Xây trạm thuỷ điện nhỏ ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc

Một hướng quan trọng khác là bằng khả năng của trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân, ra sức xây dựng nhiều trạm thủy điện nhỏ ở các vùng, nhất là ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc để giải quyết nguồn điện tại chỗ.
Tây Nguyên
Tổ máy số 4 Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại chính thức phát điện từ cuối năm 1986. (Ảnh: TTXVN)

Tây nguyên thiếu điện

Tây Nguyên và miền núi phía Bắc trong thời kỳ trước năm 1995 luôn thiếu điện. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Chính phủ đã dành nhiều vốn đầu tư để xây dựng và hoàn thành nhiều công trình quan trọng:

+ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, hoàn thành năm 1994 có công suất lắp máy 1.920 MW, lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, đến năm 2012 mới bị phá vỡ kỷ lục bởi Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất 2.400 MW.

+ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại hoàn thành đưa vào vận hành năm 1986, có công suất thiết kế 440MW bao gồm 4 tổ Tuốc bin - máy phát và 8 lò hơi theo khối 2 lò/máy, mỗi tổ máy có công suất 110MW.

Trong những năm đầu của thời kỳ Đổi mới này, sự đóng góp điện năng kịp thời hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia của nhà máy rất quan trọng, vì thời gian đó chúng ta thiếu điện trầm trọng cho sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt. Nhiệt điện Phả Lại được coi như một cứu tinh đối với ngành Điện miền Bắc, cho đến khi Thủy điện Hòa Bình vận hành đầy đủ 8 tổ máy.

+ Đường dây 500kV Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.487 km gồm 3.437 cột điện tháp sắt đi qua 14 tỉnh thành gồm Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sông Bé (nay là các tỉnh Bình Phước, Bình Dương), Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó qua vùng đồng bằng là 297 km (chiếm 20%), trung du - cao nguyên là 669 km (chiếm 45%), núi cao, rừng rậm là 521 km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông (sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn) và 17 lần vượt quốc lộ. Công trình phát lệnh khởi công ngày 05/4/1992, nghiệm thu đóng điện tháng 5/1994.

Thời điểm này Việt Nam đã xây dựng xong Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Ngày 27/5/1994, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã phát lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình qua đường dây 500kV. Về mặt kỹ thuật, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 hợp nhất hệ thống điện 3 Miền (trước đây vận hành độc lập với nhau) nhờ đó tăng cường được sự hỗ trợ qua lại thế mạnh của hệ thống điện giữa các miền, tăng tính ổn định và độ tin cậy chung của toàn hệ thống.

Ngoài nguồn điện từ miền Bắc vào qua đường dây 500 kV mạch 1, một công việc cấp bách là bảo đảm điện cho các tỉnh khu V và Tây Nguyên thông qua đẩy nhanh xây dựng những cơ sở điện mới đã được xác định, đồng thời tăng thêm dầu và phụ tùng để sử dụng tốt hơn những cơ sở điện hiện có.

Ở miền Nam, với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô, Nhà máy Thủy điện Trị An đã phát điện tổ máy số 1 ngày 30/4/1988 và khánh thành 1991. Nhà máy có 4 tổ máy, với tổng công suất thiết kế 400 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 1,7 tỷ kWh.

Xây trạm thuỷ điện nhỏ

Một hướng quan trọng khác là bằng khả năng của trung ương và địa phương, Nhà nước và nhân dân, ra sức xây dựng nhiều trạm thủy điện nhỏ ở các vùng, nhất là ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc để giải quyết nguồn điện tại chỗ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đồng bào các dân tộc.

Đi đôi với nguồn, cần xây dựng kịp thời và đồng bộ các hệ thống lưới điện, từ cao thế đến trung thế và hạ thế. Hoàn thành cải tạo lưới điện Hà Nội, Hải Phòng; tăng thêm nguồn điện và lưới điện cho Đồng bằng sông Cửu Long; tiến hành chuẩn bị cải tạo lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác khi có điều kiện. Cải tiến việc phân phối và sử dụng điện, nhằm trước hết bảo đảm một cách ổn định nhu cầu của các trọng điểm về kinh tế và xã hội.

Đào Mạnh Đức