Ứng dụng tư duy phản biện trong đào tạo sinh viên chuyên ngành Kế toán

THS. TRẦN PHƯƠNG THÚY (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Đối với bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào thì khả năng tư duy phản biện cũng rất quan trọng và cần thiết. Bởi vì khả năng suy nghĩ rõ ràng, đưa ra lập luận sắc bén có thể giúp các vấn đề được giải quyết đúng đắn. Điều này đã được thể hiện rõ trước yêu cầu ngày càng gia tăng về kỹ năng tư duy phản biện đối với các kế toán viên. Bài viết đưa ra giải pháp đưa tư duy phản biện vào trong chương trình đào tạo đối với sinh viên chuyên ngành Kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc.

Từ khóa: tư duy phản biện, đào tạo, kế toán, chương trình.

1. Đặt vấn đề

Tư duy phản biện là khả năng xem xét một chủ đề từ mọi góc độ. Nó liên quan đến việc khái niệm hóa, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng thông tin thu được từ kinh nghiệm, quan sát, lý luận hoặc giao tiếp để hiểu đầy đủ lợi ích và hậu quả của một hành động cụ thể. Tư duy phản biện là một thành phần quan trọng của việc giải quyết vấn đề và cần thiết để hiểu đầy đủ vấn đề, sau đó xác định và đánh giá kết quả của các giải pháp khả thi.

Các kỹ năng tư duy phản biện được sử dụng trong kế toán để đánh giá các báo cáo tài chính, áp dụng các thông lệ kế toán với thông tin mới và xác định các giải pháp cho các vấn đề tài chính như không thanh toán, chi trả quá mức hoặc cân đối ngân sách theo các tiêu chuẩn đạo đức thực hành. Do đó, việc ứng dụng tư duy phản biện đưa vào trong đào tạo chuyên ngành Kế toán cho sinh viên là phù hợp với thời đại và cần thiết.

2. Ứng dụng tư duy phản biện trong đào tạo sinh viên chuyên ngành Kế toán

- Khái niệm tư duy phản biện

Tư duy phản biện gồm khả năng vận dụng suy nghĩ độc lập (independent thinking) và suy nghĩ phản chiếu (reflective thinking), có nghĩa là khả năng giữ vững suy nghĩ, lập trường và phản xạ, phản ánh những suy nghĩ trái chiều. Người có tư duy phản biện thường có khả năng hiểu sự gắn kết logic giữa các quan điểm, nhận dạng, phát triển và đánh giá các lập luận, tìm ra những sự không nhất quán và lỗi sai phổ biến trong cách lập luận. Nhờ đó, họ có thể giải quyết vấn đề một cách có hệ thống, nhận dạng sự liên quan và tầm quan trọng của các ý tưởng, xem xét cách lập luận và sự đúng đắn trong quan điểm, niềm tin của người khác.

Một đặc điểm cần lưu ý về tư duy phản biện, đó không chỉ là việc tích lũy, ghi nhớ thông tin. Người có trí nhớ tốt và hiểu biết nhiều chưa chắc có tư duy phản biện tốt nhưng người có tư duy phản biện tốt sẽ có khả năng sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề, suy luận ra hệ quả, đồng thời tìm kiếm những nguồn thông tin liên quan để tăng hiểu biết của mình về vấn đề đó. Tư duy phản biện không phải là thích tranh cãi, chỉ trích người khác hay vạch trần những thiếu sót và sai lầm trong lập luận. Những kỹ năng này, về mặt tích cực, giúp chỉ ra những điểm thiếu sót, các khía cạnh khác nhau giúp mọi người hiểu rõ vấn đề bằng những lập luận quan trọng, đưa ra góp ý mang tính xây dựng. 

Có 2 loại tư duy phản biện phổ biến cần cho sinh viên, đó là:

+ Tư duy phản biện tự điều chỉnh: tư duy phản biện tự điều chỉnh là quá trình bản thân tự tranh luận với những quan điểm của chính mình trong nội tâm. Trước một vấn đề nào đó, mỗi người đều sẽ có những suy nghĩ riêng và ý kiến chủ quan, những ý kiến đó có thể đúng, hoặc sai. Và người có tư duy phản biện tự điều chỉnh sẽ tự mình đánh giá, phản bác lại các ý kiến đó để tự hoàn thiện và đưa ra ý kiến phản biện mà bản thân cảm thấy hoàn chỉnh nhất. 

+ Tư duy phản biện ngoại cảnh: tư duy phản biện ngoại cảnh là việc đưa ra những ý kiến, suy nghĩ khách quan bản thân cho là đúng đắn để phản biện với những ý kiến sai lệch về vấn đề. Trong bất kỳ một cộng đồng, tập thể nào thì mỗi cá thể cũng sẽ có cách suy nghĩ, lập luận khác nhau. Từ đó, xuất hiện nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều, có ý kiến đúng và có ý kiến sẽ lệch đi so với chân lý.

- Những yêu cầu đối với kế toán viên về tư duy phản biện

Các tổ chức chuyên nghiệp cung cấp chứng chỉ cho các kế toán viên cũng yêu cầu tư duy phản biện trong các khung chỉ số kiểm tra của họ. Đối với kỳ thi Kế toán Công chứng (CPA) của Hoa Kỳ, AICPA (2018) xác định các nhiệm vụ cần thực hiện trong mỗi phần trong số 4 phần kiểm tra chuyên môn. Sau đó, đối với mỗi nhiệm vụ, AICPA liên kết nội dung của nhiệm vụ với 1 cấp độ kỹ năng phải được chứng minh trong kỳ thi. Kỳ thi CPA không kiểm tra cấp độ kỹ năng cao nhất (Sáng tạo) và 2 cấp độ thấp nhất (Ghi nhớ và Thông hiểu) thường được xem là yêu cầu thể hiện kiến ​​thức của thí sinh nhưng không phải tư duy phản biện. Do đó, chỉ có 2 cấp độ kỹ năng của tư duy phản biện là Đánh giá và Phân tích được kiểm tra trong kỳ thi CPA.

Có 7 lĩnh vực kỹ năng hoặc chỉ số đã được Hiệp hội Kế toán Công chứng (ACCA) phát triển và giới thiệu vào năm 2017 thông qua Báo cáo Nghiên cứu Tương lai ACCA nêu bật những yếu tố cần thiết cho sự phát triển của nghề này. Mô hình độc đáo này thể hiện những kỹ năng và phẩm chất cần có của một kế toán viên chuyên nghiệp. Đây là quá trình liên tục gia tăng giá trị cho nhà tuyển dụng và khách hàng, do đó, các kế toán viên chuyên nghiệp trong tương lai cần có sự kết hợp tối ưu và thay đổi giữa các năng lực chuyên môn bằng cách thực hành các phương pháp tư duy phản biện.

Hội đồng Tiêu chuẩn Giáo dục Kế toán Quốc tế (IAESB) ban hành các tiêu chuẩn giáo dục và các nguồn lực khác được các cơ quan thành viên IFAC (Liên đoàn Kế toán Quốc tế) khác nhau sử dụng để xác định trình độ đầu vào của kế toán viên và các yêu cầu phát triển nghề nghiệp một cách liên tục. IAESB xác định 3 loại kỹ năng tổng thể, bao gồm kỹ năng chuyên sâu phải được tích hợp với kiến thức kỹ thuật để đạt được năng lực chuyên môn. Các kỹ năng chuyên môn được chia nhỏ thành 4 loại, trong đó kỹ năng trí tuệ có liên quan chặt chẽ đến tư duy phản biện.

CPA Canada sử dụng một cách tiếp cận khác trong bản đồ năng lực cho kỳ thi Kế toán Chuyên nghiệp (CPA). Đầu tiên, năng lực được phân tách giữa 2 loại chính: kỹ thuật và hỗ trợ (CPA Canada, 2020). 7 loại năng lực tạo điều kiện cho phép kế toán thể hiện đầy đủ các năng lực kỹ thuật. Mỗi năng lực hỗ trợ kết hợp ít nhất một số mô tả được liên kết chặt chẽ nhất với tư duy phản biện có tiêu đề “Giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định”.

3. Giải pháp đưa tư duy phản biện vào giảng dạy chuyên ngành Kế toán

- Về chương trình học

Đối với khối kiến thức cơ sở ngành gồm có các môn tiêu biểu như: Nguyên lý kế toán, Nguyên lý thống kê kinh tế. Vì là khối kiến thức đầu tiên trong chương trình giảng dạy, nên mục tiêu của chương trình là bắt đầu phát triển thành phần cảm xúc, khả năng cần thiết cho tư duy phản biện. Bước đầu tiên, nguyên tắc giảng dạy có thể tập trung vào việc "hoan nghênh các quan điểm khác nhau". Điều này có thể được thực hiện theo một số cách. Giảng viên đưa ra các trường hợp cụ thể cơ bản, trò chơi hóa hoặc đóng vai mô phỏng các xung đột kế toán hoặc các tình huống đạo đức khó xử mà kế toán viên phải đối mặt. Các tình huống này giúp sinh viên nhận thấy có nhiều cách để giải quyết. Để tăng cường việc thảo luận nhóm, các nhóm có thể được sử dụng để xác định các quan điểm và thảo luận về giá trị của mỗi quan điểm bằng cách khuyến khích sinh viên tham gia thảo luận và khám phá giá trị của các quan điểm thay thế nhau, thay vì chỉ tập trung vào vị trí được giảng viên phân công. Những công cụ giảng dạy trên có thể được sử dụng trong các lớp học để xây dựng kỹ năng tư duy phản biện, giúp sinh viên giải quyết các vấn đề kế toán phức tạp trong và ngoài lớp học. Ở giai đoạn phát triển trí tuệ này, sinh viên cũng phải có khả năng phát triển thành phần hành vi "sử dụng chính xác”. Việc giảng dạy thuật ngữ kế toán có thể trở nên thú vị và hiệu quả hơn bằng cách sử dụng tình huống cơ bản làm nổi bật các khái niệm kế toán quan trọng, chẳng hạn như thu thập và xử lý thông tin, giúp sinh viên nhập môn làm quen với các khái niệm kế toán quan trọng trong khi vẫn phát triển được khả năng đánh giá về bản chất “mơ hồ” của các vấn đề kế toán trong đời sống thực.

Đối với khối kiến thức chuyên ngành. Trái ngược với khối kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành có xu hướng tập trung vào ít chủ đề hơn, nhưng chi tiết hơn. Việc tăng cường tập trung vào các chủ đề riêng lẻ cho phép sinh viên theo đuổi các vấn đề từ các quan điểm đa phương diện. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sau giai đoạn thành phần tình cảm "nhận ra thành kiến ​​cá nhân" sang thành phần nhận thức liên quan "chống lại sự tổng quát hóa quá mức".

Các môn Kế toán quản trị hay Kế toán tài chính dạy cho sinh viên các phương pháp, thuật toán phục vụ cho việc giải quyết các vấn đề quản trị. Nhiều vấn đề trong các môn chuyên ngành phù hợp để cung cấp cho sinh viên yếu tố "sửa đổi các phán đoán dựa trên thông tin mới". Mô hình hóa quá trình tư duy phản biện có thể hữu ích trong trường hợp này. Giảng viên có thể để sinh viên trình bày vấn đề và diễn đạt bằng lời nói quá trình suy nghĩ của họ cho đến phần giải pháp trong khi giảng viên và các sinh viên khác đặt câu hỏi để tạo điều kiện và làm rõ.

Đối với khối kiến thức ngành. Giai đoạn này giảng viên sẽ đưa ra các tình huống trong đó tồn tại nhiều giải pháp thay thế sẽ đặc biệt hữu ích. Các nhóm học tập có thể được khuyến khích nhận thức thành phần "tư duy độc lập". Những sinh viên ngại chia sẻ ý kiến ​​của mình với cả lớp có thể có xu hướng nói lên ý kiến ​​của mình trong các nhóm nhỏ. Khi đã thử, sinh viên có thể thoải mái hơn khi chia sẻ suy nghĩ của mình với cả lớp, do đó thúc đẩy một môi trường có nhiều người cùng chia sẻ. Một cách tiếp cận khác để khuyến khích “tư duy độc lập” là chỉ định các báo cáo ngắn và yêu cầu sinh viên viết báo cáo 2 hoặc 3 đoạn, các đoạn đầu tiên là đánh giá về bài báo, đoạn cuối là một bài phát biểu ý kiến của sinh viên. Yêu cầu bày tỏ ý kiến sẽ khuyến khích "suy nghĩ độc lập" và cải thiện cuộc thảo luận trong lớp sau đó.

- Về sinh viên

Để có thể rèn luyện tư duy phản biện, sinh viên ngành Kế toán cần từ bỏ những thói quen tư duy cũ và rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mới. Đây là một quá trình cần thực hiện thường xuyên từng ngày và vận dụng liên tục trong quá trình học tập. Theo đó, sinh viên cần:

Thứ nhất, từ bỏ thói quen nhìn nhận vấn đề một cách vội vàng, không nhìn thấu được bản chất bên trong. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tư duy phản biện vì sinh viên không thể suy nghĩ logic, thấu hiểu và đưa ra những lập luận đúng đắn. Để loại bỏ rào cản này, sinh viên phải học cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều hướng, đối mặt với nó, suy nghĩ thận trọng để tìm ra phương pháp tốt nhất để giải quyết những tình huống trong cuộc sống lẫn trong nội dung học. Đồng thời, việc tập luyện cách làm này thường xuyên để biến nó thành một trong những thói quen tư duy.

Thứ hai, từ bỏ sự bảo thủ vì đây là nguyên nhân cản trở khả năng tư duy phản biện. Người bảo thủ luôn từ chối lắng nghe, từ chối tiếp thu và luôn cho rằng suy nghĩ, lập luận của mình là đúng. Điều này khiến cho nhiều buổi trò chuyện tâm sự có thể biến thành cuộc tranh cãi nảy lửa. Bảo thủ không xấu nhưng bảo thủ sẽ khiến bạn cô lập mình với thế giới xung quanh, đắm chìm trong tư duy sai lệch và không tiến bộ được. Vì thế, khi gặp bất cứ vấn đề gì, đừng khăng khăng cho rằng mình đúng, hay suy nghĩ theo nhiều chiều hướng khác nhau để phát triển tư duy phản biện.

Thứ ba, phải tích cực trau dồi kiến thức và đưa ra kết luận dựa trên sự phân tích khách quan. Trong quá trình tư duy phản biện hoặc kể cả khi làm việc nhóm, sinh viên có thể sẽ gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trước những phản bác đó, sinh viên cần phân tích lại vấn đề một lần nữa theo hướng thực tế, không bị chi phối bởi suy nghĩ của người khác hay của chính bản thân. Khi xem xét sự việc và đưa ra kết luận dựa trên thực tế thì khi triển khai ý tưởng sẽ không gặp quá nhiều khó khăn. Kể cả sau khi đã đưa ra những ý kiến và nhận định riêng, sinh viên cũng nên xem xét lại vấn đề nhiều lần, lật lại vấn đề từ nhiều khía cạnh khác. Điều này giúp bổ sung những ý quan trọng hoặc tìm ra lỗ hổng của những suy nghĩ, lập luận trước đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Association of International Certified Professional Accountants (AICPA), (2018), The AICPA Pre-Certification Core Competency Framework. https:// thiswaytocpa.com/collectedmedia/files/core-competency-framework.pdf (accessed April 5, 2021).
  2. CPA Canada, (2020), The Chartered Professional Accountant competency map: Understanding the competencies a candidate must demonstrate to become a CPA. https://www.cpacanada.ca/en/become-a-cpa/why-become-a-cpa/the-cpa-certification-program/the-cpa-competency-map
  3. Craig, R., & Amernic, J. (1994, Spring). Roleplaying in a conflict resolution setting: description and some implications for accounting. Issues in Accounting Education, 9, 28-44.

 Integrating the critical thinking skills into the accounting training program for students

Master. Tran Phuong Thuy

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Critical thinking plays an important and necessary role in any profession or field as the ability to think clearly and rationally can resolve problems properly. The demand for accountants with critical thinking skills is increasing. This paper proposes a solution to integrate the critical thinking skills into the accounting training program for students to meet the job requirements.

Keywords: critical thinking, training, accounting, program.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương