Tuyên Quang: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến các sản phẩm OCOP

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Tuyên Quang đã có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, đứng thứ 4 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc.

Tập trung nguồn lực phát triển sản phẩm OCOP

Ngày 02/6/2021, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 (Chương trình OCOP).

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Tuyên Quang có tổng số 230 sản phẩm OCOP; 138/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Tiêu chuẩn hoá 44 sản phẩm đã xếp hạng năm 2020 từ hạng 3 sao lên hạng 4 sao, 5 sao. Phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 07 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm hạng 5 sao). Thực hiện hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh…

Tuyên Quang: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến các sản phẩm OCOP
Tuyên Quang nỗ lực kết nối xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP

Để thực hiện được các mục tiêu của Chương trình, tỉnh đã đề ra một số giải pháp, về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh liên quan đến khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, trọng tâm là: hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn; ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây nhãn hiệu, phát triển hợp tác xã, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Về khoa học và công nghệ, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ. Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Xây dựng các dự án khoa học công nghệ về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP. Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu đối với các sản phẩm OCOP. Áp dụng, ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất, các hộ sản xuất sản phẩm OCOP.

Tuyên Quang: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến các sản phẩm OCOP
Các doanh nghiệp chủ thể được cơ quan Nhà nước hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm

Về xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế, tăng cường công tác phối hợp, hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước về thực hiện Chương trình OCOP. Tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP; tổ chức gặp gỡ, tham quan, chào hàng các sản phẩm OCOP và kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường; nghiên cứu và phát triển thị trường trong nước tiến tới thị trường xuất khẩu; tập trung các thị trường mục tiêu trong từng giai đoạn.

Cũng theo nội dung Kế hoạch, UBND tỉnh Tuyên Quang giao nhiệm vụ cụ thể về tổ chức thực hiện cho các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ của kế hoạch OCOP gắn với lĩnh vực phụ trách của cơ quan, đơn vị. UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết (kế hoạch ý tưởng sản phẩm OCOP, kế hoạch kinh phí thực hiện Chương trình OCOP) theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tiếp tục ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản có lợi thế theo chuỗi giá trị, gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và các chủ thể OCOP trên địa bàn xã về Chương trình OCOP và các cơ chế chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa và thực hiện chương trình OCOP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, chủ động triển khai xây dựng phương án  phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP.

Chương trình được phê duyệt và triển khai thực hiện gắn với việc thành lập Ban chỉ đạo Chương trình OCOP cấp tỉnh, cấp huyện để chỉ đạo, điều hành, điều phối các hoạt động theo nội dung Kế hoạch. Thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và Tổ giúp việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh. Các cấp, các ngành đưa Chương trình OCOP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị để chỉ đạo thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài.

Tuyên Quang: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến các sản phẩm OCOP
Tuyên Quang hiện đứng đứng thứ 4 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc về các sản phẩm OCOP

Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Nhìn lại 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có: 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá). Đây là 1 trong 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương năm 2022, cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng OCOP cấp Quốc gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao.

Tính đến thời điểm hiện tại, các huyện, thành phố trong tỉnh đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Qua đó, thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Nhiều sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đã lọt vào top những sản phẩm “Chất lượng vàng nông nghiệp Việt Nam”, tiêu biểu như: rượu ngô men lá Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, Khau Tinh, cá hồ thủy điện Na Hang, chè Shan tuyết Sinh Long, Hồng Thái; chè đặc sản Vĩnh Tân; chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 thương hiệu/nhãn hiệu nổi tiếng…. Riêng Cam sành Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam.

Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên hăng hái tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên. Các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP từng bước được củng cố, phát triển, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã có trình độ, rất linh hoạt, nắm bắt nhanh nhạy với cơ chế thị trường.

Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP đã được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Tuyên Quang còn nhiều hạn chế. Việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hoá của tỉnh, nhất là hàng hoá tại khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến nông sản

Để tháo gỡ các nút thắt, khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, tại Hội nghị Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng tỉnh Tuyên Quang năm 2023 được tổ chức mới đây, ông Hoàng Anh Cương - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngành Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên tổ chức các chương trình hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Tuyên Quang, tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Tuyên Quang: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến các sản phẩm OCOP
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Tuyên Quang đã có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên

Tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh, tăng cường bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử; Xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích chủ thể mạnh dạn tham gia Chương trình OCOP. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của các sản phẩm do doanh nghiệp không sản xuất hoặc sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn cũng như không có tiềm năng phát triển.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong nước, hướng tới thị trường quốc tế, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng sẽ cần nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tuyên truyền, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn; chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ sản lượng, sản xuất phải tuân thủ quy chân, tiêu chuẩn, chất lượng; các chủ thể OCOP cần phân định rõ các khâu trong xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm (gồm 3 phân khúc sản xuất – chế biến – tiêu thụ). Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, giảm áp lực mùa vụ, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

4 nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang:

(1) Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý các cấp và các chủ thể sản phẩm OCOP;

(2) Phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hoá và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP;

(3) Xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế;

(4) Xây dựng 08 Dự án điểm thực hiện Chương trình OCOP.

Hoàng Hồ