Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành Phố Hồ Chí Minh: thực trạng và kiến nghị

TIÊU THỊ TRANG NGÂN - NGUYỄN MINH HƯNG (Sinh viên Khoa Luật - Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính (CCHC) nhà nước. Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là đô thị có sức phát triển mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực CCHC, vì thế, đương nhiên sẽ là địa phương đi đầu xây dựng CQĐT tại Việt Nam. Bài viết chỉ ra thực trạng, những hạn chế, khó khăn mà tổ chức CQĐT tại TP. HCM đang phải đối mặt, từ đó đề xuất các kiến nghị đóng góp cho sự hoàn thiện của mô hình.

Từ khóa: chính quyền đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Tổng quan về chính quyền đô thị

Hiện nay, khái niệm “chính quyền đô thị” vẫn chưa có sự thống nhất trong cộng đồng nghiên cứu quốc tế, do mỗi mô hình CQĐT sẽ mang đặc trưng và điều kiện phát triển riêng của mỗi quốc gia. Nhưng nghiên cứu từ các công trình, quy định pháp luật của các nước, có thể hiểu: CQĐT là một hình thức quản trị tiến bộ của chính quyền địa phương (CQĐP), được tổ chức linh hoạt ở đô thị, hình thành dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau mang đặc điểm, tính chất và phù hợp với xu hướng phát triển của đô thị.

CQĐT có các đặc điểm cơ bản:

Thu gọn cấp chính quyền: CQĐT tại các quốc gia hiện nay được thiết kế theo hướng tinh gọn cấp chính quyền, phổ biến nhất là hình thức tập trung quản lý ở hai cấp chính quyền là cấp thành phố và cấp cơ sở, dưới cấp cơ sở chỉ tổ chức các cơ quan, phòng, ban nhằm phục vụ cho việc thực hiện chức năng và vai trò quản lý của cấp chính quyền này.

Tính tự chủ lớn: Trong tổ chức CQĐT, chính quyền được trao những quyền cần thiết có tính đô thị để nâng cao hiệu quả quản lý mà không chịu sự ràng buộc từ trung ương, nhờ vậy, tính tự chủ của CQĐP ở đô thị sẽ cao hơn so với mô hình CQĐP khác.

Khả năng thích ứng và tính linh hoạt cao trước nhiều vấn đề mới phát sinh từ sự tăng trưởng của đô thị về dân số, kinh tế, xã hội,…

Gắn với chuyển đổi số: Trong bối cảnh CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ, CQĐT ở đô thị đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương vì mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội.

Tính liên thông, đồng bộ cao: Bên cạnh tính liên thông, đồng bộ của cơ sở hạ tầng đô thị, việc thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đã cùng tạo nên sự thống nhất, liên thông, đồng bộ trong một mạng lưới cung ứng dịch vụ công mà không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính.

Vai trò của chính quyền đô thị được cụ thể như sau:

Phát huy tính năng động và khai thác tối đa thế mạnh của đô thị: Quyền tự chủ cho phép chính quyền có quyền tự quyết các quyết định, giải pháp phát triển, biện pháp xử lý các vấn đề phức tạp của đô thị một cách chủ động, nhanh chóng và kịp thời trên cơ sở là các chính sách và pháp luật chung. Nhờ vậy đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực tài chính, con người, vật chất của đô thị.

Thúc đẩy kinh tế phát triển: Thực hiện CQĐT, các địa phương chủ trương tận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh CQĐT để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh… Với quyền tự chủ, nhất là về mặt ngân sách đã giúp cho chính quyền chủ động hơn trong việc quyết định các dự án, chính sách, giải pháp phát triển nền kinh tế đô thị.

Nâng cao năng lực quản trị và chất lượng phục vụ người dân:

Thứ nhất, việc cắt giảm nhân sự giúp chính quyền nghiêm túc tiến hành rà soát, chọn lọc những cá nhân có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, tính chất công việc nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan nhà nước.

Thứ hai, CQĐT đáp ứng nhanh các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính công. Đơn giản hóa thủ tục hành chính cùng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hành chính công đã đóng góp những chuyển biến tích cực cho quá trình xử lý công việc giữa của cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân.

Đáp ứng các nhu cầu phát sinh từ sự tăng trưởng của đô thị: Đứng trước sự tăng nhanh về dân số, kinh tế, xã hội… các nhà hoạch định chính sách sẽ phải nhanh chóng vạch ra lộ trình thích hợp, đáp ứng các nhu cầu phát sinh. Chẳng hạn, các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ đã dựa vào kết quả của các cuộc điều tra dân số để lựa chọn áp dụng mô hình CQĐT phù hợp phục vụ cho công tác quản trị đô thị, dựa trên kết quả điều tra và dự liệu tình hình, chính quyền sẽ có những chính sách phù hợp, kịp thời quan tâm, hỗ trợ các vấn đề về tài chính, việc làm, nhà ở… đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân và sự hoạt động bình thường của đô thị.

Thúc đẩy sự tham gia của các chủ thể trong xã hội:

Nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân, CQĐP ở đô thị đã đẩy mạnh sự tham gia của cơ quan, ban ngành các cấp, tổ chức, người dân vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, để kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình địa phương thông qua các phản ánh; nâng cao chất lượng cho quá trình ra quyết định và giám sát hoạt động của CQĐP. Qua đó thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

2. Tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh

2.1. Pháp luật về mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay, CQĐT được áp dụng tại các thành phố lớn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tiêu biểu có thành phố New York (Hoa Kỳ), thành phố Paris (Pháp) và thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc). Một điểm chung cơ bản giữa các mô hình CQĐT tại các quốc gia này là được thiết kế theo hướng tập trung quản lý ở hai cấp chính quyền.

Còn tại Việt Nam, CQĐT chỉ mới bắt đầu nhận được sự quan tâm tích cực từ sau Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước tại Hội nghị lần thứ 5 BCH TW khóa X. Đến nay, CQĐT đang được triển khai thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng và mô hình CQĐT tại TP.HCM.

CQĐT tại TP. HCM là mô hình chính quyền một cấp theo quy định của Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP.

Cơ cấu tổ chức: Chính quyền thành phố gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố là cơ quan dân cử và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố là cơ quan hành chính do HĐND cùng cấp bầu ra. Đứng đầu UBND thành phố là Chủ tịch UBND thành phố, hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Chính quyền quận, phường không là cấp chính quyền, gồm UBND quận, phường thực hiện chức năng quản lý, Chủ tịch UBND quận, phường sẽ do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm, hoạt động theo nguyên tắc thủ trưởng.

Nhiệm vụ và quyền hạn: Đối với chính quyền thành phố, ngoài thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật Tổ chức CQĐP thì cấp chính quyền này còn được trao những quyền mang đặc điểm, tính chất của đô thị. Vai trò, trách nhiệm của HĐND thành phố tăng lên do đồng thời cùng thực hiện chức năng giám sát đối với các hoạt động của UBND thành phố và UBND quận, phường.

Đối với các quận, phường, Nghị quyết số 131/2020/QH14 đã xác lập lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở những nơi này. Chính quyền các quận, phường có ít nhiệm vụ, quyền hạn hơn, song vai trò, trách nhiệm được nâng lên không ít do không tổ chức HĐND quận, phường.

Quyền dân chủ, quyền tiếp cận thông tin: Không tổ chức HĐND quận, phường, chính quyền quận, phường vẫn đảm bảo thực hiện dân chủ như trước đây, đồng thời tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân vào quá trình ra quyết định đối với các vấn đề quan trọng bằng nhiều cách thức: thông qua các Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch quận, phường với nhân dân trước kỳ họp thường kỳ của HĐND TP.HCM về tình hình của quận, phường và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng của người dân; thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; thông qua các cổng thông tin để thể hiện ý chí, nguyện vọng, thực hiện quyền làm chủ, giám sát các hoạt động của chính quyền tại địa phương mình.

Các thông tin được thảo luận trong Hội nghị đối thoại với nhân dân ở quận, phường và kết luận các cuộc họp của UBND được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân biết, thực hiện.

Phân cấp ngân sách: Ngay khi TP.HCM thực hiện CQĐT, chính quyền quận, phường đã không còn cấp ngân sách độc lập mà trở thành các đơn vị dự toán ngân sách cho chính quyền thành phố, làm cơ sở để HĐND thành phố quyết định dự toán thu - chi ngân sách hằng năm của thành phố.

Bằng sự kế thừa và tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, Việt Nam đã thiết kế và xây dựng mô hình CQĐT cho riêng mình, đưa TP. HCM trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước đi đầu thực hiện mô hình quản trị mới này. Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP đã góp phần hoàn thiện thể chế về CQĐT, tạo động lực, cơ hội phát triển mới cho TP.HCM đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, vai trò của thành phố trong tình hình mới.

2.2. Thực trạng áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được như: bộ máy CQĐP được thu gọn đến mức tối đa; hạn chế trùng lặp chức năng, thẩm quyền giữa các cấp; đảm bảo được tính thống nhất, chặt chẽ của nội dung chỉ đạo được triển khai đến các địa phương; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng nhanh các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo thực hiện dân chủ cơ sở, quyền tiếp cận thông tin của người dân… mô hình CQĐT tại TP.HCM còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, cụ thể như sau.

Cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường:

Cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường chưa có sự thống nhất trong các quy định của pháp luật. Hiện nay, những người làm việc trong UBND quận, phường, kể cả những người giữ chức vụ lãnh đạo đều là công chức, tuy nhiên, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định cơ cấu của UBND quận bao gồm chức danh Trưởng Công an quận và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự quận; cơ cấu của UBND phường bao gồm chức danh Trưởng Công an phường. Tuy nhiên, Nghị quyết số 131/2020/QH14 lại không quy định các chức danh này trong cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường. Ngoài ra, Luật Cán bộ, công chức hiện nay cũng không ghi nhận các chức danh nói trên thuộc các chức danh của công chức cấp huyện và cấp xã.

Năng lực quản trị của chính quyền địa phương: UBND phường là cơ quan đảm bảo cho sự gắn kết giữa nhân dân với chính quyền nên đòi hỏi tổ chức CQĐP ở phường phải mạnh, tuy nhiên do hoạt động theo nguyên tắc thủ trưởng, thêm vào đó, Chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm quản lý toàn diện mọi hoạt động của UBND phường (Điều 21 Nghị định số 33/2021/NĐ-CP) nên đã tạo ra áp lực lớn cho người đứng đầu các phường - nơi thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Công tác tinh giản biên chế hiện nay còn mang tính hình thức là chủ yếu, khiến năng lực của công chức nói chung hoạt động tại các quận, phường chưa tương xứng trong từng vị trí, chức vụ. Tuy đã giảm được về mặt số lượng, nhưng với quy định biên chế công chức trên địa bàn các phường bình quân là 15 người (Điều 29 Nghị định số 33/2021/NĐ-CP) đã khiến cho việc phân bổ công chức cho mỗi phường chưa được hợp lý: dân số và điều kiện phát triển của các phường là khác nhau nhưng nơi có dân số đông, khối lượng công việc nhiều nhưng lại phân bổ ít công chức và ngược lại. Điều này đã hạn chế năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của bộ máy CQĐP.

Một nhân tố quan trọng nữa là do chế độ đãi ngộ hiện nay đối với nhóm đối tượng này chưa thực tế nên bị hạn chế trong việc giữ chân và thu hút nhân tài tham gia, gắn bó lâu dài với khu vực công.

Phân cấp ngân sách: Tuy đã tự chủ về mặt ngân sách, nhưng nhìn từ góc độ thực tiễn, việc quản lý, sử dụng nguồn lực này vẫn có rất nhiều điểm bất cập, là rào cản cản trở hiệu quả hoạt động của TP. HCM.

Thứ nhất, theo Luật Ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp CQĐP (khoản 2 Điều 6). Như vậy, ngay khi TP. HCM thực hiện CQĐT, chính quyền thành phố là một cấp ngân sách độc lập, các quận, phường trở thành các đơn vị dự toán ngân sách chứ không còn đóng vai trò là cấp ngân sách, dự toán ngân sách hằng năm của các quận, phường sẽ do HĐND thành phố quyết định. Hạn chế này đã làm cản trở tính chủ động và khả năng phản ứng linh hoạt của chính quyền quận, phường khi phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố nếu khoản chi nằm ngoài dự toán.

Thứ hai, quận, phường là nơi thường phát sinh chi có tính đột xuất, nhưng các khoản chi đó lại khó có thể được dự kiến trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách hàng năm. Thêm vào đó các quận, phường không có nguồn ngân sách kết dư, nguồn dự phòng, mà các nguồn này đều nộp về cho thành phố nên trong trường hợp phát sinh các khoản chi nằm ngoài dự toán thì phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, qua nhiều thủ tục xin giải ngân phức tạp, dẫn đến tình trạng địa phương dễ rơi vào trạng thái thụ động.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước:

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính nhà nước của TP.HCM còn nhiều bất cập khiến cho chất lượng cung ứng dịch vụ công chưa được đảm bảo và chưa đạt kết quả như mong đợi, những biểu hiện thường thấy đó là tình trạng treo máy, nghẽn mạng, hệ thống báo lỗi, bảo trì kỹ thuật khi truy cập, cập nhật thông tin lên hệ thống, hoặc khi quá tải số lượng người truy cập… Thêm vào đó, các ứng dụng, trang thông tin của thành phố hiện nay còn “phân mảng”, chưa có sự thống nhất trên một hệ thống dùng chung cho toàn thành phố.

3. Kiến nghị

Nhằm đóng góp cho sự hoàn thiện của mô hình CQĐT tại TP. HCM, ngoài những nội dung đang được Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi (về bất cập trong các chức danh thuộc UBND quận, phường; phân bổ biên chế công chức phường), bài viết đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát.

Đối với UBMTTQVN tại quận, phường: Hiện nay, UBMTTQVN có 2 chức năng nổi bật là thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, quyền hạn của UBMTTQVN còn bị giới hạn trong phạm vi giám sát, phản ánh và kiến nghị. Do đó, cần tăng cường quyền hạn, mở rộng phạm vi hoạt động của UBMTTQVN ở cơ sở, vì đây là tổ chức đại diện, đứng trên lập trường của nhân dân để bảo vệ cho quyền và lợi hợp pháp của nhân dân, đóng góp quan trọng cho việc đảm bảo thực thi dân chủ ở quận, phường.

Đối với người dân: Để thúc đẩy sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, cần tăng cường và hoàn thiện cơ chế giám sát của người dân đối với người đứng đầu các quận, phường; tăng cường các Hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa chính quyền với người dân; hoàn thiện cơ chế phản hồi các phản ánh, kiến nghị qua các kênh thông tin.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công chức, công vụ và chính sách thu hút nhân tài.

Cần thiết phải xây dựng lực lượng công chức quận, phường chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ và phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông qua hoạt động tiếp tục chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, nhất là kỹ năng hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chủ trương tinh giản biên chế từ cấp cơ sở.

Xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp với từng vị trí, với khối lượng công việc mà họ đảm nhận là một chính sách quan trọng để đảm bảo mức sống, đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần, chính sách này là động lực để họ thực hiện tốt các nhiệm vụ và quan trọng hơn hết là để thu hút nhân tài tham gia vào khu vực công.

Thứ ba, trao cho các quận, phường quyền quản lý, khai thác và sử dụng nguồn kết dư, nguồn dự phòng như cấp ngân sách.

Ngay khi Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP có hiệu lực, thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách của các quận, phường thuộc về HĐND thành phố, điều này làm giảm tính năng động, chủ động của địa phương đối với các vấn đề yêu cầu cần phải có nguồn tiền đảm bảo cho việc giải ngân nhanh chóng, xử lý kịp thời. Do đó, cần thiết trao cho chính quyền các quận, phường có quyền quản lý, khai thác và sử dụng nguồn kết dư, nguồn dự phòng của địa phương như cấp ngân sách thay vì phải nộp toàn bộ các khoản nói trên cho HĐND thành phố.

Thứ tư, thúc đẩy công nghệ số trong nền hành chính công.

Cần phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng cơ chế phát hiện và khắc phục kịp thời lỗi phát sinh trong quy trình vận hành các ứng dụng, phần mềm, cổng thông tin điện tử; cần số hóa dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý hành chính và nghiên cứu tích hợp chúng lên một hệ thống dùng chung, thống nhất cho cả chính quyền và người dân thành phố.

4. Kết luận

Mô hình CQĐT là một mô hình quản trị còn tương đối mới đối với nước ta, tuy vậy, đây là xu hướng tất yếu và trong tương lai các địa phương sẽ tiếp cận, nghiên cứu và thiết kế mô hình CQĐT. Vì vậy, với vị thế và vai trò là địa phương luôn tiên phong đi đầu trong công cuộc CCHC nhà nước nói chung và xây dựng CQĐT nói riêng, TP. HCM cần thiết đẩy mạnh nghiên cứu điều chỉnh, xây dựng tầm nhìn cho mô hình này, để mô hình CQĐT TP. HCM sẽ là bài học kinh nghiệm cho những địa phương đang ấp ủ thực hiện quản lý hiện đại, hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Luật số 83/2015/QH13: Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015.
  2. Chính phủ (2021). Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Thanh Tuyền (2022). Thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM: Cần nhanh chóng xây dựng dữ liệu chung của thành phố, <https://ttbc-hcm.gov.vn/thuc-hien-chinh-quyen-do-thi-tai-tphcm-can-nhanh-chong-xay-dung-he-thong-du-lieu-chung-cua-tp-30739.html>.
  4. Tú Giang, (2022), Tháo dỡ vướng mắc trong tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố, <https://dangcongsan.vn/phap-luat/thao-go-vuong-mac-trong-to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-3-thanh-pho-623771.html>.
  5. Davey, K. J. (1993). Elements of urban management. The World Bank.

The development of urban governance model in Ho Chi Minh City: Current situation and recommendations

Tieu Thi Trang Ngan1

Nguyen Minh Hung1

1Student, Faculty of Law, Ho Chi Minh City Open University

Abstract:

Developing the urban governance is one of the important tasks of Vietnam’s state administrative reform. Ho Chi Minh City is the most dynamic metropolitan area of Vietnam with strong development potential. The city also is the leading locality in building the urban governance in Vietnam. This paper points out the current situation, limitations and difficulties of building the urban governance in Ho Chi Minh City. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to support the city improve its urban governance model. 

Keywords: urban governance, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]