Xác định các thị trường trọng điểm xuất khẩu thịt gà chế biến

Việt Nam phấn đấu xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hồng Kông, 5 nước Liên minh Kinh tế Á - Âu, các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc.

Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030 vừa được phê duyệt tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023.

Phấn đấu xuất khẩu thịt gà chế biến sang các thị trường trọng điểm

Đáng chú ý, Quyết định nêu rõ, phấn đấu xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hồng Kông; 5 nước Liên minh Kinh tế Á - Âu; các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, xuất khẩu được trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Hoa Kỳ và các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.

Xuất khẩu được thịt lợn sang Malaysia, Trung Quốc. Xuất khẩu được sữa và sản phẩm sữa sang Malaysia và Indonesia. Xuất khẩu được mật ong và sản phẩm ong sang Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác.

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 cũng đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Chiến lược định hướng đến năm 2030, tổng sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 6 - 6,5 triệu tấn, cụ thể thịt lợn từ 59 - 61%, thịt gia cầm từ 29 - 31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10 - 11%. Trong đó, xuất khẩu từ 15 - 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 - 25% thịt và trứng gia cầm; sản lượng trứng đạt khoảng 23 tỷ quả và 2,6 triệu tấn sữa.

Đến năm 2030, tổng đàn lợn có mặt thường xuyên ở quy mô từ 29 - 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái từ 2,5 - 2,8 triệu con, đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%; tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 500 - 550 triệu con, trong đó khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp.

Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 - 30% vào năm 2025, từ 40 - 50% vào năm 2030…

thịt gà xuất khẩu
Phấn đấu xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hồng Kông, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc.

Tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật

Để tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật, trong giai đoạn 2023 – 2030 mục tiêu 100% trạm kiểm dịch đầu mối giao thông được rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp bảo đảm đúng quy định của pháp luật. 100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ.

Để nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vaccine thú y đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, giai đoạn 2023 – 2030 phấn đấu có ít nhất 02 phòng thử nghiệm trọng điểm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được xây dựng phục vụ kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc, vaccine thú y và 01 phòng thử nghiệm trọng điểm về kháng thuốc.

Mục tiêu chung của Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030 nhằm xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, có 06 vùng của tỉnh Bình Phước và 01 vùng của tỉnh Tây Ninh, 12 vùng khác của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; 04 vùng của tỉnh Bình Phước và 01 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH)

Đến năm 2030, các vùng đã đạt an toàn dịch bệnh tiếp tục được duy trì; các huyện còn lại của các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên được xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; có 08 vùng khác của tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của WOAH.

Thanh Hà