Trung Quốc tiếp tục giảm lãi suất nhằm vực dậy tăng trưởng

Ngày 20/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục giảm 10 điểm cơ bản đối với 2 loại lãi suất điều hành quan trọng nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng khi rủi ro giảm tốc đối với nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn hơn.
Trung Quốc giảm lãi suất kích thích kinh tế
PBoC liên tục giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh rủi ro giảm tốc đối với nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lớn hơn. Trong tháng 5 vừa qua, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục 20,8%. (Ảnh: CNN)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm và kỳ hạn 5 năm. Theo đó, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm giảm từ 3,65% xuống 3,55% và giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm giảm từ 4,3% xuống 4,2%. Trong tuần trước, PBoC đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống mức 1,9% và hạ lãi suất đối với các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm đối với một số tổ chức tài chính xuống mức 2,75%.

Đây là những động thái mới nhất của Trung Quốc trong nỗ lực duy trì đà tăng trưởng của nước này. Các dữ liệu kinh tế tháng 5 vừa qua của Trung Quốc đều thấp hơn kỳ vọng, cho thấy đà tăng trưởng đang suy yếu rõ rệt và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với rủi ro giảm phát ngày càng lớn hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục 20,8%.  

Nhận định về hành động của PBoC, một số nhà phân tích đánh giá việc ngân hàng trung ương này giảm lãi suất với mức độ thấp sẽ không có hiệu quả. Hai chuyên gia phân tích kinh tế Julian Evans-Pritchard và Zichun Huang thuộc hãng nghiên cứu Capital Economics (Anh) cho biết “Trên thực tế, việc giảm 10 điểm cơ bản lãi suất là một động thái quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với các điều kiện tiền tệ, nhất là khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc hiện đã thấp hơn lãi suất điều hành của PBoC”.

Trước đó, khảo sát của hãng tin Reuters đối với các chuyên gia kinh tế học cho thấy thị trường kỳ vọng PBoC sẽ giảm ít nhất 15 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm. Đồng thời, một số chuyên gia lo ngại việc Chính phủ Trung Quốc càng chậm trễ triển khai các biện pháp kích thích kinh tế thì nguy cơ suy giảm tăng trưởng sẽ càng lớn hơn.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy việc giảm lãi suất thường là tín hiệu báo trước PBoC sẽ sử dụng các công cụ có mức tác động sâu rộng hơn như điều chỉnh mức dự trữ bắt buộc hoặc phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng nước này. Do đó, một số nhà phân tích cho rằng PBoC sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới.

Cuối tuần trước, nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới gồm tập đoàn Nomura (Nhật Bản), Standard Chartered (Anh), JPMorgan (Hoa Kỳ), UBS (Thuỵ Sĩ) và Bank of America (BofA, Hoa Kỳ) đồng loạt điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ ghi nhận tăng trưởng GDP năm nay ở mức 5,1% - 5,7%, thấp hơn nhiều so với mức 5,5% - 6,3% được nhận định trước đây.

Hãng tin Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế trong thời gian tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Tuy nhiên, giới chức nước này có thể sẽ tập trung vào kích thích nhu cầu tiêu dùng thay vì ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng như các gói kích thích tăng trưởng trước đây. Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng lo ngại việc tung ra các biện pháp kích thích kinh tế có thể khiến gánh nặng nợ của nước này tăng lên.

Quỳnh Trang