Việt Nam - Thụy Sỹ tăng cường hợp tác giao thương

Ngày 11/10/2016, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã có buổi làm việc với Bà Marie Gabrielle Ineichen - Quốc vụ khanh, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Kinh tế (SECO), Bộ Kinh tế - G

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cảm ơn Chính phủ Thụy Sỹ đã luôn ủng hộ Việt Nam, nhất là trong thời kỳ thống nhất đất nước.

Thứ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đánh giá cao và luôn coi Thụy Sỹ là một trong những đối tác tiềm năng quan trọng về kinh tế, thương mại tại châu Âu và mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này. Với các thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ và phát triển công nghệ kỹ thuật cao của Thụy Sỹ, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư với Thụy Sỹ trong các lĩnh vực, như: năng lượng, cơ khí, hóa chất, vận tải tàu biển, phát triển cơ sở hạ tầng, chế biến thực phẩm và đào tạo.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chủ trì buổi làm việc

Việt Nam là một trong số những nước mà Thụy Sỹ ưu tiên hỗ trợ viện trợ phát triển (ODA). Các dự án ODA của Thụy Sĩ dành cho Việt Nam được đánh giá hiệu quả, thiết thực, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình hợp tác phát triển trong giai đoạn tới.

Năm 2016 kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Thụy Sỹ - một mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lịch sử. Thụy Sỹ là một trong số những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự hợp tác và phát triển lâu đời giữa hai bên đã tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa hai bên.

Bà Marie Gabrielle Ineichen - Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ rất vui mừng được quay trở lại Việt Nam sau 5 năm. Bà chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng kể trong những năm qua.

Bà Marie Gabrielle Ineichen chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua

Trong số các nước ASEAN, Thụy Sỹ đặc biệt ưu tiên phát triển kinh tế thương mại và đầu tư công nghiêp với Việt Nam và Indonesia. Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam đã ra khỏi danh sách các nước chậm phát triển, nhưng Chính phủ Thụy Sỹ vẫn duy trì viện trợ không hoàn lại cho phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Hiện tại, Quốc hội Thụy Sỹ đang xem xét tiếp tục cung cấp gói ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2020.

Hai bên đều bày tỏ quyết tâm phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước và đặt nhiều kỳ vọng vào Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA trong tương lai.


Quang Minh