Vai trò của cộng tác viên đối với các tạp chí khoa học

Bài viết "Vai trò của cộng tác viên đối với các tạp chí khoa học" do Dương Thị Thanh Xuân - ThS. Lê Thị Phương Thảo (Trường Đại học Công đoàn) thực hiện.

Tóm tắt:

Đối với các cơ quan báo chí nói chung và các tạp chí khoa học nói riêng, vai trò của đội ngũ cộng tác viên rất quan trọng, từ khâu đầu vào - sáng tạo tác phẩm cho tới khâu đầu ra - phát hành tới công chúng. Với những đặc thù riêng, các tạp chí khoa học càng cần phải xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên tương xứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ chính trị của mình. Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả đánh giá vai trò của cộng tác viên tạp chí khoa học và đưa một số đề xuất nhằm phát huy vai trò của đội ngũ này trong tổ chức và hoạt động của tạp chí khoa học.

Từ khóa: tạp chí khoa học, cộng tác viên, vai trò, báo chí.

1. Khái niệm tạp chí và cộng tác viên tạp chí khoa học

Khái niệm tạp chí

Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: “Tạp chí là dạng xuất bản phẩm định kỳ, có tính chất chuyên ngành, đăng nhiều bài do nhiều người viết, đóng thành tập, thường có khổ nhỏ hơn báo”.

Một nghiên cứu khác khẳng định: “Tạp chí là một loại hình xuất bản phẩm định kỳ, nội dung chú trọng đến việc trao đổi, nghiên cứu, thông tin tuyên truyền nhiều chủ đề thuộc một lĩnh vực, một phạm vi, một ngành hoạt động nào đó của xã hội hơn là thông tin tin tức, phản ánh tình hình và sự kiện chung hoặc của lĩnh vực đó. Tạp chí gần với sách về phương diện nội dung và chuyên đề được đề cập, song khác với sách ở chỗ một tập sách đi sâu vào một hoặc rất ít chủ đề nhưng có độ sâu và tính toàn diện hơn, còn bài viết trong mỗi số tạp chí có thể rất nhiều chủ đề thuộc lĩnh vực mà tạp chí nghiên cứu, tuyên truyền, nhưng mỗi bài chỉ giải quyết một khía của một chủ đề, độ sâu của nghiên cứu, cũng như tính bao quát của các bài viết không đòi hỏi đầy đủ như viết một tập sách. Chính vì vậy, người ta coi tạp chí là dạng xuất bản phẩm nằm giữa sách và báo. Như vậy, Tạp chí là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể, chủ yếu đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực nào đó thuộc phạm vi ngành, địa phương. Định kỳ phát hành của tạp chí thường dài hơn định kỳ phát hành của báo.

Khái niệm cộng tác viên tạp chí khoa học

Cộng tác viên tạp chí khoa học là tất cả nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có bài viết gửi đăng trên tạp chí. Họ không thuộc biên chế và quản lý của tòa soạn. Cộng tác viên được hưởng một số quyền lợi, như: được cộng tác, được tiếp nhận phản hồi của tòa soạn, được hưởng nhuận bút hoặc lương cộng tác viên, được đóng góp ý kiến phản biện cho tờ báo, được tham gia các hội nghị cộng tác viên,... Ngoài quyền lợi, cộng tác viên có trách nhiệm tuân thủ các quy định về đăng bài trên tạp chí và các quy định khác đối với cộng tác viên của tòa soạn. Bên cạnh tham gia viết bài, cộng tác viên là những độc giả trung thành, thân thiết của cơ quan báo chí.

Cộng tác viên tạp chí khoa học có một số đặc điểm sau:

Có trình độ chuyên môn cao: Hầu hết cộng tác viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư. Nhiều người trong số họ là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học, có uy tín. Có cộng tác viên chuyên lĩnh vực lý luận báo chí; có cộng tác viên lĩnh vực tuyên giáo; có cộng tác viên chuyên lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước; có cộng tác viên chuyên về lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ...

Cộng tác viên phải là những người có năng lực viết bài báo khoa học, bảo đảm những yêu cầu của ban biên tập về chất lượng nội dung và hình thức bài báo.

Chiếm số lượng đông đảo nhất là các cộng tác viên đã và đang công tác trong các cơ quan nghiên cứu, các viện, các trường đại học...

Cộng tác viên tạp chí khoa học có thể được phân thành các dạng, loại sau:

Căn cứ vào mức độ cộng tác, có cộng tác viên thường xuyên và cộng tác viên không thường xuyên. Cộng tác viên thường xuyên là người có nhiều bài viết được đăng trên tạp chí. Cộng tác viên không thường xuyên có thể chỉ cộng tác một vài lần, thời điểm cộng tác không liên tục. Căn cứ vào lĩnh vực cộng tác, có cộng tác viên theo lĩnh vực, chuyên ngành. Chẳng hạn, cộng tác viên lĩnh vực lý luận chính trị (triết học, chính trị học, nhà nước và pháp luật; tư tưởng Hồ Chí Minh...); cộng tác viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý thực tiễn,…

2. Vai trò của cộng tác viên đối với tạp chí khoa học

Đội ngũ cộng tác viên là lực lượng quan trọng trong sáng tạo các tác phẩm báo chí ở mỗi tạp chí. Chất lượng, uy tín của đội ngũ cộng tác viên tỉ lệ thuận với chất lượng, uy tín của mỗi tạp chí. Thực tế đã cho thấy, ở cơ quan báo, tạp chí nào đội ngũ cộng tác viên được tổ chức tốt, tạp chí đó sẽ có nhiều thông tin, bài viết có chất lượng và ngược lại sẽ rất mờ nhạt. Phát huy sức mạnh đội ngũ cộng tác viên chính là con đường ngắn và hiệu quả tạo nên những thành công của các tạp chí chuyên ngành. Nếu như mỗi tạp chí biết huy động, thu hút, tập hợp, duy trì được nhiều cộng tác viên có uy tín, những cây bút thực sự có uy quyền, có bản lĩnh chính trị vững vàng,có bề dày chuyên môn, nghiệp vụ, biết đáp ứng kịp thời nhu cầu công tác tuyên truyền và mong muốn của đông đảo độc giả thì tạp chí đó sẽ được nhiều bạn đọc quan tâm.

Lênin từng nói: “Nguyên một nhiệm vụ về mặt kỹ thuật - bảo đảm cung cấp tài liệu cho tờ báo một cách đúng đắn và phổ biến đúng đắn tờ báo ấy - cũng đã buộc phải xây dựng một màng lưới những thông tin viên địa phương của một đảng thống nhất, những thông tin viên địa phương này phải liên hệ với nhau một cách sinh động, hiểu biết hoàn cảnh chung của công việc…”.

Trong Hội nghị Cộng tác viên của Tạp chí Tuyên giáo khu vực phía Nam năm 2011, nhà báo Hữu Thọ đã khẳng định: Công tác cộng tác viên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ tòa soạn báo nào. Cần tập hợp trí tuệ của đội ngũ cộng tác viên để phản ánh sát thực tiễn, nêu những vấn đề thực tiễn địa phương đang đặt ra. Trong bài “Công việc của người làm tạp chí” đăng trên Tạp chí Người làm báo số 10 - 2006, tác giả Nguyễn Uyển có nhận xét rất xác đáng về cộng tác viên: “Sức sống thực sự của tòa soạn tạp chí lại chính là đội ngũ cộng tác viên. Họ là người cung cấp nguồn thông tin trên diện rộng, giúp cho việc chỉ đạo của ban biên tập sát thực tế, họ cũng là người tham gia chạy quảng cáo và góp sức vào việc phát hành tạp chí. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên gắn bó, thiết thực, có trình độ, am hiểu công việc tạp chí để đóng góp vào chất lượng tạp chí là trách nhiệm của ban biên tập tạp chí.

Thành công hay thất bại của tạp chí phụ thuộc rất lớn vào cộng tác viên”. Nếu phát huy tốt trí tuệ và vai trò của lực lượng cộng tác viên, tạp chí sẽ có nhiều tin bài kịp thời, nhanh nhạy, phong phú, sâu sát cơ sở, từ đó sẽ làm cho nội dung thêm hấp dẫn. Để làm được điều này, mỗi tạp chí khoa học cần phải có chiến lược cụ thể về phát triển mạng lưới cộng tác viên hợp lý, bảo đảm nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

Nói tóm lại, nâng cao vai trò và tổ chức đội ngũ cộng tác viên là vấn đề không mới đối với các tạp chí khoa học. Nhưng sẽ không bao giờ là vấn đề cũ vì cộng tác viên luôn là nhân tố đóng vai trò then chốt với báo chí nói chung, tạp chí khoa học nói riêng. Tổ chức thế nào để xây dựng và nâng cao vai trò của mạng lưới những người cộng tác thường xuyên, hiệu quả, đồng thời bồi dưỡng, giúp đỡ họ để các tạp chí thu được tác phẩm báo chí có chất lượng cao là công việc không dễ dàng. Điều này đòi hỏi nhận thức thông suốt của các tạp chí khoa học về vai trò của cộng tác viên để chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho công tác quan trọng này. Việc xây dựng, tổ chức và nâng cao vai trò đội ngũ cộng tác viên có thể phải tốn rất nhiều công sức, thời gian và chi phí, nhưng đây là công việc các tạp chí ngành không thể không làm.

3. Một số đề xuất mang tính tổng thể nhằm phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên

Xây dựng đội ngũ cộng tác viên thường xuyên: xây dựng nhóm cộng tác viên nòng cốt là những tác giả uy tín nhất, tích cực nhất trong nhóm cộng tác viên thường xuyên, lúc nào cũng có thể hoàn thành đặt hàng của tạp chí.

Phát hiện, bổ sung những tác giả, cây bút mới có khả năng trở thành cộng tác viên thường xuyên thông qua các đợt phát động cuộc thi viết theo chủ đề của tòa soạn. Cũng có thể bồi dưỡng những tác giả trong nhóm không thường xuyên, có triển vọng để đưa vào danh sách cộng tác viên thường xuyên. Danh sách cộng tác viên được lập, thông tin cá nhân từng tác giả ghi rõ: tên tuổi, chức vụ, địa chỉ cơ quan, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, email; đặc biệt là thông tin về năng lực, sở trường viết bài cộng tác ở chuyên mục, lĩnh vực nào.

Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ: Hàng năm, tạp chí khoa học xây dựng kế hoạch gặp gỡ cộng tác viên để tập huấn nghiệp vụ báo chí và định hướng tuyên truyền, giới thiệu những vấn đề tạp chí cần ở cộng tác viên.

Giữ mối quan hệ thường xuyên với cộng tác viên: Thông qua nhiều hình thức: Tổ chức hội nghị cộng tác viên, gặp gỡ trực tiếp, điện thoại, email,… phóng viên, biên tập viên giữ mối liên hệ thường xuyên với cộng tác viên.

Có chính sách đãi ngộ cộng tác viên: Chế độ nhuận bút; chế độ báo biếu; chế độ cung cấp thông tin, tài liệu; chế độ tọa đàm, hội thảo, trao đổi trong phạm vi hẹp; chế độ mời cơm cộng tác viên ở các địa phương về tòa soạn trao đổi công việc; chế độ thưởng bài hay hằng tháng, hằng năm; chế độ thăm hỏi cộng tác viên…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Hải Anh (2011), Cách thức xử lý tin bài của thông tin viên, cộng tác viên và thư bạn đọc, Khóa luận tốt nghiệp đại học báo chí, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
  2. Vũ Lan Dung (2010), Sử dụng thông tin từ bạn đọc và cộng tác viên trên

Tuần Việt Nam (Vietnamnet.vn) năm 2009 - Khóa luận tốt nghiệp đại học báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

  1. Nguyễn Văn Dững (2012), Cơ sở lý luận báo chí, Nxb Lao động, Hà Nội.
  2. Hà Minh Đức (2010), C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin với báo chí, Nxb Chính trị Quốc gia.
  3. Nguyễn Thành Lợi (2011), Phạm Minh Sơn, Thông tấn báo chí - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản, NXB Thông tin và Truyền thông, Nxb Thông tin và Truyền thông.
  4. Lê Thị Nhã (2010), Lao động Nhà báo - Lý thuyết và Kỹ năng cơ bản, Nxb

Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

 

Dương Thị Thanh Xuân - ThS. Lê Thị Phương Thảo (Trường Đại học Công đoàn) thực hiện.

 

The role of collaborators in the organization and operation

of scientific journals

Ph.D Duong Thi Thanh Xuan

Master. Le Thi Phuong Thao

Trade Union University

Abstract:

For press agencies in general and scientific journals in particular, collaborators play a key role from the creation of works to the publication. With their own characteristics, it is necessary for scientific journals to develop and promote the role of collaborators to commensurate with the role, position and political mission of journals. This study evaluates the role of scientific journal collaborators and makes some suggestions to prômte the role of these collaborators in the organization and operation of scientific journals.

Keywords: scientific journals, collaborators, role, journalism.