Đồng Tháp với người dân địa phương, gây trồng một số loại cây dược liệu như: gấc, chùm ngây, nghệ, trinh nữ hoàng cung, bạc hà, xuyên tâm liên, đinh lăng, râu mèo, hoắc hương… Song thực tế vẫn đang gây trồng thăm dò, diện tích gây trồng chưa đạt đến 50 ha, còn quá thấp so với diện tích quy hoạch trồng và phát triển cây dược liệu tỉnh An Giang đến năm 2030 đạt 5.000 ha.[4]

2.2. Thực trạng tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn tỉnh An Giang

Trên địa bàn tỉnh An Giang, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh từ thiện cho người dân bằng cây thuốc Nam. Các loài cây thuốc được sử dụng nhiều nhất tại địa phương là: Hà thủ ô (Streptocaulon Juventas), Cà dâm (Anogeissus Acuminata), Cam thảo dây (Abrus Precatorius), Chân chim leo (Schefflera Elliptica), Diệp hạ châu (Phyllanthus Urinaria), Đinh lăng (Polyscias Fruticosa), Đỗ trọng dây (Parameria Laevigata), Kim cang (Smilax Cambodiana), Ngũ gia bì chân chim (Schefflera Octophylla), Sa nhân (Amomum Repens), Dừa cạn (Catharanthus Roseus)…[2]. Một kết quả khảo sát cho thấy bình quân một tháng, mỗi cơ sở phát ra hơn 2.000 thang thuốc (tương đương trên 400kg nguyên liệu). Mỗi năm, các công ty dược đóng trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên nói riêng và các Trung tâm Đông y của tỉnh nói chung cần khoảng 180 tấn dược liệu với 56 loài cây thuốc, trong đó, tại An Giang có khoảng 50 loài [2].

Dược liệu chủ yếu do người địa phương và các nhà làm từ thiện từ các tỉnh lân cận thu hái. Đa phần người dân địa phương thường bán dược liệu thô cho các cơ sở thu mua tại thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên), một số khác được bày bán trong nhà người hái thuốc hoặc bán dọc theo các tuyến đường có địa điểm du lịch. Do khai thác quá mức nên nguồn tài nguyên cây thuốc trong vùng nhiều năm gần đây bị suy giảm đáng kể. Do nguồn thuốc cung không đủ cầu, nên gần đây, cây thuốc còn được đem về từ Campuchia, một số khác được nhập từ các địa phương lân cận như Hà Tiên, Phú Quốc. Những loài thường nhập là Bý kì nam (Hydnophytum Formicarum), Đương quy (Angelica Sinensis), Xuyên khung (Ligusticum Striatum), Bạch chỉ (Angelica Dahurica).[2]

Cây thuốc An Giang không chỉ được người dân tại địa phương trong tỉnh mà còn ở các tỉnh khác rất ưa chuộng bởi dược tính cao, chữa được các bệnh hiểm nghèo và không có nguy cơ bị ô nhiễm do trồng theo quy trình tự nhiên (Nguyễn Đức Thắng, 2008, dẫn theo [2]). Như vậy, thị trường tiêu thụ dược liệu của tỉnh còn được mở rộng ra các tỉnh khác trong vùng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cây dược liệu của tỉnh trong thời gian tới.

Từ năm 2019 đến nay, TNHH MTV TMDV Thảo An Khang đã phát triển thành công sản phẩm trà xạ đen dạng túi lọc. Để có vùng nguyên liệu chất lượng và ổn định, Công ty này đã bàn bạc với ngành kiểm lâm, liên kết với người dân địa phương để triển khai mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây xạ đen xen dưới tán rừng.[1]. Đây được đánh giá là mô hình tiềm năng phát triển vì tận dụng được diện tích rừng trồng, gia tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, diện tích trồng cây xạ đen tối thiểu khoảng 500 m2 mỗi hộ và Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm tươi cho nông dân. Đến nay, sản phẩm trà xạ đen của Công ty không chỉ có mặt tại An Giang, mà còn cung cấp cho thị trường ở khắp vùng ĐBSCL, miền Trung...[1].

Đây là một ví dụ điển hình về mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu trên địa bàn tỉnh An Giang, cần có nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hơn nữa để phát triển kinh tế cây dược liệu của tỉnh trong thời gian tới.

3. Giải pháp phát triển kinh tế cây dược liệu trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian tới

Một là, xây dựng vườn thuốc nam ở hộ gia đình, các thầy thuốc và cơ sở y tế tại địa phương. Ngoài việc trồng những loại có giá trị cao về dược tính, có hiệu quả kinh tế, có thể khuyến cáo người dân trồng những loài quý hiếm, nhằm bảo tồn những nguồn gen cây thuốc quý. Xây dựng quy ước khai thác cây thuốc tự nhiên hợp lý, chú ý đến việc tái sinh. Trong thực tế, việc khai thác quá mức và tràn lan vẫn diễn ra vì đời sống kinh tế người dân còn khó khăn, nhiều người sống bằng nghề hái thuốc là thu nhập chính. Do đó, chính quyền địa phương cần có biện pháp cải thiện đời sống cho nhân dân, thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, từ đó hạn chế việc khai thác triệt để các sản phẩm từ rừng, phục hồi và phát triển một số loài dược liệu đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa.[2]

Hai là, xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp kết hợp với trồng cây dược liệu giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế[2]. Trong đó, phát triển dược liệu dưới tán rừng sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các chủ rừng có thêm nguồn thu nhập để an tâm bảo vệ môi trường cho hiện tại và cả cho thế hệ tương lai. Hình thành vùng sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp để tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập trước hết cho những người giữ rừng và người dân trong vùng dự án để góp phần bảo vệ rừng bền vững. Nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý, đẩy mạnh phát triển những cây dược liệu tiềm năng đối với vùng có điều kiện đất đai phù hợp với khoảng 5.000 ha tập trung ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung thuận lợi cho thu hoạch, chế biến.[4]

Ba là, thành lập tổ, nhóm nông dân liên kết trồng cây dược liệu trên tinh thần tự nguyện nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng, thu hoạch. Bên cạnh đó, tập hợp được khối lượng dược liệu lớn, cùng chủng loại để thuận lợi hơn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Khi các tổ, nhóm hợp tác sản xuất đủ mạnh có thể tiến tới thành lập hợp tác xã trồng và sơ chế dược liệu, có đầy đủ tư cách pháp nhân, đưa sản phẩm dược liệu đến tay người tiêu dùng, góp phần gia tăng giá trị cây dược, cải thiện thu nhập cho người dân trồng cây dược liệu. 

Bốn là, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu. Thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm lực vào ký hợp đồng tiêu thụ với tổ, nhóm liên kết sản xuất, hợp tác xã trồng cây dược liệu. Theo đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu nhu cầu của thị trường, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dược liệu với các tổ, nhóm nông dân, hợp tác xã sản xuất để đáp ứng nhu cầu về số lượng, chủng loại và chất lượng dược liệu theo hợp đồng đã ký. Doanh nghiệp sẽ thu mua, chế biến dược liệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, góp phần gia tăng giá trị cây dược liệu, đem lại lợi nhuận ổn định, lâu bền cho các bên. Khi sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, các tổ, nhóm nông dân trồng cây dược liệu sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin thị trường, kỹ thuật trồng, chăm sóc dược liệu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu với chất lượng được kiểm soát, chi phí đầu tư thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp tự xây dựng vùng nguyên liệu riêng - điều này chỉ các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh mới thực hiện được.

Năm là, chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần phát triển kinh tế từ cây dược liệu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.[3]

4. Kết luận

Tỉnh An Giang, đặc biệt là vùng Bảy núi An Giang, có cây dược liệu tự nhiên khá phong phú và đa dạng. Từ lâu, người dân chủ yếu khai thác dược liệu từ tự nhiên để khám chữa bệnh. Với mức độ khai thác như hiện nay, trong tương lai, nhiều cây thuốc trong vùng sẽ bị tuyệt chủng. Mô hình sản xuất cây dược liệu trong tỉnh lại chủ yếu thực hiện theo hình thức tự phát, với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng dược liệu trồng còn rất thấp so với tiềm năng, việc tiêu thụ dược liệu gặp khó khăn, giá trị kinh tế từ cây dược liệu chưa cao. Đa phần người dân địa phương bán dược liệu thô cho các cơ sở thu mua tại thị trấn Nhà Bàng. Thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ dược liệu của tỉnh sẽ được mở rộng ra các tỉnh khác trong vùng, mở cơ hội cho việc trồng và tiêu thụ dược liệu của tỉnh.

Để phát triển kinh tế cây dược liệu của tỉnh, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau: (i) bổ sung nguồn cung dược liệu bằng cách xây dựng vườn thuốc nam gia đình, phát triển mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; (ii) đẩy mạnh liên kết trong sản xuất với tiêu thụ dược liệu nhằm đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, đồng thời gia tăng giá trị cây dược liệu trong thời gian tới; (iii) chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen dược liệu quý, hỗ trợ vùng trồng và tiêu thụ dược liệu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ánh Nguyên (2019). Khởi nghiệp từ sản phẩm dược liệu. Truy cập tại https://baoangiang.com.vn/khoi-nghiep-tu-san-pham-duoc-lieu-a253970.html
  2. Lê Thị Thu Sương, Võ Quang Minh, Phan Hoàng Vũ, (2017). Đánh giá thực trạng, tiềm năng khai thác và bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc vùng Bảy Núi, An Giang. Báo cáo Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 7 (20/10/2017). Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 30 tháng 10 năm 2013 Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
  4. Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, (2014). Quyết định số 2015/QĐ-UBND, ngày 4 tháng 12 năm 2014 Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

THE POTENTIAL AND SOLUTIONS FOR THE CULTIVATION

OF MEDICINAL PLANTS IN AN GIANG PROVINCE

Master. NGUYEN MINH CHAU

Lecturer, An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study is to analyze the development potential, the current cultivation of medicinal plants and the consumption of medicinal plants in An Giang province. The study finds out that (i) people in An Giang province mainly exploit natural medicinal herbs while the cultivation of medicinal plants cannot keep up with the demand so the source of medicinal herbs is tending to decrease significantly; and (ii) the province's farming model of medicinal plants is small, fragmented, and lacks the connection between the production and the consumption. Based on these findings, some key solutions are proposed to facilitate the cultivation of medicinal plants in the coming time, including: (i) increasing the supply of medicinal herbs by building small-sacle family herbal gardens, developing the agroforestry model, and the model of planting medicinal plants under the forest canopy; (ii) promoting the linkage between the production and the consumption of medicinal herbs in order to ensure a stable market and increase the value of medicinal plants in the coming time; (iii) policies to support the research and conservation of precious medicinal plant genetic resources and support for medicinal herbs growing areas.

Keywords: medicinal plants, An Giang province, cultivation of medicinal plants.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2023]

TCCT