Tổng Công ty Việt Thắng (TVT): Thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 25%

Tổng Công ty Việt Thắng sẽ thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 25% vào ngày 23/6 tới đây. Đây là một trong những doanh nghiệp dệt may lâu đời nhất Việt Nam và có lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm.
Tổng Công ty Việt Thắng
 Tổng Công ty Việt Thắng là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may niêm yết có mảng sản xuất vải, đây sẽ là lợi thế của doanh nghiệp để tận dụng tối đa Hiệp định EVFTA.

Ngày 23/6 tới đây, Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP (mã cổ phiếu: TVT – sàn: HoSE) sẽ tiến hành thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, tương đương cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu TVT sẽ được nhận 2.500 đồng. Với 21 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Tổng Công ty Việt Thắng cần chi gần 53 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này cho cổ đông. 

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, trong quý 1/2023 vừa qua, Tổng Công ty Việt Thắng ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 383 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 3,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 89% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong năm nay, Tổng Công ty Việt Thắng đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 30% so với mức thực hiện của năm 2022; và dự kiến cổ tức năm 2023 ở mức từ 10% - 15%. Như vậy kết thúc quý 1/2023, doanh nghiệp hoàn thành 32% mục tiêu doanh thu nhưng mới chỉ hoàn thành 7% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Tổng Công ty Việt Thắng, trong thời gian tới, công ty sẽ tập trung vào khâu sản xuất vải thành phẩm, ổn định chất lượng khâu in nhuộm và hoàn tất để nâng cao hiệu quả kinh doanh và gia tăng lợi nhuận; tập trung phát triển mảng vải dệt thoi vốn là thế mạnh của công ty, tăng cường sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường như bông organic, bông BCI, xơ tái chế,….

Tổng Công ty Việt Thắng là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, được xây dựng từ năm 1960, chuyên sản xuất sợi, dệt và in nhuộm, hoàn tất vải. Đây là một trong những công ty có lịch sử hoạt động lâu đời nhất trong lĩnh vực dệt may ở Việt Nam.

Đáng chú ý, ngoại trừ năm 2011 (trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 5%), công ty có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn qua các năm với tỷ lệ từ 10% - 20%, cá biệt lên đến 100% vào năm 2018.

Tổng Công ty Việt Thắng chuyên sản xuất (phương thức FOB cấp 1) và gia công (phương thức CMT) các loại áo sơ mi, quần tây, áo jacket cho các thương hiệu: Pierre Cardin, Tommy Hilfiger, Perry Ellis, Ralph Lauren, Calvin Klein,..., thị trường xuất khẩu chủ lực là Hoa Kỳ và EU. Doanh thu xuất khẩu thường chiếm trên 95% tổng doanh thu của công ty.

Đặc biệt, công ty là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may niêm yết có mảng sản xuất vải, đây sẽ là lợi thế của doanh nghiệp để tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Cụ thể, theo quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA, để được hưởng ưu đãi thuế quan các doanh nghiệp may phải sử dụng vải của Việt Nam hoặc EU hoặc một nước thứ ba có ký kết hiệp định thương mại tự do với cả Việt Nam và EU (như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước ASEAN).

Xét về cơ cấu cổ đông, cập nhật đến ngày 18/06/2023, cổ đông lớn nhất của Tổng Công ty Việt Thắng là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sở hữu 46,9% cổ phần. Vinatex nắm giữ cổ phần chi phối và trực tiếp tham gia vào việc đặt kế hoạch kinh doanh hàng năm cho Tổng Công ty Việt Thắng.

Nhóm cổ đông lớn thứ hai là Công ty TNHH Tường Long với tỷ lệ sở hữu là 5,1% cổ phần, công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các loại vải, đặc biệt là vải denim và vải kaki. Nhóm cổ đông lớn thứ ba là các thành viên trong Hội đồng quản trị với tỷ lệ sở hữu từ 1% đến 3,6%.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch 16/6, cổ phiếu TVT của Tổng Công ty Việt Thắng đạt 20.850 đồng/cổ phiếu.

Quỳnh Trang