Xuất khẩu cá tra Việt Nam dự báo đạt kim ngạch 1,77 tỷ USD trong năm 2023

Những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ phục hồi do thị trường bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ lớn, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,77 tỷ USD.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8/2023 đạt 170 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm 12% trong tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng trước đó (các tháng 5,6,7 ghi nhận giảm 23-36%).

Mặt hàng chủ lực xuất khẩu cá tra Việt Nam là cá tra thuộc mã 0304 (trừ sản phẩm chả cá và surimi) đạt 973 triệu USD, chiếm 82% tỷ trọng. Theo sau đó là các sản phẩm cá tra sống/tươi/đông lạnh/ khô (thuộc mã 03) (trừ cá thuộc mã 0304) đạt 192 triệu USD, chiếm 16% tỷ trọng và cá tra chế biến khác (thuộc mã 16) đạt 20 triệu USD, chiếm 2% tỷ trọng.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam dự báo đạt kim ngạch 1,77 tỷ USD năm 2023
Xuất khẩu cá tra Việt Nam dự báo đạt kim ngạch 1,77 tỷ USD trong năm 2023

Thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam có tín hiệu tích cực

Về thị trường tiêu thụ, tháng 8/2023, xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính như Trung Quốc & Hongkong, Mỹ, EU, CPTPP tiếp tục giảm 2 con số. Trong tháng 8 này, xuất khẩu sang một số thị trường nhỏ hơn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như Saudi Arabia tăng 79%,  Brazil tăng 53%, Colombia tăng 14%, Ai Cập tăng 14%.

Tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, 8 tháng đầu năm 2023 nhập khẩu 378 triệu USD cá tra của Việt Nam, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 8/2023, riêng thị trường Trung Quốc nhập khẩu 354 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, liên tục dẫn đầu top các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đã có tín hiệu tích cực hơn khi khoảng cách sụt giảm đã dần thu hẹp. Nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức giảm này thu hẹp còn 15%. Từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc và Hồng Kông luôn duy trì vị trí số 1 về tiêu thụ cá tra Việt Nam. So với các thị trường chính, Trung Quốc và Hồng Kông duy trì tăng trưởng cao nhất.” - Bà Lê Hằng, đại diện VASEP thông tin.

Thị trường Hoa Kỳ duy trì vị trí số 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam, sau Trung Quốc và Hồng Kông. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt kim ngạch 184 triệu USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 8/2023, thị trường Hoa Kỳ nhập khẩu 25 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tồn kho ở thị trường này đã có xu hướng giảm, cùng với đó, sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam được kỳ vọng sẽ là tín hiệu tốt cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ.

Bên cạnh đó, theo kết quả sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19), có 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đã nhận được mức giảm thuế chống bán phá giá về 0 USD/kg và từ 3,87 USD/kg về 0,14 USD/kg lần lượt là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản cần Thơ. Đồng thời, 1 doanh nghiệp nhận thuế suất riêng rẽ giảm từ 1,94 USD/kg xuống còn 0,14 USD/kg và 32 công ty nhận thuế suất toàn quốc giảm từ 2,39 USD/kg về 0,14 USD/kg.

Như vậy, mức thuế sơ bộ POR19 đã giảm đáng kể, đây cũng là một tín hiệu khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - basa của Việt Nam trong thời gian tới.

Xem thêm bài viết: “Hoa Kỳ kết luận sơ bộ POR: Giảm thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam dự báo đạt kim ngạch 1,77 tỷ USD năm 2023
Sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam theo thị trường, theo quý. (Nguồn: AgroMonitor, Vietcap)

Tại thị trường CPTPP tiếp tục duy trì là khối thị trường đứng thứ 3 về nhập khẩu cá tra sau Trung Quốc & Hồng Kông và Mỹ. Tính đến hết tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường CPTPP đạt 158 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh sụt giảm chung, hầu hết các thị trường trong khối CPTPP cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam từ 1-47%. Tuy nhiên, một số thị trường nhỏ trong khối vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số như Brunei tăng 12%, New Zealand tăng 16%.

Thị trường EU 8 tháng đầu năm nay nhập khẩu 115 triệu USD cá tra từ Việt Nam, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra sang EU trong tháng 5 - tháng 7 đều ghi nhận giảm 13% - 22%. Hầu hết các thị trường trong khối EU đều giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam từ 14-65%.

Một vài điểm sáng vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số trong khối thị trường này là: Thụy Điển tăng 28%, Đức tăng 19%, Đan Mạch tăng 18%. Một số thị trường ghi nhận tăng trưởng dương 3 - 4 con số như Estonia tăng 138%, Phần Lan tăng gấp hơn 11 lần.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam dự báo đạt 1,77 tỷ USD

Tại Diễn đàn quốc tế về xuất khẩu cá tra do VASEP tổ chức ngày 24/8/2023, các diễn giả đã cho rằng, sau nhiều tháng giảm sâu, xuất khẩu cá tra đã có tin hiệu khả quan từ nhiều thị trường.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Trường Giang cho biết, trong tháng 7 và tháng 8/2023, lượng hàng thủy sản, trong đó có cá tra xuất khẩu của công ty đang trên đà tăng trưởng trở lại.

Đây là tín hiệu thị trường phục hồi trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024.” - Ông Ong Hàng Văn nhấn mạnh.

Còn theo đại diện Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp này cũng đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU đã đạt 153 tỷ đồng trong tháng 7/2023, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 13% và doanh thu xuất khẩu sang các thị trường còn lại tăng 20% so với hồi tháng 7/2022.

Ông Willemink Arno, Giám đốc vận hành De Heus Việt Nam cho rằng, với nhu cầu thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên tập trung vào những thị trường có chi phí thấp. Đồng thời, tập trung chuẩn bị cho những thị trường tiềm năng sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm và năm 2024, khi nền kinh tế phục hồi trên toàn cầu; cùng với giá nguyên liệu thức ăn cho cá tra dần ổn định…

Nửa cuối năm 2023, tỉ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ do thị trường bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn. “Nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, nông dân và doanh nghiệp có nguồn vốn tốt để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp chế biến tiếp tục trụ vững, thì xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD, giảm hơn 0,5 tỷ USD so với dự kiến ban đầu là 2,3 tỷ USD” - bà Lê Hằng nhận định.

Huyền My