Tiền ảo dưới lăng kính pháp luật tài sản

Đề tài Tiền ảo dưới lăng kính pháp luật tài sản do Nguyễn Thị Hoài - Thạc sĩ luật (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu phân tích các đặc trưng pháp lý của tài sản, đồng thời xem xét các quan niệm pháp lý về tiền ảo ở một số quốc gia tiêu biểu trong hệ thống Thông luật và Dân luật để xác định bản chất pháp lý của tiền ảo. Từ đó nghiên cứu đề xuất một số giải pháp pháp lý phù hợp.

Từ khóa: tiền ảo, tài sản, truyền thống pháp luật Thông luật, truyền thống pháp luật Dân luật.

1. Đặt vấn đề

Tiền ảo xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2008 [1]. Kể từ thời điểm đó, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; các hoạt động phát hành, lưu trữ, đào tạo, giao dịch, đầu tư tiền ảo diễn ra sôi động và đa dạng; thu hút số lượng lớn người tham gia. Thực tiễn cho thấy rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đang đặt tiền ảo “ngoài vòng điều chỉnh”. Điển hình có thể kể đến vụ việc về giao dịch mua bán tiền ảo qua mạng internet ở tỉnh Bến Tre. Chi cục Thuế thành phố Bến Tre buộc một cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch này. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre cho rằng cá nhân đó không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân khi mua bán tiền ảo vì không có căn cứ pháp lý [2].

Vậy nên, nếu không định vị được bản chất pháp lý của tiền ảo thì không thể áp dụng được các cơ chế pháp lý hiện hành để giải quyết các vụ việc thực tiễn cũng như có cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Việc xác định bản chất pháp lý của tiền ảo chính là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tiền ảo có phải là tài sản hay không? Vì lẽ đó, tác giả lựa chọn nghiên cứu đề tài “Tiền ảo dưới lăng kính pháp luật tài sản”. Nghiên cứu sẽ tập trung phân tích những vấn đề sau đây: (i) đưa ra khái niệm về tiền ảo, (ii) phân tích, đánh giá tiền ảo dưới các đặc điểm của tài sản; (iii) nêu quan điểm pháp lý của một số quốc gia điển hình trong hệ thống Thông luật và Dân luật về tiền ảo; (iv) đưa ra một số nhận xét và khuyến nghị để hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo ở Việt Nam.

- Tổng quan nghiên cứu và/hoặc cơ sở lý thuyết (Literature review and/or Theoretical framework): Nhiều nội dung trao đổi cũng như công trình khoa học đã đề cập một cách trực tiếp hoặc có những nội dung liên quan đến tiền ảo. Một số công trình nghiên cứu về tiền ảo đáng chú ý trong những năm gần đây có thể kể đến như: Trường Hồ Ngọc Hải (2015), Hoàn thiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 liên quan đến công nhận và bảo hộ tài sản ảo ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/xay-dung-ang2/-/2018/33742/hoan-thien-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-nam-2015-lien-quan-den-cong-nhan-va-bao-ho-tai-san-ao-o-viet-nam-hien-nay.aspx; Phùng Trung Tập (2018), Tiền ảo và những khía cạnh của tiền ảo, Tạp chí Kiểm sát số 15/2018; Nguyễn Minh Oanh & Lê Thị Giang (2018), Pháp luật về tiền ảo tại Nhật Bản, Tạp chí Nghề luật số 2/2018; Nguyễn Thị Hiền (2018), Một số khuyến nghị hoàn thiện khung pháp lý quản lý các loại tiền ảo, tiền điện tử, Tạp chí Tài chính Online, https://tapchitaichinh.vn/mot-so-khuyen-nghi-hoan-thien-khung-phap-ly-quan-ly-cac-loai-tien-ao-tien-dien-tu.html; Nguyễn Bảo Huyền (2018), Bitcoin và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính Online, https://tapchitaichinh.vn/bitcoin-va-nhung-van-de-dat-ra.html; Đoàn Thị Ngọc Hải (2019), Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo trong thời đại công nghiệp 4.0, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-ve-tien-ao-trong-thoi-dai-cong-nghiep-4-0; Nguyễn Đình Phước (2020), Tiền ảo có thể được xem là tài sản, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (421), tháng 11/2020; Trần Văn Biên & Nguyễn Minh Oanh (2020), Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 4 (2020); Ngô Huy Cương & Cộng sự (2021), Luật tư trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội; Phan Đăng Hải & Nguyễn Phương Thảo (2022), Tiền ảo và quản lý tiền ảo ở Việt Nam - Những khía cạnh pháp lý cần lưu tâm, Tạp chí Khoa học & Đào tạo ngân hàng, số 239, tháng 4/2022; Nguyễn Huy Hoàng Nam (2022), Kinh nghiệm pháp luật Nhật Bản về tài sản ảo và một số khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (472), tháng 12/2022; Trần Linh Huân & Trần Quốc Minh (2022), Tiền ảo trong thời đại công nghệ 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra, Tạp chí Ngân hàng,...

Ngoài những công trình nghiên cứu trên, một số công trình nghiên cứu của tác giả nước ngoài về tiền ảo, Bitcoin đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam như: Mark Gates (2017), Bockchain: Bản chất của Blockchain, Bitcoin, tiền điện tử, hợp đồng thông minh và tương lai của tiền tệ, Thành Dương dịch, Nhà xuất bản Lao động, 2017; Paul Vigna, Michael J. Casey (2017), Kỷ nguyên tiền điện tử: Bitcoin và tiền kỹ thuật số đang thách thức trật tự kinh tế toàn cầu như thế nào, Han Ly dịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, 2017; Mark Gates (2018), Bitcoin: Bong bóng tài chính hay tương lai của tiền tệ, Bùi Đức Anh dịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, 2018; Melanie Swan (2018), Blockchain - Khởi nguồn cho một nền kinh tế mới, LeVn dịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, 2018; Andreas M. Antonopoulos (2018), Bitcoin Thực hành: Những Khái niệm cơ bản và cách sử dụng đúng đồng tiền mã hóa, Thu Hương & LeVn dịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, 2018.

Có thể thấy, những công trình kể trên đã ít nhiều đề cập đến tiền ảo ở các khía cạnh và góc độ khác nhau. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về bản chất của tiền ảo qua các đặc trưng pháp lý của tài sản cũng như đề xuất lộ trình ban hành khung pháp lý về tiền ảo nhìn từ góc độ luật tài sản.

- Phương pháp nghiên cứu (methodology): Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:

+ Phương pháp luận nghiên cứu khoa học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, tác giả đặt các vấn đề lý luận về tiền ảo và tài sản trong mối liên hệ, quan hệ với nhau.

+ Phương pháp phân tích và tổng hợp: Những phương pháp này được sử dụng phổ biến trong việc làm rõ các quy định của pháp luật Việt Nam về tài sản, cũng như định vị tiền ảo dưới các quy định pháp luật này. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để phân tích quy định pháp luật về tiền ảo của các quốc gia điển hình trong hệ thống Thông luật và Dân luật.

+ Phương pháp luật học so sánh: Phương pháp này được tác giả vận dụng để so sánh pháp luật của các quốc gia điển hình trong hệ thống Thông luật và Dân luật, từ đó đưa ra ý kiến nhận xét và gợi mở cho Việt Nam.

2. Khái niệm tiền ảo

Dưới góc độ công nghệ, tiền ảo là kết quả của sự kết hợp nhiều thành tựu ở những lĩnh vực khác nhau, bao gồm nhưng không giới hạn ở khoa học điện toán (P2P Networking), mật mã (các hàm Hash mã hóa, chữ ký số) và kinh tế học (lý thuyết trò chơi). Tiền ảo (Virtual Currency, hay còn có tên gọi khác là tiền mã hóa - Cryptocurrency) là một token số tồn tại trong phạm vi một hệ thống tiền ảo nhất định, thường bao gồm một mạng ngang hàng (P2P Network), một cơ chế đồng thuận và một hạ tầng khóa công khai. Không có cơ quan trung tâm quản lý hệ thống; thay vào đó các quy tắc quản lý hệ thống (tức là định nghĩa giao dịch hợp lệ bao gồm những gì xác định cụ thể tổng nguồn cung của token số và cơ chế phát hành…) được thực thi bởi tất cả các thành viên tham gia mạng lưới (còn được gọi là “mắt lưới” - “nodes”). Toàn bộ lịch sử giao dịch có thể được xác thực độc lập bởi từng mắt lưới do mỗi thành viên tham gia đều có bản sao của sổ cái chia sẻ. Sổ cái chia sẻ này thường có hình thức là chuỗi các khối bao gồm các giao dịch (Blockchain) và thường xuyên được cập nhật qua một quá trình gọi là “đào mỏ” (Mining), qua đó những đơn vị mới của token gốc (tức là tiền ảo) được tạo ra. Ai cũng có thể tham gia hoặc từ bỏ hệ thống bất cứ lúc nào và không có danh tính đi kèm người sử dụng (ẩn danh) [3]. Năm 2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu định nghĩa “tiền ảo là sự hiển thị số của giá trị, không được phát hành bởi tổ chức tài chính hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ tiền điện tử, trong vài trường hợp tiền ảo có thể được sử dụng thay thế cho tiền” [4, 4]. Như vậy, tiền ảo là một sản phẩm có giá trị tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số được phát hành bởi một cá nhân hoặc tổ chức, không phải là đồng tiền pháp định do chính phủ của một quốc gia phát hành, có giá trị sử dụng trong cộng đồng mạng hoặc có thể được sử dụng để thực hiện việc trao đổi, thanh toán với các loại hàng hóa, dịch vụ khác.

3. Tiền ảo dưới góc nhìn khoa học pháp lý về tài sản

Khi tiếp cận tiền ảo dưới góc nhìn khoa học pháp lý về tài sản, có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này. Thứ nhất, tiền ảo không phải là tài sản và vì thế phải cấm tiền ảo để hạn chế các rủi ro từ chúng. Thứ hai, tiền ảo phải được coi là tài sản và nên quản lý cũng như khuyến khích tiền ảo phát triển [5, 127]. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ tiền ảo thỏa mãn cả hai đặc trưng cơ bản của tài sản.

Thứ nhất, tiền ảo là đối tượng mà con người có thể sở hữu được. Tiền ảo có một số định danh xác định cho một đồng tiền (tương tự như số serie của một tờ tiền giấy), cho phép người sở hữu đồng tiền được xác thực rằng có tồn tại trên hệ thống blockchain một đồng tiền Bitcoin đã được khai thác bởi một máy tính tham gia vào hệ thống. Đồng thời, gắn liền với mỗi đơn vị tiền ảo đã được khai thác là một mã khóa tư (private key) cho phép người dùng giao dịch nó, tức chuyển nhượng vào một tài khoản khác. Khi một tiền ảo đã được chuyển nhượng vào một tài khoản khác, nó sẽ được ghi nhận bởi một số serie mới và số serie của đồng tiền ảo cũ được xem là hết hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc với 1 đồng tiền ảo chỉ có thể tồn tại duy nhất 1 chủ sở hữu cùng lúc, không thể có người thứ hai được phép giao dịch bằng đồng tiền ảo đó [6].

Thứ hai, tiền ảo có giá trị và trị giá được thành tiền. Có thể thấy, tiền ảo là một dạng thông tin đặc biệt có giá trị kinh tế độc nhất cho người sở hữu. Tiền ảo cho phép người sở hữu thông tin có được một quyền lợi kinh tế khi biết được thông tin này. Hay có thể hiểu, đặc tính giá trị của tiền ảo được biểu hiện qua 3 chức năng sau: (i) chức năng thanh toán, trao đổi, (ii) chức năng huy động vốn tương tự chứng khoán và (iii) chức năng cho phép tiếp cận và sử dụng một dịch vụ nhất định [7].

Như vậy, dù tiền ảo có những nét đặc trưng riêng biệt so với các loại tài sản truyền thống thì nó vẫn thỏa mãn các đặc điểm cơ bản của tài sản. Và do đó, cần xem nó như một loại tài sản và có cơ chế quản lý loại tài sản đặc biệt này.

4. Quan điểm pháp lý của một số quốc gia về tiền ảo

Trước làn sóng phát triển ngày một nhanh và mạnh của tiền ảo, hầu hết các quốc gia đều nhận thấy sức ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, bởi sự phức tạp và sự cải tiến từng ngày về công nghệ của tiền ảo cũng như những rủi ro có thể phát sinh từ việc công nhận và sử dụng tiền ảo, mỗi quốc gia có cách nhìn nhận, tiếp cận và điều chỉnh khác nhau.

Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ban hành khung pháp lý để ghi nhận và điều chỉnh tiền ảo. Theo đó, dựa vào các đặc tính giao dịch mà tiền ảo được xem là phương tiện thanh toán hoặc chứng khoán [8]. Cùng với quan điểm pháp lý này, Đức quy định tiền ảo là giá trị mã hóa, là giá trị được số hóa (không được phát hành bởi tổ chức công hoặc ngân hàng nhà nước) có thể lưu trữ và chuyển giao qua phương tiện điện tử, được các thể nhân và pháp nhân chấp nhận là phương thức thanh toán hoặc đầu tư [9]. Ngoài ra, các nhà lập pháp tại Đức cũng thừa nhận rằng nếu tiền ảo thỏa mãn các đặc tính của chứng khoán (như tính có thể chuyển giao được, tính quy ước, khả năng thanh khoản trên thị trường vốn và có chức năng giống như một trong các loại chứng khoán hợp pháp) thì được coi là công cụ tài chính và chịu sự điều chỉnh của pháp luật chứng khoán [10]. Bên cạnh Nhật Bản và Đức, Pháp cũng là quốc gia ghi nhận vị trí pháp lý của tiền ảo. Tiền ảo có thể là xu, một loại tài sản vô hình đại diện cho một hoặc nhiều quyền mà có thể được tạo ra và chuyển giao qua sổ cái điện tử phi tập trung và có thể xác định được chủ sở hữu. Song song với việc thừa nhận tiền ảo là một dạng tài sản ảo, các nhà lập pháp của quốc gia này còn ghi nhận tiền ảo có thể là công cụ tài chính, là bất kỳ loại đại diện số hóa nào của giá trị (không được phát hành bởi ngân hàng nhà nước hay tổ chức công) được chấp nhận bởi cá nhân và pháp nhân như phương tiện thanh toán và có thể lưu trữ và chuyển giao thông qua phương tiện điện tử [11]. Có thể thấy, các quốc gia điển hình trong hệ thống Dân luật đã mạnh dạn thừa nhận tiền ảo là tài sản và ban hành khung pháp lý để điều chỉnh chúng.

Quan điểm pháp lý coi tiền ảo là một dạng tài sản cũng được đồng thuận thừa nhận bởi các các luật gia ở các nước Thông luật. Tuy nhiên, có phần cân nhắc hơn các quốc gia theo truyền thống Dân luật, các nước Thông luật mà điển hình là Anh và Hoa Kỳ vẫn chưa ban hành đạo luật thống nhất về tiền ảo. Nhưng điều này không có nghĩa rằng, tiền ảo đang được giao dịch ngoài vòng pháp luật tại các quốc gia này. Để giải quyết bài toán thực tiễn, các cơ quan nhà nước tại các quốc gia này linh hoạt vận dụng các quy định pháp luật về tài sản sẵn có để quản lý tiền ảo cũng như giải quyết các tranh chấp về tiền ảo. Ở Hoa Kỳ, tiền ảo được quản lý dưới nhiều dạng thức khác nhau của tài sản. Tiền ảo có thể được sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ hoặc đầu tư, do vậy trong chừng mực nào đó, các giao dịch bằng tiền ảo cũng phải chịu thuế [12]. Hoặc nếu việc phát hành tiền ảo mang bản chất của việc huy động vốn và đi kèm với một thị trường thứ cấp để trao đổi và kiếm lời thì hoạt đó mang dấu hiệu của chào bán chứng khoán và phải chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán Liên bang [13]. Đặc biệt, tiền ảo còn được nhìn nhận dưới góc độ là hàng hóa theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ. Cũng nhìn nhận tiền ảo dưới nhiều khía cạnh như Hoa Kỳ, Anh phân chia tiền ảo dưới 3 dạng sau: (i) tiền điện tử theo định nghĩa của Luật về tiền điện tử 2011, (ii) xu chứng khoán, (iii) tiền ảo chưa được quản lý, bao gồm xu tiện ích và phương tiện thanh toán [14].

Như vậy, dù ở quốc gia Dân luật hay quốc gia Thông luật, dù đã có một địa vị pháp lý cụ thể hay vẫn đang được quản lý dưới nhiều dạng thức khác nhau, bởi quan điểm của cơ quan nhà nước thì tiền ảo vẫn được coi là tài sản.

5. Một số nhận xét và khuyến nghị để hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo ở Việt Nam

Trước làn sóng phát triển của tiền ảo, một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam đã có các chỉ đạo, cảnh báo, khuyến nghị liên quan đến tiền ảo, nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng, đầy đủ điều chỉnh đối với tiền ảo. Có thể hiểu các nhà lập pháp Việt Nam đang chờ đợi, quan sát và học hỏi các quốc gia đi trước trong việc ban hành quy chế pháp lý về tiền ảo. Sự cẩn trọng là cần thiết trong bối cảnh công nghệ ngày một cải tiến và tiền ảo vẫn còn là khái niệm mới đối với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cũng cần có tiến trình lập pháp cụ thể, bởi lẽ các giao dịch liên quan đến tiền ảo ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như sự phức tạp. Từ những phân tích nêu trên có thể thấy, có hai khuynh hướng khi ban hành khung pháp lý quản lý tiền ảo, thứ nhất, ban hành quy chế pháp lý riêng cho tiền ảo và thứ hai là định vị tiền ảo trong cơ chế pháp lý hiện hành. Việt Nam có thể vận dụng cả hai cách thức này và xây dựng lộ trình như sau:

Giai đoạn thứ nhất, công nhận tiền ảo là tài sản. Khi công nhận tiền ảo là tài sản, Việt Nam có thể tiến hành thu thuế, thi hành án, định tội danh đối với các hành vi liên quan đến tiền ảo. Bên cạnh đó, việc công nhận tiền ảo là tài sản còn đảm bảo tính an toàn về mặt pháp lý cho nhà đầu tư, giảm các tác động tiêu cực tới xã hội, đồng thời đề phòng được nguy cơ lừa đảo theo hình thức đa cấp, nguy cơ tham nhũng, rửa tiền. Và khi tiền ảo được công nhận là tài sản, cần có loại tài sản gắn với nó, định dạnh nó và áp dụng các quy chế pháp lý hiện thời phù hợp. Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Soi chiếu vào khái niệm tài sản này, có thể “tạm thời” xếp tiền ảo dưới dạng thức là giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản, bởi các lẽ sau:

Thứ nhất, tiền ảo không phù hợp là vật và chưa thể được coi là “tiền”. Dưới góc độ khoa học pháp lý, vật phải là bộ phận của yếu tố vật chất, đáp ứng được nhu cầu của con người, vật có thực với tính cách là tài sản phải nằm trong sự chiếm hữu của con người, có đặc trưng giá trị và trở thành đối tượng của giao lưu dân sự [15]. Bên cạnh đó, do được lập dưới dạng dãy dữ liệu, nên tiền ảo có thể được kiểm soát trong ví và chiếm hữu được thông qua mã cá nhân. Tuy nhiên, mỗi người sử dụng tiền ảo chỉ được giao một bản sao của sổ cái của hệ thống chuỗi khối và việc chuyển giao tiền ảo không hề có sự chuyển giao nào của một vật mà chỉ là chuyển giao giá trị vô hình thông qua việc một bên ghi nợ, một bên ghi có. Vì thế, mỗi người có thể chiếm hữu một tài khoản được định danh bằng mã công khai và được mở bằng mã cá nhân, nhưng không thực tế chiếm hữu sổ cái hay các giá trị bên trong đó [5, 145]. Như vậy, việc coi tiền ảo như vật có phần khiêng cưỡng và gặp phải một số khó khăn. Bên cạnh đó, việc xếp tiền ảo là “tiền” cũng chưa hợp lý ở giai đoạn này. Bởi lẽ, tiền thường được hiểu là tiền pháp định, do Nhà nước Việt Nam hoặc nhà nước nước ngoài phát hành. Trong khi đó, tiền ảo không được phát hành bởi nhà nước. Nếu hiểu tiền theo nghĩa rộng, hiện tại chưa thể xếp tiền ảo là phương tiện thanh toán bởi không thể xác định được danh tính của người sở hữu và người tham gia các giao dịch về tiền ảo nếu bản thân họ không tự lộ diện. Cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và cân nhắc việc có nên coi tiền ảo là phương tiện thanh toán hay không, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. Như vậy, giai đoạn đầu tiên này chưa thể coi tiền ảo là vật hay tiền hay rộng hơn là phương tiện thanh toán.

Thứ hai, tiền ảo có thể được coi là chứng khoán. Một trong những chức năng của tiền ảo được nêu ở trên đó là huy động vốn. Hay có thể hiểu, khi tổ chức phát hành tiền ảo thì các quyền và lợi ích của nhà đầu tư được ghi nhận dưới dạng dữ liệu điện tử. Đặc tính này phù hợp với đặc điểm của chứng khoán được quy định tại Điều 4, Luật Chứng khoán năm 2019, theo đó các loại chứng khoán đều xác nhận quyền và lợi ích của người sở hữu (hay chính là nhà đầu tư).

Cuối cùng, có thể xem tiền ảo như một loại quyền tài sản. Điều 115, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Dựa trên quy định này, có thể coi tiền ảo là một loại quyền tài sản khác bởi đặc điểm vô hình có thể trị giá được bằng tiền, được xác lập, chuyển giao quyền sở hữu.

Như vậy, việc công nhận tiền ảo là tài sản là bước đầu để giải quyết tình hình thực tiễn. Việc định vị tiền ảo vào một loại tài sản nào đó chỉ mang tính trước mắt, tạm thời. Bởi có những đặc tính của tiền ảo và sự phát triển từng ngày của công nghệ đang dần vượt xa quan niệm truyền thống về tài sản. Và điều này đòi hỏi cần có các bước lập pháp tiếp theo.

Giai đoạn hai, tái định nghĩa lại phương pháp phân loại tài sản hoặc quan niệm về tài sản. Từ những phân tích về quan niệm pháp lý về tiền ảo ở các nước tiêu biểu theo hai trường phái Dân luật và Thông luật, có thể thấy, mặc dù các quốc gia này đều công nhận tiền ảo là tài sản và có những cách thức quản lý chúng nhưng họ vẫn đang gặp khó khăn trong việc định vị tiền ảo trong các loại tài sản hiện hành. Có lẽ bởi vì tiền ảo mang đặc tính của nhiều loại tài sản và thậm chí không thuộc bất kỳ loại tài sản nào trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới [16]. Quan niệm tài sản theo pháp luật Việt Nam hiện hành chưa thể bao phủ hết sự phức tạp của tiền ảo. Việc định vị tiền ảo dưới một loại tài sản truyền thống chỉ là bước tạm thời. Do đó, cần phải cập nhật quan niệm mới về phân loại tài sản để tiền ảo được gọi bằng danh xưng tài sản phù hợp với nó.

Giai đoạn ba, xây dựng quy chế pháp lý riêng để điều chỉnh tiền ảo. Khi tiền ảo đã có một danh phận rõ ràng với cách thức phân loại tài sản mới, việc xây dựng quy chế pháp lý để điều chỉnh nó được xem như hệ quả tất yếu. Khung pháp lý điều chỉnh tiền ảo sẽ được ban hành dựa trên các đặc tính pháp lý về tài sản mà nhà làm luật đã ghi nhận cho tiền ảo.

6. Kết luận (Conclusion)

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của công nghệ blockchain đã tạo ra một loại “tài sản mới” mang tên “tiền ảo”. Sự phát triển ngày một nhanh và mạnh của loại tài sản này đã gây ra những khó phăn pháp lý nhất định đối với hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Gần 20 năm quan sát, theo dõi sự phát triển của tiền ảo kể từ thời điểm xuất hiện, đã đến lúc Việt Nam cần ban hành quy chế pháp lý để quản lý tiền ảo. Các nhà lập pháp Việt Nam có thể ban hành ngay khung pháp lý quản lý tiền ảo hoặc có thể tiến hành các giai đoạn như gợi ý của tác giả. Điều quan trọng hơn cả là các nhà quản lý cần nhìn nhận rõ bản chất của tiền ảo để có thể ban hành khung pháp lý phù hợp.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

  1. Satoshi Nakamoto. Bitcoin: A peer-to-peer Electronic Cash System, <https://bitcoin.org/bitcoin.pdf>, xem 30/8/2023.
  2. Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre (2017), Bản án số 22/2017/HC-ST về việc khiếu kiện: “Quyết định truy thu thuế”, ngày 21 tháng 9 năm 2017.
  3. Trịnh Kim Chi (2022). Tiền ảo, tài sản ảo vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, < https://tapchinganhang.gov.vn/tien-ao-tai-san-ao-van-nam-ngoai-su-dieu-chinh-cua-phap-luat.htm
  4. European Central Bank (2015). Virtual currency schemes - a further analysis, < https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemesen.pdf
  5. Ngô Huy Cương và cộng sự (2021). Luật tư trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Nguyễn Đình Phước (2020). Tiền ảo có thể được xem là tài sản. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 21 (421), tháng 11/2020, 20-26.
  7. A.Blandin et al (2019). Global Cryptoasset Regulatory Landscape Study. University of Cambridge Faculty of Law Research Paper 23, SSRN Electron J (2019).
  8. Quốc hội Nhật Bản (2009). Đạo luật Dịch vụ Thanh toán Nhật Bản, ban hành ngày 24/6/2009.
  9. Quốc hội Liên bang Đức (2020). Luật Ngân hàng, sửa đổi bổ sung ngày 01/01/2020.
  10. Quốc hội Liên bang Đức (2007). Luật Kinh doanh chứng khoán, ban hành ngày 05/01/2007.
  11. Nghị viện Pháp (2019). Bộ luật Tiền tệ và Tài chính Pháp, ban hành ngày 22/5/2019.
  12. Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (2014). “Thông báo 2014-21”.
  13. Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Hoa Kỳ (2017). Tuyên bố về tiền điện tử và những đợt chào bán xu lần đầu.
  14. Bộ Tài chính Anh quốc (2021), UK regulatory approach to cryptoassets and stablecoins: Consulation and call for evidence.
  15. Phạm Thị Lệ Quyên (2018). Tài sản và phân loại tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, <https://khoaluat.duytan.edu.vn/goc-hoc-tap/tai-san-va-phan-loai-tai-san-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-viet-nam-hien-hanh>, xem 30/8/2023.
  16. Trần Văn Biên, Nguyễn Minh Oanh (2020). Tiền ảo và một số vấn đề pháp lý đặt ra ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 4 (2020), 30-40.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Luật Chứng khoán năm 2019.

Cryptocurrency from the perspective of laws on properties

LLM. Nguyen Thi Hoai

National Economics University

Abstract:

This paper analyzes specific characteristics of property and examines legal views on cryptocurrency in some typical countries that adopt the Common Law and the Civil Law to identify the legal nature of cryptocurrency. Based on the paper’s findings, some suitable legal solutions are proposed.

Keywords: cryptocurrency, property, the Common Law’s traditions, the Civil Law’s traditions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]

Tạp chí Công Thương