Vải không hạt Việt Nam lần đầu ra mắt thị trường Anh

Lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam vừa ra mắt tại thị trường Anh, trở thành quả đặc sản Việt Nam thứ 4, sau bưởi đỏ Tân lạc, bưởi Diễn Yên Thủy và cam Cao Phong (Hòa Bình) được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này trong năm 2023.
vải không hạt ra mắt thị trường Anh
Lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam vừa ra mắt tại thị trường Anh

Theo quy trình này, toàn bộ quá trình từ lúc xuất hàng tại vườn ở Việt Nam đến khi bày bán sản phẩm tại Anh chỉ kéo dài 36 giờ, gồm thời gian đóng gói hàng và vận chuyển từ Việt Nam, thông quan và phân phối đến nhà bán lẻ ở Anh.

Lô vải không hạt lần này được thu hoạch và đóng gói ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vào chiều tối ngày 14/6 và giữ lạnh trong 36-48 tiếng. Lô hàng hoàn thành thủ tục kiểm dịch bay tại sân bay Nội Bài và vận chuyển trên chuyến bay thẳng Hà Nội-London của Hãng hàng không Vietnam Airlines đến London chiều ngày 15/6 theo giờ địa phương. Sau đó, hàng được thông quan và về kho của TT Meridian vào sáng 16/6.

Kết quả kiểm định chất lượng cho thấy sản phẩm có vị ngọt đặc trưng của vải thiều, cùi mọng, giòn và đặc biệt là không có hạt, phù hợp với người tiêu dùng Anh và châu Âu. Ưu điểm lớn nhất là quả không hạt đáp ứng được những thị trường xuất khẩu cao cấp nhất. Thuận lợi nữa là cây vải không sâu cuống, quả mọng nước, cần ít công chăm sóc mà rất kinh tế. 

Lô vải không hạt nói trên do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm-Sông Âm trồng tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa) và được công ty TT Meridian nhập khẩu vào Anh. TT Meridian là doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh.

Mặc dù giá bán lẻ vải không hạt vào khoảng 16-18 bảng Anh/kg (khoảng 480.000-540.000 VND) và cao hơn vải thường từ 3-4 bảng Anh nhưng công ty vẫn quyết định thử nghiệm nhập loại trái cây đặc sản này để đánh giá nhu cầu thị trường, sau khi đã có kết quả kiểm định chất lượng cho thấy sản phẩm có vị ngọt đặc trưng của vải thiều, cùi mọng, giòn và đặc biệt là không có hạt, phù hợp với người tiêu dùng Anh và châu Âu.

Anh là một thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng nông sản song cũng rất cởi mở với các tiến bộ và phát minh mới trong nông nghiệp. Người tiêu dùng Anh không ngại thử các loại quả và giống quả mới, mặc dù giá có thể cao hơn đôi chút so với các giống thông thường. Nếu chất lượng và mức giá của vải không hạt Việt Nam được thị trường Anh đón nhận, công ty TT Meridian sẽ nhập khoảng 1 tấn quả mỗi tuần trong tháng 6 và tháng 7, thời điểm vào mùa vải thiều ở Việt Nam.

chăm sóc vải không hạt
Vải không hạt Ngọc Lặc được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGA

Vải không hạt Ngọc Lặc được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, đạt chứng chỉ hữu cơ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản, Canada, châu Âu…

Đây là giống vải nhập khẩu từ Nhật Bản, được công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo và trồng thử nghiệm từ năm 2019 tại huyện Ngọc Lặc trên diện tích khoảng 30ha. Năm nay là năm đầu tiên vải được thu hoạch với sản lượng ước đạt trên 20 tấn.

Thực hiện đề án cây ăn quả của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, sau khi nghiên cứu được giống vải không hạt từ nước ngoài, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã phối hợp với Công ty Hồ Gương - Sông Âm và Viện Di truyền nông nghiệp trồng thử nghiệm diện tích 30ha trên địa bàn của xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc.

Theo báo cáo kết quả đánh giá, khảo nghiệm giống vải không hạt bước đầu của Công ty Sông Âm và Viện Di truyền Nông Nghiệp, sau hơn 4 năm trồng thử nghiệm, bước đầu cho thấy, vải không hạt cho kết quả khả quan, sinh trưởng, phát triển tương đồng với vải thiều bản địa, cây sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh.

Thời gian tới ngành nông nghiệp Thanh Hóa sẽ cùng với công ty và các đơn vị liên quan cùng với Bộ NN-PTNT sẽ khảo sát chọn ra những cây đầu dòng tốt nhất để làm giống, tiếp tục mở rộng trên phần diện tích công ty đang quản lý khoảng 700ha. 

Xuân An