Giải bài toán nhập siêu cũng khó như kiềm chế lạm phát

6 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của các nước đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra nhờ kinh tế thế giới tiếp tục đi lên, nhu cầu hàng hóa tăng, đặc biệt giá nhiều loại h
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó yếu tố tăng do giá ước đạt 15,6% và yếu tố tăng do lượng ước đạt 14,7%, đạt 53% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2011 là 79,4 tỷ USD). Như vậy, bình quân mỗi tháng, xuất khẩu đạt 7,06 tỷ USD, cao hơn mức bình quân kế hoạch (kế hoạch 6,62 tỷ USD/tháng). Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt xấp xỉ 49 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 21,4 tỷ USD, tăng 29,7%. Như vậy, nhập siêu 6 tháng năm 2011 là gần 6,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần cải thiện cán cân thương mại, giảm nhập siêu. Cụ thể tỷ lệ nhập siêu/ xuất khẩu đã giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2010 (6 tháng năm 2010, tỷ lệ này là 21,8%) và đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. 

Những nguyên nhân chưa được khắc phục
Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 16% kim ngạch xuất khẩu theo chỉ tiêu Chính phủ giao được nhận định là khó khả thi. Bởi thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, hàng loạt quy định siết chặt nhập đã được áp dụng. Tuy nhiên, các biện pháp giảm nhập siêu chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hóa cần hạn chế và kiểm soát nhập khẩu, trong khi tỷ trọng của hai nhóm này chỉ chiếm 16,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Ngược lại, nhóm hàng cần nhập khẩu gồm: máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng hơn 83,1%, nhưng các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nhóm này chưa thật sự phát huy tác dụng. Giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng đã làm tăng kim ngạch nhập khẩu, ước tính giá và lượng hàng hóa tăng đã góp phần đưa kim ngạch nhập khẩu tăng thêm gần 10 tỷ USD, trong đó tăng do giá chiếm khoảng 80%. Cụ thể, giá bông tăng 106,8%, giá xăng dầu tăng 43,8%, giá sợi dệt tăng 38,5%, giá lúa mì tăng 40,6%, giá khí đốt tăng 21,6%, giá chất dẻo tăng 18,8%... Đáng chú ý là tăng giá xăng dầu, 5 tháng đầu năm, xăng dầu nhập khẩu đã lên đến trên 5,14 triệu tấn với giá trị hơn 4,5 tỷ USD, trong khi tăng về lượng chỉ 15,6% thì tăng về giá lên đến 41%. Nhiều năm liền xuất khẩu dầu thô đủ bù cho nhập khẩu xăng dầu, nhưng 5 tháng qua, xuất khẩu dầu thô chỉ thu về 3 tỷ USD... Nhiều mặt hàng thuộc danh mục không khuyến khích nhập khẩu vẫn tiếp tục tràn về, làm tăng kim ngạch nhập khẩu bất chấp những biện pháp thắt chặt của các cơ quan quản lý Nhà nước, như: ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 67,1%; đá quý và các sản phẩm tăng 39%, nhập khẩu vàng đạt 425 triệu USD, tăng 39%... Một vấn đề nữa là việc các doanh nghiệp FDI thường xuất siêu mạnh thì 6 tháng đầu năm đã nhập khẩu tăng 29,7%. Nếu không kể dầu thô, nhập siêu của doanh nghiệp FDI 6 tháng đầu năm ước khoảng 1,84 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng nhập siêu cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, những yếu tố này mới phản ánh bề nổi của vấn đề. Bởi nhập siêu của Việt Nam từ lâu đã được cảnh báo do ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển là nguyên nhân quan trọng cơ bản nhất khiến nhập siêu tăng đều hàng năm. Với một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhưng hầu hết nguyên liệu, máy móc, thiết bị đều phải nhập khẩu, đương nhiên sẽ dẫn đến nhập siêu. Tất nhiên, với một nền kinh tế đang phát triển, việc nhập khẩu là bình thường nhưng đáng lo ngại, tình hình này sau nhiều năm đến nay vẫn chưa thay đổi. Trong khi đó, một trong những biện pháp hạn chế nhập siêu là tăng xuất khẩu, nhưng thực tế hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu giá trị lớn, song giá trị gia tăng không nhiều thì càng làm tăng nhập khẩu và có tác dụng ngược lại (dệt may là ví dụ điển hình khi phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu, hay xuất khẩu không bù đắp được nhập khẩu như dầu thô). Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhưng trong xuất khẩu lại thiếu vắng nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu đúng nghĩa. Đây là nguyên nhân khiến biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu ít phát huy tác dụng.

Biện pháp để hạn chế, kiểm soát nhập siêu
Trong những tháng tới, nhập khẩu có xu hướng tiếp tục tăng lên và giải bài toán nhập siêu cũng khó như kiềm chế lạm phát, đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa. Ông Bùi Thái Quang - Phó Chánh văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết, cần cơ cấu lại mặt hàng nhập khẩu một cách hợp lý như: cơ cấu lại nhóm hàng cần khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật hải quan, biện pháp thuế song song với các giải pháp về tín dụng để hạn chế nhập hàng tiêu dùng không thiết yếu. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ xây dựng các biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu; lập đoàn kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa mua bán, trao đổi, kiểm tra xuất xứ hàng hóa của các doanh nghiệp trong các khu phi thuế quan tại Khu kinh tế cửa khẩu, nhằm ngăn chặn và hạn chế các hiện tượng gian lận thương mại đồng thời thống nhất thông tin dữ liệu giá. Còn ông Nguyễn Quốc Anh - Vụ Kinh tế - Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để đẩy mạnh sản xuất trong nước, thay thế nhập khẩu, trước mắt phải có các biện pháp rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư chưa thật sự cần thiết, sẽ góp một phần vào việc giảm nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 10 đoàn đi kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước về việc thực hiện cắt giảm các dự án đầu tư chưa thật cần thiết. Tính đến hết tháng 4 năm 2011, tổng giá trị các dự án thực hiện cắt giảm trong cả nước là 79.262 tỷ đồng, tương đương 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương: Hoạt động xuất khẩu từ tháng 5 có sự tăng trưởng không được mạnh, trái với chu kỳ tăng trưởng thường thấy. Đây chính là độ trễ của chính sách tiền tệ từ đầu năm. Hiện lãi suất cao nên vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu những tháng tới có nhiều yếu tố khó lường. Do đó, một trong những yếu tố đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, chính là tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do. Một biện pháp quan trọng là quản lý nhập khẩu, hạn chế nhập những mặt hàng không cần thiết, Ngành Công Thương đã quán triệt tới các doanh nghiệp, địa phương trong hoạt động đầu tư cho các dự án EPC, thực hiện theo đúng yêu cầu của Chính phủ là cố gắng sử dụng thiết bị, vật tư trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, các Sở Công Thương cũng cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thành phố, đặc biệt trong việc rà soát hợp đồng EPC. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường nhiều biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng xuất khẩu. Bộ Công Thương đang hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về quy trình quản lý nhập khẩu máy móc thiết bị, hàng hóa vật tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn bảo lãnh Chính phủ… tiếp tục thực hiện Chỉ thị thị 21 của Bộ Công Thương về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu. Hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành Chương trình hành động quốc gia sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu; Phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nhóm hàng tiêu dùng xa xỉ, không thiết yếu.
Một điều đáng lưu ý là đến nay, có khoảng hơn 40 văn bản được ban hành nhằm kiềm chế nhập siêu, nhưng tỷ lệ nhập siêu vẫn quá cao như vậy cho thấy nhiều chính sách vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, bởi có những chính sách mang tính chất áp đặt, hành chính không phù hợp. Vì thế, trong thời gian tới, Chính phủ cần có một chính sách quyết liệt hơn, tạo môi trường tốt và tăng năng lực hỗ trợ cho các ngành xuất khẩu.

TÌNH HÌNH HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM TRONG THÁNG 6 VÀ 6 THÁNG NĂM 2011

5 thị trường Việt Nam nhập siêu trên 1 tỷ USD
  • Tags: